Nhấn vào để nghe
Năm 2013 là năm thứ 6, kinh tế Việt Nam rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Theo giới chuyên gia, 2013 cũng là bước tiếp nối của giai đoạn Việt Nam đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất kể từ thập niên 1990. Nhìn lại bức tranh chung toàn năm 2013, Vũ Hoàng có bài tổng hợp sau đây.
Tái cơ cấu vẫn còn đang dang dở
Việt Nam đang vào những ngày cuối cùng của năm 2013 với nhiều ghi nhận tích cực về các chỉ số kinh tế vĩ mô, nhưng cũng đồng thời, còn nhiều yếu tố mang tính nền tảng khác vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là đề án tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn đang dang dở.
Theo các chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ dao động từ 5,3 đến 5,4% và khoảng 5,7 đến 5,8% cho năm tiếp theo, đồng thời Việt Nam 2013 được xem là chạm “đáy” sau một giai đoạn “đổ đèo” của 3 năm vừa qua.
Mặc dù, trong quý 3 năm nay, những tín hiệu khả quan bắt đầu xuất hiện, nhưng sự hồi phục này vẫn được xem là rất chậm. Một loạt những khó khăn “kế thừa” từ năm ngoái vẫn tiếp tục là các trở ngại trong năm nay, đánh giá một cách tổng quan về kinh tế năm 2013, P.G.S, T.S Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội cho chúng tôi biết:
Tốc độ tăng trưởng có thể là 5,4%, tất nhiên, về cơ bản đã thoát đáy chưa thì còn nhiều quan điểm khác nhau, thực trạng của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
-TS Ngô Trí Long
“Đánh giá chung qua một loạt hệ thống chỉ tiêu, nhận định chung là kinh tế bắt đầu khôi phục, nhưng sự khôi phục vẫn rất chậm. Những thách thức lớn vẫn còn đặt ra phía trước, thí dụ vấn đề nợ xấu, tuy thành lập công ty VAMC nhưng nói chung mới chỉ là mặt chuyển đổi hay nói một cách khác là mới giải phóng được bút toán của một số tổ chức tín dụng. Nhìn vào bảng cân đối, tạm thời không còn xấu như trước, nhưng thực chất giải quyết nợ xấu cũng là bài toán nan giải vì thực ra đó chỉ là từ tổ chức tín dụng chuyển lên ngân hàng Nhà nước, chuyển từ túi này bỏ sang túi khác. Còn việc giải quyết mua bán nợ xấu như thế nào thì thực sự chưa giải quyết và chưa có lối thoát. Hay thị trường bất động sản, hiện nay cũng chưa có lối thoát. Chỉ số giá tiêu dùng, theo nhận định có khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái sẽ ở mức 6,2 – 6,3%. Về tốc độ tăng trưởng có thể là 5,4%, tất nhiên, về cơ bản đã thoát đáy chưa thì còn nhiều quan điểm khác nhau, thực trạng của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đặt ra phía trước.
“Thực trạng của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đặt ra phía trước” như lời T.S Ngô Trí Long vừa nhận xét, được thể hiện ở nhiều mặt của đời sống kinh tế Việt Nam.
Thừa tiền, thiếu vốn
Mặc dù chưa có số liệu chính thức của cả năm 2013, nhưng 11 tháng đầu năm nay, tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của gần 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, cao hơn cả con số của 2 năm 2011 và 2012. Cũng bởi tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị nghẽn mạch và dòng vốn không được hấp thụ một cách hiệu quả. Tình trạng “thừa tiền, thiếu vốn” vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì lý do đó, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội thấp hơn mục tiêu đề ra ở mức 30% và mức tăng tín dụng cả năm cũng khó đạt được con số 12% như Chính phủ từng đề xuất hồi đầu năm.
Vấn đề nền kinh tế nghẽn mạch tín dụng, trong khi đầu tư của mọi thành phần kinh tế lại chủ yếu dựa vào tín dụng, vì thế, đây được xem là một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam năm 2013, nhận xét về điều này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đưa ra các hệ lụy diễn biến như sau:
“Nếu mà hàng chục ngàn doanh nghiệp mà phải giải thể như thế thì tất nhiên số lao động bị mất việc rất nhiều. Thị trường là gì, thị trường là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc thì tất nhiên không có sức mua nữa, hàng hóa trên thị trường không có chỗ tiêu thụ. Vì vậy bây giờ phải cố gắng làm sao cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, phát triển lại, hồi phục lại thì mới có công ăn việc làm thì lúc đó mới có nguồn tiêu thụ được, ngược lại không thể trông đợi sức mua tăng lên được.”
Vấn đề công ăn việc làm như ông Bùi Kiến Thành phân tích là một trong ba nội dung cơ bản của mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô bên cạnh 2 trụ cột chính là kiểm soát lạm phát và chính sách tỉ giá. Theo đánh giá, tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp diễn ra phổ biến hơn ở khu vực thành thị so với khu vực nông thôn, cũng bởi thế, khi sức mua không còn nữa, hàng hóa mất mãi lực lưu thông và hàng tồn kho tiếp tục ứ đọng là chuyện đương nhiên.
Phải cố gắng làm sao cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, phát triển lại, hồi phục lại thì mới có công ăn việc làm thì lúc đó mới có nguồn tiêu thụ được.
-Bùi Kiến Thành
Những khó khăn trên cùng cộng hưởng tạo nên một nguy cơ mới gây bất ổn vĩ mô của 2013 là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ nhưng chi tiêu công lại không hề thuyên giảm vì thế đây sẽ trở thành bài toán ngân sách nan giải cho các năm tiếp sau.
Bên cạnh những khó khăn thách thức vừa chỉ ra, kinh tế năm 2013 sau khi được cho là “chạm đáy” đã bắt đầu có những chỉ dấu phục hồi. Cụ thể nhất là “con ngựa bất kham” lạm phát đã được kiểm soát. Số liệu cho thấy, tốc độ CPI của năm nay ước đạt 7% thấp hơn cả chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 8%, đây được đánh giá là sự phối hợp tích cực của 3 nhóm chính sách: tiền tệ, chi tiêu công và điều chỉnh giá những hàng hóa dịch vụ công. Ngoài ra, hàng loạt những chỉ số kinh tế khác cũng được cải thiện như đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn ODA, kim ngạch xuất khẩu, đồng tiền nội địa ổn định… Theo đánh giá của T.S Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, mặc dù, 2013 là năm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam kể từ 2008, nhưng kinh tế đã có những dấu hiệu sáng hơn, ông cho biết cụ thể:
“Với kết quả đạt được 12/15 chỉ tiêu kế hoạch, tôi cho rằng đây là một cố gắng đáng ghi nhận, cho thấy rằng đây là tổng thể kinh tế Việt Nam vẫn vững từ ổn định vĩ mô, cán cân thương mại, tỷ giá, kiểm soát lạm phát, rồi sự tăng vọt trở lại trên 60-70% của FDI – một động thái đảo ngược của 4-5 năm qua luôn bị suy giảm, đó là một sự cải thiện rõ rệt. Rồi sự tăng trưởng của xuất khẩu và sự gia tăng về thăng hạng đầu tư, được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới xếp hạng tăng tới 5 hạng, đó là những ghi nhận tốt. Bên cạnh đó, kinh tế VN cũng được hỗ trợ bởi các nguồn ODA và kiều hối vào, khiến cho thị trường tài chính chung của Việt Nam cải thiện tốt hơn.”
Bức tranh chung về kinh tế Việt Nam năm 2013 được đánh giá là vẫn còn những mảng sáng tối đan xen lẫn lộn, mặc dù kinh tế được xem là “chạm đáy” nhưng rõ ràng những dấu hiệu tích cực cũng đã bắt đầu xuất hiện, hẳn đó sẽ là những tiền đề để năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ có những bước chuyển mình, dù ít dù nhiều, chúng ta hãy cùng chờ và hi vọng sang năm mới Việt Nam sẽ “thoát đáy”
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét