Pages

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

LE NGUYEN - TƯ DUY NÔNG DÂN CỦA CÁN BỘ, QUAN CHỨC LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN

Lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ đời đầu, đời giữa cho đến đời nay, đa phần có nguồn gốc xuất thân là nông dân, với không ít thành phần bất hảo, du thủ du thực và có ít, rất ít trí thức tài năng thật sự leo lên vị trí lãnh đạo cấp cao, cấp trung lẫn cấp thấp trong các cơ quan, ban ngành của đảng, nhà nuớc. Có thể nói những trí thức, khoa bảng “tinh hoa” hiếm hoi có thực tài được đào tạo dưới thời thực dân Pháp hay trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, nếu như có ẩn mình khéo léo, leo lên được vị trí lãnh đạo trong đảng, nhà nước thì cũng đã bán linh hồn cho quỷ hoặc muốn tồn tại trong bộ máy bạo tàn của chế độ cũng phải giả khờ, giả vờ ngu ngơ giống như cung cách tư duy nhận thức, phát ngôn hành động mang sắc thái đặc thù ít học, lưu manh, xảo quyệt, làm cho tài năng lẫn sở học dần biến mất, trở nên lú lẫn giống hệt các lãnh đạo vô đạo đức, yếu kém tài năng nếu không nói là gian manh, độc ác của lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Những trí thức kiểu giả dạng qua ải lẫn bán mình cho quỷ đã ít nhiều tiếp tay cho đảng cộng sản Việt Nam lập chương trình đào tạo rèn luyện, tuyên truyền giáo dục và trang bị cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam tư duy, nhận thức theo kiểu cách nông dân, vào cái thời người dân chưa tiếp cận với ánh sáng văn minh của thế kỷ trước nên đã lưu lại nhiều lời nói, bài thơ, câu văn nôm na thô thiển đề cao lòng yêu nước, dạy yêu nước với bàn tay sức người, vai u thịt bắp đến độ ngớ ngẩn. Những thứ vớ vẩn đó được cộng sản Việt Nam lên kế hoạch đưa vào chương trình giáo dục, biến những ý tưởng “tư duy bằng nòng súng” thành khẩu hiệu tuyên truyền đầu độc nhiều thế hệ thanh niên gây hậu nghiêm trọng bộc lộ qua các phát ngôn, hành động và trở thành phổ biến ăn sâu vào tư duy nhận thức của con người mới xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay.
Với lối giáo dục đào tạo tẩy não nhồi nhét vào đầu thanh, thiếu niên chỉ nhằm phục vụ tuyên truyền nhồi sọ phục vụ mục tiêu chính trị với các loại thơ ca, văn chương, văn học không giá trị nghệ thuật thẩm mỹ, không giá trị nhân văn đã đưa dân tộc Việt Nam đi ngược về thời săn bắt hái trái, hoang dã man rợ với tư duy yêu nước bằng cơ bắp thiếu chất xám của trí tuệ, là phải biết học tập, làm theo ý tưởng rất đỗi nông dân hoang dại: “Hòn đá to, hòn đá nặng…một người khiêng, khiêng không đặng… Bàn tay ta làm nên tất cả…có sức người sỏi đá cũng thành cơm…Giết, giết nữa…bàn tay không phút nghỉ…cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong…cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng…thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt…”
Ngày nay tư duy nông dân đã được mùa nở rộ không những trong tư duy của giai cấp công nông lao động nghèo, mà còn trong thành phần cán bộ, đảng viên và rất phổ biến trong tư duy nhận thức của các cán bộ lãnh đạo cơ quan, ban ngành của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam khiến người dân Việt Nam phải cười ra nước mắt, với những phát ngôn đậm chất nông dân của lãnh đạo cộng sản đương quyền liên quan đến công tác quản trị điều hành, nói theo ngôn ngữ của đảng – là lãnh đạo nhà nước, xã hội đại loại như:
“…Nếu người thi hành công vụ cố tình vi phạm thì dù có quy định chặt chẽ đến mấy cũng vẫn xảy ra việc lạm quyền…việc nổ súng bắn người đâu có dễ, từng có cán bộ thi hành án bắn trượt do quá run…nên không lo việc xảy ra lạm quyền…”(Thiếu tướng Trần Văn Vệ, phó cục trưởng tổng cục quản lý hành chánh về trật tự xã hội.)
“…Việc công an giao thông nhận của lái xe, của người tham gia giao thông dăm ba chục, vài trăm ngàn là tham nhũng…tôi cho ý đó là không thỏa đáng…” (Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt.)
“…Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân… trong khi còn rất nhiều việc khác…” ( Phan Đăng Long, phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội.)
Qua vài ba phát ngôn điển hình trong rừng phát ngôn mang tư duy nông dân nở rộ, phổ biến trong đám quan chức lãnh đạo trung, cao cấp trong bộ máy đảng, nhà nước ở thời đại tin học- thời con người từ giả thói quen hoang dã, tiến lên đời sống văn minh tiến bộ trong tư duy lẫn hành động. Thế mà ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những lãnh đạo nhà nước – xã hội, vẫn cứ “ung dung” tư duy theo lối nông dân chưa được khai sáng, chưa tiếp cận với ánh sáng văn minh, thật là đáng xấu hổ cho đảng độc quyền lãnh đạo nhà nước, xã hội Việt Nam!
Chắc chắn, nếu thoát ra khung tư duy nông dân thì ông thiếu tướng Trần Văn Vệ sẽ suy nghĩ ra phương cách khoa học để ngăn chặn lạm quyền trong “luật nổ súng” sao cho hiệu quả chứ không tư duy theo lối cảm tính rất tức cười của người nông dân Việt Nam của thế kỷ trước: “…cán bộ thi hành án còn bắn trượt nên không lo việc xảy ra lạm quyền?…”
Ông thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cũng thế, cũng không thóat ra khỏi khung tư duy nông dân, ông không hiểu nghĩa tham nhũng của tiếng Việt (?) mà còn thể hiện bản chất nông dân ngu dốt, thiếu kiến thức căn bản của một con người bình thường khi tuyên bố “nhận vài ba chục, vài trăm ngàn…là tham nhũng…là không thỏa đáng?…”
Ông phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long, người đảm trách công tác tuyên truyền giáo dục cũng không chứng minh được ông có trình độ kiến thức hơn hai ông tướng công an Vệ, Tuyên. Có lẽ ông Phan Đăng Long do tư duy nông dân không thể gột rửa nên hiểu cây xanh là cây xanh thôi có ảnh hưởng gì đến môi trường sống của con người, ông không hiểu cây xanh là lá phổi của thành phố thời công nghiệp nên mạnh miệng tuyên bố “…Một cái cây chặt đi cũng hỏi dân à?…”
Đến thời đại a còng (@) mà tư duy nông dân của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn còn rất phổ biến trong mọi mặt đời sống nên trách gì lớp cán bộ, đảng viên thừa hành có tư duy nhận thức, có phát ngôn hành động như những nông dân ngu dốt, vô giáo dục khi có người yêu nước, thương dân nào lên tiếng nói khác với lời tuyên truyền của tuyên giáo về chủ trương đường lối, về vấn đề Biển Đông của đảng, nhà nước là bị đám cán bộ thừa hành này tru tréo, chửi bới: “… lợi dụng quyền tự do dân chủ… bị thế lực thù địch, phản động kích động chống phá đảng, nhà nước… nói xấu tổ quốc…”
Không những thế, những ông bà này còn lớn tiếng chê bai, thách đố kiểu trẻ con với những câu nói đặc thù nông dân như: “ Các anh nói yêu nước chống Trung Quốc hả?…có dám đăng ký nghĩa vụ đi Trường Sa không?…Các anh cầm cuốc đắp một thước đường nông thôn…rồi nói yêu nước tôi mới tin… đất nước dưới sự lãnh dạo của đảng ngày càng đi lên…sao không chung tay xây dựng mà còn tuyên truyền chống phá…Những giá trị nhân quyền của một số nước mà người da màu luôn bị kỳ thị, xả súng thường xuyên…không nên đem về nước mình như vậy còn gì là tiến bộ nữa?…Dân mình qua Mỹ chỉ làm móng, rửa chân tay cho tây đen thôi có gì đâu…nếu có tài cán làm giàu đất nước thì đất nước luôn mở rộng vòng tay đón chờ…”
Trong thời đại thông tin mở thì những thứ tư duy nông dân như thế này không có gì bí mật, chỉ cần vài động tác của công cụ kỹ thuật thông tin hiện đại là bản chất nông dân của cộng to đến cộng bé sẽ hiện lên lồ lộ không có cách gì để che dấu. Đáng buồn cho dân tộc Việt Nam là thời đại này mà tư duy nông dân vẫn tồn tại trong đầu những tên cộng sản chính gốc lẫn những tên mù cộng. Thảo nào những tiền bối cộng sản ở thế kỷ trước, chỉ có mỗi thông tin loa đài của đảng ra rả đêm ngày, làm sao tránh được bị lừa đi chém giết đồng bào nhuộm đỏ Việt Nam với chiêu bài “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền nam”.
Ngày nay sự thật lịch sử đã chỉ ra cho mọi người thấy đảng cộng sản Việt Nam là đội quân đánh thuê cho Nga – Tàu, xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải “chống mỹ cứu nước” như loa đài cộng sản tuyên truyền mị dân:
Một là cộng sản Bắc Việt thành lập công cụ tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ năm 1960 mà quân đội Mỹ đến năm 1965 mới có mặt tham chiến ở Việt Nam cũng như Mỹ ký kết hiệp hòa bình Paris rút quân về nước, trả quyền dân tộc tự quyết cho Việt Nam từ năm 1973 và cộng sản Bắc Việt với sự hổ trợ vũ khí của cộng sản quốc tế, xua đại quân xâm chiếm chính phủ hợp pháp Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai thời điểm phát động chiến tranh đến kết thúc chiến tranh đều không có quân đội Mỹ thì chống Mỹ cứu nước đích thực là bịp bợm.
Hai là bộ mặt đánh thuê của cộng sản Việt Nam cho cộng sản quốc tế đã lộ rõ không thể chối cãi qua lời tuyên bố của tổng bí thư Lê Duẩn sau khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc “Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc và cho chủ nghĩa xã hội.”
Cũng nên nói thêm là nói đến tư duy nông dân chỉ nhằm nói đến tư duy lạc hậu, chậm tiến tồn tại trong tư tưởng của những tên cộng sản Việt Nam chứ không nói đến tư duy của những người nông dân Việt Nam ưu tú, cả đời gắn bó, chết sống với ruộng đồng, với vườn cây ăn trái, với con cá ao tôm… đã biết sử dụng khả năng trí tuệ sáng chế ra sản phẩm nông cơ, nông dược cải thiện môi trường làm việc cho những người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Nói đến tư duy nông dân càng không dám nói đến nông dân ở xứ công nghiệp tiên tiến của các nước dân chủ tự do, là với các công cụ khoa học kỹ thuật nông nghiệp hổ trợ thì chỉ cần vài ba nhân công, họ có thể trồng trọt, chăn nuôi: nhiều chục hecta cây ăn trái, hàng trăm hecta mía, lúa mì, lúa mạch…hàng ngàn con bò, con heo, hàng chục vạn con gà công nghiệp…và với các phần mềm điện toán hổ trợ, họ có thể theo dõi, điều chỉnh thức ăn, phân bón, nước cho vật nuôi, cây trồng từ xa…Trong số loại hình chăn nuôi, trồng trọt ở các xứ tự do, có không ít người nông dân Việt Nam, sống ngoài nước Việt Nam sở hữu kỹ năng, tri thức tiên tiến và làm chủ các nông trại to lớn hiện đại như thế.
Nhìn thành quả của nông dân Việt Nam trong lẫn ngoài nước gặt hái được, đủ cơ sở cho chúng ta kết luận rằng, có rất nhiều người dân Việt Nam không còn mang tư duy nông dân trong thời đại tin học này. Thế nhưng lực lượng nông dân sống ở thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bị tư duy nông dân của cán bộ, quan chức, lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam làm cho thui chột, mụ mị khiến cho không ít kẻ thể hiện tinh thần yêu nước thiếu trí tuệ, chỉ yêu nước với tư duy cơ bắp của bàn tay, sức người kiểu nông dân của thế kỷ trước, không tiếp nhận được lối sống tư duy của nguòi văn minh nên đã có những phát ngôn hành động rất ngu ngơ, buồn cười như đã đang xảy ra.
Đối với những ai có cơ hội, tiếp cận quan sát mô hình tổ chức quản trị, điều hành nhà nước xã hội của các nhà nước dân chủ văn minh, tiên tiến không khó để cho chúng ta thấy, các nhà nước dân chủ đã góp phần không nhỏ trong việc hổ trợ, tạo điều thuận lợi để người nông dân nâng cao trình độ, kiến thức để cho người nông dân của họ có chỗ đứng “bình đẳng” như những ngành nghề khác trong xã hội văn minh thời hiện đại. Điều đáng buồn cũng như đáng phẫn nộ là nông dân của các nước dân chủ được toàn quyền quyết định trên mảnh đất họ sở hữu được nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát triển khả năng, với chương trình hành động khoa học, giúp đỡ hiệu quả… Còn người nông dân Việt Nam trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa được đảng, nhà nước ca ngợi là lực lượng tiên phong lãnh đạo nhà nước xã hội thì thân phận bọt bèo đáng thương, không có quyền hạn, không được quyết định gì trên mảnh đất của giòng tộc nhiều đời gắn bó!

Không có nhận xét nào: