SÀI GÒN 19-12 - Ngày 18 tháng 12, 2013, Đảng ủy của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức một hội nghị bất thường để kiểm điểm đảng viên Phạm Chí Dũng sau khi ông này tuyên bố ly khai Đảng CSVN.
Ông Phạm Chí Dũng, người gần đây tuyên bố ly khai Đảng CSVN. (Hình: Internet) |
Ông Phạm Chí Dũng, một đảng viên, đồng thời là nhà báo độc lập, người từng viết nhiều bài cổ xúy cho dân chủ tại Việt Nam, từng bị bắt vào tù.
Ông Dũng cho biết, sau tuyên bố ly khai, Đảng ủy của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng của Thành ủy TP.HCM đã tìm nhiều cách để “vận động” ông Dũng “rút lại đơn xin ra khỏi Đảng” nhưng không thành công. Cũng vì vậy, theo chỉ thị của Đảng ủy cấp trên, dưới sự giám sát của Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng và Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy TP.HCM, Đảng ủy của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã tổ chức kiểm điểm ông Dũng.
Tại buổi kiểm điểm này, đại diện Đảng ủy của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã chỉ trích ông Dũng kịch liệt, xem tâm thư đi kèm tuyên bố ly khai của ông Dũng là “lăng nhăng lít nhít”, “vi phạm Điều lệ Đảng và Quyết định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN về 19 điều đảng viên không được làm”, trong đó cấm “nói, làm trái hoặc không thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của đảng” và “tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước”.
Ông Dũng đáp lại rằng ông sẵn sàng lắng nghe mọi góp ý với điều kiện “phát biểu phải có văn hóa” và “phải dân chủ”.
Chuyện tổ chức kiểm điểm ông Dũng không khác gì chuyện tổ chức kiểm điểm ông Phạm Đình Trọng, một nhà văn và là một đại tá. Năm 2009, ông Trọng tuyên bố ly khai Đảng CSVN, đáp lại, Đảng CSVN tổ chức kiểm điểm ông suốt năm tháng và quyết định “khai trừ” ông Trọng ra khỏi Đảng vì “không đủ tư cách Đảng viên”.
Tuy nhiên buổi kiểm điểm ông Dũng do Đảng ủy của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thực hiện bị xem là thất bại. Chỉ có 10/24 đảng viên đồng ý khai trừ ông Dũng ra khỏi Đảng. Còn 14/24 đảng viên còn lại (hơn 60%) hoặc không bày tỏ chính kiến, hoặc cho rằng chỉ nên “khiển trách” hay “cảnh cáo” vì ông Dũng đã tuyên bố ly khai.
Mục tiêu bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của ông Dũng đồng thời răn đe những người đang có ý định tuyên bố ly khai Đảng CSVN một cách công khai không đạt.
Cách nay khoảng 10 ngày, trong một thư ngỏ gửi các đồng chí cũ, ông Lê Hiếu Đằng, người tuyên bố ly khai Đảng CSVN hôm 4 tháng 12-2013, nhắn nhủ các đồng chí của ông rằng, nếu còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi cho bằng lúc này để bày tỏ thái độ, để đấu tranh với giới lãnh đạo Đảng CSVN.
Vào thời điểm tuyên bố ly khai Đảng CSVN, ông Đằng đã có hơn 45 năm là đảng viên Đảng CSVN và đang là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Đằng từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Sài Gòn. Trước nữa, ông đã từng là Tổng thư ký Uỷ ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn - Gia Định, Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung Ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với Bauxite Việt Nam tại một bệnh viện ở Sài Gòn, ông Đằng tâm sự với những cán bộ, đảng viên, trí thức đang do dự rằng, nếu cứ cho rằng tình hình chưa chín mùi, chưa đúng lúc thì bao giờ mới chín mùi, mới đúng lúc (?).
Ông Đằng kêu gọi bạn bè, đồng chí cũ tác động để tình hình chín mùi, đừng “ngồi chờ sung rụng”. Chờ đợi là một cách hành xử tiêu cực, cần tranh đấu mạnh mẽ, không sợ bắt bớ, tù đày. Ông Đằng nhấn mạnh: Chỉ có kẻ yếu mới thích bắt bớ tù đày. Nếu mạnh thì phải đối thoại.
Ông Đằng nhận định, đây chính là thời điểm của nhân sĩ, trí thức. Ông kêu gọi nhân sĩ, trí thức tiến lên phía trước, “phá tan không khí sợ hãi” bao trùm xứ sở từ 1954 đến nay. Theo ông Đằng, tác động của xã hội dân sự sẽ tạo ra tình trạng “chín mùi” nhưng muốn có một xã hội dân sự đủ mạnh thì nhân sĩ, trí thức phải hành động.
Trong cuộc trò chuyện với Bauxite Việt Nam, ông Đằng cho rằng, giới lãnh đạo Đảng CSVN biết “chủ nghĩa xã hội” là không tưởng nhưng thay vì chuyển thể chế chính trị từ chuyên chế, toàn trị sang dân chủ, để hòa vào dòng chảy của thế giới, giới lãnh đạo Đảng CSVN làm ngược lại vì đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.
Ông Đằng khẳng định, việc giới lãnh đạo Đảng CSVN cố tình áp đặt vai trò lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của Đảng CSVN, cũng như tái khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo, đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân trong hiến pháp mới là bằng chứng rõ ràng nhất về chuyện Đảng CSVN càng ngày càng tệ hại, không thể nào chấp nhận được. Không còn có thể hy vọng giới lãnh đạo Đảng CSVN tự thay đổi. Muốn thay đổi phải có tác động. Việc xây dựng một xã hội dân sự mạnh, đủ sức hạn chế quyền lực, sẽ tạo ra áp lực để buộc giới này phải thay đổi.
Sau tuyên bố ly khai Đảng CSVN của ông Lê Hiếu Đằng, ông Phạm Chí Dũng một đảng viên, từng là cán bộ Ban An ninh Nội chính của Thành ủy Sài Gòn, tuyên bố ly khai Đảng CSVN. Kế đó, bác sỹ Nguyễn Đắc Diên một đảng viên CSVN cư trú ở Sài Gòn cũng vừa tuyên bố ly khai Đảng CSVN. (G.Đ)
Theo Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét