Pages

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Dọn đường cho bản án Trương Duy Nhất


tdn-2-305.jpg
Blogger Truơng Duy Nhất, ảnh chụp trước đây.
Courtesy TDN Facebook
Hai tờ báo Công An Nhân Dân và Petrotimes cho đăng cùng lúc bài viết phân tích kết luận của cơ quan điều tra về các tội trạng của Trương Duy Nhất. Nếu đọc cả hai bài thì sẽ thấy rất rõ cả hai tờ báo đều nhận được thông tin từ một nguồn duy nhất đó là cơ quan điều tra của Bộ công an.

Những tội trạng mà cơ quan điều tra đưa ra để cáo buộc Trương Duy Nhất có thể gói gọn lại bốn điều: thứ nhất phê phán chính phủ, thứ hai thông tin sai lệch về hiện trạng kinh tế, xã hội của Việt Nam, thứ ba bác bỏ tính chất vinh quang của ngày 30 tháng 4, thứ tư đưa ra cái nhìn bi quan một chiều về hiện tình đất nước.
Những tội danh không thuyết phục

Bốn điều mà cơ quan điều tra đưa ra có lẽ chưa thể kết luận trước tòa án vì thiếu chứng cứ buộc tội. Phê phán chính phủ là một cái quyền của người dân miễn là hành động phê phán ấy dựa trên những sự thật chứng minh được. Hiến pháp không có điều khoản nào cấm sự phê phán ấy và vì vậy tòa án dựa vào chương điều nào để kết tội bị cáo?

Về thông tin sai lệch hiện trạng kinh tế, xã hội Việt Nam xét trên bình diện pháp lý không cơ quan nào có quyền bắt giữ ông Trương Duy Nhất khi chưa có thông số kỹ thuật đáng tin cậy chứng minh ngược lại điều ông Nhất viết. Nếu cơ quan điều tra chỉ dựa vào số liệu của nhà nước cung cấp thì ông Nhất hoàn toàn có quyền đem các dữ liệu khác từ những định chế kinh tế, tài chánh của nước ngoài để chứng minh ngược lại, do đó giam giữ ông Nhất với tội danh này hoàn toàn là một hành động bất hợp pháp của chính phủ.

Chính quyền cũng không thể bắt giữ ông Trương Duy Nhất về quan điểm xem ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc hận vì ngày chiến thắng này đã chia rẽ dân tộc nặng nề. Nếu giam giữ, cáo buộc hay kết án ông về quan điểm ấy thì có lẽ chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới là người đáng bị xem xét hơn blogger Trương Duy Nhất. Khi Thủ tướng Kiệt nói câu "có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn" trong ngày 30 tháng 4 thì chính vị thủ tướng này đã thừa nhận sự hận thù trong chính ngày ấy không nên tồn tại nữa. Trương Duy Nhất chỉ có thể bị kết án vì đã lập lại một câu nói nổi tiếng của ông Kiệt mà không xin giấy phép, thế thôi.

tdn-250.jpg
Bài viết phân tích kết luận của cơ quan điều tra về các tội trạng của Trương Duy Nhất trên báo Petrotimes hôm 15/12/2013. Screen capture.
Về cáo buộc ông Nhất đã có cái nhìn bi quan, một chiều hiện tình đất nước thì cơ quan điều tra đã đi quá xa khi tự tiện lập ra một tội danh hoàn toàn không có trong hiến pháp Việt Nam.

Trương Duy Nhất là một blogger, bài viết của ông có tính cách riêng tư, nếu nó được cộng đồng mạng chuyển tải hay chia sẻ nằm ngoài khả năng của ông. Hơn nữa công dân trong một nước nếu có than phiền, trách móc hoàn cảnh của xã hội họ đang sống thì cũng là chuyện bình thường vì từ những nhận xét ấy một chính quyền tốt sẽ có cơ hội điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp những yêu cầu của người dân.

Trong nhiều trường hợp, chính sự ca tụng, tô hồng những điều không có thật trong xã hội là viên thuôc độc bọc đường đối với những chế độ cộng sản trên thế giới từ những thập niên qua.
Ngôn ngữ dân gian trở thành trọng tội?

Riêng điều mà cơ quan điều tra kết tội ông đã dùng từ “Ông Thị trưởng” để ám chỉ một Trung ương Ủy viên cũng như câu nói đã trở thành truyển khẩu của dân gian: “thằng này đảng viên đấy nhưng hắn tốt, tốt lắm” thì có lẽ không tòa án nào có thể thụ lý tội danh châm biếm được.

Trong một cuộc họp doanh nhân với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 vừa qua ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty Bất động sản Đất Lành đã nói câu này:

Ở ngoài dư luận người ta có câu chuyện vui rằng. Khi ăn nhậu chúng tôi nói với nhau: thằng đó là đảng viên nhưng mà nó tốt! Tại sao chúng ta để quần chúng coi đảng viên là người xấu và người nào là người tốt thì đó là thực tế cá biệt?

Ông Đực chẳng những không bị bắt mà còn được tiếng là đã giúp cho Chủ Tịch nước biết thêm những gì mà dân chúng đang suy nghĩ về tư cách của đảng viên ngày nay.

Tất cả những lý lẽ cáo buộc vừa trình bày được gói gọn trong điều luật 258 để kết án nhà báo, blogger Trương Duy Nhất.

Nhà báo Trương Minh Đức, từng làm việc cho báo Tiền Phong, Pháp Luật và cũng là nạn nhân của điều 258 chia sẻ:

Tôi cũng là nạn nhân của điều 258 trước đây, với bản án 5 năm tôi cũng chia sẻ với trường hợp của anh Trương Duy Nhất. Cùng một thời bị bắt với Trương Duy Nhất cũng có Phạm Viết Đào rồi Đinh Nhật Huy. Cái điều 258 nó rất là mơ hồ, nó đã vi phạm, dẫm đạp lên điều 19 của Công ước quốc tế về Nhân quyền. Họ muốn dằn tiếng nói của phong trào tiếng nói tự do dân chủ trong nước ở thời điểm đó. Nghị định 72 cấm đoán Internet, họ đưa vài người ra họ bắt dằn mặt tiếng nói dân chủ cũng như một cảnh báo.

Nói về tác nghiệp, báo chí khi đưa tin thì có tin đúng mà đôi khi cũng có tin sai lệch cũng có mình phải thừa nhận như vậy. Nhưng đối với những thông tin sai lệch thì nó phải có một tòa án để xét xử. Phải có bị cáo và phải có người bị hại thì mới gọi là họ vi phạm. Còn như khi mà họ xử tôi cũng vậy trong điều 258 thì tôi hỏi họ tôi là bị cáo còn ai la người bị hại thì họ không đưa ra được bằng chứng người bị hại là ai, rất là vô hình. Cái điều 258 chỉ đề bịt miệng tiếng nói của người làm báo thôi.
Rò rỉ thông tin từ nội bộ?

Trước đây ít lâu nhà báo Phạm Chí Dũng từng công tác trong bộ máy an ninh suốt 16 năm cũng đã nếm trải điều 258 một thời gian nhưng nhìn vụ án Trương Duy Nhất với cái nhìn khác. Phạm Chí Dũng cho rằng Trương Duy Nhất bị bắt vì đã đưa thông tin nhạy cảm về đại hội đảng với vấn đề nhân sự.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cây viết của tờ Thanh Niên trong nhiều năm chia sẻ quan điểm này:

Trước đây anh Phạm Chí Dũng có viết một bài nói rằng anh Trương Duy Nhất bị bắt xuất phát từ những nguồn tin, tức là anh Nhất đã nắm được những thông tin mà ở vị trí của anh ấy không thể nắm được phải do ai đó ở cấp rất cao rò rỉ thông tin. Tôi nghĩ rằng nhận xét đó của anh Phạm Chí Dũng là rất đúng. Hồi Hội nghị Trung ương đảng thì anh Nhất đưa ra nhiều thông tin rất là cập nhật, rất mau và cũng rất chính xác về chuyện bầu cử thay người vào Bộ chính trị. Tôi nghĩ có thể xuất phát từ chuyện đó người ta muốn biết ai cung cấp thông tin cho anh, theo suy nghĩ của tôi thì đó là lý do chính còn những điều nêu ra trong kết luận điều tra vừa rồi tôi thấy không có điểm nào thuyết phục được để mà cáo buộc ràng ảnh có tội được hết. Dĩ nhiên luật pháp Việt Nam mình dựa vào điều 258 thì rất chung chung và nó có thể bắt được mọi người vì vậy nếu đem điều 258 ra thì có thể cáo buộc anh Nhất tội này tội khác được.

Nghi vấn Trương Duy Nhất bị bắt vì đã rò rỉ nguồn tin tối mật dù sao cũng chỉ là nghi vấn vì nếu muốn kết án ông thì tội “tiết lộ bí mật nhà nước” đã có sẵn tại sao lại không áp dụng? Hay là Bộ chính trị sợ bứt dây động rừng có thể nổ ra hàng chục vụ Trương Duy Nhất khác?

Trước đây trong một lần phỏng vấn với người blogger nổi tiếng này chúng tôi được ông cho biết khi phải bỏ nghề làm báo để viết blog:

“Tất nhiên là có nhiều cái trăn trở chứ nhưng mà khi tôi quyết định có thể nói nhiều người không tin đâu. Tôi chuẩn bị điều này lâu lắm rồi vì vậy tôi rất nhẹ người chứ không có gì nặng nề lắm đâu. Quan điểm của tôi là thế này, tôi là người sinh ra với nghề cầm bút, nghề viết nên tôi muốn mình phải viết được điều gì cần phải viết. 

Tôi có mấy chục năm làm báo rồi, có tới sáu thẻ nhà báo rồi. Tất nhiên khi nghỉ một cái nghề mà mình máu thịt với mình như thế thì cũng băn khoăn nhưng nặng nề thì không, bởi vì tôi chuẩn bị kỹ cho nó rồi. Tôi đã làm cho báo Công An Quảng Nam Đà Nẵng 8 năm. Tôi đi làm báo từ năm 1987 đến 31 tháng 12 năm 1994. Năm 1995 báo Đại Đoàn Kết mời tôi về làm phái viên thường trú tại miền Trung, từ đó đến nay chỉ hai tờ thôi. 

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất dĩ nhiên biết sự nguy hiểm của mình phải gặp vì vậy sự chuẩn bị chu đáo nhất của ông trong trại giam là câu khẳng định trước nhân viên điều tra: không nhận bất cứ cáo buộc nào, có nghĩa là không chấp nhận một thỏa hiệp để mong được giảm án, tuy ông biết làm như vậy là chấp nhận mang thêm số ngày ngồi trong tù của ông trong thời gian tới.


Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Không có nhận xét nào: