Chủ nhật cuối cùng của tháng Sáu sắp tới, đồng nghĩa với tháng Sáu sắp qua đi.
Một tháng Sáu ấn tượng với những ngày Chủ Nhật đặc biệt.
Và dĩ nhiên, với những tấm lòng yêu nước không cần định hướng đã gặp nhau thì tháng Sáu như một nét son trong quãng đời của họ. Đặc biệt là giới trẻ, đây không phải dịp họ được thể hiện một tinh thần yêu nước một lần duy nhất, mà là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu. Một khởi đầu cho quá trình hình thành thái độ, cách nhìn và nhận thức thật sự đối với quê hương, đất nước đồng bào. Một lẽ tất nhiên, không chỉ khi lòng yêu nước bị xúc phạm bởi bất cứ lý do gì thì những con người như thế mới có dịp thể hiện. Họ đã thể hiện trong cuộc sống thường nhật.
Cách đây đúng bốn năm, khi chứng kiến cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc của số đông đồng bào với nhiều giới tham gia. Và cũng từ đây “phận nữ nhi” như tôi bắt đầu có một cái nhìn nghiêm túc về chủ quyền đất nước.
Từ đây, tôi suy nghĩ chín chắn khi lựa chọn thái độ khi đón nhận bất cứ một thông tin nào về vấn đề này. Nhất là khi biết tin blogger Điếu Cày bị bắt, Câu lạc bộ nhà báo Tự do bị hạch sách đủ điều từ phía nhà cầm quyền, tôi lại càng khẳng định, mình cần phải có thái độ như thế nào.
Cũng bắt đầu (chắc chắn, tôi khẳng định như vậy) từ lòng yêu nước, tháng Sáu năm 2009. Tôi đã hăm hở viết lên áo dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” khi biết được những chuyện như ngư dân bị đuổi đánh, bị cướp bóc, bị giết hại ngay trên biển đảo quê mình. Tôi đã tổ chức in áo, viết blog phản đối những hành vi của Trung Quốc, tỏ thái độ với quyết sách của nhà cầm quyền như những người yêu nước khác không đồng tình với việc khai thác quặng ở Tây Nguyên… Nhưng, những ý nghĩ, thái độ và hành động của tôi lại được đáp trả bằng những buổi “trà đàm”, những cuộc “thăm hỏi ân cần”, và hơn thế nữa, tôi đã buộc phải nhìn ánh sáng qua khe cửa, với góc nhìn của người mất tự do.
Phải chăng lý do khiến tôi “được” như thế là bởi “nữ nhi” lo việc triều chính?
Bốn năm trôi qua, chủ quyền lãnh thổ quốc gia vẫn bị xâm hại nghiêm trọng núp dưới những từ ngữ rất mỹ miều của nhà cầm quyền hai phía. Những cư xử mang tính quốc tế của nhà nước không làm yên tâm những người yêu nước chân chính, và cũng vì sự ‘không vừa lòng” đó. Họ – những người yêu nước vẫn bị hạch sách, câu lưu hay bị bắt giữ, bị giam cầm.
Cũng đã trôi qua bốn năm, người dân Việt Nam càng khẳng định, những hành vi và cư xử của láng giềng lân bang như thế nào với bản chất làm sao, dưới những câu chữ trong “thời đại mới”. Phải chăng, bốn năm không khẳng định được cả mấy ngàn năm hay sao?
Nhận thức hay nói đúng hơn là dân trí đã thay đổi từng ngày, bốn năm có thể ngắn để hình thành hay phát triển một nền văn minh nhưng không ngắn, đủ để nhận thức và thái độ, tư tưởng của một giai tầng xã hội. Nhận ra một vấn đề nào đó, mà chủ thể hành vi cứ cố tình che đậy, bưng bít hay bôi trát khéo cỡ nào. Chưa nói đến những điều sờ sờ ra và thậm chí là trắng trợn.
Không lẽ, dân tình “đủ dốt” để thấy anh Điếu Cày trốn thuế?
Không lẽ, cũng chỉ vì “nam nữ thụ thụ bất thân” mà xảy ra vụ án “hai bao cao su”?
Bốn năm không phải ngắn để mọi người nhìn ra, họ đang lưu vong trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Hơn thế nữa, ba sáu ba bảy năm qua đi…niềm đau quá khứ có thể không dội về, nhưng với bốn năm vừa qua..người ta lại nhìn thấy nỗi đau trong tương lai.
Tháng Sáu còn đúng 1 tuần và còn một ngày Chủ Nhật.
Một Chủ Nhật hay nhiều ngày nữa, ai có thể đoán ra …sẽ như thế nào?
Một tháng Sáu có thể nói, đáng tự hào.
Một tháng Sáu không ít niềm đau…
Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)
Theo blog Mẹ Nấm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét