Pages

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Phạm Chí Dũng - Tăng hai quyền ‘thứ yếu,’ ‘luân chuyển cán bộ’ và ‘được mã mất xe’

Thời gian đã sớm “nuốt” hết quý 1 và chỉ còn không bao lâu nữa, Hội Nghị Trung Ương 11 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra, thế nhưng mây mù vẫn che khuất mặt trời khi thủ tướng đương nhiệm vẫn chưa được phía Quốc Hội cho nâng cấp cả 4 thẩm quyền như một khao khát của phía chính phủ từ cuối năm 2014.

Phiên họp mới nhất ngày 9 tháng 4, 2015 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội được mở đầu bằng một sơ kết mà không thể làm cho phía chính phủ an nhiên, “Nhìn chung các ý kiến không đồng tình việc bổ sung nội dung mới về thẩm quyền của thủ tướng.”

Cần nhắc lại, vào tháng 11, 2014, Bộ Nội Vụ bất ngờ đã trình ra Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội bản “dự luật tăng quyền cho thủ tướng,” trong đó có 4 quyền năng đặc biệt mới mẻ liên quan đến công đoạn “chốt” nhân sự cấp bộ trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thành, kể cả chức trách “tổng động viên” như một chủ tịch nước thứ hai.

Tuy nhiên ngay sau đó, ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội - đã trình ra báo cáo thẩm tra dự án luật với đề nghị “bác” cả 4 thẩm quyền được đề xuất cho thủ tướng. Điều khá cay đắng là bản báo cáo thẩm tra này lại có vẻ được Quốc Hội tán thành. Với tinh thần “đồng nguyên Quốc Hội” hiếm có như thế, cho dù vai trò của thủ tướng dù được nâng cao hơn hẳn về hình ảnh sau thắng lợi to lớn tại Hội Nghị Trung Ương 10 vào đầu năm 2015, nhưng vẫn không được cải thiện bao nhiêu về quyền “sắp xếp nhân sự,” đặc biệt là nhân sự các bộ trưởng và phó thủ tướng. Mặt khác, thủ tướng cũng không được quyền chỉ đạo trực tiếp Bộ Quốc Phòng liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia.

Vì sao “chủ tịch Quốc Hội ủng hộ tăng quyền cho thủ tướng”?

Tuy nhiên khác với phiên họp tháng 11, 2014, hiện tượng “lạ” là vào thời gian phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trong tháng 4, 2015, đã xuất hiện tình trạng “đá” nhau giữa một số tờ báo nhà nước về thái độ mô tả cuộc họp của cơ quan này về dự luật “tăng quyền cho thủ tướng.”

Trong lúc một số báo như VOV mô tả “nhìn chung các ý kiến không đồng tình việc bổ sung nội dung mới về thẩm quyền của thủ tướng,” bản tin của Báo Dân Trí lại phác ra một hiện tượng đột biến, “Chủ tịch Quốc Hội ủng hộ đề xuất tăng quyền cho thủ tướng.”

Hiểu theo cách thức “vận động” của Báo Dân Trí, đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Sinh Hùng “cùng chiến hào” với thủ tướng đương nhiệm, cho dù tại phiên họp này, bản dự thảo luật tổ chức chính phủ do ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội - vẫn không bổ sung các thẩm quyền tăng thêm cho thủ tướng khi được trình ra.

Nhưng đến ngày 15 tháng 4, 2015, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội bất ngờ có bước “nhượng bộ” phía Chính phủ khi đồng ý cho thủ tướng được giao quyền cho cấp bộ trưởng, cơ quan ngang bộ và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thành trong trường hợp những vị trí này “tạm khuyết.”

Hiện tượng nhân nhượng đột biến trên đã khiến dư luận không tránh khỏi mối hoài nghi ẩn ức: hình như vừa xảy ra một sự biến đổi âm thầm và “tế nhị” nào đó trong mối tương quan giữa người chính phủ và bên Quốc Hội...

Còn nhớ tại phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội tháng 11 năm ngoái, ông Hùng đã tỏ ra rất “kiên định” trong việc không ủng hộ dự luật tăng quyền cho thủ tướng, đặc biệt quay lưng với thẩm quyền giao cho thủ tướng được tổng động viên. Khi Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị cân nhắc giữ các thẩm quyền được đề xuất của thủ tướng chính phủ vì trong thực tế một số địa phương làm quy trình thủ tục chậm, rất ảnh hưởng đến công việc điều hành, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lập tức nhấn mạnh, “Cái gì Hiến Pháp giao thì thể hiện rõ để thi hành, cái gì Hiến Pháp không giao thì không ghi. Cấp trưởng có chuyện thì cử một cấp phó tạm quyền. Ví dụ bộ trưởng đi thì điều động thứ trưởng thay bộ trưởng, thủ tướng đi vắng có một phó thủ tướng thay quyền giải quyết công việc. Giờ thêm thủ tướng chính phủ “giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng” thì ai đề nghị?.”

Nhưng ở một chiều cạnh khác về hiện tượng đảo chiều chính trị bất ngờ của ông Hùng, hàng loạt câu hỏi lại phát sinh: Vì sao ông Nguyễn Sinh Hùng lại đột ngột quay sang ủng hộ cơ chế tăng quyền cho thủ tướng? Hiện tượng này có liên quan gì đến vụ việc bắt Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Oceanbank - vào tháng 7, 2014? Liệu đây là thái độ chính trị ủng hộ đích danh ông Nguyễn Tấn Dũng như một cơ chế “đồng minh,” “liên danh” hay hướng sang một cái nhìn xa hơn và sâu hơn? Liệu trong Bộ Chính Trị đã hình thành phương án chính thức về nhân sự thủ tướng để đưa ra Đại Hội Đảng 12, với ứng cử viên thuộc “bên đảng” mà không phải là người của chính phủ?

Giả thiết về việc ông Nguyễn Sinh Hùng không “thỏa hiệp” với thủ tướng đương nhiệm được dựa vào một cơ sở: Theo nhận định chung, hai quyền “tạm giao quyền” chức bộ trưởng và chủ tịch tỉnh thành đều không thật trọng yếu, vì trên bàn cờ nhân sự Việt Nam, ít khi nào xảy ra tình trạng trống vắng người đứng đầu ngành, tỉnh thành. Không những chưa một ai tự nguyện từ chức, hầu hết các vị trí chủ chốt đều được lăm le lấp đầy nếu có dấu hiệu bị trống.

Hai quyền còn lại nhưng quan trọng hơn nhiều - “tổng động viên” và đặc biệt “phê duyệt danh sách nhân sự chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh” - đều không được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội “gật” cho thủ tướng.

“Luân chuyển cán bộ” và “được mã mất xe”

Một quý sau khi Hội Nghị Trung Ương 10 kết thúc với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có vẻ rất thuận lợi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, giờ đây dường như ông lại rơi vào tình thế bị động - tình trạng có thể phần nào so sánh với thời điểm Hội Nghị Trung Ương 6 đi kèm biệt danh “đồng chí X” vào cuối năm 2012.

Trong lúc quá khó để được “tăng quyền,” người đứng đầu chính phủ còn phải đối diện với một thách thức đang lộ rõ tính kết quả hiểm nghèo: sau cơn suy trầm của mình tại Hội Nghị Trung Ương 10, những người bên đảng đã dùng thời gian 3 tháng qua để “luân chuyển cán bộ.” Hầu như hàng tuần, báo chí đều đăng tải công khai về tình hình những cán bộ lãnh đạo đầu tỉnh thành và đầu ngành được thay đổi.

Một số nhận định ban đầu đã đánh giá xu hướng luân chuyển cán bộ trên - được thống kê sơ bộ lên đến 50 người - là bất lợi lớn cho “phe thủ tướng.”

Một nguồn nhạy tin còn quả quyết, “Hơn 50 trường hợp điều động công tác về địa phương hầu hết thuộc diện “người đằng mình.” Thậm chí nhiều cán bộ của Văn Phòng Trung Ương, Trường Đảng, Báo Nhân Dân, Tạp Chí Cộng Sản, Đài Tiếng Nói, Đài Truyền Hình Việt Nam cũng được huy động về “ém” dưới chức danh lãnh đạo thường trực tại một số tỉnh có địa bàn quan trọng khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Một số Ban chỉ đạo “chân không đến đất, cật không đến giời,” tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đều có “người đằng mình” cắm vào. Có lãnh đạo tổ chức đoàn thể khối đối ngoại (ủy viên Trung ương) đã bị thủ tướng ký quyết định nghỉ hưu năm ngoái (dù quá nhiều tuổi) nhưng vẫn được tổ chức đảng bật đèn xanh cho ở lại để chuẩn bị thành công đại hội cơ sở. Số nhân sự nói trên đóng vai trò là lực lượng hậu bị hùng hậu bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo trung ương và các địa phương và đặc biệt sẽ là nguồn phiếu dồi dào làm loãng bất cứ nhóm lợi ích nào có ý đồ khuynh loát Ban Chấp Hành.”

Có trời mới biết sẽ còn bao nhiêu nhân sự của phía chính phủ bị thay thế. Bàn cờ chính trị Việt Nam lại một lần nữa rơi vào tâm thế thủ tướng được mã mất xe.

Phạm Chí Dũng

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: