Pages

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Người biểu tình lại tụ tập ở thủ đô Bangkok đòi lật đổ bà Yingluck

Hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập đòi đình chỉ dân chủ.


Người biểu tình chống chính phủ tuần hành trong một cuộc tụ tập hồi gần đây ở Bangkok. Ảnh tư liệu. (Credit: Reuters)

Một ngày sau khi đảng đối lập chính tuyên bố tẩy chay các cuộc bầu cử bổ sung, hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo đã làm tê liệt nhiều nơi ở trung tâm thủ đô Bangkok.


Hàng ngàn người, chủ yếu là phụ nữ, tụ tập bên ngoài tư dinh Thủ tướng Yingluck Shinawatra ở ngoại ô trong bối cảnh an ninh chặt chẽ, mặc dù bà đã thăm viếng các khu vực bên ngoài thủ đô.
Bà Yingluck Shinawatra đã bị buộc phải giải tán Hạ viện hồi tháng này sau khi Đảng Dân Chủ từ chức tập thể. Bà hiện thăm viếng vùng Đông Bắc Thái Lan, ‘căn cứ địa’ của đảng cầm quyền.

Loại trừ ảnh hưởng của ông Thaksin

Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanatabut cho biết Ít nhất 150 ngàn người đã tụ tập tại một số nơi ở Bangkok hồi tối Chủ nhật 22/12.
Tuy nhiên lãnh đạo biểu tình nói con số này cao hơn nhiều lần.
Người biểu tình thổi còi - biểu tượng của các cuộc biểu tình kéo dài từ nhiều tuần lễ qua - và vẫy cờ Thái. Họ hô vang “Yingluck cút đi, Yingluck cút đi” trong khi hàng chục cảnh sát không vũ trang đứng đằng sau các cửa.
Người biểu tình muốn loại bỏ bà Yingluck và ảnh hưởng của người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin. Ông Thaksin, sống chủ yếu tại Dubai, bị lớp người nghèo ở miền Nam, tầng lớp trung lưu ở Bangkok và giới thượng lưu khinh khi.
Lãnh đạo biểu tình, ông Suthep Thaugsuban, người từng tuyên bố sẽ tiêu diệt “chế độ Thaksin”, đã bác bỏ kêu gọi do bà Yingluck đưa ra đề nghị mở bầu cử vào ngày 2 tháng Hai. Ông cho rằng cuộc bầu cử sắp diễn ra này sẽ lại thiết lập một chính phủ đồng minh với ông Thaksin.
Thay vào đó, một cơ chế tự xưng là Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân đang kêu gọi thiết lập một “hội đồng nhân dân”, vốn không do ai bầu ra, để giám sát các cải cách sâu rộng trước khi cuộc bầu cử mới diễn ra trong vòng từ một năm đến 18 tháng.
Phong trào của ông đã được hỗ trợ bởi thông báo của đảng Dân chủ đối lập kêu gọi “tẩy chay bầu cử”.
Trong khi đó bà Yingluckk cho hay bầu cử phải diễn ra để bảo vệ tiến trình dân chủ mong manh của Thái Lan.
Bà nói với các phóng viên: “Nếu chúng ta không bám lấy hệ thống dân chủ thì chúng ta phải bám vào cái gì?”.
Bà cho biết tiếp: “Nếu quý vị không chấp nhận chính phủ này thì xin quý vị hãy chấp nhận hệ thống”. Bà cho rằng tiếng nói của người chống đối sẽ được phản ánh qua các lá phiếu bầu cử.

Quân đội sẽ nhập cuộc?

Cho tới lúc này quân đội cho biết họ sẽ không trực tiếp nhập cuộc ở giai đoạn này.
Tuy nhiên một số quan sát viên cho rằng quân đội sẽ chỉ can thiệp nếu có sự hỗn loạn .
Thái Lan đã chứng kiến ​​18 cuộc đảo chính, thành công hay âm mưu không thành, từ năm 1932.
Ông Thaksin được người dân nông thôn, đặc biệt người sống ở miền Bắc và Đông Bắc yêu mến; tuy nhiên chính trị gia này, vốn là một tỷ phú, bị giới thượng lưu căm ghét vì họ coi ông là một tay tham nhũng và là mối đe dọa cho chế độ quân chủ.
Phe ủng hộ ông Thaksin đã thắng trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001 đến nay, gần đây nhất là chiến thắng vang dội của bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, cách nay hai năm./AFP

Không có nhận xét nào: