Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013
Luật sư Lê Công Định: Người Gây Khó Xử!
Quanlambao- Việt Nam đã thu hút được một nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầy ấn tượng tới 8 tỉ USD trong năm vừa qua, theo báo cáo vừa công bố ngày 17 tháng 9 bởi Hội Nghị Thương Mại và Phát Triển của LHQ (HNTMP). Thật vậy, bản báo cáo cho thấy rằng các nhà đầu tư ngoại quốc đã xem Việt Nam là một cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn so với 10 quốc gia Đông Nam Á lân cận, ngoại trừ Mã Lai Á (cùng con số 8 tỉ), Singapore (22.7 tỉ), và Thái Lan (10 tỉ). Và người ta có thể thấy rõ lợi ích của luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong thập niên qua như thế nào. Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000, nơi đây vẫn còn là một quốc gia chậm tiến, nghèo khó, giống như các nền kinh tế Mác-Lênin khác. Nhưng trong chuyến viếng thăm gần đây nhất của tôi vào tháng 9 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên lấp lánh. Sau vài ngày lái xe dạo quanh vùng đồng bằng sông Mê Kông, những dấu hiệu của sự phồn vinh gia tăng có thể nhìn thấy ở mọi nơi, và nhất là trên gương mặt của những thường dân tấp nập với công việc của mình một cách yên ả trên những xe gắn máy. Kể cả những nhà phê bình khó tính nhất cũng phải công nhận những phát triển kinh tế của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng CS trong thập niên qua, kể từ khi Việt Nam rời xa con đường kinh tế tập trung kiểu Liên bang Xô Viết.
Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Phòng Thương Mại Hoa Kỳ AmCham tại Việt Nam, có thể tự hào rằng mình đã có công lớn trong tiến trình hiện đại hóa và phát triển tại Việt Nam. Những thành viên AmCham vẫn thường cho rằng, khi họ động viên Việt Nam xem trọng tính bất khả xâm phạm của các hiệp ước thương mại, thì họ cũng đã động viên quốc gia này đi theo con đường cai trị theo pháp luật, và như thế động viên cả việc mở rộng tự do chính trị. Suy cho cùng, bản Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) mà Việt Nam đã đặt bút ký, cũng hàm chứa một khế ước mà chính quyền VN phải tuân thủ đối với người dân của họ.
Vấn đề ở đây là: Chính quyền nhà nước Việt Nam không coi trọng hiệp ước này. Bất chấp những dấu hiệu rõ rệt về sự phát triển kinh tế mà tôi nhận thấy một năm trước đây, tháng 9 năm 2008 cũng đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc đàn áp mới đối với những người dân Việt Nam mà “tội trạng” của họ chỉ đơn thuần là việc tin rằng họ đáng được hưởng các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp mà Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị đáng lẽ phải bảo vệ. Tính cho đến nay, đã có hơn 20 người trong số những người can đảm này đã nghe tiếng gõ cửa giữa đêm khuya trong một năm qua. Và đây là lúc mà câu chuyện trực tiếp liên can đến – và trở thành khó xử cho – Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham).
Vào ngày 13 tháng 6, một luật sư nổi danh của Việt Nam tên Lê Công Định - đồng thời cũng là thành viên của AmCham ở Thành phố HCM và là một luật sư bào chữa về luật thương mại và nhân quyền được nhiều người kính trọng – đã bị bắt giữ và giam cầm cho đến nay. Ông Định là đối tác của công ty luật DC Law, một công ty luật nổi tiếng tại TP HCM, với một danh sách các thân chủ gồm các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Hiện nay, ông ta đã bị cấm hành nghề luật tại VN. (Theo kiểu cách cổ điển của CS, ông Định đã bị cấm hành nghề trước khi việc “điều tra” chính thức kết thúc, và trước khi có một tòa án xử theo kiểu “diễn kịch”.) “Tội trạng” của ông Định chỉ đơn giản là vì ông ta tham gia hoạt động ôn hòa cho các quyền tự do mà công ước quốc tế ICCPR bắt buộc chính quyền VN phải tôn trọng. Đặc biệt là việc ông Định đã vi phạm Điều 88 của Bộ luật Hình sự, kết tội những ai “tuyên truyền” chống đối chính quyền – như đã định bởi Bộ Chính Trị. Trong cách nhìn của Bộ Chính Trị, Điều 88 và các đạo luật khác đứng trên công ước quốc tế về nhân quyền. Và trong cách nhìn của cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam, à, họ đang quay sang hướng khác. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã quay lưng với LS Lê Công Định, người đã trở thành một điều khó xử.
Câu chuyện minh họa cho tình thế khó khăn mà các nhà đầu tư ngoại quốc phải đối diện khi họ cố gắng làm ăn tại các quốc gia tiền hậu bất nhất thuộc Thế giới thứ ba, nơi mà luật pháp cai trị rất mong manh. Và với Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại VN, hy vọng duy trì tình trạng không ai để ý đến đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến pháp luật, kể cả khi những vấn đề này liên quan đến thành viên sáng giá nhất và giỏi nhất của họ, là một việc làm đầy nguy hiểm. Có lẽ vì tin rằng họ có thể an toàn xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dân mà gặp phản đối đáng kể gì từ cộng đồng doanh nhân, các lãnh đạo ở Hà Nội gần đây đã chuyển tròn thành vuông. Hiện nay, Hà Nội cũng đang đe dọa các quyền tự do liên quan đến tiếng nói thương mại - kể cả những nghiên cứu xã hội về các đề tài kinh tế quan trọng nếu công trình nghiên cứu ấy đi ngược lại với đường lối của Đảng. Và như thế, khi người ta lặng im trước những bất công phủ lên đầu Lê Công Định và những người chủ trương ủng hộ dân chủ khác, thì cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ đã gián tiếp khuyến khích các thế lực hiện nay đe dọa những lợi ích trực tiếp của họ. Hơn nữa, Phòng Thương Mại HK cần lo lắng về tín hiệu họ đã gửi đến những người tranh đấu ủng hộ nhân quyền tại thủ phủ của Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn.
Và đây là lý do:
Khi cố tình ngó lơ, ngay cả khi những khái niệm cơ bản về xét xử công bằng dành cho một thành viên của mình bị chà đạp, thành phần lãnh đạo của AmCham đã cho phép chính quyền Hà Nội tin rằng cuộc đàn áp của họ đã nhận được ủng hộ ngầm từ cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ
Khi cố tình ngó lơ, ngay cả khi những khái niệm cơ bản về xét xử công bằng dành cho một thành viên của mình bị chà đạp, thành phần lãnh đạo của AmCham đã cho phép chính quyền Hà Nội tin rằng cuộc đàn áp của họ đã nhận được ủng hộ ngầm từ cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ. Đồng thời, bằng cách từ chối chỉ ra sự mâu thuẫn giữa Điều 88 tàn bạo và những quy tắc quốc tế văn minh mà chính quyền Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thù, AmCham cũng đã gửi tín hiệu tới những người hoài nghi thương mại ở Capitol Hill. Những người phản đối như Thượng nghị sĩ Barbara Boxer của bang California sẽ từ chối quyền tự do mậu dịch của Việt Nam với Hoa Kỳ phỏng theo Chế độ Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập (GSP), với lý do thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn còn rất ảm đạm, bất kể những dấu hiệu khó cãi cho thấy sự phát triển trên phương diện kinh tế. Với sự im lặng của họ, AmCham đã cho những nhà vận động dân chủ tại quốc hội chứng cứ rõ ràng để biện minh cho những tố giác của họ về nhân quyền, cộng đồng thương mại đặt lợi ích lên trên các nguyên tắc.
Ngày 1 tháng 10 năm 2008, một tháng sau khi cuộc đàn áp được bắt đầu, TNS Boxer đã đóng khung vấn đề rất cô đọng: “Cũng như các nghị sĩ đồng nghiệp khác của tôi, tôi đã hy vọng rằng việc củng cố quan hệ của chúng ta với Việt Nam về mậu dịch kinh tế và giúp đỡ họ hội nhập vào cộng đồng quốc tế sẽ khiến hồ sơ nhân quyền của họ được cải thiện nhiều hơn,” bà tuyên bố khi trình bày đạo luật tước bỏ VN ra khỏi hệ thống ưu đãi tổng quát GSP, “Nhưng kết quả đã không như hy vọng đó.”
Giờ đây, với việc bắt giữ thành viên AmCham, LS Lê Công Định, cùng các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa khác, bà nghị sĩ đã có thêm đạn dược để thúc đẩy đạo luật này.
Hội Luật Gia Hoa Kỳ (ABA) đã lên tiếng về sự xâm phạm rõ rệt quyền được xét xử công bằng trong vụ bắt giữ LS Định và các nhà dân chủ tranh đấu ôn hòa khác cùng bị bắt giữ trong đợt này. Ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ông Michael Michalak cũng đã nhấn mạnh rằng LS Định và những người khác đã bị bắt giữ vì “những thảo luận nhằm củng cố luật pháp tại Việt Nam, việc làm rất bình thường đối với nhiều nơi khác trên thế giới.” Tổ chức theo dõi Nhân Quyền (HRW) và các tổ chức đấu tranh nổi bật khác cũng đã rất hùng hồn khi nói rằng Điều 88 và những đạo luật tương tự bắt nguồn từ chủ thuyết Mác-Lênin nên được bỏ chung vào thùng rác CS của lịch sử. Nhưng Phòng Thương Mại của Hoa Kỳ đã không nói thế - khi họ là một tiếng nói có thể được nghe rất lớn và rất rõ ràng ở Hà Nội.
“AmCham chắc chắn ủng hộ hệ thống luật pháp minh bạch hơn và nhà nước pháp quyền tốt hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi không đưa ra tuyên bố hoặc ý kiến công khai về vụ Lê Công Định”. Ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành văn phòng AmCham tại Hà Nội, đã nói với tôi như thế khi trao đổi một loạt những điện thư gay gắt giữa đôi bên. Khi tôi hỏi nếu nghĩ lại ông ta có cho rằng sự việc sẽ đỡ hơn nếu AmCham nghiêm túc hơn và nói ra bất công, ông Sitkoff trả lời rằng “Cám ơn ông đã bỏ chữ vào miệng của tôi”.
Bà Virginia Foote, một thành viên nổi bật của ban điều hành AmCham được cả Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn nể trọng với nỗ lực củng cố các quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, trong một điện thư ngày 1 tháng 9 đã viết như sau: “Tôi không biết rõ chi tiết về sự việc này để bình luận – Tôi đã trở về Hoa Kỳ nhiều tuần nay rồi.”
Công ty luật của Định, DC Law, đã liệt kê công ty đầu tư Vietnam Partners của bà Foote là một thân chủ. Khi được hỏi rằng bà ta có quan tâm rằng một trong những luật sư của bà đã dính líu đến đợt bắt bớ của Hà Nội hay không, bà Foote trả lời: “Tôi không biết ông Định có phải là luật sư của Vietnam Partners hay không – chúng tôi thường sử dụng một công ty luật khác – và tôi không biết ông đang đề cập đến công ty gì.” Bà Foot cũng nói rằng AmCham “đã bình luận nhiều lần và ban điều hành hoặc thành viên đã có bất đồng ý kiến” với chính quyền Hoa Kỳ hay chính quyền VN.
Bà Foote đóng vai trò chính trong việc ký kết Hiệp Ước Thương Mại Song Phương (BTA) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và sự lên ngôi của Việt Nam trong WTO. Bà đã được chủ tịch Nguyễn Minh Triết trao huân chương hữu nghị vào tháng 7 năm 2007.
Trong lúc các thành viên AmCham vẫn còn quá tự kiêu để thừa nhận, thì một điều rõ ràng là: trước khi trở thành kẻ gây khó xử cho cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ, ông Định là một trong những nhân vật nổi bật nhất của tiến trình luật pháp Việt Nam.
Cho đến ngày 13 tháng 6 khi lực lượng an ninh áp giải ông ta và cáo buộc tội phản động, vị luật sư 41 tuổi Lê Công Định đã được xem là một trong những câu chuyện thành công sáng chói của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sơ yếu lý lịch có nhiều điểm sáng: Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn, rồi đến Đại học Luật Hà Nội, học bổng Fullbright ở Đại học Tulane, nơi ông ta tốt nghiệp với bằng Cao Học Luật năm 2000. Là một luật sư thương mại quốc tế cho công ty luật Hoa Kỳ có thế lực White & Case, nơi mà trong năm 2003 ông ta đã bào chữa cho Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản VN trong vụ kiện chống lại việc tiêu hủy cá basa mà các công ty chế biến thủy sản Hoa Kỳ đã vận động đối phó với Việt Nam. Thành viên cùng sáng lập và quản lý DC Law năm 2005, với trụ sở ở TP HCM. Kết hôn năm 1998 với cựu hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh, người được biết đến bằng cả trí óc lẫn vẻ đẹp.
Ông Định là một người với nhiều mối giao kết, phần nhiều vây quanh việc thúc đẩy phát triển nền pháp trị trong một quốc gia CS, nơi mà quyền lực chính trị quy tụ trong Đảng CS và Bộ Chính Trị. Là phó chủ tịch của hội Luật Gia TP HCM từ năm 2005 đến 2008, Định đã dẫn đầu những nổ lực phát triển cải tổ luật pháp thương mại trên quê hương của ông. Danh sách thân chủ đáng kể của DC Law bao gồm Yahoo, Intel, Toshiba, Hyatt International, và Toyota, cũng như Vietnam Partners, thương vụ đầu tư của bà Ginny Foote. Định cũng là một thành viên thường trực của AmCham. Ông ta thường tham dự các buổi giao tiếp của AmCham tại TP HCM cùng các buổi họp mặt khác của AmCham nhằm để nhắm vào việc thúc đẩy những đánh giá sâu sắc hơn về luật pháp tại Việt Nam.
Định cũng không e dè khi chỉ rõ rằng thể chế pháp trị đang ló dạng tại Việt Nam không chỉ giới hạn trong mức bất khả xâm phạm của những hiệp ước thương mại. Ông ta đã bào chữa cho một vài nhà tranh đấu ủng hộ dân chủ nổi tiếng. Ông ta trở thành một một nhà phê bình công khai thành phần lãnh đạo ở Hà Nội, kể cả chủ tịch nước. Ông Định cũng đã đánh động tâm lý bài ngoại đối với Trung Quốc (vốn tồn tại sau 1000 năm Tàu đô hộ) của lực lượng chính trị yêu nước bằng cách cáo buộc rằng chính quyền đã nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều trong dự án khai thác quặng bauxite ở trung phần Tây Nguyên.
Định cũng rất thông thạo trong việc sử dụng mạng Internet để phổ biến thông điệp ủng hộ xã hội dân chủ của mình một cách rộng rãi, ông ta cũng trở nên thân thiện với các tổ chức hải ngoại như Việt Tân, một tổ chức cũng rất thông thạo trong cách sử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại. Việt Tân bắt đầu từ năm 1982 như một phong trào cách mạng ngầm phát thanh các chương trình radio bằng sóng ngắn vào Việt Nam, nhiều nguồn tin cho biết. Tổ chức này có nhiều văn phòng tại bang California, Paris, và Úc châu, và đã tuyên bố rằng có thành viên tại VN. Thông điệp chính trị của Đảng canh tân này là 1 thông điệp ôn hòa: Việt Nam cần phải trở thành một xã hội dân chủ tự do. (Bất chấp những lời bào chữa của Việt Tân về dân chủ và bất bạo động, Hà Nội vẫn xem họ là một tổ chức “khủng bố”.) Cùng với những nhà đấu tranh dân chủ khác, ông Định đã tham gia vào một nỗ lực phác họa một bản tân hiến pháp cho quê hương ông ta - một bản hiến pháp bảo đảm quyền tự do bày tỏ chính kiến và quyền tự do tụ họp. Đó là lý do khiến Lê Công Định bị phiền phức.
Ngày 1 tháng 6, chỉ 12 ngày trước khi ông ta bị bắt giữ, Định đã được bầu chọn làm bí thư của Đảng Dân Chủ VN, một tổ chức đấu tranh cho “một dân tộc đoàn kết dựa trên nguyên tắc của tự do, dân chủ, và công bình.” Tại Việt Nam, điều đó được xem là một trọng tội.
Một nhà tranh đấu dân chủ xác nhận rằng Định đã tham dự các lớp huấn luyện phương thức đấu tranh bất bạo động của Việt Tân tại Thái Lan vào tháng 3. Khi ông ta bị bắt 1 tháng sau đó, chính quyền VN đã lục soát tư gia của ông và đã tìm được một bản tiếng việt của quyển “Từ Độc Tài đến Dân Chủ”, dược dịch bởi Việt Tân. Điều 88 mâu thuẫn đã được thảo cho các “tội trạng” này.
Hiện nay, các mối giao kết của Định chỉ giới hạn với những cai tù và những “tự do” mà họ cho phép trong 4 bức tường của phòng giam ở một nơi bất định nào đó. Ông ta có thể sẽ bị kêu án 20 năm, hoặc có thể bị lưu đày. Trong lúc đó, Định - người đã có một bản “thú tội” (thiếu thuyết phục) rằng ông ta đã vi phạm Điều 88 mà chính quyền VN đã phổ biến trên Youtube – chắc hẳn đang trăn trở: hàn gắn cuộc sống của mình bằng cách nào đây?
Tháng vừa qua, một nhà bất đồng chính kiến nữa đã bị bắt, tội của cô ta là đã bận một áo thun với khẩu hiệu không phù hợp về mặt chính trị chống đối dự án khai thác bauxite của Trung Quốc nói riêng, và cả Trung Quốc nói chung.
Nếu một sự lên tiếng với công nghệ bình thường như việc viết khẩu hiệu trên áo thun làm chính quyền Hà Nội lo sợ như thế, hãy tưởng tượng họ sợ hãi các thông tin không phù hợp được phổ biến bằng công nghệ cao đến với người Việt như thế nào. Có nhiều nguồn tin tức mạng, báo mạng khác nhau như tờ New York Times, Wall Street Journal, đài BBC tiếng Việt, Tiếng Nói Hoa Kỳ, cộng đồng blog Việt, Twitter, điện thoại di động, SMS, v.v... Ông Định, cũng như các nhà tranh đấu dân chủ khác đã bị bắt, được biết đến như là những người rất thông thạo việc sử dụng mạng Internet để phổ biến tư tưởng của mình.
Trong suốt công cuộc đấu tranh dành độc lập của VN, người CS đã quản lý và phổ biến các thông điệp một cách hiệu quả. Trong cuộc nội chiến với miền Nam kết thúc với chiến thắng của miền Bắc năm 1975, lực lượng của Hồ Chí Minh là những chiến sĩ tự do. Họ là những người yêu nước đã từng đánh Pháp, rồi đến Nhật trong đệ nhị thế chiến, và sau đó lại đánh Pháp một lần nữa, rồi đến đánh Mỹ, cho đến khi họ toàn thắng. Nhưng hôm nay, các tổ chứng tranh đấu như Việt Tân, với kinh nghiệm kỹ thuật thông tin hiện đại, đang quản lý thông điệp mới – và nay những người CS đã phải nhìn lại. Điển hình như ngày 14 tháng 9, Việt Tân đã vận động một cuộc “biểu tình ảo” trên mạng internet, chú tâm vào vào việc chống đối Trung Quốc khai thác bauxite ở trung phần Tây Nguyên và những ảnh hưởng của Trung Quốc đối với VN. Nếu có ai đó muốn lật đổ ĐCS ở Hà Nội và mở rộng VN trên phương diện chính trị cũng như kinh tế, “vũ khí” lợi hại nhất không còn là súng đạn nữa. Những người CS có nhiều súng đạn, nhưng họ không còn có tư tưởng chính trị mạnh mẽ gì nữa.
Tôi đã hỏi Bộ trưởng Bộ tư pháp VN ông Hà Hùng Cường và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, xem họ có cho phép tôi phỏng vấn Lê Công Định để nghe câu chuyện từ phía ông Định hay không. Tôi hỏi họ có thể giúp tôi liên lạc với LS đại diện cho ông Định hay không. Họ không trả lời. Tôi cũng hỏi liệu họ có chấp nhận rằng sẽ dễ bị quy là phạm tội khi một nhóm công dân Việt Nam tập hợp lại để đi theo con đường chính trị nhằm để người dân Việt Nam được phép lựa chọn lãnh đạo sớm ngày nào tốt ngày ấy hay không, họ cũng chẳng trả lời.
Một luật sư gan dạ ở Hà Nội tên Lê Quốc Quân đã không dè dặt trong lời nói cho lắm. Ông Quân, từng là một luật sư, là một nhà tranh đấu dân chủ được nhiều người biết đến, đã bị bắt ngày 3 tháng 3, 2007 sau khi trở về từ một cuộc gặp gỡ tại Hoa Thịnh Đốn với tổ chức Hỗ Trợ Dân Chủ (NED). Ông ta được thả vài tháng sau đó sau nhiều lời phản đối kịch liệt khắp nơi, trong đó có cả người Mỹ như cựu bộ trưởng Madeleine Albright và TNS John McCain.
Cũng như bạn Lê Công Định của ông ta, ông Quân bị rút bằng luật trong khi còn ở tù, trước khi cuộc điều tra kết thúc. “CA trao cho tôi quyết định thu hồi bằng luật khi tôi còn trong trại giam. Tôi không có cơ hội để tham khảo với luật sư của tôi và tôi thấy điều đó không phù hợp với luật pháp,” ông Quân nói về chuyện ấy, “Và rồi tôi mượn cây viết của người CA để viết lời khiếu nại. Tôi đã không được xét xử, và đơn khiếu nại của tôi cũng bị giữ không có có trả lời.”
Khi tôi nói với Quân rằng tôi không biết chinh quyền VN sẽ đối phó thế nào với Gandhi nếu ông ta là một người Việt đang sống tại VN vào lúc này. Câu trả lời của ông Quân vừa cảm động vừa gan dạ: “Kakaka... điều này cũng thật thú vị và cũng rất ngây thơ. Tôi ái mộ Gandhi và phương pháp đấu tranh của ông ta rất nhiều. Năm vừa rồi tôi đã tổ chức một lớp học Anh ngữ ở nhà thờ Thái Hà, tôi đã cầm một tài liệu Anh ngữ và nói về ‘Gandhi’. Tôi yêu cầu các học sinh của tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt. An ninh sau đó đã đến đe dọa tôi và các học sinh của tôi. Họ cũng sợ cả việc học hỏi về phương pháp đấu tranh ôn hòa bất bạo động cho công lý và dân chủ.” Ông Quân đã kết luận rằng “không có Gandhi nào tại Việt Nam hiện nay cả.”
Tôi hỏi Quân rằng ông ta có nhận được sự ủng hộ nào từ cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ khi ông ta bị bắt giam và rút thẻ hành nghề hay không. Câu trả lời trực tiếp của ông ta quay câu hỏi ngược lại sự kiện của LS Định. “Định là bạn của tôi. Tôi ủng hộ anh ta hết mình và muốn ai đó giúp anh ta. Tôi nghĩ tiếng nói từ cộng đồng doanh nhân có thể là một giúp đỡ lớn lao trong lúc Việt Nam đang cố gắng thêm để giao dịch với thế giới.”
Còn đối với cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ, AmCham cùng các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đang đối diện với một đòn tấn công khác trên quyền tự do ngôn luận – và lần này, quyền tự do ngôn luận này đe dọa trực tiếp đến lĩnh vực tài chính khi nó dứt khoát liên đới kinh tế với quyền lợi chính trị.
Ngày 24 tháng 7, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một quyết định với tên gọi “QĐ97”. Điều này hẳn đã rung chuông báo động trong các văn phòng của AmCham. Quyết định này nghiêm cấm các giáo sư và nghiên cứu gia công khai thảo luận về một số đề tài có thể gây tổn hại đến ĐCSVN. Như ký giả Ben Stocking của hãng thông tấn AP báo cáo, quyết định này “hạn chế các nghiên cứu khoa học và kỹ thuật vào 317 đề tài và ngăn cấm các tổ chức công bố kết quả nghiên cứu về chính sách của chính quyền và ĐCSVN.”
Lệnh cấm cũng bao gồm nghiên cứu về kinh tế học vĩ mô – rõ ràng nhắm vào việc cấm cản các thảo luận công khai và phân tích về chính sách (vớ vẩn) của Hà Nội đã góp phần vào nạn lạm phát đáng lo ngại. Tuần vừa qua, một viện nghiên cứu độc lập ở Hà Nội, IDS, đã quyết định rằng họ không còn sự lựa chọn nào ngoài việc giải thể vì QĐ97, phỏng theo bản báo cáo của Ben Stocking. Khi nó được dựng lên 2 năm trước đây, IDS thu hút sự chú ý của toàn thế giới vì nó có sự tham gia của nhiều trí thức nổi tiếng tại Việt Nam, một số có quan hệ mật thiết với ĐCSVN. Như Lê Công Định đã học được bằng kinh nghiệm xương máu, giới trí thức giờ đã thấu đáo giới hạn của tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Kinh tế gia iêm phó viện trưởng viện IDS Phạm Chi Lan đã nói, “Với quyết định mới này, chúng ta không thể hoạt động. Việc chúng tôi nói lên tiếng nói của mình như một tổ chức sẽ rất khó khăn. Đó là lý do chúng tôi giải thể.”
Công cuộc bắt bớ đàn áp tự do ngôn luận lần đầu tiên dính líu đến các nhà tranh đấu dân chủ như thành viên AmCham ông Lê Công Định giờ đã nới rộng để đe dọa tự do ngôn luận về các đề tài kinh tế như lạm phát gia tăng ở Việt Nam – các đề tài kinh tế rất quan trọng đối với AmCham và các nhà đầu tư ngoại quốc khác ở VN.
“Mậu dịch quốc tế là một trong những công cụ quan trọng nhất mà với nó ta cần phải đem theo nền pháp trị.” Nhà lý luận kinh tế hàng đầu của ĐH Columbia ông Jagdish Bhagwati giải thích. Vị giáo sư này cũng nhanh chóng nói thêm rằng “Song song với điều đó, pháp trị cũng rất thiết yếu trong việc nới rộng nhân quyền và phát triển kinh tế.”
Có một Chiến Tranh Việt Nam mới đang âm ỉ đánh, cuộc chiến này đánh bằng tư tưởng. Cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ sớm hay muộn rồi cũng phải quyết định xem họ sẽ đứng về bên nào - và tính về lâu dài thì lợi ích của họ sẽ được đặt ở đâu.
Greg Rushford (21/9/09)
KD chuyển ngữ
Theo Dân Luận
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét