Việt Nam có khoảng 3,7 triệu đảng viên cộng sản
Tin về một số nhân vật đấu tranh hoặc cây viết tự do tại Việt Nam công khai tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản vẫn đang thu hút dư luận trên các mạng xã hội.
Tuy nhiên, hiện tượng tự ý bỏ sinh hoạt, ‘lãn Đảng, thoái Đảng’ vì lý do cuộc sống hay chán Đảng lại không phải là mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay ở Việt Nam.
Dù các lãnh đạo ở Việt Nam hay phê phán chuyện ‘suy thoái’ tư tưởng của cán bộ đảng viên, thực tế cuộc sống cũng khiến sinh hoạt Đảng đều đặn trở nên khó khăn, chưa kể còn khó thực hiện khi đảng viên chuyển chỗ ở hoặc ra nước ngoài.
Ngoài ra, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho phép đảng viên ‘miễn sinh hoạt’ trong một số trường hợp cụ thể.
‘Nằm nhà cho khoẻ’
Theo báo Pháp Luật Thành phố HCM (6/2012), thủ tục ‘chuyển sinh hoạt Đảng’ tạo lỗ hổng khiến nhiều đảng viên chỉ cần khi đổi chỗ ở hoặc về hưu không mang giấy giới thiệu và hồ sơ gốc nộp cho nơi mới là xong, không cần sinh hoạt như là đảng viên nữa.
Bấm Bài báo bình luận:
“Không nộp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng là hình thức tự ra khỏi Đảng ‘trong sạch’ và dễ dàng nhất mà nhiều đảng viên đang áp dụng”
“Quản lý đảng viên như thế thì tình trạng ‘tự ra khỏi Đảng’ sẽ ngày càng nhiều, bởi lẽ: Đảng viên đã nhiều năm công tác, nay được nghỉ hưu có tâm lý không muốn tham gia sinh hoạt Đảng; đảng viên chuyển từ cơ quan, tổ chức nhà nước ra ngoài kinh doanh cũng không muốn là đảng viên nữa, nhất là đối với những người làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài.”
“Việc ‘tự ra khỏi Đảng’ bằng hình thức này không gây ồn ào, bởi họ không ‘mang tiếng’ bị xóa tên hay khai trừ,” bài báo viết.
Nhìn vào cấp cơ sở, chuyện không sinh hoạt Đảng tự ý hoặc được miễn cũng không hiếm và đã có mấy năm nay.
Tạp chí Xây dựng Đảng bản điện tử (15/4/2008) đã có bài nhìn vào thực tế của sinh hoạt Đảng ở một phường của Hà Nội nơi khá đông đảng viên được miễn sinh hoạt:
“Tại chi bộ 1B thuộc Đảng bộ phường Ngọc Hà có 36 đảng viên thì chỉ có 19 đảng viên thuộc diện kiểm điểm, xếp loại, 17 đảng viên được miễn sinh hoạt không phải kiểm điểm, xếp loại chiếm gần 50%.”
“Cuộc họp tổng kết công tác cuối năm của chi bộ 1B, mặc dù tất cả đảng viên miễn sinh hoạt được mời nhưng chỉ có 3/17 đảng viên được miễn sinh hoạt đến họp.“
Bài báo cũng thẳng thắn mô tả lý do và thái độ của một số ‘đảng viên được miễn sinh hoạt’:
“Có đồng chí cả năm không một lần họp chi bộ nhưng quanh năm đi lễ chùa trong nước và du lịch nước ngoài. Khi hỏi một đảng viên được mời mà không đi họp, đồng chí đó trả lời: ‘Được miễn rồi đi họp làm gì, nằm nhà cho khoẻ’”.
Lao động xa nhà, xa nơi cư trú khiến sinh hoạt Đảng sút giảm
“Một số đồng chí còn không tham gia học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”
Bài báo cũng viết: “Tóm lại, không ít đảng viên sau khi được miễn công tác và sinh hoạt rất ít liên lạc với tổ chức đảng, các đồng chí đó hoàn toàn tự do, không được quản lý, giám sát, đi đâu, làm gì tổ chức đảng không biết.”
Xóa tên và gia nhập
Hiện tượng đảng viên cộng sản đi lao động nước ngoài hoặc ra nước ngoài thăm thân, làm ăn sinh sống cũng khiến sinh hoạt Đảng sút giảm.
Chẳng hạn Bấm truyền thông Nghệ An hồi tháng 10/2012 có bài ‘Những bất cập trong quản lý đảng viên đi xuất khẩu lao động’ về chuyện phải xóa cả tên đảng viên với người đi lao động nước ngoài.
“Hiện Đảng bộ tỉnh có gần 17.000 đảng viên, trong đó, có khoảng vài nghìn đảng viên đi làm ăn xa và gần 1.000 đảng viên đi xuất khẩu lao động.”
Theo Tỉnh ủy Nghệ An “trong số 659 đảng viên đi xuất khẩu lao động thì chỉ có 96 đồng chí chuyển đảng chính thức, chiếm 14,6%, 23 đồng chí chuyển đảng tạm thời chiếm 3,5%.”
“Có đến 540 đồng chí không làm thủ tục chuyển đảng, vi phạm điều lệ Đảng chiếm gần 82%, trong đó, đã xử lý kỷ luật theo hình thức xóa tên đối với 405 đồng chí.”
Vẫn tin từ Nghệ An cho hay “hầu hết, đảng viên đi xuất khẩu lao động đều chấp nhận xóa tên khỏi danh sách đảng viên, rất ít trường hợp hoàn thiện các thủ tục chuyển Đảng theo đúng điều lệ”.
Dù không có con số chính thức trên toàn quốc, truyền thông Nghệ An nói chỉ riêng trong tỉnh “có hàng nghìn đảng viên đi làm ăn ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn mà không chuyển đảng đến nơi tạm trú”, tức là về thực tế không còn sinh hoạt Đảng.
Hiện cũng không rõ tình trạng sinh hoạt Đảng ở nước ngoài mà chính thức là trách nhiệm của các cơ quan lãnh sự, đại sứ quán Việt Nam phụ trách diễn ra như thế nào.
Tuy thế, các văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu ra “những khó khăn, thách thức” cho công tác này.
Trong nước, Nghệ An không phải là tỉnh duy nhất có hiện tượng ‘thoái Đảng’.
Một bài trên Nhân Dân (28/9/2013) về khối kinh tế, công nghiệp của Bắc Giang đã thừa nhận bệnh lơ là với Đảng:
“Nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy không có thời gian nghiên cứu kỹ hết tài liệu, không tham gia hết các cuộc họp, vì vậy việc quán triệt, phổ biến chủ trương, Nghị quyết của Ðảng đến đảng viên không hết, không sâu.”
Mỗi năm công an Việt Nam có thêm chừng 6000 đảng viên
Tuy thế, Bắc Giang đã khắc phục được thách thức và “kết nạp hơn 500 đảng viên là cán bộ, công nhân, người lao động” tính từ 2010 đến nay, theo báo Nhân Dân.
Một ngành khác có vẻ như đã thu hút thêm đảng viên cộng sản chính là ngành công an.
Vẫn theo Nhân Dân (22/03/2013), đảng bộ toàn ngành công an đã kết nạp được 29.543 đảng viên trong năm năm qua, mỗi năm trung bình có thêm gần 6 nghìn đảng viên mới.
Tính đến hết 2011 cả Việt Nam có 3,7 triệu đảng viên cộng sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét