Pages

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Công lý và hòa bình trong xã hội hôm nay


Ls. Lê Quốc Quân

(Dưới góc độ giáo huấn Xã hội Công giáo)

Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình và lòng yêu nước của người công giáo thật rộng lớn nhưng cũng đầy trắc ẩn. Điều đó ít nhất thể hiện qua 4 Đức Giám mục tiên khởi và uyên bác là Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ[1]. Lòng yêu nước, yêu giáo hội và những diễn biến phức tạp trong tâm hồn các Ngài theo dòng lịch sử đầy phiêu du là minh chứng cho ưu tư của rất nhiều người, đặc biệt đối với nhiều Kito hữu, kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.

Vượt lên trên những phức tạp của thời cuộc, Giáo hội công giáo Việt Nam, mà đặc biệt là HĐGM Việt Nam luôn cố gắng “lắng nghe, nhận diện và phân định những thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng”[2] để biết: “cần phải sống và thể hiện mầu nhiệm Giáo Hội như thế nào trong hoàn cảnh ngày nay theo lời mời gọi của Chúa[3]. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn luôn tìm kiếm và học hỏi thêm kinh nghiệm, Ngài muốn có một nghiên cứu thấu đáo về thực tại xã hội và đề xuất các bài học để người Công giáo “góp phần xây dựng đất nước và lành mạnh hóa đời sống dân tộc” [4]

Cũng vì yêu và mong muốn làm sáng danh Chúa trên quê hương Việt Nam, Uỷ ban Công lý và Hòa bình của HĐGMVN đã được ra đời. Được lời mời của Uỷ Ban và để góp phần làm sáng tỏ thêm bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, tôi xin được trình bày đề tài về “Công lý và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam”[5]. Đề tài là một vấn đề xã hội rộng lớn nhưng vì tính chất của cuộc hội thảo là liên quan đến một Ủy ban của Giáo Hội Công giáo nên trình bày của tôi có giới hạn và mang góc nhìn của một người Kitô hữu.


1. Việt Nam: Lịch sử oai hùng qua thời khắc chiến tranh và hòa bình:

Hòa bình là khát vọng của loài người.Trong đêm Thiên Chúa giáng sinh, Thiên thần đã xuất hiện và vang tiếng ngợi ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”[6]. Đây là lời chúc phúc điển hình và đầu tiên của Chúa, mong cho dương gian tràn ngập bình an. Thế nhưng, thực tế cho thấy lịch sử loài người được kiến tạo bằng các cuộc chiến tranh và có vẻ như các cuộc chiến trên thế giới ngày càng khốc liệt, có hệ thống.

Việt Nam ta cũng như vậy, hòa bình là thời khắc rất hiếm hoi của dân tộc. Từ thời lập quốc, cha ông chúng ta đã phải đương đầu với biết bao cuộc chiến chống ngoại xâm và lũ lụt. Cũng chính trong những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và phòng chống thiên tai đó mà quyền lợi và nghĩa vụ chung đã quện chặt lấy nhau. Khái niệm “công ích” cũng từ đó mà thành, là cơ sở để tạo nên quốc gia, dân tộc.

Do có vị trí địa lý quan trọng, “mặt tiền” là biển và luôn luôn có xu hướng “choãi ra” nên hơn 1000 năm Bắc thuộc là gần 1000 năm cha ông dấy binh đòi độc lập. Sau đó là chiến tranh liên miên chống giặc ngoại xâm với “xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã”[7] . Hết ngoại xâm là tranh chấp giữa các triều đại hai miền Nam Bắc[8], Hết thời kỳ phân ranh là đến kháng chiến chống pháp, hết Pháp đến Mỹ. Xong lại đến cuộc chiến Cămpuchia trong hơn 10 năm. Tiếp nữa là cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979. Việt Nam chỉ coi như có hòa bình vào năm 1989, khi những đoàn Quân “tình nguyện” Việt Nam rút quân khỏi đất nước Chùa Tháp[9].

Các cuộc chiến tranh khốc liệt đã đẩy Việt Nam đến độ bị khái niệm hóa, nghe nói đến cái tên Việt Nam là người ta nghĩ đến một cuộc chiến[10]. Trên thực tế người Việt nam luôn khát khao hòa bình và đã nhiều lần cố gắng tránh chiến tranh, kể cả trước hoặc ngay sau khi vừa chiến thắng xong một cuộc chiến[11]. Ngày nay Việt Nam cũng đã chấp nhận rất nhiều bước lùi trong quan hệ quốc tế để tránh các xung đột. Việc mất đất biên giới và biển đảo[12] là kết quả của sự nhượng bộ rất lớn nhưng có vẻ như tất yếu từ phía Việt Nam trong bối cảnh “bơ vơ” không có bạn. Điều đặc biệt của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ là sự nhượng bộ bên này, trong hầu hết các trường hợp, là để có điều kiện gắn chặt hơn với bên kia[13].

2. Hòa bình ở Việt Nam hôm nay

Từ năm 1975, Đất nước Việt Nam đã về một mối, giang sơn liền một dải. Trải qua thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, Việt Nam tiến hành đổi mới năm 1986, và “mong muốn làm bạn với các nước trên thế giới”. Từ đó chính quyền mở rộng cửa đón các nhà đầu tư, gia nhập ASEAN năm 1995 và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006. Tuy nhiên, câu hỏi về hòa bình thật sự ở Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn dù rằng chúng ta đã “bình thường hóa” với Mỹ, là đối tác chiến lược với Nga và là “4 tốt” của Trung Quốc.

Theo Giáo Huấn Xã Hội Công giáo thì hòa bình “không hẳn là vắng bóng chiến tranh”[14], cũng không chỉ là sự quân bình giữa các lực lượng đối phương nhưng hòa bình là “công trình của công bằng”[15]. Theo đó chúng ta chỉ coi có hòa bình thực sự khi tài sản của con người được bảo vệ, “phẩm giá của con người và của các dân tộc được tôn trọng, tình huynh đệ được thực thi”[16] . HĐGMVN, mới đây trong thư chung hậu Đại hội Dân Chúa cũng đã nhận định “Việt Nam đang gặp rất nhiều thách đố”[17]. Để minh họa cụ thể hơn ý kiến này, tôi xin đưa ra đây một số nhận xét về bối cảnh của Việt Nam hôm nay:

Thứ nhất Xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay đầy dẫy rủi ro do tai nạn (giao thông, lao động và môi trường sống…) Những con số thống kê cho thấy Việt Nam là môi trường cực kỳ rủi ro khi lao động cũng như lưu thông trên đường[18]. Điều đáng lưu tâm là mức độ gia tăng các tai nạn ngày càng cao, không chỉ có tai nạn giao thông mà còn tai nạn lao động và các ảnh hưởng khác từ môi trường sống như sự hủy hoại môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nóng lên của trái đất và hàng loạt tác nhân nguy hại khác đang đẩy con người Việt Nam đến những rủi ro rất bất ngờ.

Thứ hai: Xét về tâm lý xã hội, có thể thấy con người Việt Nam chúng ta hôm nay dễ nổi nóng và có tính bạo động cao có lẽ là vì do không được dạy nhiều về tình yêu thương, về sự tha thứ và nhân bản. Đồng thời cũng chưa được tập làm quen với những ý kiến khác biệt nên chúng ta dễ trở nên cay nghiệt với nhau và khi xảy ra một va chạm nhỏ đều có thể dẫn đến những hậu quả rất lớn, nạn phá thai còn xảy ra tràn lan và gần như được pháp luật bảo hộ bằng chính sách “Kế hoạch hóa gia đình”[19], nạn bạo hành trong gia đình vẫn phổ biến, giang hồ đâm chém nhau liên miên, vì “nhìn đểu” nhau mà người ta sẵn sàng mang hung khí thanh toán nhau[20], “Đạo đức xã hội suy đồi, lòng tin bị giảm sút”[21]…

Thứ ba: Việc bắt bớ, xâm phạm đến an ninh của con người là điều vẫn còn xảy ra, làm nhiều người rất mất bình an, sống trong sợ hãi và lo âu. Chính đức TGM Phao Lô Nguyễn Văn Bình, trước khi chết 2 tháng vẫn còn nói là: “tôi vẫn còn sợ vì người ta nói một đàng làm một nẻo”[22]. Bình an là phải sống trong một trạng thái thật an nhiên tự tại, thật bình thản và không có tâm lý sợ hãi; nhiều vụ khám xét, bắt giữ và xét xử một cách bất công các nhà bất đồng chính kiến cho thấy pháp luật không được tôn trọng và lòng người còn nhiều bất an.

Thứ tư : Mặc dù pháp luật đã quy định khá đầy đủ về các quyền của con người nhưng trên thực tế quyền con người vẫn bị vi phạm trong nhiều lĩnh vực, Nhà nước không cho các phương tiện truyền thông độc lập hoặc của tư nhân được hoạt động, áp dụng luật hình sự để xử các tác giả, các nhà xuất bản và các trạng mạng. Tôn giáo vẫn bị hạn chế, buộc phải đăng ký với chính quyền và chịu phụ thuộc vào Ban Tôn giáo Chính Phủ do chính quyền kiểm soát. Người dân vẫn thường xuyên bị truyền thông “trình bày chân lý nửa vời”[23] xúc phạm đến nhân phẩm (Ví dụ trong trường hợp của ĐC Ngô Quang Kiệt ). Ngoài ra vi phạm nhân quyền còn thể hiện ở việc người dân không được thực hiện quyền lập hội, quyền tham gia các tổ chức, bị phân biệt đối xử, tra tấn hoặc giam giữ trong điều kiện sinh hoạt tệ hại…

Thứ năm: Việc khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện tập thể đòi công bằng, chống tham nhũng kéo dài, phức tạp ở hầu hết các địa phương. Do luật pháp chưa nghiêm, con người thực hiện lại tham nhũng, vô cảm nên không giải quyết triệt để các vấn đề dẫn đến việc khiếu kiện đông người[24]. Trong đó 70% liên quan đến đất đai. Điều này xuất phát từ việc ghi nhận “đất đai là sở hữu toàn dân”[25] . Mặt khác, Nhà nước sử dụng những quy định cứng nhắc và lạc hậu[26] để giải quyết những vấn đề về đất đai liên quan đến tôn giáo như tại Tòa khâm sứ, Nhà thờ Thái Hà, Thái Nguyên, Cồn Dầu, Sóc Trăng… Nhà nước Việt Nam không công nhận quyền tư hữu nhưng người dân cố hữu về tài sản và hiểu rằng “không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán”[27] nên đi kiện để mưu cầu công lý. Để giải quyết điều này HĐGMVN đã kiến nghị sửa đổi luật đất đai[28].

Thứ sáu: Dù đất nước đã được thống nhất nhưng biểu tình, bạo động vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở một số “tây” như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…cụ thể là những cuộc tuần hành đòi tự do tôn giáo, đòi quyền tự trị của đồng bào Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004 hay như vụ Mường Nhé ở Điện Biên gần đây. Rải rác đâu đó ở ngay thủ đô Hà Nôị hay TP Hồ Chí Minh chúng ta vẫn thấy hàng đoàn người dương biểu ngữ đi kiện, đòi công lý, các cuộc thắp nến cầu nguyện cho công lý và sự thật vẫn liên tục xảy ra….

Tóm lại, không thể có một cá nhân nào được thanh thản nếu cuộc sống của họ không dựa trên sự thật và không được xây dựng trên công lý và hòa bình. Đức Thánh Cha Gioan XXIII trong thông điệp Hòa bình trên thế giới – Pacem in Terris - đã xác quyết rõ “Không thể có hòa bình nếu không có công lý”[29]. Nghĩa là chỉ có một nền hòa bình vĩnh cửu khi công bằng xã hội được tôn trọng. Chỉ có hòa bình đích thực khi không còn cảnh người bóc lột người.“Lý tưởng về hoà bình không thể nào có được trên trần gian này, nếu đời sống ấm no của con người chưa được đảm bảo…”[30].

Tất nhiên chúng ta cũng phải hiểu rằng hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. Giáo Huấn của giáo hội liên lục kêu gọi mọi người kết hợp với những người yêu chuộng hòa bình để thiết lập hòa bình, xây dựng một xã hội ngày càng thái bình thịnh trị, như thánh vịnh đã nói. “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”[31]

3. Công lý trong bối cảnh Việt Nam hôm nay

“Hòa bình đích thực là hoa trái của công lý”[32] . Bởi vậy khi đề cập đến hòa bình ở Việt Nam không thể không nói đến công lý. Việt Nam đã trải qua chiến tranh liên miên nên trước hết con người chỉ cần có khát vọng là “im tiếng súng” chứ chưa đòi hỏi những điều cao siêu hơn như công lý. Nhưng công lý phải là gốc. Nhờ có công lý mà hòa bình được tạo thành. Là người có đức tin, chúng ta phải xem xét công lý không chỉ theo khía cạnh của con người mà còn là của Thiên Chúa theo những góc độ sau đây:

Thứ nhất: Nói đến công lý là nói đến cái chung, cái phổ quát theo luật tự nhiên được thể hiện qua :‘công chúng, quảng trường…”. Qủa thật, loài người luôn muốn công lý cụ thể cho từng người, từng sự việc. Loài người đã chờ đợi Thiên Chúa như là “Đấng Mêsia đến để thực thi công lý”[33]. Đó là những mong muốn rất cụ thể của con người, muốn trực tiếp và ăn ngay. Nhưng công lý của Thiên Chúa cho phép chúng ta suy nghĩ rộng hơn, lâu hơn và giàu tình yêu hơn. Công lý không chỉ cần những xa lộ, quảng trường mà còn cả bầu trời và các vì sao...Tại Việt Nam chúng ta hôm nay, với những quảng trường nhỏ hẹp, những con phố ngắn ngủi và những lũy tre bao quanh làng xóm với khái niệm “phép vua thua lệ làng” thì tính phổ quát không lớn và công lý của quốc gia theo nghĩa trần thế vẫn chỉ chập chờn đâu đó.

Thứ hai: Công lý là phải gắn chặt với luật pháp. Tất nhiên, theo Thánh Thomas D’aquin thì “Luật pháp phải phù hợp với luật tự nhiên, khi xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa mà là một sự bất công”[34] . Nhiều người cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay chỉ là ý chí của một số nhóm lợi ích. Khái niệm “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”[35] đã bóp chết pháp luật phổ quát. Muốn có công lý thì trước tiên phải có lẽ phải. Lẽ phải đó được pháp điển hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Khi quốc hội Việt Nam vẫn giao cho các bộ chuẩn bị dự thảo luật thì đã không phản ánh đúng sự độc lập cần thiết và sự tôn trọng công lý.

Thứ ba: Một mặt công lý cần sự lớn lao như quảng trường, đại hội và dân chúng, mặt khác nó đòi hỏi sự thỏa mãn đạo đức riêng tư trong lương tâm mỗi người. Công lý đầu tiên phải bắt đầu từ đạo đức và gắn chặt với ý thức về bổn phận. “Tất cả đạo đức nếu không dựa trên bổn phận sẽ thiếu chắc chắn và nguy hiểm”[36] Hành động đạo đức tức là hành động theo tiếng gọi của công lý nhắm đến người khác chứ không phải là tiếng gọi riêng của bản ngã ích kỷ. Nghĩa là con người phải sống trong tương quan với người khác chứ không thể đòi hành động như một cá nhân cô độc, không cần công lý. Ngày nay trong xã hội chúng ta, tính vị kỷ đang lên ngôi, hầu hết chỉ loay hoay với vấn đề cơm áo, nghi lễ và tiểu tiết vụn vặt thì công lý dễ bị bóp nghẹt. Rất nhiều người Việt hôm nay sử dụng cách nói nước đôi, khi mạnh thì “cưỡng từ đoạt lý” khi yếu thì “rủ rê tình cảm”. Đó không thể là công lý.

Thứ Bốn: Nói đến công lý là chúng ta nói đến sự công bằng. Tính chất công bằng phải thể hiện được trong các hầu hết khía cạnh của đời sống, không thiên vị, không chênh lệch thì công lý mới được tỏ hiện. Giáo Huấn XHCG dành rất nhiều phần nói về sự công bằng tương ứng với vai trò và địa vị xã hội của con người, công bằng trong lao động và thù lao, Công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ….Nếu chúng ta không đảm bảo sự công bằng thì sẽ dẫn đến bất công, khi đó công lý bị lu mờ. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng thì công lý phải được nối kế với sự khôn ngoan, với bác ái và công việc từ thiện. Hiện nay xu hướng bất công đang lên, “Hố phân cách giàu nghèo càng sâu rộng hơn”[37] đó là một thách đố của công lý.

Thứ năm: Sống công lý, không có nghĩa lúc nào cũng cãi lý xem ai đúng - ai sai, mà người ta còn phải biết thỏa hiệp, hoà giải bao dung trong mọi việc. Khi đồng ý với nhau và chia sẻ với nhau những giá trị chung từ trong tâm khảm, những người anh em sẽ cảm nhận được chân lý và như vậy công lý sẽ được bộc lộ ra ngoài. Thế nhưng lịch sử hiện tại ở Việt Nam cho thấy con người chúng ta ít có tinh thần đối thoại, lắng nghe và hiểu biết nhau để tìm đến một cái chung và tha thứ cho nhau. Điều làm cho chúng ta hy vọng là công lý, tự trong bản chất, có sức mạnh vô song. Có thể bề ngoài họ vẫn biểu hiện thái độ trịch thượng, quát nạt để thị uy nhưng thẳm sâu trong lương tâm, họ phải thừa nhận một lẽ phải, thừa nhận sự thật, thừa nhận công lý. Đó chính là lúc bắt đầu của tiến trình hòa giải và canh tân.

Thứ sáu: Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải ý thức rằng Giáo hội tận lực đấu tranh cho công lý nhưng không bao giờ dừng lại ở công lý. Trái lại, giáo hội luôn mời gọi con người đi xa hơn công lý để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là tình yêu thương, lòng nhân ái, từ bi và tha thứ. Bởi vì “Bình đẳng do công lý mang lại chỉ giới hạn ở lĩnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính con người, với phẩm giá riêng của mỗi người”[38].

Tóm lại, công lý theo nghĩa của con người trần thế quả thực vẫn còn xa vời trên khắp trái đất này, phương chi Việt Nam. Nhưng như Chúa Giê su xưa đã đứng lên ngó nhìn con cái, giờ đây chúng ta bắt đầu cùng chung tay quyết tâm làm và làm bằng tình thương yêu đích thực. “Thiên Chúa là chúa nhân từ, tha thứ tội lỗi, chậm giận và giàu lòng thương xót”[39]. Chúng ta có cái nhìn siêu nhiên nhưng lại thực tiễn hơn nên phải vượt trên những khác biệt, chung tay nâng cao dân trí, học hỏi tính phổ quát, xây dựng nền pháp quyền, giáo dục về lẽ phải…. Để đến một ngày chúng ta có quyền hy vọng rằng Giáo hội Việt Nam: một mặt, với những ngôi nhà thờ lớn, tượng đài to, đối mặt với biển cả bao la, núi rừng sâu thẳm, bầu trời và các vì sao; mặt khác, có những nghi lễ sang trọng, sự tập hợp đông đảo của quần chúng và một “kẻ khác ở trong ta” luôn thì thầm mách bảo, Chúng ta, giống như những nhà điêu khắc, có thể tham gia vào quá trình làm cho khuôn mặt công lý dần dần được tỏ hiện.


4. Những thay đổi trong xã hội VN và cơ sở cho Công lý & Hòa Bình

Với sự chuyển biến mạnh mẽ của thế giới, những công nghệ mới ra đời, các quốc gia bị chia tách và đặc biệt là cuộc cách mạng tiến hóa hòa bình, sự tan rã của khối Đông âu và gần đây là cuộc cách mạng ở Bắc Phi, sự đổi mới rõ rệt ở Cu Ba, những người lãnh đạo tại Việt Nam cũng đang khác đi rất nhiều…cho chúng ta thấy đất nước Việt Nam có thể đang trong một quá trình chuyển đổi quan trọng.

Dù đôi khi có tranh luận và tấn công nhau trên truyền thông nhưng xu hướng đối thoại vẫn là chủ yếu trên khắp địa cầu. Trước đây lịch sử Việt Nam đã được định đoạt trên ly rượu mao đài sóng sánh[40] .Trung Mỹ hợp tác và nói“Cánh cửa đã mở, từ nay chúng ta là bạn, nhưng chúng ta vẫn cứ chỉ trích nhau – vì nhân dân tôi quen như vậy”[41]. Giờ đây, bề ngoài chúng ta thấy vẫn cứ phê bình và đấu tranh với nhau nhưng quan hệ thực chất giữa Việt Nam và các nước tây phương đang được xích lại rất gần nhau.

Rõ ràng có sự chuyển hóa, tự diễn biến trong nội bộ Đảng cộng sản và trong mọi tầng lớp dân cư. Rất nhiều người cộng sản khi xưa giờ đã trở thành tư bản đỏ, 5% dân số đang chiếm giữ đến 75% tổng toàn bộ giá trị, của cải và tài nguyên xã hội[42] . Nhiều người đã gửi con sang các nước phương tây để học hỏi và họ tập hợp với nhau thành những nhóm lợi ích. Khi trong tay có tài sản và quyền tư hữu, họ chuẩn bị cho tương lai của mình và sẵn sàng bảo vệ quyền tư hữu đó theo đường lối tư bản. Rất nhiều người cộng sản đã nhận thức được xã hội, lo lắng về một tương lai bất an và sẵn sàng chuẩn bị các phương án.

Điều đó đặt cho HĐGMVN và UB Công lý và Hòa Bình một sứ mệnh hết sức quan trọng. UB phải được thiết lập một cách có hệ thống và là nơi tư vấn để đưa ra những quyết định đúng đắn trong những thời điểm nhạy cảm của đất nước, tránh những xung đột khắc nghiệt trong tương lai. Cụ thể là theo Thư Chung Hậu Đại hội dân Chúa 2010. “Trong bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo Hội tại Việt Nam xác tín rằng Dân Chúa cần tích cực cộng tác với mọi người thiện chí, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Đó là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện của Đức Kitô trên đất nước này”.


5. Phương hướng đối thoại và hợp tác.

Đối thoại đã trở thành nguyên tắc và là vấn đề bao trùm toàn thế giới ngày hôm nay. Đức Thánh Cha Joan Paul II đã đi khắp trái đất để nhằm một mục đích là “nghe và nói”. Chính đối thoại đã làm cho tất cả các bên không còn sợ hãi, không còn bất ngờ. Phương hướng Đối thoại và hợp tác của giáo hội Việt Nam với Nhà nước cũng được Đức Thánh Cha Benedicto XVI nói rõ trong huấn từ cho các giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad Limina[43]

Đã một thời tư tưởng loại trừ trong đối thoại phải thật triệt để và không cho ai có tư tưởng khác mình tồn tại. Giờ vẫn còn nhưng nó đang càng ngày càng trở nên lạc hậu vì nó đi ngược lại xu thế của thời đại. Xu hướng “cùng thắng” đang được áp dụng phổ biến, không phải là chỉ có lợi cho Giáo hội hay cho Nhà nước mà là cho dân tộc Việt Nam. Thẳng thắn vẫn là phương pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề. Hồ chủ tịch đã từng viết thư cho Đức Cha Lê Hữu Từ với nội dung rõ ràng: 1. Đồng bào công giáo rất ghét thực dân pháp, rất yêu nước. 2. Đồng bào công giáo ghét cộng sản[44]. Nếu còn có những khác biệt, hãy “tạm gác một bên” và tiếp tục đối thoại, nhưng không bao giờ từ bỏ nguyên tắc của mình.


6. Những chuẩn bị gì cho đối thoại Công lý và Hòa Bình?

Trước hết, chúng ta thấy loài người đã phát triển ở mức độ cao và trình độ tự do của con người đã được nâng cao. Cho nên trước khi đối thoại tất cả các bên đều phải đồng ý rằng mọi quyền phải là quyền của cá nhân, mọi trách nhiệm cũng là trách nhiệm của cá nhân, mọi hạnh phúc cũng là hạnh phúc của cá nhân, công lý cũng là công lý rót cho từng cá nhân. Nghĩa là con người phải là đối tượng cùng đích của sự đối thoại.

Qủa thật, Nhà nước hay như cả Liên Hiệp Quốc được dựng lên là vì quyền lợi của con người, chứ không phải vì quyền lợi của tổ chức. Nhà nước ra đời là vì con người, chứ không phải vì nhà nước đẻ ra con người. Điều này đã trở thành nguyên lý quan trọng của học thuyết XHCG: “con người là một hữu thể, là một nhân vị, là con đường của giáo hội và quyền con người, nhân phẩm con người phải đặt lên trên hết”[45]. Chúa Jesus đã nói: “Ngày Sabat vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabat”[46]

Tuy nhiên muốn có đối thoại thì con người phải có thực lực phục vụ. Bởi vậy Uỷ ban CL&HB phải trở thành một Ủy ban có cơ cấu rõ ràng, từ HĐGM cho đến tận từng giáo xứ. Đồng thời phải tập hợp được những người có tâm và có tài, dám hy sinh vì công lý và hòa bình. Bộ khung thì nên theo cơ cấu dần từ trên xuống nhưng hoạt động và linh hồn đích thực sẽ phải đi từ dưới lên thông qua những tổ nhóm dân sự và các cá nhân tình nguyện viên.

Đầu tiên những nhân tố đó phải tích cực giảng dạy, giúp cho người công giáo, và sau đó là nhân dân hiểu được Học Thuyết Xã Hội công giáo. Nhờ hiểu được quan điểm của Giáo hội về xã hội mà các cuộc đối thoại sẽ được thoải mái, tạo tâm lý tự tin cho tất cả các bên. Uỷ ban có thể thành lập một văn phòng tư vấn pháp lý, hỗ trợ và tư vấn cho nhân dân khi gặp những vấn đề khó khăn hoặc bất công.

Rất nhiều người cho rằng đối thoại với CS là vô ích. Đó cũng là một quan điểm nhưng riêng tôi thì vẫn tin vào đối thoại. Tôi đã từng đối thoại với những người cộng sản cao cấp trong ngành an ninh. Tôi bắt đầu bằng: “Tôi có hai giá trị lõi, một là tôn giáo của tôi, hai là lý tưởng dân chủ của tôi. Hai điều tôi giữ trong tim óc mình dù có giết tôi đi”[47]. Họ cũng xác quyết những nguyên tắc của họ rất rõ ràng. Như vậy, ngay bắt đầu chúng tôi đã xác lập được quan điểm. Sau một thời gian nghiên cứu và “đồng ý” về những “bất đồng” chúng tôi mới tiếp tục đi vào hành vi pháp lý cụ thể. Tất nhiên trong đàm phán sẽ có nhiều bất đồng và sẽ phải sự dụng “thực lực” để nói chuyện[48]

“Đừng Sợ” là câu nói nổi tiếng của ĐTC John Paul II, Đọc về cuộc đời của Ngài, chúng ta thấy Ngài cũng đi dạy học, cũng thuyết trình, cũng đối thoại và hợp tác. Chính nhờ những lần tiếp xúc đó mà Ngài đã thấy rõ là:“không có gì phải sợ”.

Theo ý kiến cá nhân tôi, về mặt nguyên tắc, với tư cách là phải tham dự một phần sứ mệnh phát triển của dân tộc, HĐGMVN, trong tương quan với nhà nước có thể bày tỏ rõ ràng và dứt khoát những quan điểm sau:

1. Giáo hội phải được quyền tham gia vào công việc giáo dục, y tế và từ thiện. Điều này chỉ tốt cho dân tộc; hai bên phải chuẩn bị lộ trình và nhân sự.

2. Nhà nước cần cải cách chính trị, mở rộng dân chủ. Đổi mới kinh tế đã đem lại hiệu quả cho xã hội nhưng chưa đạt được hiệu quả mà mọi người mong ước vì chưa đổi mới xã hội và chính trị. Để giảm bớt xung đột có thể xảy ra, giáo hội sẽ đóng góp trong việc xây dựng xã hội dân sự, làm “bộ đệm” cho quá trình đó, làm cho các bên quen dần với các khái niệm và tập sống trong hòa bình;

3. Mọi thành phần xã hội, đặc biệt các tôn giáo và giới trí thức đều có đủ nguồn lực và lòng yêu nước cho nên họ cần phải được phải được tham gia một cách tương xứng trong quá trình hoạch định chiến lược xây dựng đất nước.

Đó là những vấn đề cần được đặt ra cho tất cả các bên để trù liệu. Có như vậy mới bắt đầu cuộc đối thoại và xây dựng một lộ trình dân chủ tiệm tiến toàn diện cho Việt Nam, nhờ vậy Công lý và Hòa bình mới dần dần được triển nở trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

Thiên Chúa chúc phúc cho Dân tộc ta !

— -

[1]Bốn ĐGM này đã gửi điệp văn đến ĐGH Pio XII xin Ngài ủng hộ nước Việt Nam độc lập và chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập non trẻ mới thu hồi được. Tài liệu của CGvDT số 5, ngày 7-13/8/1975, P.8-9;


[2] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010. “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, Chương 1, Mục 4.


[3] HĐGGMVN, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010. Chương 1, Mục 4.


[4] JB. Phạm Minh Mẫn, Thư gửi Linh Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, CLB Nguyễn Văn Bình ngày 22.7.2007 nhờ nghiên cứu tương quan và sự hợp tác giữa Nhà nước và Giao hội để xác định điểm lợi điểm hại hầu phục vụ dân tộc tốt hơn.


[5] Đề tài được Đức Cha Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, với tư cách là Chủ tịch UBCL&HB của HĐGMVN gợi ý nhằm phục vụ cuộc tọa đàm của Uỷ ban vào ngày 27/5/2011.


[6] Tân ước Lc 2,14. Nguyên bản tiếng Latin - Glória in excélsis Deo -et in terra pax homínibus bonae voluntátis.”Vinh danh Thiên Chúa Trên trời – Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14)


[7] Vua Trần Nhân Tông sau hai lần thân chinh đi đánh thắng quân Nguyên trở về đã làm hai câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn Hà vạn cổ điện kim âu” – Tạm dịch “Xã tắc hai lần mệt ngựa đá/Non sông vạn thuở vững âu vàng”


[8] Vietnam Cuộc Chiến 1858-1975, P4 – Chương VI. Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Ngọc Điệp, Vũ Dương Ninh, Nhà Xuất bản Văn Hóa Dân tộc 2001, P.4 Chương VI. Theo đó coi như bắt đầu từ khi vua Mạc Đăng Dung giành được quyền lực từ tay vua Lê Cung Hoàng năm 1527, đất nước xảy ra xung đột và chiến tranh phân ranh ranh liên miên giữa hai miền cho đến năm 1975. Hết nhà Mạc là đến cuộc chiến Nam Bắc Triều, rồi đến Trịnh Nguyễn Phân Ranh, Nguyễn – Tây sơn, đến Pháp và Mỹ.


[9] Việt Nam công bố hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia ngày 26/9/1989, sau 10 năm chiếm giữ. Việt Nam gọi là tình nguyện giúp đỡ trong khi quốc tế không công nhận chính phủ mới do Việt Nam thành lập cho đến khi có một giải pháp quốc tế.


[10] Vietnam is a Country, not a War –Việt nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh, Thứ trưởng Lê Mai, trong một cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Washington DC, 1994.


[11] Lịch sử Việt Nam có 1000 năm Bắc thuộc. Vua Trần đánh xong Quân Nguyên, dâng Chiếu lên Bắc Triều xin được phong vương và nhận làm chư hầu. Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đánh giặc Minh, sau đó đã dâng Biểu lên triều Minh thú nhận: “Tội thần nhiều như tóc trên đầu”. Sau khi đánh tan giặc Thanh, Ngô Thì Nhậm đã thay mặt Nguyễn Huệ trình quốc thư xin bình thường hóa mà rằng: “Nam Triều không dám đánh mà do quân Thiên Triều không quen thấy voi nên bỏ chạy”.


[12] Năm 1974 Trung Quốc chiếm quần đảo hoàng sa khi đó thuộc quyền kiểm soát của Nam Việt Nam. Năm 1988 Trung quốc chiếm một số đảo ở Trường Sa. Hiệp định biên giới Việt Trung được ký kết ngày 31/12/1999 với nhiều điểm mà giới quan sát cho rằng Việt Nam nhượng bộ rất lớn.


[13] Abramowitsz – Chasing the sun, Rethinking East Asian Policy, P7, P39. Vì Hoa kỳ ưu tiên cho quan hệ với Trung Quốc từ 1979, cho nên, trong quan hệ với VN họ không thể đi những bước với Việt Nam làm tổn thương đến quan hệ của họ với TQ. Bởi vậy đặt Việt Nam vào trong thế cân bằng, chỉ dám bước chân này khi thấy cân bằng với chân kia và cân bằng với cả 2 lực lượng.


[14] Giáo Huấn Xã Hội Công giáo, Vui mừng và Hy vọng –Gaudium et Specs ( Gs, Is 32,7


[15] Giáo Huấn Xã Hội Công giáo, Vui mừng và Hy vọng –Gaudium et Specs ( Gs, Is 32,7)


[16] Giao lý Hội thánh Công giáo – Conpendium Catechism of Catholic Church, 1994, No 2317


[17] HĐGMVN, Thư Hậu đại hội dân Chúa 2010, Chương 1, Mục 4 ghi “tình trạng lạm phát, tệ nạn tham nhũng và hối lộ, việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia… làm cho đời sống người dân thêm khó khăn.[5] Hố phân cách giầu nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Nhiều người dân vẫn chưa có mức sống xứng hợp với nhân phẩm, không những tại nông thôn mà ngay cả trong những thành phố lớn. Do đó, vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề đạo đức và xã hội”


[18] Thống kê chính thức của UBATGT cho thấy cả nước năm 2010 xảy ra 14,442 vụ tai nạn giao thông làm chết 11,449 người. Bị thương 10,633 người. Năm 2009 có 12,500 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 11,500 người và bị thương 8,000 người. Năm 2008 xảy ra 13,700 vụ. làm chết 11,060 người và bị thương 8,600 người


[19] Là chính sách có hệ thống của Chính phủ nhằm lập kế hoạch khi nào thì có trẻ em và tiến hành các biện pháp kiểm soát sinh sản và các kỹ thuật khác để thực hiện kế hoạch đó, Từ điển mở trên mạng, Wikipedia,


[20] Nguyễn Chí Thịnh (16 tuổi, học sinh lớp 10 của một trường THPT ở H.Đông Hòa, Phú Yên) đã đánh chết người vì bị cho là “nhìn đểu”; Vũ Văn Chì, tạm trú tại thôn Bầu – Kim Chung – Đông Anh – Hà Nội đã bị một đám thanh niên chém chết vì cho là nhìn đểu; Nguyễn Trọng Dũng bị đánh chết tại Quận 3, TPHCM vì bị cho là nhìn đểu….


[21] Nghị Quyết đại hội đảng Cộng sản lần thứ XI, Mục 1, Chương III ghi “ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi…”


[22] Paul Nguyễn Thái Hợp – Chân Dung một vị mục tử, lời đúc kết cuối sách Tr152, CLB Nguyễn Văn Bình, 2010


[23] Thư chung Hậu đại hội dân Chúa 2010, Chương 1, Mục 5.


[24] Theo báo cáo của thanh tra Nhà nước thì năm 2010 cả nước phát sinh gần 380.000 lượt đơn khiếu nại với gần 99.000 vụ việc, so với cùng kỳ năm 2009 tăng gần 30% số đơn.


[25] Điều 5 Luật đất đai năm 2003, quy định: “Đất đai thuộc sử hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.


[26] Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của quốc hội quy định về Nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý Nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991.


[27] Điều 117 - Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc 10/12/1948


[28] Phero Nguyễn Văn Nhơn, Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, 25/9/2008


[29] Joan XXIII, Pacem in Terrris – Hòa bình trên thế giới, thông điệp Ngày hòa bình thế giới 2002


[30] Giáo huấn xã hội Công giáo, Vui mừng và Hy vọng, (Gaudium et Spes,n 78); Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2304).


[31] Gs, N.78; X Is 2,4


[32] Joan XXIII, Sđd


[33] Is 9,6; 11,4; Gr 23,5; Tv45,4.7


[34] Saint Tomas d’Aquin, Sth, 1-11 93 được trích trong Pacem in Teriss – Hòa bình trên thế giới, No51.


[35] Cao Tuyết Minh, Ca dao tục ngữ Việt Nam, NXB Dân trí, 2010


[36] Kant – Phê phán lý tính thuần túy, 1781, P97 Quoted “estime- t-il avecraison que toute morale non basée sur le devoir est incertaine et dangereuse) Unquoted.


[37] HĐGMVN, Thư chung sau đại hội dân chúa 2010, Chương I, mục 1: “Hố phân cách giầu nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Nhiều người dân vẫn chưa có mức sống xứng hợp với nhân phẩm, không những tại nông thôn mà ngay cả trong những thành phố lớn”.,


[38] Gioan Phaolo II, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 14.


[39] Tv 145,8


[40] Tuyên cáo chung Thượng Hải, Announcementt of Shanghai, đã được Mỹ Trung ký ngày 27/2/1972 tại Thượng Hải, nội dung bàn đến nhiều vấn đề nhưng được coi là một hiệp ước Thiên Tân III, các nước lớn mặc cả với nhau trên đầu Việt Nam. Mỹ rời khỏi Việt Nam, Công nhận Trung Quốc. Trung Quốc ngăn chặn CS Việt Nam tràn xuống vùng Đông Nam Á. Trong bữa tiệc chia tay về nước Nixon tuyên bố: “Cầu hữu nghị Mỹ Trung đã được bắc, chấm dứt thời kỳ thù địch kéo dài hơn hai mươi năm, từ nay tương lai thế giới nằm trong hai nước chúng ta”. Nhờ yên tâm với Trung Quốc Mỹ, rút khỏi Việt Nam mà quay sang cộng tác với các lực lượng khác, lập kế hoạch diễn biến Hòa bình để 15 năm sau toàn bộ Đông Âu đã tan rã.


[41] Chu Ân Lai nói trước khi ra về. Thế nên báo chí 2 nước vẫn tiếp tục phê bình và tấn công nhau.


[42] Paul Nguyễn Thái Hợp ước tính, Một cái nhìn về giáo huấn xã hội công giáo, NXB Phương Đông 2010.


[43] Xin xem bài đọc của Giám mục Bùi Văn Đọc – Giams mục giáo phận Mỹ Tho, phát biểu tại buổi Tọa đàm ngày 28-11-2009 do CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình tổ chức với chủ đề: “tương quan giữa giáo hội với thực tại trần thế”.


[44] Vương Đình Chữ, Tương quan giữa giáo hội và Nhà nước ở Việt Nam. Từ thư Chung 1951 đến 1980, Giaos hội giữa dòng đời, CLB Nguyễn Văn Bình -2010, Trang 126.


[45] Paul Nguyễn Thái Hợp, Nguyên tắc nền tảng, Một cái nhìn về Giao huấn XHCG Tr 117,121,127,134. NXB Phương Đông, CLB Nguyễn Văn Bình. Hội đồng cổ vỗ Công lý và Hòa bình, Diễn đàn giáo dân 2004, P25.


[46] Jesus Mc 2, 23.


[47] Ngày 8/3/2007, Tôi bị bắt ngay khi kết thúc một khóa học về dân chủ từ Hoa Kỳ về và bị cáo buộc vào điều 79 Bộ Luật hình sự, sau 100 ngày bị giam giữ trái phép. Chính quyền không có bằng chứng buộc tội cộng với áp lực mạnh mẽ từ quốc tế, Tôi đã được trả tự do vào ngày 16/6/2007. Ngay những lần hỏi cung đầu tiên tôi đã khẳng định quan điểm trên.


[48] Xem cuốn sách tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ và những thỏa thuận bí mật giữa Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, NXB Công An Nhân dân, 2/2002.



Nguồn: http://lequocquan.blogspot.com/2011/05/cong-ly-va-hoa-binh-justitiam-et-pacem.html

Không có nhận xét nào: