Vụ bạo loạn ở Thụy Điển đã sang tới ngày thứ ba, sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắn chết, khiến người dân lo lắng do đây là quốc gia được tiếng là bình yên.
Bạo loạn lan ra từ khu Husby tới chín nơi khác nhau ở ngoại ô thành phố Stockholm, và cảnh sát hiện đã bắt giữ tám người.
Người sáng lập một tổ chức thanh niên ở khu vực này nói với truyền thông, rằng bạo loạn xảy ra là do “cảnh sát hung bạo”.Theo truyền thông Thụy Điển, bạo loạn diễn ra đêm Chủ nhật 19/05, có hơn 100 xe hơi bị đốt.
Hồi tuần trước, cảnh sát bắn chết một người đàn ông 69 tuổi, được cho là dân nhập cư, sau khi người này đe doạ cảnh sát bằng dao.
Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt tuyên bố trước báo giới hôm thứ Ba 21/05 rằng Thụy Điển sẽ không lùi bước trước những kẻ bạo loạn.
Nhiều người dân trong khu vực này nói từng bị cảnh sát xúc phạm và có người bị gọi là ‘bọn khỉ’.
Hơn 80% dân sống ở khu Husby có nguồn gốc nhập cư, phần lớn là người Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Somalia.
Ông Reifeldt nói trong những năm gần đây tình hình ở khu này đã dần được cải thiện, có nhiều việc làm hơn và tỷ lệ phạm tội giảm đáng kể.
Chính quyền Thụy Điển cũng khuyên người dân nên làm đơn báo nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì khiến họ bất bình.
'Đông người nước ngoài'
"Xã hội Thụy Điển bây giờ không còn là thuần chủng da trắng tóc vàng nữa rồi, chính vì thế tôi không cảm thấy bị tách biệt khỏi xã hội này vì xung quanh tôi rất đông những người nước ngoài."
Một người Việt đang sống tại Thụy Điển nói với BBC tiếng Việt rằng cô thấy ‘rất sốc’ và không hiểu vì sao lại xảy ra bạo loạn vì Thụy Điển vốn rất bình yên.
“Trong xã hội Thụy Điển, một vụ nổ nhỏ không có ai tử vong, mà nó xảy ra cách đây ba năm mà ai cũng vẫn nhớ, thì câu chuyện này nó quá sốc đối với người dân Thụy Điển,” cô Nguyễn Kim Ngân nhận xét.
Khi được hỏi về vấn đề kỳ thị người nước ngoài, cô Kim Ngân trả lời, “tôi đã sống ở Thụy Điển được ba năm, và cũng là người nước ngoài, nhưng cá nhân tôi và gia đình mình không bị đối xử khác biệt so với người Thụy Điển.”
Nhà báo tự do Kim Ngân cho rằng, Thụy Điển là đất nước khá tự do và cân bằng, an sinh xã hội tốt, và “khi người dân có gì bất bình thì họ được quyền nói, họ được quyền ra ý kiến công khai”.
Cô cũng nhận xét, ở Thụy Điển có rất nhiều các nhóm người nhập cư với nhiều lý do khác nhau, như người Trung Đông, Bắc Phi thường tị nạn chính trị, người châu Á, người Việt Nam phần lớn làm kinh tế, và thái độ, suy nghĩ, cách cư xử của người Thụy Điển đối với các nhóm người nhập cư cũng khác nhau.
Cộng đồng người Việt Nam chan hòa, “đặc biệt là chăm chỉ làm việc, và tôi thấy người Thụy Điển rất tôn trọng người Việt ở đây vì họ tập trung làm ăn và có học vấn”.
Những người lớn tuổi, thế hệ trước thì họ có thể khép mình hơn, nhưng thế hệ thứ hai, những người trẻ, những người được sinh ra ở đây thì họ là người Thụy Điển, và không có vấn đề gì trong chuyện hòa nhập theo quan sát của Kim Ngân về mức độ hòa nhập của người Việt Nam ở đây.
Về vấn đề sắc tộc, Kim Ngân nói, cách người nước ngoài nhìn về Thụy Điển như một dân tộc da trắng tóc vàng là một chiều, vì với cô, xã hội Thụy Điển đã thay đổi rất nhiều.
“Xã hội Thụy Điển bây giờ không còn là thuần chủng da trắng tóc vàng nữa rồi, chính vì thế tôi không cảm thấy bị tách biệt khỏi xã hội này vì xung quanh tôi rất đông những người nước ngoài", nhà báo này nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét