Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Lấy đất dân nghèo chia cho cán bộ

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/664325/Lay-dat-dan-ngheo-chia-cho-can-bo-tpp.html
TP – Lấy đất của dân, nhưng không bồi thường, rồi đem đất ấy… chia cho cán bộ xã dựng nhà, và để người giàu chiếm, là chuyện đang xảy ra ở trung tâm xã Phong Lạc (Trần Văn Thời, Cà Mau).
Ngôi nhà ông Võ Việt Trung, Phó chủ tịch UBND xã Phong Lạc, vừa được xây sửa trong dãy nhà cán bộ xây trên đất ông Nguyễn Văn Việt
Ngôi nhà ông Võ Việt Trung, Phó chủ tịch UBND xã Phong Lạc, vừa được xây sửa trong dãy nhà cán bộ xây trên đất ông Nguyễn Văn Việt .
Một gia đình ly tán
Sau khi đại gia đình bị thu hồi đất, bà Nguyễn Thị Minh, 42 tuổi, ở ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, nói: “Vợ chồng tôi không biết đi đâu, đành thuê miếng đất, cất nhà ở nuôi 4 đứa con và 1 đứa cháu con của thằng em trai”. Bà Minh thuê miếng đất giá 1 triệu đồng/năm, bà cho biết năm tới sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng. Chồng bà đi làm thuê, còn bà Minh làm bánh để các con bưng bán quanh xóm.
Gia đình bà Minh vốn có nhiều đất tại xã. Cha của bà Minh là ông Nguyễn Văn Việt, cho đến năm 2001 còn có hơn 1,3 ha đất tại ấp Rạch Bần, do ông Việt và các con khai phá, canh tác từ lâu. Nhưng cũng năm 2001, theo trình bày của bà Minh, đất của ông Việt bị UBND huyện Trần Văn Thời ra quyết định thu hồi mà không bồi thường, để giao cho UBND xã Phong Lạc quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.
Phần đất thu hồi đó, năm 2006, UBND xã Phong Lạc chia cho 14 cán bộ, mỗi người hơn 100 m2, để cất nhà ở. Những cán bộ này đều đã có nhà đất ở chỗ khác. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã, có nhà đất ở ấp Rạch Bần B, vừa bán cho người khác. Ông Huỳnh Văn Điểm, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch MTTQVN xã, có nhà đất ở ấp Tân Thành. Ông Võ Việt Trung, Phó chủ tịch UBND xã, vừa được ông Phạm Ngọc Mừng (một người giàu trong xã) xây sửa nhà cửa khang trang.
Phần đất của ông Việt còn lại được xây dựng Trạm y tế, Hội Miếu, Bưu điện xã Phong Lạc. Khi thấy đất của mình bị lấy không bồi thường mà đem chia cho cán bộ nên năm 2007, bà Trần Thị Sương, vợ ông Việt, xông ra ngăn cản xây dựng Bưu điện xã Phong Lạc. Xô xát xảy ra, bà Sương cùng 11 người là anh chị em bị phạt tù với tội “chống người thi hành công vụ”. Ông Việt khiếu nại, không được giải quyết, nay đã chết.
Vợ chồng ông Việt có 9 người con, từ đó ly tán, đi làm thuê khắp nơi. Cô con gái là bà Minh lấy ông Trần Quốc Sắc ở lại quê nhà nhưng không còn đất sinh sống.
Ông Sắc kể, năm 2009, vợ chồng ông mua một căn nhà nhỏ thì sau đó cũng bị giải tỏa, chỉ được hỗ trợ hơn 20 triệu đồng mà không được tái định cư, nên phải đi thuê đất ở.
Bà Minh xoa đầu con trai út Trần Tấn Đạt nói: “Năm đó, tôi sinh thằng này, chưa kịp di dời, xã cho bơm cát ngập nhà, ôm mùng chiếu lên trụ sở UBND xã Phong Lạc tá túc. Nền nhà này nằm trong phần đất ông Phạm Ngọc Mừng bao chiếm hiện nay”.
Người dân mất đất cất nhà tạm bên đường
Người dân mất đất cất nhà tạm bên đường.
Hỗn quân, hỗn quan
Giữa năm 2012, vợ chồng ông Phạm Ngọc Mừng đổ cột bê tông, xây tường gạch, bơm cát san lấp hơn 2.400 m2 đất tại trung tâm xã Phong Lạc. Đây là khu đất công do xã quản lý.
Nguyên do ông Mừng chiếm đất công, năm 1986, ông Mừng cùng với 3 người khác mượn đất, xây dựng tổ hợp lò đường. Nhưng khi đi vào hoạt động, lò đường gây cháy nhà dân, làm ăn thua lỗ ngưng hoạt động, để lại lò đường hoang phế. Nay ông Mừng “tái chiếm” khu đất mà ông Mừng cho rằng ông này đáng được hưởng.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, năm 2001, vợ chồng ông Mừng có đơn xin lại phần đất xây dựng lò đường nhưng huyện Trần Văn Thời và tỉnh Cà Mau không chấp nhận. Để có khu đất công này, chính quyền đã tốn tiền tỷ bồi thường và tổ chức san lấp mặt bằng.
Năm 2003, nhà của vợ chồng bà Minh bị thu hồi, xã bơm cát ngập, phải bỏ chạy nằm trong khu đất này. Chủ tịch Hạnh giải thích: “Vợ chồng ông Mừng có bỏ tiền xây sửa cơ quan, nhà của cán bộ, và ông Mừng bao chiếm khu đất để … xây sân bóng cho cán bộ đá chơi”(?).
Một số người dân “noi gương” ông Mừng, quay lại chiếm đất bị thu hồi trước đây. Góa phụ Trần Thị Tuyết, 84 tuổi, ở ấp Rạch Bần đã cho đắp nền, dựng nhà ngay trên con đường dẫn vào trung tâm xã Phong Lạc.
Bà Tuyết nói: “Đất vợ chồng tôi khai phá từ năm 1950, rộng hơn 1 ha. Năm 1984, xã Phong Lạc mượn một phần xây dựng trạm y tế rồi sau đó, lấy đất xây trường học mà không bồi thường gì cả. Nay còn phần đất trống khoảng 2.000 m2, tôi dựng nhà cho 14 đứa con, chứ không chiếm đất của ai hết. Tôi không chiếm đất công như ông Mừng”.
NGUYỄN TIẾN HƯNG

Không có nhận xét nào: