Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Môi trường kinh doanh Đà Nẵng 'số một VN'

Điểm số và xếp hạng của Đà Nẵng trong báo cáo PCI qua các năm
Đà Nẵng tiếp tục đứng số một trong một bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, điều hành kinh tế và cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 10 của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với tổ chức USAID (Hoa Kỳ) công bố hôm 16/4.
Khảo sát năm nay hỏi ý kiến của 9.859 doanh nghiệp trong đó có 1491 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ chính quyền “đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, theo báo cáo.
Tiếp theo là Đồng Tháp, Lào Cai, TP. HCM và Quảng Ninh.
Hà Nội xếp thứ 26 và xếp chót, ở vị trí 63, là Điện Biên.

Lạc quan

Khảo sát nói trong năm 2014 có dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh.
Tỉ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã tăng trở lại (10,8%) sau hai năm giảm xuống mức thấp nhất.
Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 15,1 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006.
Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (11,5%) so với mức chạm đáy năm 2012 và 2013.
Báo cáo nói lần đầu tiên trong 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây, niềm tin của doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục.

Cải thiện và tiêu cực

Theo báo cáo, năm qua tại các tỉnh, thành phố Việt Nam có những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian.
Nhìn chung, thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm đi.
Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận Một cửa tăng lên. Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định.
Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên.
Mặt khác, tình trạng hối lộ, tham nhũng bị cho là tăng lên.
Báo cáo dùng cụm từ “Chi phí không chính thức” để chỉ vấn đề tham nhũng.
Theo báo cáo, khoảng 17% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả phí không chính thức để có được giấy phép đầu tư và 31% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước.
Hành vi bôi trơn trong quá trình xin cấp phép có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2013. Ngược lại, hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng thì lại tăng cao đáng ngạc nhiên – gấp ba lần số điểm ghi nhận trong năm ngoái.
Các chi phí không chính thức cũng tăng lên kể từ năm 2013. Năm ngoái, khoảng 32% doanh nghiệp cho biết tổng chi phí không chính thức của họ hơn 1% thu nhập mỗi năm, năm nay con số này là 38%.
Bảng xếp hạng PCI 2014
Một ngoại lệ, theo khảo sát, là tỉnh Bình Dương, là tỉnh có môi trường tham nhũng thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI ở Bình Dương cho biết họ gặp bất lợi trong tham gia đấu thầu các hợp đồng cho cơ quan nhà nước nếu không chi trả tiền hoa hồng cũng thấp xa so với mức trung bình toàn quốc.

Không có nhận xét nào: