Pages

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Cao Huy Huân - Hễ chút là bị bỏ tù, tội dân lắm các vị ơi!

Tù nhân sau song sắt một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội.
Tù nhân sau song sắt một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội.
Cả tuần qua, dư luận lại một phen chao đảo khi 8 người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị tuyên án tù vì chặt 12 cây tràm. Thật ra nếu so sánh một cách khách quan, việc chặt cây dẫn đến tù tội là chuyện không hiếm ngay ở các nước có nền kinh tế phát triển, đặt “thành phố sinh thái” làm trung tâm như Nhật Bản, Singapore hay châu Âu. Nhưng nếu bạn thử đào sâu hơn vào nội dung vụ án, thì chuyện chặt 12 cây phải đi tù vừa xảy ra tại Đồng Nai vừa qua không khỏi khiến người ta “cười…ra nước mắt”.

Quan tòa cố đấm ăn xôi?

Không còn cụm từ nào có thể thích hợp hơn “cố đấm ăn xôi” để mô tả những vị “cầm cân nảy mực” trong vụ án 12 cây tràm này. Phải thừa nhận rằng, cả tám người dân bị cáo trong vụ án đã nhận chuyển nhượng (trái phép) đất lâm nghiệp của Nhà nước. Tuy nhiên theo thông tin điều tra, thái độ của bị cáo và phản ánh từ báo chí, lẽ ra những bậc “quan tòa ăn trên ngồi trước” phải thấy rằng chính tám người này cũng không biết bản thân họ phạm luật. Đây là một trong những tình tiết rất đáng được xem xét, thông cảm, nhất là khi các cơ quan ban ngành giáo dục pháp luật hiện vẫn “bất lực” trước thực trạng phổ cập, tư vấn luật cho dân.

Đó là chưa kể, việc khắc phục hậu quả của tám bị cáo, theo luật quy định là hoàn toàn tương xứng với những gì mà họ đã vô tình gây ra (do thiếu hiểu biết). Trung tâm đã thu hồi 12 cây tràm này, bán và lấy lại đúng số tiền hơn 10 triệu đồng thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã quy kết. Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa cho biết không còn thiệt hại nữa. Những thiệt hại đã được các bị cáo bồi thường một cách “sòng phẳng” ấy không nghiêm trọng như số tiền trăm tỉ, nghìn tỉ đồng trong các vụ bê bối tham nhũng, lót tay, lại quả mà “quan chức Việt Nam” – theo báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản, Ngân Hàng Thế Giới – đã bị cáo buộc trong các vụ đấu thầu dự án ODA hay các dự án đầu tư các công trình khủng tại Việt Nam. Ấy mà 8 bị cáo liên hệ vẫn bị xử tù. Không biết để răn đe, hay hạch sách?

Nhưng điều khiến cho người ta xót xa nhất chính là việc Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai vẫn tuyên y án sơ thẩm phạt tù tám bị cáo, trong đó năm người bị tù giam và ba người bị tù treo, bất chấp đại diện Viện kiểm Sát nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định không xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo nên đề nghị tòa hủy án để yêu cầu điều tra lại. Tòa ơi là tòa! Sao lại có chuyện các ngài vẫn “cố đấm ăn xôi” để xử tù bằng được bà già tóc bạc, lũ trẻ tóc xanh thấp cổ bé họng dù đơn vị điều tra – viện kiểm sát – đã rút quyết định truy tố?

Nếu ở nước ngoài thì có lẽ hiện giờ các ngài “vua tòa” Đồng Nai đã phải nộp đơn nghỉ việc, thậm chí là đang bị “tạm giam” để điều tra xem động cơ các ngài ép dân là gì, bởi bên công tố (viện kiểm sát) đã phán “không đủ căn cứ thành tội”. Làm như các ngài khác nào kiểu “phong kiến”, trong đó tòa án như vua, “vua xử thần tử thần bất tử bất trung”. Mà đã bất trung thì phải “trảm”. Đường nào thì tám phận đời cơ cực kia, có cố sức chịu khó thì sau cùng cũng vì các “vua tòa” mà chịu khổ.

Luật nặng cho dân, luật nhẹ cho quan?

Vụ án 8 người chịu tù tội vì chặt 12 cây tràm khiến tôi thắc mắc về vụ hàng trăm cây – gấp mấy trăm lần 12 cây tràm – bị đốn hạ. Lần trước khi đi taxi ở Hà Nội, anh tài xế bức xúc “Bọn nó dọn sạch hàng trăm cây trên đường Nguyễn Chí Thanh, vốn xanh mướt một màu, trong vòng một buổi sáng. Rồi chúng nó trồng vội trồng vàng hai hàng cây bé xíu, trơ trụi mà chúng nó bảo là cây Vàng Tâm – trong khi con nít cũng biết là cây Mỡ. Chúng nó ăn uống nhiều đến nỗi chẳng phân biệt được đâu là Mỡ, đâu là Vàng Tâm. Phá hết rồi, còn vài chỗ nữa cũng bị chặt. Chán! Ngán! Nhưng chẳng làm gì được”.

“Những chỗ khác” mà anh chàng taxi đề cập chính là đường Nguyễn Trãi 500 cây, các phố Giải Phóng, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng… đều có gốc cây bị chặt. Ước tính khoảng 2000 cây – theo Đại tá Nguyễn Như Phong đã nêu trên báo PetroTimes. Tôi lẩm bẩm tính nhẩm rồi nhân lên theo như cái cách  mà đứa cháu học lớp 4 nhà tôi chỉ - nếu dùng phép tỉ lệ thuận – thì chặt 2000 cây như các quan chức Hà Nội đã chặt, thì có lẽ không chỉ họ mà cả “tam tộc” của các vị ấy có ra ngồi tù thế chắc cũng mất… cả đời.

Vụ đi tù vì 12 cây tràm còn khiến tôi lại nhớ đến một vụ án mà dân bị phạt nặng “quá mức bình thường” liên quan đến tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Cuối tháng 3/2015, bị cáo Trần Đình Mỹ Lân (ngụ huyện Định Quán), Trần Đình Lập (em trai Lân) và Nguyễn Quốc Hoàng (lái xe cho Lân) bị tòa án Đồng Nai tuyên phạt mỗi người sáu tháng tù về tội làm nhục một vị “cán bộ thuế”. Vốn mâu thuẫn trong việc cưỡng chế nợ thuế, Trần Đình Mỹ Lân có va chạm và tạt ly bia vào người vị cán bộ “quyết dùng luật làm cho ra chuyện”. Dù giới luật sư, chuyên gia lẫn báo chí cho rằng không đáng xử tội hình sự, nhưng “vua tòa” Đồng Nai vẫn quyết “để dân đi tù” vì dám đụng “danh dự” của “quan thuế”, dù “danh dự” ấy không được quan tòa định nghĩa một cách thuyết phục.

Chợt nghĩ, nếu quan tòa Hà Nội không xử đến nơi đến chốn vụ 2000 cây xanh bị chặt, phải chăng Nhà nước nên cử quan tòa Đồng Nai ra phân xử. Nếu quan tòa Đồng Nai vẫn cứng rắn xử quan chức Hà Nội theo kiểu 12 cây tràm, thì quả thật dân chúng sẽ được nhờ. Nhưng tin tôi đi, giả thuyết này chỉ để bạn cười và trút bớt đi sự ức chế mà thôi, và sẽ chẳng có một phiên tòa “nghiêm khắc” (nhưng vô lý) nào tương tự vụ “12 cây tràm” diễn ra tại Hà Nội để xử lí các quan “cây tặc”. Ngay cả “tòa phúc thẩm” còn ra sức bảo vệ “tòa sơ thẩm” như vụ 12 cây tràm để giúp “tòa dưới” né kiểm điểm, giải trình, hủy án… thì nói chi đến chuyện xử “tru di tam tộc” những quan chức như mình. Với các quan, họ có luật riêng của họ, và có lẽ nó sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Thế nên có người mới bảo “luật nhẹ cho quan” rất nhiều, và “luật nặng cho dân” thì không thiếu.

Bao giờ mới hết thấp cổ bé họng?

Chẳng biết từ khi nào, “thấp cổ bé họng” lại thành giai thoại trong nhiều vụ án mà nhiều quan chức luôn đóng vai phản diện, còn dân thì trong thế yếu mềm. Người ta vẫn tin rằng cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu rất có tầm nhìn khi nói về một Việt Nam giàu mạnh trong khu vực; nhiều chuyên gia cũng có cơ sở để tin vào các chỉ số hạnh phúc cao ngất mà Tổ chức Phi quốc gia đo được ở Việt Nam; càng tự hào về không ít người Việt hôm nay có tâm và có tầm không chỉ trong nước mà còn trên diễn đàn thế giới. Nhưng tình trạng “thấp cổ bé họng” dường như vẫn cứ tồn tại và phát triển song song. Nếu nhìn lại, họ đều là những người thiếu tiền, thiếu địa vị, thiếu thân thế.

Nhưng thế giới chưa bao giờ từ chối hay phủ nhận quyền người nghèo khó được bảo vệ trước pháp luật. Các vị cứ mãi chèn ép những kẻ yếu kém, rồi gán cho họ những cái tội vô hữu vô thực để rồi gia đình họ nát tan, còn các vị được tiếng “nghiêm minh” và ngẩng cao đầu nhận bằng khen của chính phủ - vốn cũng được in từ tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Dẫu biết đôi lúc cái nghèo sinh ra cái thiếu hiểu biết, như vụ 12 cây tràm bị chặt. Nhưng xin các vị hãy công bằng với dân, để họ không phải “hở tí là tù tội”, còn các vị thì rung đùi nâng ly chúc mừng vì: “Hôm nay tao vừa hạ hàng ngàn cây đại thụ, còn mày vừa cho lũ dân nghèo lại dám chặt 12 cây tràm vào tù”. Làm vậy tội dân lắm, các vị ơi!

Cao Huy Huân

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào: