Tấm biển chỉ đường của ý thức hệ
Đến giờ phút này, giới lương tâm ở Việt Nam hầu như có thể khẳng định về một khả năng “chìm xuồng” rất lớn đối với các tội ác xã hội do các nhóm lợi ích vô đạo đức gây ra.
Ít nhất, những tội ác đó gắn bó không thể bền vững hơn với vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa và cơn đại hồng thủy xả lũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên - được hiện thực hóa không hề thiếu sinh động và tàn nhẫn bởi các nhà máy thủy điện.
Nicotex Thanh Thái đã trở thành một cái tên đáng được ghi vào sách giáo khoa lịch sử Việt Nam.Cái quái thai có cái tên thanh lịch trên đã gây ra vài chục người chết vì ung thư và hàng trăm trẻ dị tật ở những làng mạc xung quanh.
Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chế độ cầm quyền ở Việt Nam, cơn bạo bệnh quái thai lại được nhân danh hành động xả lũ thủy điện đến thế. Gần năm chục mạng dân nghèo đã bị giết trong cơn lũ cực kỳ vô trách nhiệm và vô liêm sỉ.
Hai hành động trên lại chỉ xảy ra không bao lâu trước một hành động khác mang tính “đồng thuận” rất cao: Quốc hội Việt Nam thông qua bản Hiến pháp năm 2013 với 98% đại biểu cúi đầu bấm nút.
Hiến pháp 2013 lại là một đặc trưng lịch sử cho quan điểm “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” và nhóm người “còn đảng còn mình”.
Không có và cũng đã chẳng có bất kỳ nội dung quan trọng nào trong Hiến pháp năm 2013 được điều chỉnh so với Hiến pháp năm 1992, bất chấp rất nhiều ý kiến và kiến nghị từ các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam. Trong một hành động vinh danh sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nêu ra một kết luận mang tính mặc định “bản Hiến pháp mới đã nói lên tiếng nói của 90 triệu đồng bào”. Dù rằng trước đó, kết quả cuộc khảo sát chỉ số công lý 2012 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy có đến 42,4% dân chúng Việt Nam không biết gì về hiến pháp, hoặc chưa bao giờ nghe nói đến hiến pháp!
Vô tình hay hữu ý, từ sau khi bản Hiến pháp mới được thông qua, tiến trình điều tra vụ chôn thuốc trừ sâu vào lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái cũng lẩn nhanh vào bóng tối. Thậm chí Trung tá Trần Văn Thực - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa - còn tuyên bố rằng cơ quan này đã đánh giá lại quá trình xử lý vụ việc và xác nhận “chưa thể xử lý gì đối với họ cả”.
Như thường lệ và điều được coi là lề thói nội bộ, không thiếu lý do và nguyên nhân chậm trễ được “họ” nại ra. Một quan chức được xem là chịu trách nhiệm gián tiếp về nhiều cái chết của dân chúng do hành động xả lũ “đúng quy trình” là ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công thương, đã “đi công tác nước ngoài” ngay trong thời gian những cái chết bi thiết như thế xảy ra. Nhưng kết quả của cuộc họp với ngành thủy điện do vị bộ trưởng này chủ trì đã không làm sáng tỏ được bất cứ nguyên nhân trực tiếp nào dẫn đến thảm họa của người dân, trừ điều được báo chí mỉa mai “dân chết… đúng quy trình”.
Trách nhiệm của những kẻ thủ ác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vì thế đã được vinh tôn hơn bao giờ hết.
Một trì độn lớn phải dẫn đến những tệ nạn nhỏ. Nói cách khác, thói vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức đã kết tinh trong mọi hành động từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao và ngược lại. Tất cả đều cho thấy đang và sẽ khó có một đột biến nào về não trạng và hành vi đạo đức trong giới này.
“Dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ” - như một bức tranh mà ẩn sĩ Hà Sỹ Phu đã phác thảo về tâm can giới đảng viên trước đây hai chục năm, nay đã minh họa một cách không thể hiện thực hơn về vệt tương lai tất cả cùng kéo nhau xuống hố.
Làm gì?
Trong tình cảnh đẫm lệ trên xác người như thế, với những người dân vùng rốn lũ và những đứa trẻ còn đeo khăn tang cha mẹ, sẽ chẳng còn hy vọng mỏng manh nào để trông mong vào mảnh ghép công tâm còn lại của một chính quyền luôn tuyên xưng cho “một xã hội công bằng và văn minh”.
Trái lại, xã hội Việt Nam đang bước vào thời kỳ mà hầu hết những kẻ giàu có đều có thể mua vé qua cổng thiên đường, còn công bằng là một giá trị quá xa xỉ. Giờ đây, thứ công bằng ít ỏi còn lại chỉ phụ thuộc duy nhất vào dân chúng, vào chính sự quyết đoán của những người dân nghèo khổ và các nạn nhân. Nếu không có người vợ mười năm đằng đẵng tìm mọi cách minh oan cho chồng, ông Nguyễn Thanh Chấn hẳn đã còn phải chịu cảnh oan sai không chỉ một thập kỷ tù đày.
Hiện tình, đáng lẽ những tội ác tày đình của Nicotex Thanh Thái và các nhà máy thủy điện xả lũ giết dân ít ra phải bị các nạn nhân đưa ra trước vành móng ngựa. Và tối thiểu, một tòa án dân sự phải được thiết lập để phán quyết về chuyện các hung thủ phải đền bù cho người dân chịu nạn.
Song điều cay đắng bất nhẫn là cho tới nay đã không có bất cứ hứa hẹn nào về khả năng bồi thường, dù chỉ tượng trưng, của Nicotex Thanh Thái và các nhà máy thủy điện cho nạn nhân. Một sự thật cay đắng không kém trong xã hội đóng kín là cũng chưa có bất kỳ tín hiệu nào, dù chỉ manh nha, về một lá đơn khiếu nại của nạn nhân đối với những kẻ thủ ác, đối với những vụ việc cần bị xem là trọng án nhưng đang nhanh chóng được cho “chìm xuồng”.
Mọi thứ đã vượt quá mọi giới hạn. Tỷ lệ phiếu thuận tuyệt đối cho Hiến pháp 2013 cũng là giới hạn tốt nhất từ trước tới nay mà giới nghị sĩ dân bầu có thể phủ quyết những quyền lợi chính đáng như cơ chế không thu hồi đất đối với nhân dân.
Thế nhưng dường như sức chịu đựng của người dân Việt Nam vẫn nằm trong một hệ thống tiêu chí cam chịu bất thành văn. Cũng như thói quen im lặng mãn tính đã di căn diện rộng trong giới đảng viên, tâm lý sợ hãi cái hệ thống đó vẫn ngấm ngầm lan tỏa và phát huy tác dụng. Đến lượt mình, cái tác dụng này lại khiến cho những nạn nhân của nó không đủ sức gắn bó với nhau để chung sức phá tan hệ thống tâm lý đáng sợ đó.
Nếu những tội ác dã man nhất cũng không còn đọng lại nơi vùng đáy lương tâm của hệ thống tư pháp, hiển nhiên cái hố phân hóa giai cấp sẽ ngoác rộng trong một tương lai hoàn toàn thiếu thiện chí. Đó là sự đối đầu không thể tránh khỏi, không thể cứu vãn giữa khối dân chúng với nhà nước.
Ở một chiều kích lệch pha ngày càng lớn với chính thể, số đông dân chúng và giới trí thức có lương tâm càng nhận ra rằng xã hội dân sự là cần thiết biết bao vào lúc này. Đơn giản là nếu có, dù chỉ là một phong trào dân sự về bảo vệ dân sinh và môi trường ở Việt Nam, tiếng nói của phong trào này sẽ lập tức gắn quyện với những người chịu rủi ro và sẽ khiến các cấp chính quyền phải miễn cưỡng dịu bớt sắc diện vô cảm cùng vô liêm sỉ của họ.
Trong thế cùng đường của ngày càng nhiều người dân, có lẽ một hoặc vài ba phong trào như thế sẽ tự nhiên xuất hiện trong vài ba năm nữa. Chỉ có điều, nếu một vài xung khắc xã hội và giai cấp được giải quyết, ý nghĩa về kết quả của nó sẽ thuộc về những người của xã hội dân sự chứ không thể mang tính tô hồng trong các báo cáo của chính quyền địa phương.
Đến giờ phút này, giới lương tâm ở Việt Nam hầu như có thể khẳng định về một khả năng “chìm xuồng” rất lớn đối với các tội ác xã hội do các nhóm lợi ích vô đạo đức gây ra.
Ít nhất, những tội ác đó gắn bó không thể bền vững hơn với vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa và cơn đại hồng thủy xả lũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên - được hiện thực hóa không hề thiếu sinh động và tàn nhẫn bởi các nhà máy thủy điện.
Nicotex Thanh Thái đã trở thành một cái tên đáng được ghi vào sách giáo khoa lịch sử Việt Nam.Cái quái thai có cái tên thanh lịch trên đã gây ra vài chục người chết vì ung thư và hàng trăm trẻ dị tật ở những làng mạc xung quanh.
Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chế độ cầm quyền ở Việt Nam, cơn bạo bệnh quái thai lại được nhân danh hành động xả lũ thủy điện đến thế. Gần năm chục mạng dân nghèo đã bị giết trong cơn lũ cực kỳ vô trách nhiệm và vô liêm sỉ.
Hiến pháp 2013 lại là một đặc trưng lịch sử cho quan điểm “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” và nhóm người “còn đảng còn mình”.
Không có và cũng đã chẳng có bất kỳ nội dung quan trọng nào trong Hiến pháp năm 2013 được điều chỉnh so với Hiến pháp năm 1992, bất chấp rất nhiều ý kiến và kiến nghị từ các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam. Trong một hành động vinh danh sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nêu ra một kết luận mang tính mặc định “bản Hiến pháp mới đã nói lên tiếng nói của 90 triệu đồng bào”. Dù rằng trước đó, kết quả cuộc khảo sát chỉ số công lý 2012 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy có đến 42,4% dân chúng Việt Nam không biết gì về hiến pháp, hoặc chưa bao giờ nghe nói đến hiến pháp!
Vô tình hay hữu ý, từ sau khi bản Hiến pháp mới được thông qua, tiến trình điều tra vụ chôn thuốc trừ sâu vào lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái cũng lẩn nhanh vào bóng tối. Thậm chí Trung tá Trần Văn Thực - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa - còn tuyên bố rằng cơ quan này đã đánh giá lại quá trình xử lý vụ việc và xác nhận “chưa thể xử lý gì đối với họ cả”.
Như thường lệ và điều được coi là lề thói nội bộ, không thiếu lý do và nguyên nhân chậm trễ được “họ” nại ra. Một quan chức được xem là chịu trách nhiệm gián tiếp về nhiều cái chết của dân chúng do hành động xả lũ “đúng quy trình” là ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công thương, đã “đi công tác nước ngoài” ngay trong thời gian những cái chết bi thiết như thế xảy ra. Nhưng kết quả của cuộc họp với ngành thủy điện do vị bộ trưởng này chủ trì đã không làm sáng tỏ được bất cứ nguyên nhân trực tiếp nào dẫn đến thảm họa của người dân, trừ điều được báo chí mỉa mai “dân chết… đúng quy trình”.
Trách nhiệm của những kẻ thủ ác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vì thế đã được vinh tôn hơn bao giờ hết.
Một trì độn lớn phải dẫn đến những tệ nạn nhỏ. Nói cách khác, thói vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức đã kết tinh trong mọi hành động từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao và ngược lại. Tất cả đều cho thấy đang và sẽ khó có một đột biến nào về não trạng và hành vi đạo đức trong giới này.
“Dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ” - như một bức tranh mà ẩn sĩ Hà Sỹ Phu đã phác thảo về tâm can giới đảng viên trước đây hai chục năm, nay đã minh họa một cách không thể hiện thực hơn về vệt tương lai tất cả cùng kéo nhau xuống hố.
Làm gì?
Trong tình cảnh đẫm lệ trên xác người như thế, với những người dân vùng rốn lũ và những đứa trẻ còn đeo khăn tang cha mẹ, sẽ chẳng còn hy vọng mỏng manh nào để trông mong vào mảnh ghép công tâm còn lại của một chính quyền luôn tuyên xưng cho “một xã hội công bằng và văn minh”.
Trái lại, xã hội Việt Nam đang bước vào thời kỳ mà hầu hết những kẻ giàu có đều có thể mua vé qua cổng thiên đường, còn công bằng là một giá trị quá xa xỉ. Giờ đây, thứ công bằng ít ỏi còn lại chỉ phụ thuộc duy nhất vào dân chúng, vào chính sự quyết đoán của những người dân nghèo khổ và các nạn nhân. Nếu không có người vợ mười năm đằng đẵng tìm mọi cách minh oan cho chồng, ông Nguyễn Thanh Chấn hẳn đã còn phải chịu cảnh oan sai không chỉ một thập kỷ tù đày.
Hiện tình, đáng lẽ những tội ác tày đình của Nicotex Thanh Thái và các nhà máy thủy điện xả lũ giết dân ít ra phải bị các nạn nhân đưa ra trước vành móng ngựa. Và tối thiểu, một tòa án dân sự phải được thiết lập để phán quyết về chuyện các hung thủ phải đền bù cho người dân chịu nạn.
Song điều cay đắng bất nhẫn là cho tới nay đã không có bất cứ hứa hẹn nào về khả năng bồi thường, dù chỉ tượng trưng, của Nicotex Thanh Thái và các nhà máy thủy điện cho nạn nhân. Một sự thật cay đắng không kém trong xã hội đóng kín là cũng chưa có bất kỳ tín hiệu nào, dù chỉ manh nha, về một lá đơn khiếu nại của nạn nhân đối với những kẻ thủ ác, đối với những vụ việc cần bị xem là trọng án nhưng đang nhanh chóng được cho “chìm xuồng”.
Mọi thứ đã vượt quá mọi giới hạn. Tỷ lệ phiếu thuận tuyệt đối cho Hiến pháp 2013 cũng là giới hạn tốt nhất từ trước tới nay mà giới nghị sĩ dân bầu có thể phủ quyết những quyền lợi chính đáng như cơ chế không thu hồi đất đối với nhân dân.
Thế nhưng dường như sức chịu đựng của người dân Việt Nam vẫn nằm trong một hệ thống tiêu chí cam chịu bất thành văn. Cũng như thói quen im lặng mãn tính đã di căn diện rộng trong giới đảng viên, tâm lý sợ hãi cái hệ thống đó vẫn ngấm ngầm lan tỏa và phát huy tác dụng. Đến lượt mình, cái tác dụng này lại khiến cho những nạn nhân của nó không đủ sức gắn bó với nhau để chung sức phá tan hệ thống tâm lý đáng sợ đó.
Nếu những tội ác dã man nhất cũng không còn đọng lại nơi vùng đáy lương tâm của hệ thống tư pháp, hiển nhiên cái hố phân hóa giai cấp sẽ ngoác rộng trong một tương lai hoàn toàn thiếu thiện chí. Đó là sự đối đầu không thể tránh khỏi, không thể cứu vãn giữa khối dân chúng với nhà nước.
Ở một chiều kích lệch pha ngày càng lớn với chính thể, số đông dân chúng và giới trí thức có lương tâm càng nhận ra rằng xã hội dân sự là cần thiết biết bao vào lúc này. Đơn giản là nếu có, dù chỉ là một phong trào dân sự về bảo vệ dân sinh và môi trường ở Việt Nam, tiếng nói của phong trào này sẽ lập tức gắn quyện với những người chịu rủi ro và sẽ khiến các cấp chính quyền phải miễn cưỡng dịu bớt sắc diện vô cảm cùng vô liêm sỉ của họ.
Trong thế cùng đường của ngày càng nhiều người dân, có lẽ một hoặc vài ba phong trào như thế sẽ tự nhiên xuất hiện trong vài ba năm nữa. Chỉ có điều, nếu một vài xung khắc xã hội và giai cấp được giải quyết, ý nghĩa về kết quả của nó sẽ thuộc về những người của xã hội dân sự chứ không thể mang tính tô hồng trong các báo cáo của chính quyền địa phương.
Phạm Chí Dũng
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét