Pages

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Trần Quí Cao - Tác hại ghê gớm đối với đất nước trong quá trình cướp và giữ quyền lực của Đảng CSVN

Trần Quí Cao

Bài 1: Đặt Vấn Đề và Cuộc Cách mạng Tháng Tám

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền. Ảnh: T.L

Đặt Vấn Đề

Đảng Cộng Sản Việt Nam (viết tắt: đảng CSVN) thường nói đảng CSVN có vị thế chính đáng để lãnh đạo Việt Nam lâu dài. Chính nhân dân Việt Nam đã chọn đảng CSVN, chớ không chọn ai khác, làm lãnh đạo, vì trong bảy chục năm qua đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, và do đó đảng có công lao trời biển đối với đất nước.

Các thành tích lớn đảng CSVN thường nêu lên là:
1) Lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập từ tay Nhật.
2) Khi Pháp quay lại Đông Dương, đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Kháng Chiến Chín Năm giành độc lập từ Pháp.
3) Khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải rút khỏi Đông Dương, nước Việt Nam bị chia hai miền Nam-Bắc theo hai chế độ khác nhau, đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiếp tục công cuộc giành độc lập bằng cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
4) Sau khi thống nhất Việt Nam bằng cuộc chiến “hai mười năm nội chiến từng ngày”, đảng CSVN tiếp tục lãnh đạo toàn diện dân chúng Việt Nam Xây Dựng Nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa phát triển mọi mặt và có vị trí quốc tế quan trọng.
Nói là nói là nói vậy, nhưng chưa bao giờ trong nước có một cuộc hội thảo khoa học đúng nghĩa về những chủ đề nói trên. Các thành tích mà đảng CSVN tự hào đã mang lại những hậu quả gì cho dân tộc? Chỉ có những hội thảo, hội nghị được gọi là “khoa học” nhưng lại có tính phong trào, nghĩa là tổ chức nhân dịp những ngày đại lễ mừng chiến công của đảng CSVN, và có mục đích minh họa và chứng minh lập luận của đảng CSVN. Ai cũng biết, các hội thảo, hội nghị như vậy không hề có tính khoa học gì hết, bởi vì chúng hoàn toàn thiếu hai tính chất quan trọng là tính khách quan và tính trung thực.
Loạt bài viết này có thể xem như một tổng quan các quan điểm, các cách nhìn khác với quan điểm, cách nhìn của đảng CSVN nhằm thảo luận xem cuộc Cách Mạng Tháng Tám, cuộc Kháng Chiến Chín Năm, cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước và sự Lãnh Đạo Toàn Diện Đất Nước dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của đảng CSVN đã thực sự mang lại những gì cho dân tộc này.

Cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945

Thế chiến thứ 2 là cuộc chiến giữa hai phe: phe Trục dẫn đầu bởi các nước Đức, Ý, Nhật và phe Đồng Minh dẫn đầu bởi các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga. Thế chiến 2 bắt đầu năm 1945 và kết thúc năm 1945 với sự đầu hàng của Nhật và Đức.
Những năm đầu thế chiến, phe Trục thắng liên tiếp trên các mặt trận lớn. Pháp bị Đức đánh bại và chiếm đóng. Nước Pháp suy yếu, kéo theo chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng yếu theo. Năm 1941 Nhật tấn công và phá hủy gần như toàn bộ hạm đội Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân chính của Mỹ tại Thái Bình Dương. Từ đó Nhật hùng cứ Thái Bình Dương và sau đó tiến chiếm Đông Dương.
Việt Nam lúc đó đúng là đang bị một cổ hai tròng. Tuy nhiên, hai tròng đó đang dần dần bị cởi bỏ bởi:
a) Sự đấu tranh bền bỉ của dân tộc Việt Nam trong 80 năm dưới sự chiếm đóng của Pháp, và
b) Mâu thuẫn của hai phe trong thế chiến thứ hai. Tại Đông Dương mâu thuẫn này được thể hiện bởi tranh chấp Pháp Nhật, để cuối cùng, Nhật lật đổ Pháp vào tháng 3/1945. Một tròng, tròng Pháp, đã được cởi bỏ. Tròng còn lại, tròng Nhật, thực ra đang ngày càng yếu ớt vì rơi vào thế hạ phong trong thế chiến thứ 2. Nhiều nhà quan sát và hoạt động chính trị đã nắm rõ tình hình và thấy trước hướng biến thiên thời cuộc sắp tới: dù đã lật đổ Pháp và đang nắm quyền tại Đông Dương, Nhật chắc chắn sẽ nhanh chóng bại trận trước phe Đồng Minh. Lúc đó Đông Dương sẽ có khoảng trống quyền lực trước khi Pháp kịp quay trở lại. Những phe phái chính trị tại Việt Nam đã vạch ra kế hoạch nắm thời cơ giành độc lập cho Việt Nam.
Lúc đó, đảng Cộng Sản đang hoạt động ngoài vòng chính thức. Họ tích cực chuẩn bị cho thời cơ “Pháp Nhật đánh nhau, chúng ta phải làm gì” (tựa một bài báo của ông Trường Chinh).
Lúc đó, có một nhóm các nhà hoạt động xã hội có tâm huyết gồm các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh… Những người này bàn bạc rồi tìm cách thuyết phục vua Bảo Đại lập chính phủ để chuẩn bị tuyên bố độc lập khi Nhật đầu hàng. Việc này cũng phù hợp với nhu cầu của Nhật là lập một chính phủ người Việt cho danh chánh ngôn thuận với phong trào Đông Á do Nhật khởi xướng và lãnh đạo.
Đây là nguồn gốc của sự ra đời của chánh phủ Trần Trọng Kim, được thành lập chính thức ngày 17/4/1945.
Dù được lập dưới thời Nhật chiếm Đông Dương, chính phủ Trần Trọng Kim thực chất là một chánh phủ lợi dụng thời cơ phát sinh từ mâu thuẫn giữa hai phe Đồng Minh và phe Trục trong thế chiến thứ 2 để mưu cầu độc lập cho Việt Nam. Chính phủ gồm các nhà hoạt động chính trị và xã hội đương thời, có bằng cấp cao, trình độ trí thức cùng với thanh danh về đạo đức rất cao thời đó.
Bốn tháng sau đó, ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.
Trong thời gian bốn tháng ngắn ngủi đó, chính phủ Trần Trọng Kim đã cùng dân Việt tiến một bước dài về phía độc lập:
1) Thiết lập một chính phủ Việt Nam thống nhất, tạo điều kiện và thúc đẩy quần chúng tham gia các sinh hoạt chính trị công khai, chuẩn bị tinh thần hướng về độc lập của dân chúng.
2) Thu hồi các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và, quan trọng hơn, sáp nhập được Nam kỳ trở lại thành một phần của nước Việt Nam thống nhất,
3) Xác nhận nền độc lập của Việt Nam ngày 18/9/1945
4) Chuyển đổi thành công nền giáo dục từ hệ thống dùng tiếng Pháp sang hệ thống dùng tiếng Việt từ bậc tiểu học tới bậc đại học. Điều này rất quan trọng nhằm phổ biến kiến thức về văn hóa, khoa học, kỹ thuật… cho dân chúng để nâng cao dân trí. Nó cũng nhắm vào mục tiêu nung đúc tinh thần tự chủ của dân tộc, chuẩn bị cơ sở mềm tiếp nhận độc lập khi Nhật đầu hàng.
Trong điều kiện khó khăn như vậy và trong một thời gian ngắn như vậy, các thành quả nói trên thực đáng kinh ngạc và khâm phục. Không phải là một chánh phủ có tâm huyết với độc lập dân tộc và tương lai phát triển đất nước lâu dài, không thể làm được. Nếu so sánh những gì chính phủ Trần Trọng Kim làm được trong bốn tháng đó, với những gì chính quyền của đảng CSVN làm được trong 40 năm nước nhà thống nhất, ta sẽ thấy sự khác biệt không chỉ ở thành quả, mà rõ rệt hơn, ở đẳng cấp của tri thức và của tấm lòng của chính phủ Trần Trọng Kim đối với tương lai phát triển lâu dài của dân tộc.
Trên thực tế, chính phủ Trần Trọng Kim đã thực sự điều hành nội trị đất nước một cách tự chủ, đã sáp nhập các phần lãnh thổ bị chia cắt của Việt Nam vào một quốc gia thống nhất, và, sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Nam đã thực sự độc lập. Chỉ cần tranh thủ sự công nhận của các nước là Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập và dân chủ!
Ngày 17/8/1945, hai ngày sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tập họp các công chức làm lễ mừng độc lập và thống nhất lãnh thổ. Trong ngày lễ, phe Việt Minh chiếm diễn đàn và tuyên bố giành chính quyền tại Hà Nội. Do muốn tránh cuộc tranh giành, có thể tổn hại sự đoàn kết các thành phần dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh nền độc lập nước nhà đang trong thế rất chông chênh, chính phủ Trần Trọng Kim đồng ý giao chính quyền cho Việt Minh và vua Bảo Đại thoái vị ngày 25/8/1945. Sau đó ông Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập tại một cuộc mít-tinh tổ chức ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, nơi sau này được đổi tên thành quảng trường Ba Đình. Ngày 2/9 được chọn là ngày quốc khánh của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Như vậy, chúng ta có thể thấy:
Cách Mạng Tháng Tám thực chất là một cuộc cướp quyền điều hành đất nước của chính phủ Trần Trọng Kim do ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành.
Chánh phủ Trần Trọng Kim lúc đó thực chất là chánh phủ của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, có chính quyền trung ương tập quyền trên suốt lãnh thổ Việt Nam.
Chánh phủ Trần Trọng Kim, một chánh phủ gồm những người thực sự ưu tú của đất nước, sau bốn tháng thành lập, đã có những thành quả cực kỳ to lớn trên con đường tiến đến nền Độc Lập thực sự và được quốc tế công nhận, tiến đến một thể chế Tự Do, Dân Chủ cho dân chúng và đang chuẩn bị Phát Triển đất nước bằng các kế hoạch chấn hưng dân trí sâu rộng.
Chính phủ đó liên tục bị Việt Minh vu cáo là tay sai của Nhật bất chấp các thành quả tốt đẹp. Chính phủ đó, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, thay vì được ủng hộ để đối phó hữu hiệu với ngoại bang, lại bị lật đổ.
Do bản chất và mục đích tranh cướp quyền, Cách Mạng Tháng Tám đã phá bỏ cơ hội đoàn kết và hợp tác giữa các thành phần và đảng phái dân tộc nhằm tranh đấu với Pháp đang tìm cách quay trở lại Đông Dương.
Ai cũng thấy chính sách đối với thuộc địa sau năm 1945 của Pháp là thiển cận và không hợp thời. Tuy nhiên, nếu phải đối diện với một nước Việt Nam đoàn kết nhau lúc đó, thì Pháp có hung hăng như đã hung hăng khi chỉ phải đối phó với một nước Việt Nam mà trong đó các thành phần chống Pháp khác đã bị Việt Minh triệt hạ? Cuộc chiến chống Pháp giành độc lập rất tốn kém tài của, sinh mạng dân chúng, đánh mất rất nhiều cơ hội lịch sử và thời gian xây dựng đất nước, cuộc chiến đó có phải xảy ra hay không?
Do bản chất và mục đích tranh cướp quyền, cuộc Cách Mạng Tháng Tám đã góp phần tạo nên tâm lý chính trị rất xấu là tranh giành quyền lực để cướp chánh quyền cho đảng Cộng Sản Việt Nam thay vì hợp tác xây dựng nền chính trị đa đảng để mọi thành phần dân tộc có thể góp sức phục vụ đất nước. Kể từ đó, lịch sử chính trị Việt Nam bị chi phối rất nặng nề bởi quyền lợi của đảng Cộng Sản Việt Nam thay vì bởi quyền lợi và sự giàu mạnh của tổ quốc và dân tộc; bởi sự cướp và bám giữ chính quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam bằng mọi giá thay vì đấu tranh cho độc lập và chủ quyền và sự phát triển của của tổ quốc Việt Nam.
Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Hậu quả của cuộc Cách Mạng Tháng Tám là gì?
1) Đảng Cộng Sản Việt Nam, bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ một chính phủ yêu nước và tâm huyết, chính phủ Trần Trọng Kim, để giành chính quyền cho riêng mình.
2) Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã phá tan nền dân chủ đầy triển vọng của nước Việt Nam và đặt nền móng cho chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị.
Vậy thì, Cách Mạng Tháng Tám đem lại Phúc hay Họa cho dân tộc Việt Nam? Nhân dân Việt Nam nên cám ơn hay hối tiếc vì cuộc Cách Mạng đó?

Hình ảnh Hồ Chí Minh thăm một xưởng công binh tại căn cứ Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bài 2: Cuộc Kháng Chiến Chín Năm Giành Độc Lập Từ Pháp

Như đã phân tích trong Bài 1: Đặt Vấn Đề và Cuộc Cách Mạng Tháng Tám, nếu không có cuộc CMT8 thì rất có thể các đảng phái khác nhau, các thành phần khác nhau của dân tộc VN đã đoàn kết trên một mặt trận đối phó với Pháp. Hoàn cảnh đó, thực lực đó, Việt Nam có thể giành được độc lập mà không phải trả giá bằng cuộc chiến 9 năm. Nhà sử học và nhà hoạt động văn hóa chính trị đáng kính của Việt Nam, người từng nghiêng về ủng hộ cuộc kháng chiến 9 năm, ông Hoàng Xuân Hãn, nhớ lại: “Chiến tranh sở dĩ xảy ra vì bên ngoài ta không thuyết phục được Pháp tôn trọng chúng ta hơn, bên trong ta không dẫn dắt được dân chúng đấu tranh hòa bình”.
Dù sao cuộc chiến cũng đã nổ ra. Truyền thống chống ngoại xâm được hun đúc ngàn năm đã biến Việt Nam thành một chiến trường toàn diện.
1) Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi nào cũng có thể trở thành chiến trường
2) Các thành phần dân tộc đồng loạt xung phong lao ra trận. Cả đất nước xếp lại mọi sinh hoạt đời thường để cầm vũ khí xông vào chém giết.
Đa số các gia đình người Việt đều có người tham gia. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, người thợ lam lũ cực nhọc trong nhà máy… cho tới ông thầy giáo dạy chữ, vị bác sĩ cứu người, các đại điền chủ điền sản bạt ngàn, các ông quận trưởng, đô trưởng đầy đủ tri thức và tài năng quản trị, các nhà chuyên môn trong mọi mọi ngành nghề… Tất cả bỏ hết, bỏ hết quyền lợi riêng tư của gia đình và cá nhân, đem cả gia đình lao vào máu lửa. Họ không biết chủ nghĩa Cộng Sản, chỉ theo tiếng gọi Độc Lập cho Tổ Quốc, Hạnh Phúc cho Nhân Dân mà:
Người sau kẻ trước lao vào giặc,
Lưu lại ngàn thu một giống nòi (thơ Hoàng Cầm)
Đối với rất nhiều người trong họ, cuộc kháng chiến chống Pháp giành Độc Lập là cuộc chiến thiêng liêng, lý tưởng, là lẽ sống cao nhất của cuộc đời.
Trong khi rất kính trọng tấm lòng, nhân cách của đa số con người tham gia kháng chiến, trong khi nghiêng mình trước những hy sinh quá lớn lao mà họ tự nguyện chấp nhận vì công cuộc giành độc lập cho tổ quốc,
Tôi vẫn thường tự hỏi:
1) Ai chịu trách nhiệm trước sự hao tổn quá lớn về sinh lực, nguyên khí của đất nước? Không chỉ là trách nhiệm trong khi tiến hành cuộc chiến khi nó đã bùng nổ, mà trước đó và sâu sắc hơn, là trách nhiệm đẩy toàn dân vào cuộc chiến đó!
2) Có phải không còn cách nào để đoàn kết toàn dân đấu tranh chính trị, ngoại giao với Pháp?
3) Tại sao trong khi vận mệnh nền độc lập non trẻ của nước nhà đang “ngàn cân treo sợi tóc” lại tiến hành loại bỏ không khoan nhượng những đảng phái khác cũng đang hoạt động cùng mục tiêu bảo vệ nền độc lập đó?
Tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng thắc mắc với những câu hỏi như trên hay những câu tương tự. Trả lời những câu hỏi đó không phải là bươi móc để trả thù, mà là để hướng tới xây dựng tương lai. Không thể xây dựng tương lai với quyết tâm và tinh thần mạnh mẽ vượt mọi khó khăn, nếu không biết rõ quá khứ.
Những câu hỏi này bị cấm đoán hay chưa từng được nêu lên rộng rãi trong dân chúng hay các giới quan tâm nhằm thảo luận trong tinh thần thực sự khoa học và cầu thị. Chúng phải được trả lời bởi tri thức của những nhà chuyên môn công tâm. Không thể tìm câu trả lời trong tinh thần “minh họa”, “chứng minh” cho một đường lối, một chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trở lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc chiến mà đảng Cộng Sản Việt Nam tự hào là đã mở đầu và lãnh đạo toàn dân đi tới chiến thắng. Cuộc chiến bắt đầu từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 của ông Hồ Chí Minh và kết thúc bằng trận chiến Điện Bên Phủ mà phần bại thuộc về đội quân viễn chinh Pháp. Qua cuộc chiến đó, đảng Cộng Sản Việt Nam đã đem lại những thành quả gì cho dân tộc đền đáp sự ủng hộ máu xương của dân chúng?
Hậu Quả của Cuộc Chiến:
1) Các ước lượng cho thấy khoảng ba triệu người Việt Nam ưu tú đã nằm xuống. Hãy nhớ, trong ba triệu con người đó, nhiều người có kỹ năng quản trị, có chuyên môn khoa học kỹ thuật, có nền móng đạo đức, có tri thức vững chắc để xây dựng và tổ chức cuộc sống cộng đồng, cuộc sống đô thị văn minh giàu đẹp. Đó là cái vốn nhân lực rất quí giá để xây dựng và phát triển tổ quốc lâu dài. Ngoài ra, đại đa số trong ba triệu con người đó đang trong lứa tuổi tươi đep và mạnh mẽ nhất của cuộc đời.
2) Cả nước biến thành chiến trường trong suốt chín năm. Thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian thế chiến thứ 2. Công nghiệp, nông nghiệp bị tàn phá rất rất nặng nề.
3) Đạo đức bị băng hoại. Truyền thống dân tộc bị tàn phá
4) Hận thù được gieo rắc và nuôi dưỡng.
5) Nước Việt Nam chính thức bị chia đôi. Lịch sử tương tàn Trịnh-Nguyễn tái lập, với mức độ tàn khốc gấp rất nhiều lần.
Dọc theo 9 năm chiến tranh, trong khi máu đang chảy thành sông, xương đang chất thành núi, thì những người lãnh đạo kháng chiến lại tổ chức cuộc thảm sát man rợ dưới chiêu bài Cải Cách Ruộng Đất.
Tại sao gọi là thảm sát man rợ?
1) Gần 180 ngàn con người bị giết chết trên một diện tích khoảng 20 ngàn km vuông, trên một dân số khoảng 5 triệu người (vùng giải phóng miền Bắc), trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
2) Việc giết người được quyết định bởi những người không nắm tình hình mà chỉ bị sai khiến bởi chỉ tiêu của cấp trên về số người phải bị giết.
3) Việc giết người được thi hành trước đám đông cuồng nhiệt, mà lòng căm thù và thú tính say máu chém giết bị kích động có chủ đích.
4) Việc giết người được tiến hành ngay lập tức, theo cách bắn sau lưng, hay đào hố sâu chôn nạn nhân cho ló đầu lên để con trâu kéo cày ngang cho tới khi chết!
5) Việc giết người được tiến hành trước sự chứng kiến của dân làng, trong đó có nhiều trẻ em.
(Hãy so sánh với cách thức xử tử con tin mà IS tiến hành và quay phim tung lên mạng hiện nay, để cảm nhận mức độ man rợ của những người lãnh đạo Cải Cách Ruộng Đất đối với đồng bào của mình 60 năm trước)
Dọc theo 9 năm chiến tranh, hận thù dân tộc bị đẩy lên cao độ. Dân tộc bị phân chia làm ta và địch. Không có thành phần đứng giữa hay đứng ngoài. Người nào không cầm súng chiến đấu trong phe ta, người đó là kẻ địch. Người Việt không được quyền sống hòa bình và yên ổn. Người Việt không được quyền làm thường dân, hể sống trong vùng Pháp kiểm soát thì đương nhiên là theo Pháp. Người Việt không được quyền sống theo tôn giáo của mình, giáo dân có khuynh hướng được xếp vào hàng ngũ địch.
Dọc theo 9 năm chiến tranh, càng về sau, mức độ lệ thuộc của Việt Nam vào nước Tàu Cộng Sản càng sâu. Cố vấn Tàu có ảnh hưởng lớn trên giàn lãnh đạo tối cao của Việt Nam. Nếu gọi cố vấn Tàu có quyền hành lớn cũng không sai. Những giọt nước mắt của ông Hồ chí Minh khi xin lỗi đồng bào về hậu quả Cải Cách Ruộng Đất, cùng những lập luận lan truyền rằng Việt Nam tiến hành CCRĐ là do áp lực của Tàu, dù có mục đích biện minh và chạy tội, cũng cho thấy Việt Nam lệ thuộc Tàu tới chừng nào!
Cuối cuộc chiến, khi đất nước bị phân hai, rất nhiều người Việt không chấp nhận sống dưới chế độ miền bắc Cộng Sản. Do chính quyền Cộng Sản lúc đó chưa hoàn toàn kiểm được tình hình miền Bắc, và việc thi hành hiệp định Geneve đang đặt dưới sự giám sát của quốc tế, chính quyền phải để cho một phần số dân này di cư vào miền nam Tự Do. Tuy nhiên, chính sách bắt ép dân ở lại vẫn được tiến hành không chính thức, bao nhiêu con người không đi được bị giết, bị bạc đãi, bị phân biệt…? Mầm mống của lòng hận thù nghiệt ngã giữa những người Việt với nhau đã chính thức trỗi dậy thành cây to, chuẩn bị cho cuộc chiến còn khủng khiếp hơn nhiều lần sắp tới.
Rất nhiều gia đình Việt Nam có người tham gia cuộc chiến 9 năm. Nhiều người trong số đó trãi thêm cuộc chiến 20 năm “Chống Mỹ Cứu Nước” để rồi sau năm 1975 tự dằn vặt không nguôi. Tấm lòng yêu nước bằng truyền thống và tinh thần chống ngoại xâm của của những người tham gia cuộc chiến thực đáng kính trọng. Khi đối chiếu tấm lòng của họ, sự hi sinh của họ với thực tế thoái hóa trầm trọng trên hầu như tất cả các mặt của đất nước hôm nay, lòng tôi lại dâng niềm thương cảm và đau xót.
Phóng tầm mắt sang các lân bang có cùng cảnh ngộ:
Phi Luật Tân độc lập năm 1945; Indonesia độc lập năm 1945; Ấn Độ độc lập năm 1947; Mã Lai độc lập năm 1957; Thái Lan không chịu hoàn cảnh thuộc địa…
Những nước này độc lập mà không phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt nào, đất nước không phải chia cắt, dân tộc đoàn kết xây dựng đất nước chớ không hận thù, trốn chạy và truy sát lẫn nhau, nền dân chủ ngày càng lớn mạnh, dân chúng được hưởng các quyền tự do căn bản của cuộc sống văn minh, làm bệ khai phóng cho sự phát triển tổ quốc một cách hài hòa với phát triển cá nhân… Các nước này, hiện nay có mức phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, có GDP/đầu người cao gấp Việt Nam ba bốn lần…
Cuộc kháng chiến 9 năm đã nên hay đã không nên nổ ra?
Do đó, trong khi những câu hỏi ở đầu chương này chưa được công khai nêu lên trong xã hội, tôi bắt buộc phải có những câu hỏi khác:
Khi quyết định đưa dân tộc vào một cuộc chiến tranh lớn và lâu dài tới như vậy, những người lãnh đạo cuộc chiến này:
1) Họ thực lòng yêu nước chống ngoại xâm hay lợi dụng lòng yêu nước chống ngoại xâm để chiếm độc quyền thống trị? Họ có yêu quí đất nước không? Có trân trọng mạng sống của người dân không? Có trân trọng tài nguyên, nguyên khí của dân tộc để dành cho sự phát triển lâu dài không?
2) Họ có kiến thức chính trị đủ rộng và đủ sâu để nắm bắt khuynh hướng chính trị của thế giới, thời cơ quốc tế, vận hội quốc gia, thực lực và tiềm năng dân tộc mà vạch ra hướng đi có lợi nhất cho tổ quốc hay không?

Pano đặt ở vĩ tuyến 17 phân chia hai miền Nam và Bắc. Ảnh: tạp chí Life.

Bài 3: Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước

3A: Hai Miền Nam Bắc sau Hiệp Định Genève

Sau trận chiến Điện Biên Phủ, hiệp định Geneve được ký kết mang lại hòa bình cho Đông Dương. Kể từ đó:
1) Việt Nam tạm thời chia ra 2 nước
2) Phía Bắc sông Bến Hải là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức chính trị xã hội theo hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa (Cộng Sản) dưới quyền cai trị của ông Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam
3) Phía Nam sông Bến Hải là nước Việt Nam Cộng Hòa tổ chức xã hội theo hệ thống Tư Bản Chủ Nghĩa (Tự Do) với hệ thống tam quyền phân lập trong đó quyền lập pháp thuộc về Quốc Hội lưỡng viện do dân trực tiếp bầu ra.
4) Mỗi bên tự xây dựng đất nước của mình trong hòa bình, sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất tổ quốc Việt Nam.
Mục tiêu của Hiệp Định là mang lại hòa bình cho Đông Dương, và cho người dân Việt có cơ hội tiếp xúc, thực thi việc xây dựng các kiểu chính thể và tìm hiểu kiểu chính thể nào hiệu quả hơn cho đất nước. Sau đó, chính người dân sẽ chọn lựa chính thể cho mình bằng một cuộc bỏ phiếu minh bạch.
Trước khi việc chia cắt được thực thi triệt để, có một khoảng thời gian giành cho người dân hai miền tự do di chuyển tìm đến nơi mình muốn sống. Chính quyền không được ngăn cản mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển này.
Miền Nam đã tuân thủ hiệp định. Các cán bộ theo Cộng Sản đang ở miền Nam có những điểm tập kết an toàn để được chuyển ra miền Bắc. Những cán bộ thời chiến tranh nay không muốn theo Cộng Sản nữa thì được ở lại miền Nam mà không chịu sự phân biệt, kì thị nào. Họ vẫn được làm việc sinh sống, con cái họ vẫn được đi học bình thường. Người dân miền Bắc không chấp nhận chế độ Cộng Sản di cư vào miền Nam được chính quyền tiếp nhận và tổ chức định cư chu đáo. Chính quyền bắt tay xây dựng các chương trình quốc kế dân sinh. Hệ thống giáo dục, chương trình giảng dạy từ tiểu học tới đại học… được nâng tầm với sự cố vấn của các nước tự do. Sự trao đổi văn hóa giáo dục khoa học với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Úc… nở rộ. Dân chúng được hưởng nền giáo dục phổ cập tới lớp 9 (nghĩa là trẻ em đi học do chính phủ đài thọ, gia đình không phải trả bất kì chi phí giáo dục nào). Đây là một hệ thống giáo dục tiến bộ so với các nước châu Á thời đó. Hệ thống y tế liên hoàn và tương đối hoành chỉnh bao phủ các tỉnh và thành phố. Tại Sài Gòn những bệnh viện công và tư khang trang bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế đạt tiêu chuẩn cao so với châu Á. Các bệnh viện công, mà người dân gọi là nhà thương thí vì không phải trả tiền (như Chợ Rẫy, Bình Dân…) cũng sạch đẹp mà không có tình trạng một giường hai bệnh nhân… Những kế hoạch kinh tế như Khu Công Nghiệp tập trung Nhà Bè (mà nếu không có chiến tranh đã trở thành một kiểu như Khu Chế Xuất Tân Thuận sau này, nhưng được tiến hành trước đó vài chục năm, đoạt tiên cơ phát triển so với các nước trong vùng), các vùng nông nghiệp chuyên canh… Cho tới cuối những năm 1950, trước khi cuộc chiến xâm lăng của miền Bắc vào miền Nam bùng nổ lớn, miền Nam vẫn còn xuất khẩu lúa gạo, nông sản, GDP/đầu người bằng 220% của Thai Lan, bằng 149% của Hàn Quốc. Nền kinh tế Việt Nam đầy triển vọng với giá trị đồng tiền vững vàng… Các giá trị sống đạo đức được tôn trọng…
Một cuộc sống hậu chiến thanh bình đầy đủ điều kiện phát triển…
Miền Bắc thì không như vậy. Rất nhiều người dân người dân miền Bắc muốn vào Nam sinh sống, nhưng chính quyền Cộng Sản đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn. Do chính quyền Cộng Sản chưa nắm được toàn bộ miền Bắc, hơn nữa đang có sự hiện diện của các quốc gia kiểm soát đình chiến, nên hơn một triệu người đã thoát được vào Nam. Kẻ ở lại bị kì thị triệt để. Miền Bắc còn tổ chức cho các cán binh của họ tại miền Nam chôn vũ khí tại các nơi bí mật, ở lại miền Nam theo chính sách điều lắng, mai phục chờ ngày tiến công.
Khi “Bức Màn Tre” buông xuống trên miền Bắc, mọi khuynh hướng nghiêng về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tinh thần pháp trị… bị đàn áp triệt để. Chiến dịch “Trăm Hoa Đua Nở” bỏ tù và bức tử nghề nghiệp hàng loạt các nhà báo, nhà văn hóa có tư tưởng cách tân, có tinh thần tự do học thuật, tranh luận. Đây thực chất là một chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất” trong lãnh vực văn hóa, tư tưởng.
Từ đó về sau, miền Bắc chỉ có một đảng lãnh đạo: đảng Cộng Sản Việt Nam, một thần tượng: ông Hồ Chí Minh, một lập luận tuyên truyền: lập luận của ban Tuyên Huấn, một lẽ sống: chiến đấu dưới lá cờ đảng Cộng Sản Việt Nam, một lẽ phải: tất cả những ai không theo đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam đều là kẻ địch…
Tất cả đã được chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.
Nhiều người tiên đoán cuộc Tổng Tuyển Cử chưa chắc được tổ chức như qui định trong hiệp định Genève. Và trong thực tế, vì nhiều lý do, cuộc Tổng Tuyển Cử đã không được tiến hành.
Bộ máy tuyên truyền cho cuộc chiến của đảng Cộng Sản Việt Nam trên miền Bắc, vốn đã hoạt động âm thầm, nay mở hết công suất theo một cách thức toàn trị, nghĩa là tất cả báo chí, đài phát thanh cùng hệ thống tuyên truyền ngày đêm phát ra cùng một giọng điệu:
1) Chế độ miền Nam không tuân thủ hiệp định Genève, cản trở việc tổ chức Tổng Tuyển Cử
2) Mỹ là thực dân mới, thi hành chế độ thuộc địa mới tại miền Nam để khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân lực miền Nam
3) Chế độ miền Nam dâng miền Nam cho Mỹ
4) Chế độ miền Nam lê máy chém giết hại đồng bào yêu nước, bỏ thuốc độc giết tù chính trị…
5) Chế độ miền Nam thực chất là chính quyền Ngụy, là chế độ bán nước cho Mỹ, tiếp tay Mỹ đày đọa, bốc lột thậm tệ dân chúng miền Nam và biến họ thành nô lệ
6) vân vân…
Sau “Bức Màn Tre”, không một tin tức trung thực nào về đời sống ấm no và tiến bộ của miền Nam đến người dân miền Bắc. Chỉ có một chiều dối trá: dân chúng miền Nam đang sống đời nô lệ khổ đau, đang bị bốc lột cùng cực bởi chế độ Mỹ Ngụy, đang bị nô dịch bởi chế độ thực dân mới xấu xa nhất…
Do đó, miền Bắc cần Giải Phóng Miền Nam, giành độc lập cho miền Nam, cứu dân miền Nam khỏi kiếp nộ lệ đói nghèo…
Giải Phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước
Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước
Ôi xương tan máu rơi
Lòng hận thù ngất trời… (Lời ca khúc Giải Phóng Miền Nam)
Thế là miền Bắc, chưa kịp hưởng thanh bình mấy bữa, đã, với “lòng hận thù ngất trời”, dốc tất cả nhân lực và tài lực vào cuộc chiến xâm lăng miền Nam anh em hiền hòa. Trong thời đại phi cơ, hỏa tiễn, bom nguyên tử…, tuổi trẻ Việt Nam được đốc thúc “cầm gươm ôm súng xông tới”, đối đầu với các loại vũ khí tối tân của của đội quân hùng mạnh và văn minh nhất thế giới! Phải tiêu diệt kẻ thù miền Nam cho dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”!
Hàng triệu sinh mạng, trong đó đa số đang lứa tuổi thanh xuân, bị đốt cháy trong lò lửa chiến tranh. Hàng triệu con người “sinh Bắc tử Nam”, trở về quê trong quan tài hay bị mất tích trong chiến tranh, trở thành phế nhân trên quê hương tan nát, điêu tàn… để ngày 30/4/1975 những chiếc xe tăng T54 của quân miền Bắc húc đổ cổng sắt tiến vào dinh Độc Lập, tổng hành dinh của miền Nam. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam bước lên đài thống trị toàn bộ đất nước!
3B: Hậu Quả của Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước
Dưới đây là các Hậu Quả dễ thấy của Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước:
1) Đẩy dân tộc vào một cuộc chém giết khủng khiếp. Một phần rất lớn sinh lực của đất nước bị thiêu cháy trong lò lửa chiến tranh chống lại cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Các ước tính cho rằng khoảng 8-10 triệu sinh mạng bị cướp đi. Miền Bắc mất 5-6 triệu, miền Nam mất 3-4 triệu. Nếu so sánh với con số 58 ngàn lính Mỹ thiệt mạng trên chiến trường Việt Nam, chúng ta thấy hơn 99% số thương vong là của người Việt! Cuộc chiến này, dù được trang điểm dưới bất kỳ ngôn từ hoa mỹ nào, cũng không che đây được bản chất nội chiến.
2) Tàn phá toàn bộ nền kinh tế đất nước. Đẩy miền Nam Việt Nam từ phồn vinh xuống đói nghèo.
Đảng CSVN thường tuyên truyền rằng họ có công giải phóng dân chúng miền Nam khỏi đời nô lệ nghèo đói. Đây là một trong nhiều dối trá khủng khiếp của đảng CSVN mà người dân Việt Nam cần nói lên sự thật.
Tác giả xin trình bày các số liệu sau:
GDP/đầu người (USD)
1960196519701975
Nam Việt Nam22312313044
Thái Lan101192138351
Nam Hàn (Hàn Quốc)155279106608
Nguồn: List of countries by past and projected GDP (nominal) per capita, Wikipedia
Năm 1954, Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến với Hiệp Định Genève. Miền Nam Việt Nam bắt tay kiến thiết xã hội, phát triển kinh tế, và tới năm 1956 thì kinh tế Nam Việt Nam bắt đầu tăng trưởng dương. GDP/đầu người năm 1960 cho thấy kinh tế miền Nam Việt Nam phồn vinh hơn hẳn Thái Lan và Nam Hàn (223 USD so với 101 USD của Thái lan và 155 USD của Nam Hàn). Tại châu Á, nếu tính theo GDP/đầu người, miền Nam Việt Nam chỉ thua có Nhật (479 USD), và gần với Mã Lai (299 USD), hơn hẳn Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Nam Hàn…
Khoảng năm 1957, miền Bắc phát động cuộc chiến xâm lấn miền Nam, bắt đầu với chiến tranh du kích. Năm 1960 Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được thành lập, chiến tranh càng lan rộng. Từ năm 1964, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam bảo vệ Tự Do (1965), đảng Cộng Sản Việt Nam gia tăng cường độ chiến tranh và toàn bộ miền Nam trở thành bãi chiến trường.
Rất tương ứng với các biến chuyển của thời cuộc chiến tranh, GDP/đầu người các năm 1965, 1970 và 1975 cho thấy kinh tế miền Nam Việt Nam biến chuyển từ phồn vinh trở thành yếu kém rồi rất yếu kém so với Thái Lan và Nam Hàn. Từ gấp đôi Thái Lan năm 1960 thành một phần tám của Thái Lan năm 1975. Từ gấp rưỡi Nam Hàn năm 1960 thành ít hơn một phần mười ba của Nam Hàn năm 1975.
Cuộc chiến tranh Giải Phóng Miền Nam rõ ràng đã đẩy dân chúng miền Nam từ đời sống giàu có vào nghèo đói.
Thực ra, cuộc chiến đã tàn phá kinh tế toàn bộ đất nước. Nếu tính GDP/đầu người chung cho toàn bộ Việt Nam, gồm cả miền Nam và miền Bắc, thì năm 1960 con số ước tính là là 148 USD, năm 1970 là 120 USD và năm 1975 là 70 USD, chỉ bằng 50% so với năm 1960. Trong thời gian đó, Thái Lan phát triển 350%, Nam Hàn phát triển 400%!
3) Lòng chia rẽ đầy hận thù Quốc – Cộng được Cộng Sản Việt Nam đẩy lên tột đỉnh. Hai thành phần của một dân tộc biến thành Ta với Địch, thành kẻ thù hay thậm chí kẻ tử thù của nhau. Không ai có quyền theo lý tưởng Tự Do, bởi vì tất cả những người không đồng ý theo miền Bắc, theo ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa đều bị qui là thành phần bán nước cần phải tiêu diệt.
4) Cuộc chiến nhiều lần tàn phá các thành phố lớn, gieo rắc vào dân tộc tính độc ác man rợ. Cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân thực chất là một cuộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai phe tham chiến, trong đó phe Cộng Sản lật lọng và tiến công miền Nam giữa lúc thỏa thuận ngừng bắn để dân chúng đón Tết cổ truyền vẫn còn hiệu lực. Trận chiến Tết Mậu Thân là cuộc thảm sát giữa người Việt theo phe miền Bắc đối với người dân miền Nam. Riêng tại Huế, cả thành phố phải chít trắng khăn sô: những kẻ cầm súng theo Cộng Sản đã giết trên 5.000 thường dân không phương tiện tự vệ! Con số nạn nhân đã kinh hoàng, cách thức và tính dã man của việc giết người càng kinh hoàng hơn!
5) Việt Nam mất đi các đảo trong quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Cộng. Khi cuộc chiến lên cao độ, khi toàn bộ sinh lực miền Nam phải dồn vào chống trả cuộc xâm lăng của miền Bắc, Trung Cộng, nước đồng minh viện trợ vũ khí, lương thực để miền Bắc tấn công miền Nam, tiến chiếm các đảo Hoàng Sa của miền Nam. Chính phủ miền Nam kiên quyết đánh trả. Do cùng lúc phải chống trả hai cuộc chiến, cuộc chiến trên đất liền do miền Bắc tiến công và cuộc chiến ngoài biển do Trung Cộng tấn công, miền Nam thất bại trước Trung Cộng. Đây là bước ngoặc bi thảm cho dân tộc vì tạo đà cho Trung Cộng lần lượt chiếm các đảo khác của Việt Nam, lấy mất một phần lớn tài nguyên biển của Việt Nam và tạo gọng kiềm quân sự uy hiếp toàn bộ lãnh thổ đất liền của chúng ta sau này.
Trước việc xâm chiếm này, chính quyền miền Nam yêu cầu miền Bắc hợp tác cùng lên tiếng phản đối Trung Cộng trên các diễn đàn quốc tế thì miền Bắc im lặng. Trong khi đó họ tuyên truyền trong giới chiến binh của họ rằng Trung Cộng là đồng minh chí cốt,Trung Cộng chiếm Hoàng Sa là chiếm cho miền Bắc, chờ khi miền Bắc thắng miền Nam thì Trung Cộng sẽ trả các đảo đó lại cho nước Việt Nam thống nhất!
6) Việt Nam đã chống lại Mỹmột siêu cường không có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam,một việc mà nhà chính trị xuất sắc của thời đại, ông Lý Quang Diệu cho là ngu ngốc. Lịch sử thế giới thời đó và tới tận bây giờ cho thấy các nước đồng minh của siêu cường này đều phát triển kinh tế xã hội vượt bậc. Trong khi đó Việt Nam lại buộc mình vào vòng lệ thuộc Trung Cộng, một quốc gia có tham vọng truyền kiếp xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia Việt Nam đồng thời nô thuộc dân tộc Việt, quốc gia đó sẽ trở thành siêu cường quân sự vài chục năm sau, và hiện đã/đang tiến hành xâm chiếm lãnh thổ đất liền và biển đảo của quốc gia Việt Nam.
6) Toàn bộ Việt Nam bị đặt dưới chính thể Độc Đảng và Toàn Trị, mở ra một thời kì nhiều bi thảm và bế tắc cho dân tộc. Chúng ta sẽ xem xét việc này trong bài 4 tiếp theo (Bài 4: Sự Lãnh Đạo Toàn Diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam).
Tiếp theo cuộc Kháng Chiến 9 Năm Chống Pháp, Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước mang lại những tai họa khủng khiếp và lâu dài cho dân tộc như đã trình bày ở trên, và chắc hẳn rằng đa số người Việt Nam đã cùng nhìn thấy.
Nếu như Sự Cần Thiết của Cuộc Kháng Chiến 9 Năm Chống Pháp là đề tài còn được tranh cãi, thì Tính Phi Lý của Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước đã được đa số đồng ý. Tác giả tin chắc rằng, nếu tiến hành một điều tra xã hội học một cách thực sự khoa học và độc lập, đại đa số ý kiến người dân cho rằng Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước vô nghĩa và tai hại. Tất nhiên, đảng Cộng Sản đương quyền không bao giờ dám tiến hành một công việc như vậy, và cũng không bao giờ cho phép các thành phần độc lập trong xã hội làm điều đó.
Trong lúc cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đang được đảng Cộng Sản Việt Nam, nhân danh Chống Mỹ Cứu Nước, quyết tâm tiến hành, nhà lãnh đạo miền Nam, ông Ngô Đình Nhu, đưa ra nhận định:
Thực ra thì dù chính sách của Pháp có thiển cận, chúng ta cũng có thể đòi lại độc lập với ít tổn thất sinh lực hơn. Chính lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng đã khiến cho phe Cộng Sản Việt Nam chọn chiến tranh thay vì đấu tranh chính trị. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ ý đồ của Nga và Trung Cộng, thì có thể họ đã từ chối làm đồng minh với Cộng Sản như Ấn Độ.
Dù không đồng ý, chúng ta cũng thông cảm việc các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đồng minh với Nga Xô để giành độc lập. Nhưng sau đó, để lãnh đạo công cuộc phát triển đất nước, họ phải thoát khỏi vòng ảnh hưởng của hai khối Tự Do và Cộng Sản, nếu họ nhận thức rõ:
1) Thâm ý chiến lược của Nga và Trung Cộng. Chủ nghĩa Cộng Sản thực ra chỉ là một phương tiện tranh đấu của những Nga trước đây, và của Trung Cộng hiện nay.
2) Cần chấm dứt đồng minh với Cộng Sản khi không còn ích lợi cho dân tộc.
3) Đối với Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp.
Tai họa thay, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã không thoát ra khỏi ảnh hưởng đó, và Việt Nam biến thành chiến trường của tranh chấp Tự Do – Cộng Sản. Mâu thuẫn giữa hai khối, lẽ ra là cơ hội, biến thành tai họa tàn phá khủng khiếp sinh lực của đất nước! (Chính Đề Việt Nam. Ngô Đình Nhu. Phần III, Điều Kiện Nội Bộ).
Ông Ngô Đình Nhu tiên đoán:
Việt Nam đã ra ngoài vòng chi phối của Trung Hoa gần một thế kỉ. Nay, khi tự đặt mình dưới sự chi phối của Trung Hoa, các nhà lãnh đạo miền Bắc đã đặt dân tộc trước viễn cảnh khủng khiếp là lệ thuộc Trung Hoa, mà kinh nghiệm ngàn năm qua cho thấy thực là tàn khốc.
Hiện nay miền Bắc đang tiến hành xâm chiếm miền Nam. Sự tồn tại của miền Nam, dưới ảnh hưởng của khối Tự Do, có vai trò cực kì quan trọng: nó chưa cho phép Trung Cộng thống trị Việt Nam. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian. Vậy chúng ta bảo vệ miền Nam không chỉ cho miền Nam, mà còn giữ một lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa (Chính Đề Việt Nam. Ngô Đình Nhu. Phần III, Điều Kiện Nội Bộ).
Từ đó ông Ngô Đình Nhu đề nghị:
Và vì vậy cho nên, chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương tiện Cộng Sản nữa (Chính Đề Việt Nam. Ngô Đình Nhu. Kết Luận).
Đến nay đã hơn 55 năm kể từ ngày mất của hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, đã 40 năm sau ngày miền Bắc chiến thắng miền Nam. Khi đối chiếu những gì ông Nhu viết với các thực tế đã xảy ra từ đó tới nay, chúng ta ngạc nhiên vì mức độ chính xác của những lời tiên đoán. Với quan điểm không hề tôn sùng bất kì cá nhân nào, lãnh tụ nào, mỗi khi đọc lại tác phẩm Chính Đề Việt Nam của ông Ngô Đình Nhu, tác giả thấy rõ rệt, trên từng dòng chữ, kiến thức và tầm nhìn của một nhà chính trị có viễn kiến cùng tấm lòng thiết tha với vận mệnh lâu dài của đất nước.
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, những người đưa dân tộc vào Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước vô nghĩa và thảm khốc, có tấm lòng này không? Có kiến thức và tầm nhìn này không?
Nếu nhìn lại tiến trình lịch sử, cùng các hậu quả của nó, Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo mang lại Hạnh Phúc hay Tai Họa cho đất nước?
Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước đưa Việt Nam tiến bước lên hàng ngũ các nước độc lập, giàu mạnh, văn minh hay đẩy Việt Nam vào vòng lệ thuộc, chậm tiến, suy thoái?

Những người Việt Nam bỏ đất nước ra đi sau chiến tranh tạo thành vấn nạn thuyền nhân rung động cả thế giới.

Bài 4: Sự Lãnh Đạo Toàn Diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam Kể Từ Năm 1975 Tới Nay

Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước đã kết thúc bằng chiến thắng của miền Bắc vào ngày 30/4/1075.
Nếu tạm quên đi các đau thương, mất mát khủng khiếp mà cuộc kháng chiến này gây ra cho dân tộc, cái kết cuộc thống nhất tổ quốc cũng khiến nhiều người hi vọng vào tương lai hòa hợp hòa giải dân tộc và phục hưng đất nước. Nhưng, rất nhanh chóng, người dân miền Nam sững sờ vì, sau những lời đầu môi rằng “chiến thắng này là chiến thắng của cả dân tộc”, chính quyền mới đã “triệt hạ” miền Nam. Bằng các biện pháp lừa gạt và lật lọng, chính quyền mới đã lùa toàn bộ viên chức chính quyền và quân đội của miền Nam thua trận vào trại cải tạo, thực chất là các trại tù, nợi họ bị đày ải suốt năm, mười năm sau đó. Trong thời gian đó, bên ngoài trại cải tạo, tài sản họ bị tịch thu, vợ con bị đuổi đi vùng kinh tế mới, gia đình tan nát.
Còn thảm cảnh nào, thất vọng nào, uất hận nào lớn hơn?
Dân chúng miền Bắc cũng đồng cảm với dân chúng miền Nam khi nhớ lại những biến cố kinh hoàng đất Bắc hai – ba mươi năm trước: Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Tạo Công Thương…
Dân chúng hai miền dần dần thức tỉnh rằng Chống Mỹ Cứu Nước và Giải Phóng Miền Nam thực chất cuộc nội chiến do miền Bắc xâm lấn miền Nam để gom đất nước về một mối dưới sự toàn trị độc đảng của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Kể từ ngày Giải Phóng Miền Nam:
1) Chế độ độc tài đảng trị của đảng Cộng Sản Việt Nam được áp đặt trên toàn bộ đất nước Việt Nam thống nhất. Chế độ này phá tan hoàn toàn môi trường khai phóng để dân tộc phát triển. Từ đó cho tới nay, trên lãnh thổ Việt Nam không có gì có thể phát triển ra ngoài cái bóng của đảng CSVN! Quyền lực của đảng CSVN lớn hơn quyền lực của dân chúng. Quyền lợi của đất nước phải hi sinh cho quyền lợi của đảng.
2) Cả miền Nam bị tàn phá và thương tổn tận gốc rễ bởi các chính sách hay chiến dịch như Học Tập Cải Tạo (thực chất là bỏ tù không xét xử các viên chức chính quyền và quân đội miền Nam thua trận), Đánh Tư Sản Mại Bản, Tư Sản Công Thương Nghiệp (thực chất là tước đoạt của cải của dân chúng miền Nam phân chia cho viên chức chế độ chiến thắng), các Đợt Đổi Tiền, Bài Trừ Văn Hóa Phản Động Đồi Trụy (Thực chất của chính sách này là xóa bỏ tất cả kiến thức, tư tưởng, triết thuyết chính trị và cả khoa học kỹ thuật của miền Nam), Chính Sách Tuyển Sinh Phân Biệt (thực chất là tận diệt nhân tài của miền Nam)…
Không chỉ dân chúng miền Nam sững sờ, mà những người theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cũng ngạc nhiên. Đất nước vừa hòa bình sau 30 năm chiến tranh thảm khốc, lẽ ra phải khoan sức dân, phải ban hành và thực thi các chính sách khuyến khích, giúp đỡ sản xuất để dân giàu, nước mạnh, thì lại triệt hạ tất cả các phương tiện sản xuất, cả về phương tiện máy móc, cơ chế xã hội lẫn nguồn nhân lực. Hậu quả của chính sách này là cả nước đói nghèo 15 năm sau đó. Đất nước vừa thống nhất sau 20 năm chia cắt lẽ ra chính quyền cần thi hành chính sách thu phục lòng dân, kéo hai miền tổ quốc xích lại gần nhau, thì các chính sách đày đọa tàn nhẫn dân chúng miền Nam lại đẩy hận thù của hai miền lên cao ngất. Hậu quả tai hại của chính sách này là hận thù và chia cắt lòng người cho tới hôm nay, sau ngày thống nhất 40 năm, vẫn còn rất lớn!
3) Thảm Nạn Thuyền Nhân. Bốn năm sau cuộc đổi đời nói trên, phong trào thuyền nhân làm rúng động lương tâm thế giới. Hàng triệu người vượt biển trốn chạy chế độ trên những con thuyền dài 6-7 mét. Hàng triệu con người đem mạng mình làm lá phiếu, đã chạy trốn cộng sản mà ra đi như thế. Chú ý là dân chúng không trốn chạy khỏi một miền Nam sụp đổ, mà trốn chạy khỏi một đất nước bị đảng CSVN thống trị. Không chỉ dân chúng miền Nam mà dân chúng miền Bắc cũng tham gia vượt biển!
4) Các cuộc chiến mới. Cuộc chiến biên giới Tây Nam với Campuchia; cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Trung Quốc hải chiến và chiếm thêm biển đảo của Việt Nam…
5) Hội Nghị Thành Đô. Khi hệ thống các nước Cộng Sản sụp đổ trên qui mô thế giới, tất cả các nước Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, chính quyền Cộng Sản Việt Nam quay sang thần phục chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, “mở đầu một thời kì Bắc thuộc mới” cho Việt Nam, theo lời ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị loại khỏi bộ chính trị vì chủ trương độc lập với Trung Cộng. Nội dung các thảo luận tại hội nghị Thành Đô, nơi các lãnh đạo Việt Nam sang chầu các lãnh đạo Trung Cộng, cho tới nay vẫn còn được giữ tuyệt mật, và do đó, vẫn còn là một bí mật chính trị rất lớn của Việt Nam, và là cản trở rất lớn cho Việt nam trên con đường thoát Trung, nghĩa là độc lập với Trung Quốc.
Những ai còn nghi ngờ về quyết tâm của đảng CSVN nhận kẻ xâm lăng làm thầy làm bạn thì xin mời xem Hồi Ức và Suy Nghĩ của Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng bộ Ngoại Giao, một nhân chứng quan trọng của giai đoạn đó. Đọc để biết rằng trong khi nhiều người đã nhận thức rõ: “Cái bất biến của Trung Quốc là tham vọng bá quyền”, nhiều người đã nhìn ra “mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc đậm nét hơn mặt xã hội chủ nghĩa ”, nhất là sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1988, thì năm 1990 ông Lê Đức Anh tuyên bố: “Ta phải tìm đồng minh, đồng minh này là Trung Quốc”, và ông Nguyễn Văn Linh phát biểu: “dù bành trướng thế nào đi nữa thì Trung Quốc cũng là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa”! Cũng đừng quên, theo tiết lộ của hai vị tướng, chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh quân đội không bắn trả khi quân Trung Cộng tiến chiếm Gạc-Ma và giết 64 chiến sĩ Việt Nam 2 năm trước đó!
6) Tiếp theo Hội Nghị Thành Đô, Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Cộng. Nước Việt Nam lệ thuộc mọi mặt: chính trị, văn hóa, kinh tế, và cả quân sự trong tình trạng Trung Quốc ngày càng lấn chiếm đất liền và các vùng biển đảo của Việt Nam.
7) Nền Chính Trị Đất Nước bị tha hóa, bất lương hóa toàn diện. Dối trá nối tiếp dối trá. Lừa đảo nối tiếp lừa đảo. Bạo ngược nối tiếp bạo ngược… Các cơ quan cao quí nhất của quốc gia như quốc hội, tòa án, chính phủ… lẽ ra phải đại diện cho sự minh chính của đất nước lại đầy rẫy tính lưu manh, bạo lực, gian xảo… Một nền chính trị như vậy cực kỳ nguy hại cho dân tộc bởi vì nó phá hủy ý chí và tinh thần ủng hộ cái nhân hậu, cái công bằng, cái liêm chính, cái đạo đức trong xã hội, đồng thời nó phá hủy khả năng cộng đồng để phát triển và giữ nền tự chủ của quốc gia.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn còn là một trong vài nước rất ít ỏi trên thế giới còn nằm dưới chính thể độc tài, toàn trị của một đảng Cộng Sản. Chính quyền xóa bỏ các quyền tự do căn bản mà người dân đại đa số các nước trên thế giới được hưởng. Chế độ này ngày càng bạo ngược, tham nhũng công khai bằng nhiều cách. Chính quyền vẽ ra và thông qua một cách khuất tất các dự án hàng chục tỉ đô la để tham nhũng bất chấp sự phản đối của dân chúng. Bên ngoài thì chính quyền công khai cầu lụy sự che chở của Trung Quốc, nước đang xâm chiếm dần dần tổ quốc Việt Nam, và bên trong thì đàn áp nghiệt ngã những người dân cất tiếng phản đối xâm lược. Tính không trung thực và vô đạo đức một cách ngang nhiên được thể hiện lồ lộ từ trung tâm cao nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam và của chính quyền, nên phong hóa dân tộc suy đồi, đạo đức dân tộc thoái hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mất đi…
Tuy nhiên, thành công của đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc chiếm đóng và áp đặt chế độc độc tài toàn trị của họ trên toàn quốc cũng đem tới một kết quả tốt cho dân tộc: càng lùi xa ngày Giải Phóng Miền Nam, dân chúng hai miền càng hòa hợp và đồng thuận:
1) Rằng dân tộc này đã lầm khi nghe theo đảng Cộng Sản Việt Nam, rằng đảng Cộng Sản Việt Nam không hề yêu quí độc lập của tổ quốc, hạnh phúc của dân tộc. Họ chỉ yêu quyền lực độc tài và toàn trị của họ mà thôi, và, vì quyền lực đó, họ đã chọn giải pháp chiến tranh và tước đi các quyền tự do căn bản của dân chúng
2) Rằng chính thể dân chủ là chọn lựa văn minh của đại đa số các dân tộc trên thế giới, dân tộc Việt Nam cần quyết tâm tranh đấu và xây dựng chính thể dân chủ trên đất nước Việt Nam
3) Rằng bất bạo động là phương pháp tranh đấu hữu hiệu nhất, văn minh nhất. Dùng các biện pháp công nghệ thông tin mới để thông tin sự thật, thảo luận các đề tài văn hóa, xã hội, chính trị… để nâng cao dân trí. Khi dân chúng có dân trí đủ cao và nắm đủ thông tin sự thật, dân chúng sẽ có đủ tri thức và quyền lực chọn lựa chính thể cho mình trong hòa bình, hòa hợp, hòa giải…
Hi vọng rằng các đồng thuận nói trên trong lòng dân tộc tạo một nền móng cho sự chấn hưng đất nước trong tương lai.
Từ sau chính sách đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam, nền kinh tế của đất nước tiến bộ hơn, đời sống dân chúng khá hơn rõ rệt. Việt Nam từ thiếu đói đã xuất khẩu gạo, bắt đầu sự phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo…
Tuy nhiên, cần thấy rõ các điểm sau đây trong kết quả của chính sách đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam:
1) Chính sách gọi là đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam thật ra chỉ là sửa lại những gì mà đảng Cộng Sản đã tàn phá. Nền kinh tế của miền Nam trước ngày 30/4/1975 đã có rất nhiều căn bản để phát triển. Chính cuộc chiến “Chống Mỹ Cứu Nước” do đảng Cộng Sản Việt Nam phát động đã phá hủy cơ sở hạ tầng miền Nam (phá hoại hệ thống giao thông, tàn phá các thành phố, cơ sở miền Nam), khiến miền Nam phải dồn sinh lực để chống trả thay vì để phát triển. Sau năm tháng 4/1975, các chính sách đánh Tư Sản, xóa bỏ thành phần kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ, thù địch với thế giới tự do… trên thực tế đã đầy cả nước vào đói nghèo. Chính sách đổi mới của đảng Cộng Sản Việt Nam thực chất là sửa lại các sai lầm ghê gớm của chính họ, áp dụng lại nhiều yếu tố căn bản của cách quản lí kinh tế miền Nam trước kia.
2) Và, các sửa đổi đó vẫn chưa triệt để. Yếu tố chủ chốt của cách quản lý kinh tế, xã hội của miền Nam trước kia là tinh thần Dân Chủ và Pháp Trị thực sự. Đảng Cộng Sản không dám áp dụng tinh thần đó, nên sự đổi mới chỉ nửa vời. Chính sách đổi mới rốt lại chỉ khơi dậy được một phần nhỏ tiềm năng của dân tộc, và sau một khoảng thời gian là các khuyết tật của xã hội nảy sinh, lớn mạnh và đất nước lại rơi vào bế tắc. Hiện nay, nền kinh tế và chính trị Việt Nam đang nằm trong tay các nhóm lợi ích, đất nước đang kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, và trong thế lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc đổi mới không triệt để.
Ông Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo lỗi lạc được thế giới kính trọng, từng nói: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
Nếu lấy các tiêu chí về kinh tế, về xã hội, về chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người, mức độ tham nhũng… để so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân… thì Việt Nam đứng sau cùng!
Với các thành quả quản lý đất nước như vậy, một nhà cầm quyền tự trọng và thực sự vì dân có thể tự hào không? Có thể kể lể công lao của mình không? Dân chúng có hài lòng không?
Những thành quả đó mang lại lợi ích cho dân chúng hay mang lại đau thương, chậm tiến cho đất nước?

Không có nhận xét nào: