Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Lý do gây thù hận tôn giáo ở Miến Điện



Trong tất cả những giáo huấn đạo đức đạo Phật được thấm nhuần trong các nhà sư, thì việc tránh sát sinh được nhắc tới đầu tiên, và nguyên tắc bất bạo động được cho là nằm ở vị trí trung tâm, quan trọng hơn nhiều đối với đạo Phật so với bất kỳ tôn giáo lớn nào khác.

Đây là điều đang diễn ra tại hai quốc gia nằm cách nhau cả ngàn dặm trên Ấn Độ Dương - Miến Điện và Sri Lanka.
Vậy tại sạo các vị sư lại có những bài diễn thuyết đầy thù hận chống lại người Hồi giáo và cùng hòa vào những đám đông giận dữ vốn đã khiến hàng chục người thiệt mạng?

Vấn đề là cả hai nước này đều đang không hề phải đối diện với mối đe dọa từ các tay súng Hồi giáo cực đoan.
Người Hồi giáo ở cả hai nơi đều là những cộng đồng nhỏ, sống hiền hòa.
Tại Sri Lanka, giết mổ gia súc theo nghi thức Hồi giáo (halal) là một vấn đề. Được các nhà sư dẫn đầu, các thành viên Bodu Bala Sena, Lữ đoàn Phật tử, đã có các cuộc tuần hành kêu gọi có hành động trực tiếp, tẩy chay các cơ sở kinh doanh của người Hồi giáo, và đặt các rào chặn bao quanh các gia đình Hồi giáo.
Ở Sri Lanka, không có người Hồi giáo nào bị giết chết. Nhưng tình hình tại Miến Điện nghiêm trọng hơn nhiều.
Tại đây, sự thù hận được lan ra từ nhóm 969, là nhóm do một nhà sư dẫn đầu. Sư Ashin Wirathu đã từng bị tù hồi năm 2003 với tội danh kích động hận thù tôn giáo.
Được thả năm 2012, ông tự gọi mình một cách kỳ cục là "Bin Laden Miến Điện".
Hồi tháng Ba, đã xảy ra làn sóng bạo lực trực tiếp nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo ở thị trấn Meiktila thuộc miền trung Miến Điện, khiến ít nhất 40 người chết.
Các ngôi làng của người Hồi giáo ở Meiktila đã bị thiêu trụi hồi tháng Ba
Nguồn cơn bắt đầu từ một cửa hàng vàng. Các phong trào ở cả hai nước đều khai thác tâm trạng bất mãn về kinh tế, một nhóm tôn giáo thiểu số bị dùng làm vật thế mạng cho sự bực tức của nhóm người đa số.
Hôm thứ Ba, các Phật tử hung hăng đã tấn công các thánh đường Hồi giáo và phóng hỏa đốt hơn 70 ngôi nhà ở Oakkan, nằm phía bắc Rangoon, sau khi một cô gái Hồi giáo đi xe đạp đâm phải một nhà sư.
Một người thiệt mạng và chín người bị thương.
Nhưng phải chăng các nhà sư Phật giáo không phải là những người tốt có đức tin?
Tất cả những ai theo đạo Phật đều được dạy rằng cách suy nghĩ hung hãn là chuyện xấu.
Phật giáo thậm chí còn được dạy cách thức cụ thể để hóa giải tâm trạng này. Nhờ thiền, sự khác biệt giữa cảm giác của mình và của những người khác sẽ được xoa dịu, trong lúc bạn sẽ mong muốn cho vạn vật đều được sinh sôi nảy nở.
Tất nhiên, Thiên chúa giáo cũng có lời răn dạy yêu thương. "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi con," là lời dạy của Chúa Jesus.
Nhưng bất kể mỗi tôn giáo được khởi đầu ra sao, thì sớm muộn nó cũng đi vào một liên minh với quyền lực nhà nước.
Các nhà sư Phật giáo trông chờ vào sự ủng hộ, ban phước và quyền lực mà chỉ các vị vua mới có thể đem lại. Các vị vua thì trông vào các nhà sư nhằm lấy được sự chính danh mà chỉ những người đức cao vọng trọng mới có thể đưa ra.
Những người tham gia thập tự chinh, các tay súng Hồi giáo cực đoan, hay các lãnh đạo của "các quốc gia yêu tự do", đều biện hộ cho việc cần có hành vi bạo lực bằng việc nhân danh một lý do cao cả hơn.
Các nhà cầm quyền theo Phật giáo và các nhà sư cũng không nằm ngoài ngoại lệ này.
Xét về mặt lịch sử mà nói, thì Phật giáo cũng không phải là một tôn giáo hiền hòa hơn Thiên chúa giáo.
Một trong những vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Sri Lanka là Dutugamanu, người đã thống nhất hòn đảo hồi thế kỷ thứ hai trước Công nguyên.
Ông được cho là đã đặt một thánh tích Phật giáo vào trong chiếc thương của mình và đưa 500 vị sư đi cùng trong cuộc chiến chống lại một vị vua không theo Phật giáo.
Ông đã hủy diệt đối phương. Sau cuộc tắm máu, một số người đã tán dương ông: "Giết chúng như giết thú vật; Ngài sẽ khiến đức tin Phật giáo tỏa sáng."
Những người cầm quyền Miến Điện biện hộ cho các cuộc chiến nhân danh điều mà họ gọi là học thuyết Phật giáo thực sự.
Tại Nhật Bản, nhiều võ sĩ đạo samurai là những người theo Thiền của đạo Phật và đưa ra nhiều lý lẽ biện hộ. Chẳng hạn, giết một kẻ phạm tội khủng khiếp chính là một hành động trắc ẩn.
Lý lẽ này cũng được nhắc lại khi Nhật Bản huy động sức mạnh để tham gia Đại chiến Thế giới thứ hai.
Đạo Phật đã giữ vai trò dẫn dắt các phong trào theo chủ nghĩa dân tộc trong lúc Miến Điện và Sri Lanka muốn lật đổ sự thống trị của Đế chế Anh.
Đôi lúc đã nổ ra tình trạng bạo lực. Hồi thập niên 1930, ở Rangoon các nhà sư đã dùng dao đâm chết bốn người châu Âu.
Quan trọng hơn, nhiều người cảm thấy đạo Phật chính là một phần trong tính cách dân tộc của mình, và việc có những nhóm người nhỏ khác trong quốc gia vừa mới giành được độc lập này là điều khiến họ khó chịu.
Năm 1983, căng thẳng sắc tộc ở Sri Lanka đã bùng nổ thành cuộc nội chiến. Theo sau các cuộc tàn sát bài người Tamil, các nhóm Tamil đòi ly khai ở miền bắc và miền đông hòn đảo này đã tìm cách tách khỏi chính phủ của người Sinhale chiếm đa số.
Làn sóng bạo lực mới đây khiến nhiều người Hồi giáo ở Miến Điện bị mất nhà cửa
Trong cuộc chiến, cuộc bạo động tồi tệ nhất chống lại người Hồi giáo ở Sri Lanka đã xảy ra do các phiến quân Tamil. Nhưng sau khi cuộc giao tranh chấm dứt một cách đẫm máu với sự thất bại của các phiến quân hồi 2009, dường như sự giận dữ của cộng đồng chiếm đa số đã tìm được mục tiêu mới, cộng đồng Hồi giáo thiểu số.
Ở Miến Điện, các vị sư nắm giữ sức mạnh tinh thần trong việc thách thức chính quyền quân sự nhằm đòi dân chủ trong cuộc cách mạng 2007. Các cuộc biểu tình hòa bình là vũ khí chính khi đó, và các nhà sư đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Nay một số nhà sư đang dùng sức mạnh tinh thần của mình để phục vụ cho một cái đích hoàn toàn khác.
Chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng với 500 ngàn người nếu tính cả những đứa trẻ được gửi vào các tu viện nhằm trốn cảnh đói nghèo hay mồ côi, thì các nhà sư rõ ràng chiếm một lượng đáng kể trong số giới trẻ giận dữ.
Hiện người ta vẫn chưa nắm được bản chất thực sự của mối quan hệ giữa những đối tượng Phật giáo cực đoan và các đảng cầm quyền ở cả hai quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng đầy quyền lực của Sri Lanka, Gotabhaya Rajapaksa, là khách danh dự trong lễ khai trương trường huấn luyện Lữ đoàn Phật tử, và ông đã nhắc tới các nhà sư như là những người "bảo vệ đất nước, tôn giáo và chủng tộc của chúng ta".
Nhưng thông điệp bài Hồi giáo dường như đã chạm được vào các bộ phận dân chúng.
Tuy không chiếm đa số ở cả hai quốc gia, nhưng nhiều người theo đạo Phật chia sẻ rằng đất nước họ phải được thống nhất, và rằng tôn giáo của họ đang bị đe dọa.
Người ta tin rằng Hồi giáo cực đoan là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột bạo lực nhất trên thế giới. Họ cảm thấy rằng họ đang họ đang bị đấy tới hướng phải cải đạo bởi những niềm tin tôn giáo cực đoan hơn. Và họ cảm thấy rằng nếu như các tôn giáo khác đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn, thì họ cũng phải nên như vậy.
Alan Strathern là một nhà nghiên cứu về lịch sử tại trường Brasenose College, thuộc Đại học Oxford và là tác giả cuốn sách "Kingship and Conversion in Sixteenth-Century Sri Lanka: Portuguese Imperialism in a Buddhist Land" (tạm dịch "Vương triều và Cải đạo trong Thế kỷ 16 tại Sri Lanka: Chủ nghĩa Đế quốc Bồ Đào Nha ở miền đất Phật giáo").

Không có nhận xét nào: