Pages

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

'Hạn chế' trong quan hệ Việt - Nga

Thủ tướng Nga gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev có chuyến thăm Việt Nam từ 5 đến 7/4 nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Do quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên Xô trước đây, Việt Nam là đối tác đặc biệt của Nga tại châu Á.
Mặt khác, Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong chính sách châu Á của Moscow.

BBC có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Marcin Kaczmarski, từ Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Warsaw, Ba Lan, về những tính toán trong chính sách châu Á của Nga.
BBC:Ông từng viết chính sách châu Á của Nga đặt trọng tâm vào Trung Quốc. Điều này còn đúng không, và nó đặt ra vấn đề gì cho Việt Nam nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc?
Tiến sĩ Marcin Kaczmarski: Nga đã cố gắng giảm bớt ưu tiên cho Trung Quốc trong chính sách châu Á của họ, nhưng kết quả chỉ hạn chế. Sau khi không thể làm lành với Nhật Bản, đối tác duy nhất của Nga, ngoài Trung Quốc, chỉ còn Việt Nam.
Quan hệ giữa Nga và Việt Nam cũng có những hạn chế rõ rệt. Có lẽ Nga sẽ chỉ giữ lập trường trung lập nếu Việt – Trung có xung đột, giống như họ im lặng khi hai nước căng thẳng trên Biển Đông hồi năm ngoái. Còn Việt Nam, theo tôi hiểu, thì cũng từ chối không cho hải quân Nga được có căn cứ tại Cam Ranh.
BBC:Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, và đồng thời cũng bán cho Trung Quốc. Liệu có thể nghi ngờ Trung Quốc yêu cầu Nga không bán vũ khí tốt nhất cho Việt Nam?
Nga thường bán vũ khí cho mọi bên như trường hợp Armenia và Azerbaijan. Khu vực công nghiệp-quân sự vận động cho lợi ích kinh tế và quyền lợi của họ bất kể các cân nhắc chiến lược.
Thủ tướng hai nước tỏ ra thân thiết
Tôi dự đoán năm nay Nga sẽ bán cho Trung Quốc máy bay Su-35 và có thể là tàu ngầm hiện đại hơn loại bán cho Việt Nam. Nhưng đồng thời, tôi không cho rằng Nga lại nghe lời Trung Quốc yêu cầu được phép bán cái gì cho ai.
BBC:Trong chuyến thăm Hà Nội tuần này, Thủ tướng Dmitry Medvedev nói Việt Nam sắp sửa gia nhập Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU) do Nga dẫn đầu. Theo ông, điều này có tốt cho Việt Nam?
Với Nga, EEU là chính trị, không phải kinh tế. Thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam sẽ nhằm chứng tỏ sáng kiến của Nga không chỉ hạn chế trong khu vực hậu Liên Xô.
Tôi không thấy có lợi ích đặc biệt nào cho Việt Nam. Kinh nghiệm của các đối tác của Nga trong EEU, như Belarus, Kazakhstan và Armenia, cho thấy Moscow sẵn sàng đơn phương thay đổi quy tắc nếu cần. Không có gì bảo đảm cho Việt Nam rằng thỏa thuận trong EEU sẽ khác thói quen này.
BBC:Có những ý kiến ở Việt Nam và Mỹ kêu gọi hai nước xích lại gần hơn do sự “cứng rắn” của Trung Quốc. Theo ông, quan điểm của Nga là thế nào?
Quan hệ Mỹ - Việt là một trong những nguyên do khiến Việt Nam không để Nga lập căn cứ ở Cam Ranh. Quan hệ Mỹ - Việt cũng khiến Nga cảm thấy sự cứng rắn của Trung Quốc không hoàn toàn có lợi cho Nga. Bởi vì nó có thể thúc đẩy sự can dự ngoại giao và quân sự của Mỹ trong khu vực.

Không có nhận xét nào: