LTS: Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, TS. Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Luật quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định việc Trung Quốc (TQ) kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm lấn vùng biển của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam có thể kiện TQ ra tòa.
Những vi phạm rõ như ban ngày
TS. Ngô Hữu Phước |
Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 (Công ước 1982) và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp quốc và pháp điển hóa trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 24/10/1970.
Theo quy định của Công ước 1982, quốc gia ven biển có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng biển này, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về kinh tế như thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước bên trên và đáy biển, lòng đất dưới đáy biển. Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán (cho phép hoặc không cho phép, kiểm tra, giám sát, xử lý, xét xử) đối với các hoạt động lắp đặt các đảo và công trình thiết bị nhân tạo như cáp ngầm, ồng dẫn ngầm, nhà giàn, giàn khoan...; nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ, giữ gìn môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Để thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Công ước cho phép các quốc gia ven biển "Thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để đảm bảo việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia đã ban hành theo đúng Công ước (điều 73).
Đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, Công ước cho phép quốc gia ven biển thiết lập một vùng thềm lục địa có chiều rộng tính từ đường cơ sở đến rìa lụa địa hẹp nhất là 200 hải lý và rộng nhất là 350 hải lý hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m (là đường có độ sâu trung bình 2.500m) không quá 100 hải lý. Mọi tài nguyên thiên nhiên có trong thềm lục địa được coi là "tài sản" của quốc gia ven biển.
Đây là quyền có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò, không khai thác thì không ai có quyền khai thác khi không có sự đồng ý, thỏa thuận của quốc gia đó (điều 77). Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với các lĩnh vực lắp đặt, sử dụng các đảo, công trình, thiết bị nhân tạo; khoan, thăm dò; nghiên cứu khoa học về biển; giữ gìn và bảo vệ môi trường biển trong thềm lục địa của mình.
Tuy nhiên, khi các cơ quan thực thi luật pháp của VN yêu cầu phía TQ chấm dứt việc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 thì TQ đã huy động hơn 80 tàu, kể cả tàu quân sự và máy bay để yểm trợ và uy hiếp, tấn công tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của VN, làm thiệt hại nặng nề tàu, tài sản và làm 9 kiểm ngư viên của VN bị thương.
Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế nói chung, Hiến chương LHQ, Công ước 1982 và các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực; nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết và nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế- Pacta Sunt servanda mà lẽ ra TQ, với tư cách và trọng trách của quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ luật pháp quốc tế, và là một cường quốc về kinh tế, quân sự và văn hóa (trong đó có văn hóa pháp lý) TQ phải gương mẫu và tuân thủ.
Tham chiếu pháp luật Việt Nam thì Trung Quốc đã vi phạm những gì?
Việc đặt giàn khoan trong vùng biển của VN đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật của VN, đặc biển là Luật biển 2012. Luật này được ban hành trên cơ sở kế thừa các văn bản pháp luật về biển mà nước ta đã ban hành trước đó như Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về các vùng biển của Việt Nam ngày 12/5/1977; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCNVN về đường cơ sở của Việt Nam ngày 12/11/1982, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đây là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất về biển của Việt Nam, là cơ sở pháp lý quốc gia quan trọng nhất để Nhà nước và mọi cơ quan, tổ chức, công dân VN quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền KT và thềm lục địa của VN.
Về nội dung, Luật biển Việt Nam năm 2012 hoàn toàn phù hợp với Công ước 1982. Theo đạo luật này, Việt Nam có hai vùng biển Nội thủy và Lãnh hải là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Nội thủy là vùng biển có chiều rộng từ bờ biển đến đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam. Lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Đồng thời, Việt Nam có 03 vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán đó là vùng tiếp giáp lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa.
Trong đó, vùng tiếp giáp lãnh hải có chiều rộng hợp với lãnh hải bằng 24 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng hợp với lãnh hải bằng 200 hải lý và thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài lãnh hải có chiều rộng được xác định, trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m (đường nối các điểm có độ sâu trung bình là 2.500m).
Tàu TQ đâm tàu VN tại khu vực đặt giàn khoan trái phép. Ảnh từ clip |
Phá vỡ những thỏa thuận
Những hành động của TQ khiến dư luận có cảm tưởng như họ đã "quên" mất trách nhiệm của mình với những tuyên bố, cam kết đã ký. Có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại những gì TQ đã tuyên bố và cam kết với ASEAN và VN?
Về phương diện chính trị và ngoại giao quốc tế, hành vi của TQ đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà TQ và các nước Asean đã thỏa thuận năm 2002 tại Phnompênh, Campuchia và vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN và TQ do lãnh đạo 2 nước đã ký năm 2011.
Có thể nêu ra đây một số nội dung mà TQ và Asean đã thỏa thuận ký kết trong DOC:
Điều 1: Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam á (TAC), Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của TQ) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giửa Nhà nước và Nhà nước ...
Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau, hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời biển Đông như đã được minh thị bởi các nguyên tắc đã được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả công ước LHQ về Luật biển năm 1982
Điều 4: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định....
Điều 6: Trong khi chờ đợi một sự dàn xếp tòan diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác....
Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và tranh chấp giữa các bên.
Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó.
Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này.
Điều 10: Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này.
Đặc biệt, với VN, hành động của TQ đã phá vỡ hoàn toàn Thỏa thuận về nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển giữa VN và TQ mà lãnh đạo cao cấp nhất của 2 bên đã ký năm 2011.
Theo đó, lãnh đạo hai nước đã đặc biệt nhấn mạnh, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần " Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện VN - TQ, góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực; trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử..., đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển; Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC); Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác; 4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi...
Duy Chiến - Tá Lâm (Thực hiện)
Theo TVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét