Pages

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Mỹ “vừa đấm vừa xoa” Trung Quốc

(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (17/12) đã đến thăm Philippines – đồng minh thân thiết nhất của họ ở Đông Nam Á, đem theo cam kết hỗ trợ tới 40 triệu USD để nước này củng cố sức mạnh hàng hải. Đây được xem là một “cú đấm” của Mỹ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng rất nhanh sau đó, ông Kerry đã có hành động xoa dịu cường quốc số 1 Châu Á bằng việc nói giảm nhẹ về căng thẳng giữa hai nước ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Kerry (đang đứng) trong cuộc gặp với giới lãnh đạo cấp cao Philippines.

Mỹ tích cực củng cố sức mạnh quân sự cho Philippines


Hôm qua, trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino và người đồng cấp Albert del Rosario tại thủ đô Manila, Ngoại trưởng Mỹ đã công bố khoản viện trợ quân sự lên tới 40 triệu USD cho đồng minh của mình khi nước này đang có cuộc tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc.

Khoản tiền trên vượt cả con số tổng gói viện trợ 32 triệu USD mà Ngoại trưởng Mỹ cam kết dành cho khu vực Đông Nam Á để giúp các nước bảo vệ lãnh hải.

40 triệu USD của Mỹ sẽ được đầu tư cho việc củng cố năng lực phòng vệ hàng hải của Philippines và tăng cường các chiến dịch chống lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở phía nam nước này.

Mặc dù Ngoại trưởng Kerry khẳng định việc Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Philippines không nhằm chống lại Trung Quốc nhưng ai cũng có thể hiểu, bước đi này của Washington rõ ràng là một “cú đấm” nhằm với Bắc Kinh. Trung Quốc đang có tranh chấp quyết liệt với đồng minh của Mỹ ở Biển Đông. Việc Mỹ giúp Philippines củng cố sức mạnh hàng hải chỉ có thể là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Cũng trong cuộc gặp với giới chức cấp cao Philippines ngày hôm qua, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo tất cả các bên có tranh chấp trong khu vực không được có những “hành động khiêu khích”. Ông Kerry nhắc lại lập trường phản đối quyết liệt của Mỹ đối với Vùng Nhận diện Phòng không ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập hồi cuối tháng 11, trong đó bao trùm các khu vực tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Kerry cũng hy vọng cuộc gặp lần này của ông với các nhà lãnh đạo Philippines sẽ giúp hai bên đạt được tiến bộ trong thỏa thuận nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á.

Ông Carl Thayer – một chuyên gia có tiếng chuyên nghiên cứu về khu vực ở trường Đại học New South Wales, Australia, nhận định, chuyến thăm đầu tiên của ông Kerry trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ đến Philippines có thể giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên minh quân sự giữa hai nước này. Diễn biến này sẽ diễn ra thuận lợi sau khi Mỹ trở thành nước giúp đỡ nhiều nhất và nhiệt tình nhất trong Philippines sau thảm họa thiên nhiên khủng khiếp hồi tháng trước.

"Các Bộ trưởng quan trọng của Philippines như Ngoại trưởng Rosario, đều nói rằng, phản ứng của Mỹ trong cơn bão Haiyan ở Philippines là lý do chính xác nhất giải thích tại sao Manila cần sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ chứ không đơn thuần chỉ là những cuộc tập trận chung hàng năm. Họ ở đó để giúp Philippines trong những thảm họa thiên nhiên và cứu trợ nhân đạo”, ông Thayer nói.

Trên thực tế, Philippines cần đồng minh Mỹ để đối phó không chỉ với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong tranh chấp ở Biển Đông mà còn để đối phó với những thảm họa thiên nhiên mà quốc gia Đông Nam Á này thường xuyên phải hứng chịu hàng năm.

Ngoại trưởng Kerry xoa dịu Trung Quốc

Mối quan hệ liên minh ngày càng thắt chặt và gắn bó giữa Mỹ và Philippines khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên” vì lo lắng.

Sau hành động được miêu tả là “đấm” Trung Quốc, Ngoại trưởng Kerry cũng có động thái nhằm xoa dịu đối thủ hàng đầu của Mỹ. Ông Kerry đã tìm cách nói giảm nhẹ về những căng thẳng giữa siêu cường số 1 thế giới với cường quốc số 1 Châu Á ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, nói rằng Mỹ đang nỗ lực để củng cố an ninh hàng hải ở Đông Nam Á và đó là một tiến trình bình thường để giúp các đồng minh của họ bảo vệ mình tốt hơn.

Theo lời ông Kerry, các cuộc tranh chấp hàng hải giữa các nước nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua sự phân xử của tòa án quốc tế và Mỹ sẽ phải lên tiếng khi một nước, ví dụ như Trung Quốc, đơn phương hành động, gây nguy cơ nổ ra xung đột.

Mỹ một lần nữa tái khẳng định nước này không công nhận vùng nhận diện phòng không mà Bắc Kinh áp đặt ở biển Hoa Đông trong bối cảnh nước này đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản trong khu vực.

Trung Quốc cũng đang rơi vào các cuộc đối đầu quyết liệt với một loạt nước láng giềng xung quanh vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Bắc Kinh được cho là sẽ đơn phương áp đặt một vùng phòng không tương tự ở Biển Đông.

Chuyến công du Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Kerry cùng những cam kết viện trợ quân sự cho các nước trong khu vực diễn ra trong bối cảnh căng thẳng như vậy.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Rosario, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh: "Chúng tôi không xem diễn biến hiện nay là một trong những lý do khiến căng thẳng leo thang. Chúng tôi không muốn đẩy cao căng thẳng. Cái mà chúng tôi đang tham gia vào là một tiến trình bình thường mà ở đó chúng tôi hợp tác với các nước để tăng cường năng lực bảo vệ hàng hải”.

Ngoại trưởng Kerry khẳng định, Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng cũng không đồng ý với cách Trung Quốc phản ứng trong cuộc tranh chấp với Nhật Bản.

"Chúng tôi không tiếp cận vấn đề theo cách nhằm vào Trung Quốc, ngoại trừ khi Trung Quốc đơn phương hành động. Khi đó, chúng tôi sẽ phải nói rõ lập trường của mình, chúng tôi sẽ phải bày tỏ sự đồng ý hay không đồng ý”, ông Kerry nói thêm./Vân Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: