Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận nhằm vào tín đồ Cơ đốc


Nguyễn Thành (Defend the Defenders) - Báo cáo đặc biệt của ICC
23/05/2013 Washington D.C. (International Christian Concern) – Là một trong vài nước cộng sản còn lại trên thế giới, Việt Nam đang cố gắng bóp nghẹt những đòi hỏi của nhân dân về tự do và các quyền con người. Hậu quả của điều này là việc tăng cường ngược đãi đối với các tín đồ Cơ đốc.
Ngày 9 tháng Giêng, mười ba nhà hoạt động Công giáo ôn hòa bị kết án từ 3 đến 13 năm vì tội “hoạt động nhằm lật đổ” chính quyền nhân dân. Một nhà hoạt động khác chịu án treo.
Trong số các nhà hoạt động có sinh viên, bloggers, người làm công việc cộng đồng và người ủng hộ cho các tù nhân lương tâm. Một trong số họ là Cù Huy Hà Vũ, đã vào tù tháng 4 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi lên tiếng kêu gọi thực hiện đa đảng, thông qua những bài viết của ông trên mạng – theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International).
Ngày 3 tháng 12 năm 2012, Hồ Thị Bích Khương, một nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam, được báo cáo là đã bị một nhóm tù nhân tấn công và đánh đập. Bà Khương đang chịu một án tù năm năm vì “tuyên truyền” chống nhà nước. Ngày 29 tháng 12 năm 2011, bà bị kết án vì trả lời truyền thông quốc tế (với nội dung phỏng vấn bị cáo buộc là đã chỉ trích chính quyền) và vì làm ra, tàng trữ, và phân phát các tài liệu vốn bị xem là chống lại nhà nước, theo Human Rights Watch (HRW).
Chỉ trong năm 2012, hàng chục nhà đối lập ôn hòa đã bị phạt tù. Nhiều người trong số họ đã bị kết án tù dài hạn trong những phiên tòa không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trong tháng 9 năm này, ba blogger nổi tiếng đã bị xét xử vì tuyên truyền chống nhà nước và bị kết án từ 4 đến 12 năm tù giam trong một phiên tòa chỉ kéo dài 3 tiếng đồng hồ.
Trong tháng 12 năm 2011, Nguyễn Văn Lía, 71 tuổi, đã bị kết án 5 năm tù vì tuyên truyền chống nhà nước. Ông Lía đã nâng cao nhận thức quốc tế về tình trạng mà các đồng đạo của Phật giáo Hòa Hảo đang phải đối mặt.

Cố ý chứ không ngẫu nhiên

Sự gia tăng đáng chú ý trong việc bắt giữ các nhà hoạt động tôn giáo và nhà bảo vệ nhân quyền dường như là có chủ định chứ không phải chỉ là ngẫu nhiên. “Năm ngoái đã chứng kiến chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà chỉ trích và các nhà hoạt động ôn hòa. Việc kết án 14 nhà hoạt động minh họa cho xu hướng đáng lo ngại này, đồng thời cũng gợi ý rằng sự đàn áp sẽ được tiếp tục vào năm 2013,” nghiên cứu viên Rupert Abbott của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.
Đàn áp quyền tự do ngôn luận, hiệp hội, và tụ tập ôn hòa là đặc trưng của nhà nước cộng sản. Họ ngược đãi bất kỳ ai nghi ngờ chính sách nhà nước, bóc trần tham nhũng hoặc đòi hỏi các phương án dân chủ thay thế chế độ độc đảng, theo Báo cáo Toàn cầu về Việt Nam năm 2013của Human Rights Watch.
Nhận ‘danh hiệu’ “kẻ thù của Internet” từ Refworld, Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, sự đàn áp của Việt Nam đối với tự do bày tỏ đặc biệt gây phiền nhiễu cho những người Cơ đốc, vốn bị nhà nước cộng sản coi là thuộc về một tôn giao ngoại lai và đối nghịch với chính quyền. Đặc biệt, các hệ phái Tin lành được coi là chịu ảnh hưởng bởi Hoa Kỳ, bị tác động bởi ý thức hệ phương Tây và đối nghịch với quyền lực chính trị và thẩm quyền của Nhà nước độc đảng cộng sản.

Người Thượng, Người H’mong

Mặc dù tôn giáo được phép tồn tại ở Việt Nam, nó vẫn bị điều chỉnh. Điều này khiến cho các giáo hội dễ bị ngược đãi, từ chuyện người truyền giáo bị đánh đập, chịu sự giám sát của công an, đến những tín đồ bị thẩm vấn, chịu sự phân biệt đối xử bởi xã hội, từ các cuộc xô xát trong những lần cưỡng chế đất đai bạo lực đến sự cưỡng ép về đức tin.
Trong một báo cáo năm 2011, HRW chỉ rõ cách mà lực lượng an ninh đã sử dụng bạo lực, bắt giữ tùy tiện, giam cầm và tra tấn, cũng như sự cưỡng ép về đức tin và tuyên bố bổn phận với nhà nước, nhằm chống lại những người Thượng bản địa. Hơn thế nữa, HRW đã báo cáo rằng từ 2001, đã có hơn 350 người Thượng bị tống giam vì biểu tình, tham gia những buổi lễ tại gia chưa đăng ký hoặc cố gắng bỏ trốn tìm nơi ẩn náu ở Cambodia.
Năm 2011, nhà chức trách Việt Nam tiếp tục sử dụng bạo lực cũng như thực hiện các hành động hăm dọa ở Tây Nguyên và các tỉnh Tây bắc, đặc biệt để chống lại các dân tộc thiểu số theo Tin lành và những người thực hành các tôn giáo “không được thừa nhận”, theo Báo cáo Refworld về Việt Nam năm 2012 .
Người H’mong, vốn chiếm ít hơn 1% dân số, đã bị lựa ra để đàn áp bởi vì, ngoài việc là tín đồ Cơ đốc, họ đã từng chống lại người cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam. Trong tháng 4 năm 2012, hàng ngàn người cơ đốc H’mong đã bắt đầu biểu tình ở tỉnh tây bắc Điện Biên theo báo cáo. Cuộc biểu tình đã đã bị quân đội đáp trả bằng bạo lực. Theo báo cáo chưa được kiểm chứng, đã có nhiều người chết và bị thương.
Khi nhà nước cộng sản nhận ra quyền lực của internet, người dân đã phải chịu hậu quả của tính không an toàn của nó. Nhà nước kiên quyết dập tắt tiếng nói bất đồng bằng việc thực hiện bất kỳ giải pháp nào cần thiết để hăm dọa người dân từ bỏ việc đòi hỏi thêm các quyền của họ cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng trừ phi Việt Nam sắp xếp lại các ưu tiên, đặt nhân quyền lên trên quyền lợi của chính quyền, nước này sẽ chỉ tiếp tục làm chết mòn thanh danh của nó trong cộng đồng toàn cầu.
Như Ryan Morgan, Quản lý khu vực Đông Nam Á của ICC nói, “Việt Nam sẽ không bao giờ hội nhập đầy đủ vào cộng đồng toàn cầu khi các nhân tố của chính quyền của nó tiếp tục quấy nhiễu, bắt giữ, bỏ tù, và giết hại những tín đồ Cơ đốc – vốn là những người đủ dũng cảm để thể hiện những đức tin tôn giáo của họ.”
 

Không có nhận xét nào: