Pages

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Xích Tử - 40 năm bị giải phóng, 41 năm được xâm lược

Xích Tử
Năm nay là năm thứ 40, năm chẵn tròn đầy, đánh dấu cho gần nửa thế kỷ nên nó khẳng định sự trường cửu, không gì lay chuyển được vị trí nắm quyền độc tôn của đảng. Vì thế nên phải tổ chức lớn, được đưa vào chương trình lễ hội quốc gia từ vài năm trước. Cũng nhân đó mà bác bỏ những luận điệu sai trái của bọn thù địch bên ngoài, bọn suy thoái, tự diễn biến, cơ hội chính trị bên trong, kể cả một số đảng viên, trí thức lớn.

Thì dĩ nhiên là phải vậy thôi. Nhưng nói như một ông cố Thủ tướng, trong ngày này có triệu người vui cũng có triệu người buồn. Câu ấy thường được hiểu buồn vui là sự phân biệt hai bẹn thắng bại. Song, nghĩ cho kỹ, bên buồn có cả những người chiến thắng với những hy sinh mất mát trong từng gia đình. Một bà mẹ có 9 con, một rể và một chồng “hy sinh” thì không còn gì cả, không buồn không vui, chỉ có trở thành gỗ đá; dù có tạc hàng trăm bức tượng cũng chẳng bù đắp được gì. Hoạ có vui thì như một ông bố liệt sĩ ở quê tôi, có thằng con út hoang quá nên rủa rằng giá là nó cũng “hy sinh“ như anh nó thì ống ấy còn hưởng được tiền tuất hàng tháng, xem như con phụng dưỡng cha..
Đó là chuyện phiếm của 40 năm chiến thắng, tính từ 30/4/1975. Nhưng trước đó 1 năm 3 tháng 11 ngày, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm / chiếm đóng và xâm lược Hoàng Sa. Thái độ của Đảng lao động Việt Nam và nhà nước VNDCCH là im lặng; đâu đó có người nói nhờ ông anh giữ giùm. Thái độ đó, suy cho cùng là chấp nhận sự xâm lược của ngoại bang; nó kéo dài cho đến lệnh không được nổ súng ngày 14/3/1988 để Trung Quốc chiếm tiếp 6 hòn đảo ở Trường Sa mà Việt Nam đã giải phóng khỏi nguỵ quyền Sài Gòn, giữ quyền chủ quyền từ tháng 5/1975.
Như vậy là ta có 40 năm giải phóng và cũng có 41 năm bị xâm lược; giải phóng được miền Nam nhưng không giải phóng được Hoàng Sa và mất tiếp Trường Sa; thống nhất bắc nam, nam bắc một nhà nhưng không thống nhất toàn vẹn lãnh thổ từ đoài sang đông. Đó là món nợ mà đảng mắc của dân tộc, tổ tiên, rất khó trả.
Tiếng Việt có cái từ rất thực dụng: thắng lợi. Đã thắng ắt phải có lợi, lơi vì giành được quyền cai trị, vì chiến lợi phẩm. Xem ra, trong trường hợp này, từ ấy không trọn nghĩa.

Không có nhận xét nào: