Pages

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Sức mạnh của niềm tin



Trần Trung Đạo (Danlambao) - Chiều thứ Sáu ngày 6 tháng 9, 1991 các báo lớn trên khắp thế giới loan tin “Moscow chính thức công nhận quyền độc lập của ba quốc gia Lithuania, Latvia và Estonia sau nửa thế kỷ kiểm soát”. Ngoại trưởng Liên Xô Boris N. Pankin tuyên bố “Chúng tôi công nhận chủ quyền độc lập của ba quốc gia vừa tách rời khỏi Liên Bang Xô Viết. Chúng ta đang chứng kiến một biến cố lịch sử ngay tại thời điểm này”. Lời tuyên bố của Ngoại trưởng Liên Xô phát ra khi 250 ngàn quân Sô Viết vẫn còn đóng trên lãnh thổ ba quốc gia vùng Baltic: Latvia, Estonia và Lithuania.

Đối với phần lớn nhân loại đó là tin khá bất ngờ. Các thủ đô Riga, Tallinn, Vilnius tràn ngập niềm vui. Tuy nhiên với cô nữ sinh viên Lina Lagunaite đang theo học tại đại học Kaunas, cách thủ đô Riga của Latvia chừng một giờ lái xe, tin đó chẳng làm cô ta hồi hộp chút nào. Trả lời cho phóng viên John Thor Dahlburg của báo Los Angeles Times, Lina nhún vai “Latvia bao giờ cũng là một nước tự do. Sự kiện vừa xảy ra chẳng có gì khác. Ông nội tôi và sau đó cha tôi luôn dặn dò chúng tôi Latvia là một nước tự do độc lập”. 

Lời phát biểu của nữ sinh viên Lina Lagunaite rất bình thường nhưng chuyên chở một ý nghĩa tinh thần quan trọng. 

Tinh thần độc lập dân tộc và chế độ Cộng Hòa được thiết lập tại Latvia từ năm 1918, rất lâu trước khi Lina ra đời vẫn sống. Thế hệ của Lina Lagunaite và có thể cả của cha cô ta đều sinh ra sau ngày 18 tháng 11, 1918, Ngày Độc Lập của Cộng Hòa Latvia, nhưng tinh thần độc lập đó như một dòng sông không ngừng chảy dù đã chảy trong đau thương và chịu đựng, trong máu và nước mắt suốt 51 năm dưới hai chế độ độc tài khát máu nhất nhân loại: Hitler và Stalin. 

Không tính 200 năm dưới sự cai trị hà khắc của các triều đại Nga Hoàng, thời gian từ 1939 đến 1990 là một thời gian khủng khiếp để một dân tộc với dân số chưa đến 2 triệu như Latvia phải chịu đựng từ Stalin sang Hilter, trở lại Stalin và thời kỳ CS sau đó. 

Năm 1939, Stalin thỏa thuận với Hitler qua hiệp ước bất can thiệp Molotov–Ribbentrop xua quân chiếm đóng Latvia. Phần lớn sĩ quan cao cấp trong quân đội Cộng Hòa Latvia đều bị giết chết. Hầu hết các lãnh đạo và viên chức chính phủ Cộng Hòa đều bị bắt và đày sang các trại tù miền Trung Á. 

Năm 1941, khi Hitler xé hiệp ước Molotov–Ribbentrop mở Mặt trận Miền Đông tấn công Liên Xô, các quốc gia vùng Baltic rơi vào tay Hilter nhanh chóng. Latvia chịu đựng dưới chính sách hà khắc của Hitler. Lần này, không chỉ người Latvia mà nhất là người Latvia gốc Do Thái trở thành mục tiêu trấn áp. Theo các thống kê, chỉ còn 10 phần trăm dân Latvia gốc Do Thái sống sót sau Thế chiến Thứ Hai. 

Khi Hitler thua, Stalin trở lại, cưỡng chiếm và sau đó sáp nhập Latvia vào Liên Xô. Khoảng 136 ngàn người Latvia bị kết tội là “kẻ thù nhân dân” và bị đày đến các tại tập trung lao động khổ sai nhiều nơi trên vùng Trung Á và Siberia. Tài sản bị tịch thu. Ruộng đất bị tước đoạt. Các hình thức xét xử gọi là “Tòa án nhân dân” được dựng lên khắp nơi. Khi Stalin chết, Nikita Khrushchev lên và cho phép dân Latvia lưu đày được trở về nguyên quán, nhưng quá trễ, phần đông đã chết trong tù đày. 

Thế hệ của Lina Lagunaite lớn lên trong nền giáo dục Cộng Sản tuyên truyền tẩy não. Toàn bộ lịch sử Latvia cận đại bị hệ thống tuyên truyền Liên Xô viết lại. Thỏa hiệp Molotov–Ribbentrop, chiếm đóng vùng Baltic không được nhắc đến. Lina không được học lịch sử Latvia chính thống mà được đầu độc bằng những thông tin dối trá như “Con đường Lenin là con đường hạnh phúc”, “Stalin là anh hùng giải phóng dân tộc Latvia”. Triết học Mác Lê là môn học chính. Lina Lagunaite bị đoàn ngũ hóa từ khi còn bé. Một tầng lớp Latvia phản quốc được Liên Xô đào tạo để phục vụ cho chế độ CS. Đảng CS Latvia lúc đầu chỉ 400 đảng viên đã phát triển thành một tập đoàn tham nhũng, bán nước, tiếp tay với CS Liên Xô đày đọa chính đồng bào mình. Chính thành phần phản quốc trong cái gọi là “Quốc hội Latvia” đã bỏ phiếu sáp nhập Latvia vào Liên Xô.

Nhưng dân tộc Latvia và Cộng Hòa Latvia vẫn sống, vẫn tồn tại. Ngày 27 tháng Hai, 1990, cả nước Latvia đứng chào lá quốc kỳ hai màu trắng và huyết dụ được khai sinh trong thời kỳ độc lập 1918. “Cờ tổ quốc” nền đỏ búa liềm với ngôi sao vàng CS bị ném vào sọt rác của quá khứ đáng quên. Hầu hết Dân biểu Quốc hội Latvia bỏ phiếu thuận chọn lá cờ hai màu trắng và huyết dụ làm quốc kỳ chưa từng trước lá cờ đó lần nào. Tuy nhiên, giá trị của một lá cờ không chỉ được xác định bằng thời gian của một đời người mà bằng giá trị của di sản lịch sử mà lá cờ chuyên chở. Năm sau, ngày 10 tháng 9, 1991, đảng CS Latvia cũng bị Quốc Hội Latvia cấm hoạt động. 

Những yếu tố giúp Latvia sống là những bài học mà các bậc ông bà, cha mẹ Việt Nam nên học. Như nữ sinh viên Lina Lagunaite kể lại cho phóng viên LA Times“Ông nội tôi và sau đó cha tôi luôn dặn dò chúng tôi Latvia là một nước tự do độc lập”, các thế hệ cha ông Việt Nam, qua giáo dục gia đình, phải có trách nhiệm hun đúc niềm tin dân tộc nơi thế hệ trẻ để các em luôn hãnh diện với gia phong và huyết thống của mình. Gia phong huyết thống của đại gia đình Việt Nam là màu da các em có, là chiếc áo dài các em mặc, là tiếng nói, là ca dao, là lá trầu, trái cau, là nụ cười của trẻ thơ, lời ru và cả giọt nước mắt đau lòng của mẹ. Và xa hơn, gia phong và huyết thống là giá trị tự do, độc lập dân tộc đã tích lũy và kế thừa qua nhiều nghìn năm trước kết tụ trong nhận thức của mỗi con người. 

Nữ sinh viên Lina Lagunaite nhún vai xem việc Lavia độc lập là chuyện bình thường bởi vì em được hun đúc một niềm tin sâu xa vào lịch sử Latvia: “Latvia bao giờ cũng là một nước tự do. Sự kiện vừa xảy ra chẳng có gì khác”. Em đã chiến thắng bộ máy tuyên truyền CS. Em vượt qua được chính sách đồng hóa vô cùng tàn nhẫn của Nga. Em biết mình là ai. Lina Lagunaite học thuộc lịch sử chính thống của Latvia. Bởi vì nếu không thuộc sử sẽ dẫn đến câu hỏi "tôi là ai", dẫn đến việc thiếu niềm tin vào sức sống và sự trường tồn của nòi giống, dẫn đến những cái nhìn thiển cận về tương lai đất nước. 

Không riêng Lina Lagunaite mà rất đông những người thuộc thế hệ Lina Lagunaite cũng được ông bà, cha mẹ dạy dỗ tốt như vậy và chính thế hệ này là thành phần nòng cốt trong các cuộc biểu tình đòi độc lập cho Latvia trong ba năm 1987 đến 1990. Trong lễ kỷ niệm 70 năm Độc Lập Latvia vào năm 1988, có ước lượng 500 ngàn người, hơn một phần tư dân số Latvia trong đó đa số là tuổi trẻ, tham dự. 

Một người Việt Nam nào quan tâm đến tương lai dân tộc cũng đều muốn thấy đất nước một ngày được sống trong tự do dân chủ. Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước nếu không được cụ thể hóa bằng hành động yểm trợ cho các sinh hoạt của tuổi trẻ, góp công, góp sức vào các phong trào dân chủ của tuổi trẻ. Đừng đợi tuổi trẻ tìm mà hãy đứng đậy đi về phía tuổi trẻ, gõ cửa tâm hồn họ, thắp lên ngọn lửa tin yêu và hy vọng trong lòng họ, nuôi dưỡng truyền thống độc lập và tự chủ trong nhận thức họ như cha ông của Lina Lagunaite đã làm ở Latvia . 


Trần Trung Đạo

Không có nhận xét nào: