Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Tại sao chưa thể áp dụng “Tam quyền phân lập“ ở Việt Nam?

Tô Xuân Hòa


                                                                 Tam quyền phân lập...

Quyền lực không được kiểm soát sẽ trở thành tha hoá. Tham nhũng về bản chất là sự lạm dụng quyền lực, là sự tha hóa quyền lực của những người có chức có quyền trong bộ máy nhà nước. Đất nước đang cần có nhiều người vừa có tài, vừa có đức để gánh vác việc nước nhưng môi trường xã hội tham nhũng, mua quan bán chức, bè phái, lợi ích nhóm như ở Việt Nam hiện nay không thể hội tụ những người vừa có tài vừa có đức.

Để kiểm soát quyền lực của nhà nước, hầu hết các quốc gia phát triển, dân chủ và văn minh, chẳng hạn các quốc gia Bắc Âu, CHLB Đức, Nhật, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Canada đã áp dụng thành công học thuyết lập hiến “Tam quyền phân lập“ của 2 nhà khai sáng là Montesquieu và Rousseau.

Nội dung cơ bản của học thuyết lập hiến này là: 3 nhánh quyền lực gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp phải được phân chia cho các cơ quan quyền lực khác nhau nắm giữ, nhằm không để một cá nhân hay một cơ quan nào nắm được trọn vẹn quyền lực nhà nước. Ở các nước đó, thường là Quốc hội nắm quyền lập pháp. Chính phủ nắm quyền hành pháp. Hệ thống tòa án nắm quyền tư pháp. Mỗi cơ quan đó chỉ được hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác. Quyền lực giữa các cơ quan quyền lực đó là cân bằng. Các cơ quan đó giám sát, kiềm chế, đối trọng và chế ước lẫn nhau, để không một cơ quan quyền lực nào có khả năng lạm quyền.

Ở Việt Nam hiện nay thì không như vậy. Tuy có sự phân chia 3 nhánh quyền lực cho 3 cơ quan nắm giữ nhưng tại điều 2, chương 1, hiến pháp 1992 quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong hiến pháp không có điều nào nói về tính độc lập, sự giám sát, kiềm chế, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực đó. Vì vậy không khó hiểu khi ở Việt Nam, tham nhũng có đất sống ngay trong hệ thống tư pháp (xem báo điện tử chính thống Vietnamnet ngày 28/3/2013 “Cán bộ tòa án ăn hối lộ, chạy án“) .

Trên thực tế, bộ máy nhà nước được tổ chức tập trung vào 1 đảng, vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền là ĐCSVN. ĐCSVN lãnh đạo tuyệt đối mọi hoạt động của nhà nước, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Điều này được quy định tại điều 4 hiến pháp 1992 và hiến pháp 2013.

Mọi chức vụ quan trọng trong quốc hội, trong bộ máy nhà nước, trong tòa án đều do các đảng viên ĐCSVN nắm giữ. Quốc hội là cơ quan lập pháp có trên 90% thành viên là đảng viên ĐCSVN. Các trưởng đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thường là ủy viên trung ương ĐCSVN kiêm bí thư tỉnh ủy hoặc bí thư thành ủy. Chính phủ là cơ quan hành pháp có 100% thành viên là đảng viên ĐCSVN. Từ thủ tướng đến các bộ trưởng đều là đảng viên ĐCSVN, là ủy viên trung ương ĐCSVN hoặc ủy viên Bộ chính trị. kiêm đại biểu quốc hội. Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp có 100% thành viên là đảng viên ĐCSVN nắm giữ hội đồng thẩm phán của tòa án tối cao và chánh án tòa án tối cao.

Như vậy ĐCSVN nắm giữ toàn bộ 3 nhánh quyền lực của nhà nước. Một trong 19 điều ĐCSVN cấm đảng viên là không được nói và làm trái nghị quyết của đảng. Với cách tổ chức như thế, nếu có cơ chế giám sát quyền lực thì cơ chế đó hoàn toàn có thể bị vô hiệu hóa bởi 1 nghị quyết của ĐCSVN. Do vậy không thể thực hiện việc kiểm soát, giám sát, kiềm chế giữa các nhánh quyền lực của nhà nước. Quyền lực không thể bị giám sát chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi sự tha hóa quyền lực, lạm quyền để chiếm các đặc quyền đặc lợi, coi thường pháp luật, suy đồi đạo đức.

Tình trạng độc đảng cộng sản đang nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối và cầm quyền ở Việt Nam hiện nay chính là lý do chủ yếu giải thích vì sao học thuyết lập hiến tam quyền phân lập chưa thể áp dụng ở Việt Nam. Muốn áp dụng thì trước tiên phải xóa bỏ tình trạng độc quyền lãnh đạo và cầm quyền. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng trong chính trị và đời sống xã hội, chấp nhận sự giám sát thực sự của nhân dân và luật pháp, chấp nhận sự cạnh tranh về phẩm chất và năng lực đảm đương sứ mệnh được nhân dân giao phó là người lãnh đạo. Ngay từ ngày 19/2/2013, ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội đã nói với báo Vietnamnet: ” Một đảng cầm quyền nên chấp nhận cạnh tranh. Chấp nhận cạnh tranh chính là chấp nhận sự tự rèn luyện để ngày càng trưởng thành, trong sạch và vững mạnh. Một khi là đảng vừa có tâm, vừa có tầm, vừa có đạo đức, văn minh, có trí tuệ thiên tài thì không sợ bị thất bại trong cạnh tranh, để xứng đáng đảm đương sứ mệnh lãnh đạo của mình".

Tô Xuân Hòa

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào: