Khi Vương quốc Anh đồng ý trở thành một thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng vào đầu tháng 3, phần lớn các tiêu đề báo chí không phải tập trung vào sự kiện này mà vào những bất đồng giữa Anh và Mỹ do quyết định này gây ra.
Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố thúc giục chính phủ Anh “sử dụng tiếng nói của mình để thúc đẩy đưa ra các tiêu chuẩn cao“ (đối với AIIB). Một viên chức cấp cao của Mỹ còn được trích lời là đã buộc bội Anh “liên tục thỏa hiệp với Trung Quốc, vốn không phải là cách tốt nhất để can dự với một cường quốc đang lên”. Tuy nhiên trên thực tế, chính Hoa Kỳ mới đang áp dụng một hướng tiếp cận sai lầm.
Tại Anh, các tranh cãi ngoại giao cũng là dịp để báo chí đăng tải những chỉ trích cho rằng chính phủ cần thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ví dụ như Anh đáng ra cần ủng hộ mạnh mẽ hơn phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, hay như Anh không nên xa lánh đức Đạt Lai Lạt Ma (như nó đã làm) trong chuyến công du Trung Quốc vào năm 2013 của Thủ tướng David Cameron.
Anh cần bảo vệ những lợi ích của riêng mình, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc cần phải trở nên đối đầu với Trung Quốc vì các vấn đề nội bộ của nước này, nhất là trong trường hợp Hong Kong nơi Anh đã bị mất chỗ đứng từ khi nó đồng ý trả Hong Kong về cho Trung Quốc năm 1997.
Trong khi đó, Mỹ cũng nên khôn ngoan chấp nhận thực tế rằng thế giới đang thay đổi. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua thỏa thuận năm 2010 nhằm tăng quyền biểu quyết tại Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Trung Quốc và các nền kinh tế lớn mới nổi khác. Hiện tại, thỏa thuận này đã hết thời. Kể từ khi nó được thông qua, kích thước nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi.
Sự miễn cưỡng của Hoa Kỳ cũng như của Pháp, Đức và Ý trong việc cho phép các cường quốc mới nổi có tiếng nói phù hợp tại các định chế tài chính quốc tế lâu năm là phản tác dụng. Điều này đã thúc đẩy sự hình thành của các định chế mới, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) hay Ngân hàng Phát triển Mới, được thành lập năm 2014 bởi các quốc gia khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Sắp tới, tôi sẽ đến thăm Trung Quốc trong hai vai trò Chủ tịch Ủy ban đánh giá của Chính phủ Anh về vấn đề kháng tác nhân tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh (antimicrobial resistance) và tham dự Diễn đàn Bác Ngao – một sự kiện giống như cuộc gặp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos. Tôi hi vọng sẽ khuyến khích các nhà làm chính sách Trung Quốc ưu tiên vấn đề kháng tác nhân tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh khi nước này đăng cai hội nghị G20 vào năm 2016. Mặc dù không phải là đại sứ của Anh nhưng tôi vẫn muốn bày tỏ niềm tin vào sự sáng suốt của chính phủ Anh khi quyết định tham gia AIIB, và rằng chính quyền Hoa Kỳ đã không khôn ngoan khi phản đối điều này.
Nền kinh tế 10 ngàn tỉ đô la của Trung Quốc lớn hơn tổng giá trị của cả ba nền kinh tế Pháp, Đức và Ý. Ngay cả khi tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm giảm xuống còn 7% thì trong năm nay quốc gia này vẫn đóng góp 700 tỉ đô la vào tổng GDP toàn cầu. Nền kinh tế Nhật Bản, trong khi đó, cần tăng đến 14% thì mới có được ảnh hưởng tương tự đến thế giới.
Xác định rõ những gì Trung Quốc muốn là điều rất cần thiết đối với bất cứ ai muốn tham gia vào tiến trình thương mại toàn cầu. Với Anh, những nhu cầu này bao gồm tài chính (cũng như thể thao, âm nhạc, thời trang và chăm sóc sức khỏe). Anh chỉ đơn giản là khôn khoan khi thúc đẩy các lợi ích riêng bằng cách hợp tác với Trung Quốc.
Một trong những hệ quả tích cực của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là sự gia tăng vai trò toàn cầu của khối G20. Về nguyên tắc, đây là diễn đàn lãnh đạo toàn cầu mang tính đại diện lớn hơn nhiều so với khối G7. Tuy nhiên, thách thức với sự nổi lên của G20 chính là ở số lượng thành viên đông, khiến việc đạt được thỏa thuận và hoàn thành các công việc trở nên khó khăn.
Vì vậy, một G7 mới bên trong G20 nên được thành lập nhằm mang lại cho Trung Quốc sự ảnh hưởng tương xứng với sức nặng kinh tế của mình, cũng như để ràng buộc quốc gia này vào các trách nhiệm toàn cầu tương xứng. Trung Quốc có thể có chỗ trên bàn nếu các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu đồng ý từ bỏ các ghế cá nhân để lấy một ghế đại diện cho toàn bộ liên minh tiền tệ này, nhằm thể hiện sự cam kết của họ đối với đồng tiền chung. Và Hoa Kỳ cuối cùng cũng nên chấp nhận vai trò ngày càng được nâng cao của Trung Quốc.
Vào cuối năm nay, quỹ tiền tệ quốc tế IMF sẽ xác định lại các trọng số trong đơn vị tài khoản của mình, còn gọi là Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR), một giỏ hiện gồm các đồng tiền như đô la Mỹ, euro, bảng Anh hay yên Nhật. Theo hầu hết các tiêu chuẩn tài chính và kinh tế thì hiện tại Quyền Rút vốn Đặc biệt nên bao gồm cả đồng Nhân dân tệ. Mỹ không nên phản đối bước tiến trên vì điều này sẽ đẩy nhanh quá trình suy yếu các định tế tài chính sẵn có.
Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng cần phê chuẩn những thay đổi đã được thỏa thuận trong phương thức điều hành của IMF và WB. Bằng việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát Triển Mới, Trung Quốc và các quốc gia mới nổi cho thấy họ sẽ không chờ cho đến khi tiếng nói của mình được lắng nghe. Các quyết định như của Anh – cùng Pháp, Đức, Ý – minh chứng rằng các nước này không đơn độc.
Nguồn: Jim O’Neill, “Making Space for China”, Project Syndicate, 17/03/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Jim O’Neill, cựu chủ tịch của bộ phận Quản lý Tài sản thuộc Goldman Sachs, là giáo sư danh dự ngành kinh tế tại Đại học Manchester.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét