Pages

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Ðẩy năm cũ ra đi

Lê Diễn Đức
Khi bài viết của tôi tới bạn đọc thì ở khắp nơi mọi người đang đón lễ Noel và sau đó là Năm Mới. Một năm nữa sắp trôi qua, năm 2013, có một số sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam, nhưng là một năm không có ấn tượng gì đặc biệt.
Ðẩy năm mới đi nhưng những ứ đọng của năm 2013 vẫn cứ trào ra, dồn vào năm mới. Tăng trưởng 2014 sẽ khiêm tốn, lạm phát có khả năng sẽ cao hơn so với năm cũ, tuy vẫn ở mức một con số. Giá điện, than, xăng dầu, gas, nước tăng sẽ góp phần cho lạm phát, kéo theo giá cả hàng hóa, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thấp.

Giá vàng rớt thê thảm trong 2013 và còn tiếp tục giảm nhưng vẫn đắt hơn giá vàng thế giới và còn xuống giá hơn khi đồng đôla đang mạnh lên, do kinh tế của Mỹ và thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Nhà nước giữ chính sách độc quyền xuất nhập vàng, trong khi kêu gọi “huy động nguồn lực vàng tích trữ trong dân trở thành nguồn vốn đầu tư phát triển cho xã hội”, quả là chuyện khó ghe.
Năm 2014 vẫn tiếp tục là năm khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam, con số doanh nghiệp giải thể hoặc ngưng hoạt động trong năm 2013 lên tới gần 55 ngàn, cao hơn năm 2012 và 2011. Doanh nghiệp nhà nuớc, con bài “chủ đạo” của nền kinh tế quốc gia, gồng mình với món nợ gần 1.5 triệu tỷ đồng. Nợ xấu vẫn là bài toán nặng nề đối với hệ thống tài chính và ngân hàng, sẽ tiếp tục tăng lên. Công ty quản lý tài sản quốc gia VCMA mới chỉ làm được chức năng nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng.
Năm 2014, thị trường bất động sản khó có thể gượng dậy, vẫn tiếp tục đóng băng. Chính sách nới lỏng điều kiện mua nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài không tác động bao nhiêu. Các doanh nghiệp hoạt động bất động sản sẽ gặp nhiều cam go trong năm 2014.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam không ở mức quá bi đát, nó vẫn sống và tồn tại, khó có khả năng suy sụp. Ðầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng mạnh với tổng vốn đăng ký tới 20 tỷ đôla nhờ nguồn nhân công rẻ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP. Theo Ngân Hàng Thế Giới, nguồn kiều hồi vẫn giữ mức cao, Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận nhiều kiều hối lớn nhất, dự kiến năm nay đạt 10.6 tỷ đôla, tăng 6.5% so với năm 2012. Thỏa thuận tham gia Hiệp Ước Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương có thể đạt trong năm 2014, cũng là một đòn bẩy cho FDI đổ vào Việt Nam và tăng thêm khả năng xuất khẩu.
Tóm lại, ít nhìn thấy một điều gì khả quan dẫn đến sự thay đổi từ khó khăn của nền kinh tế. Xã hội Việt Nam từ bao lâu nay vẫn thế. Nhà nước làm gì cứ làm, người dân chấp nhận và chịu đựng đã trở thành thói quen. Ðiện, nước, xăng tăng giá ư? Thì cũng kêu ca, chửi đổng trên mạng chút cho hạ cơn phẫn nộ, đôi khi cho sướng miệng vì bất lực. Rồi dừng lại. Hàng ngày vẫn kiên nhẫn móc hầu bao ra trả. Chẳng có nhà nước nào muốn tận thu ngân sách, lấp đầy chi tiêu hoang phí và không ngừng tăng, lại dễ dàng thực hiện việc tăng giá hàng hóa và dịch vụ như nhà nước Cộng Sản Việt Nam.
Ở Bulgaria gần đây, dân chúng đổ xuống đường phản đối đòi lập chính phủ mới chỉ vì tăng giá điện. Lùi hơn hai thập kỷ, những năm 80, chỉ vì tăng giá các mặt hàng thiết yếu, mà tổng bãi công đã nổ ra liên tục tại Ba Lan, biến thành phong trào “Ðoàn Kết” chống lại chính sách của chính phủ, kéo sập chế độ Cộng Sản Ba Lan.
Có thể nói tiến trình thay đổi bản Hiến pháp năm 1992, được thông qua vào ngày 28 tháng 11, là sự kiện quan trọng nhất trong năm 2013, gây ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội. Nắm trong tay các phương tiện truyền thông, nhà cầm quyền công bố bản góp ý đã tới tay hàng chục triệu cử tri. Cứ thế mà nói thôi.
Tờ Báo Mới Online ngày 4 tháng 10 cũng đã viết:
“Tại buổi công bố chỉ số Công lý 2012 tại Hà Nội sáng 3 tháng 10, hàng loạt con số ấn tượng được nêu ra, cho thấy nhiều người dân chẳng hề biết đến Hiến pháp. Ðáng chú ý nhất là con số 42.4% số người dân được hỏi không biết hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp. Với những người ‘biết đến Hiến pháp’, có tới 23% lại không hề biết đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra. Nói cách khác, có 13% số người được hỏi biết đến Hiến pháp nhưng không hề biết Hiến pháp đang được đem sửa. Về mặt xác suất, có thể kết luận tới 55% số người tham gia khảo sát chẳng biết gì về quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992”.
Ăn gian nói dối vốn là bản chất của mọi chế độ Cộng Sản. Thế nhưng nó được công bố với 97.59% số đại biểu của cái gọi là Quốc Hội tán thành, bản hiến pháp được sửa đổi đã “thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, thực sự là Hiến pháp của dân, do dân và vì dân”.
Thực chất đây là một văn kiện bao quát, mang tính của một bộ luật khung được đảng Cộng Sản Việt Nam tạo ra cho bộ máy cầm quyền, một thứ công cụ pháp lý bảo hộ toàn quyền và độc quyền cai trị.
Tập đoàn cai trị Cộng Sản vẫn tiếp tục ngự trị, mà xem chừng còn lâu. Vẫn là xã hội thụ động và nhẫn nhục ấy của 90 triệu người. Trái đất vẫn quay đều. Dân chủ và nhân quyền dường như không có chỗ trên vùng đất Việt Nam này. Mà có vẻ đa số cũng chả hiểu thế nào là dân chủ và nhân quyền, nên không có nhu cầu muốn thay đổi để đời sống tốt đẹp hơn. Vẫn cứ ngu ngốc nghĩ rằng, nếu không có đảng thì làm gì có ngày nay!
Tuy nhiên, năm 2013 mặc dù mức độ đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền không hề suy giảm, vẫn phải ghi nhận một số hoạt động đáng kể về xã hội dân sự trong nước.
Bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp của 72 nhân sĩ, trí thức với hơn 14 ngàn chữ ký ủng hộ của công dân trong và ngoài nước, có thể gọi là một bước đi táo bạo, một ý tưởng lẽ ra có thể có sức nặng trên bàn cân vốn bảo thủ và duy lý. Bắt đầu cuộc vận động tôi đã từng nói, nếu không lấy được một trăm ngàn, hai trăm ngàn hoặc nhiều hơn, tác dụng của nó chẳng có bao nhiêu. 14 ngàn là con số nhỏ, dù lớn nhất trong tất cả các cuộc vận động dân sự từ trước đến nay. Số lượng này chứng minh cho một xã hội đứng lặng tại chỗ. Sôi động chỉ diễn ra trên Internet, nơi mà hơn 70% nông dân chẳng hề quan tâm. Họ vẫn thờ Hồ Chí Minh và vác cờ đảng đi đòi đất. Và số phận của bản kiến nghị như chúng ta đã thấy.
Diễn đàn Xã hội Dân sự ra đời, được chủ xướng bởi một số nhân sĩ trí thức trong nhóm 72 nêu trên, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở một trang website, như bao trang website khác. Không có gì mang tính đột phá. Nó không thể hiện sự thách thức công khai với nhà cầm quyền, càng không phải là một tổ chức với cương lĩnh và mục tiêu tranh đấu cụ thể. Cho nên tác động của nó không lan tỏa vào quần chúng.
Mạng lưới Blogger Việt Nam mà tiền thân của nó là nhóm 103 người phản kháng lại điều 258 của Bộ Luật Hình Sự, đòi thực thi tự do ngôn luận. Ý tưởng của họ đã được chuyển tới các tổ chức nhân quyền quốc tế ở nước ngoài, một số đại sứ quán phương Tây ở Hà Nội và nhận được sự hỗ trợ. Ðiều đáng mừng là đa phần trong số họ là những người tuổi trẻ.
Tiếp theo là Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, được thành lập bởi những chị em phụ nữ tiêu biểu và quen thuộc trong thời gian qua: Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Hoàng Vy, v.v… Tuy nhiên từ ý tưởng tranh đấu bảo vệ phẩm giá và nhân quyền cho phụ nữ đến thực tế quả là con đường xa vời.
Cũng như Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam chưa thoát ra khỏi khuôn mẫu hình thành một tổ chức trong nước cho tới nay, chỉ là sự hội tụ tự phát, manh mún, rời rạc. Họ là những con người thật, không mạo danh, tiếm danh, nhưng thiếu hẳn việc xây dựng một ban lãnh đạo, một đội ngũ cố vấn, một nhân vật tiêu biểu, một ngọn cờ. Và quan trọng nhất là kế hoạch hành động cụ thể trong dân chúng. Nếu chỉ dừng lại ở những cuộc tập hợp, gặp mặt, rồi bị đàn áp, sẽ chẳng thể nào trưởng thành được.
Nhân dân, nhân dân và nhân dân. Không một tổ chức nào phát triển vững mạnh nếu thiếu yếu tố ủng hộ của đông đảo quần chúng. Dẫu biết rằng, thức tỉnh sự ngu tối và cam phận của một xã hội như ở Việt Nam, thực vô cùng gian nan, chưa nói tới bộ máy đàn áp côn đồ thường trực của nhà cầm quyền.
Ðẩy năm cũ qua đi với những nghĩ suy và trăn trở. Sẽ chẳng có một cuộc cách mạng dân chủ nào trong năm 2014. Các hoạt động dân chủ, nhân quyền có thể còn bị trấn áp tệ hại hơn. Ðây là một thách thức mà chúng ta sẽ đối diện trong cuộc tranh đấu còn lâu dài này.

Không có nhận xét nào: