Pages

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Biển Đông: Việt Nam cần mạnh dạn tại Đối thoại Shangri-La

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Kể từ ngày 31/05/2013, hội nghị thường niên về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương - Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) - sẽ mở ra tại Singapore trong ba ngày (31/05-02/06). Đặc biệt năm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được mời đọc một bài « diễn văn đề xuất - Keynote speech » ngay ngày khai mạc hội nghị.

Trong bối cảnh tình hình khu vực đang bị khuấy động do vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước lân bang, đặc biệt là tại Biển Đông với Việt Nam, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào những phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để xem nhân vật lãnh đạo này sẽ phát biểu những gì, nhất là khi trong những tuần lễ gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường những hoạt động – nếu không muốn nói là thủ đoạn – ngoại giao để quảng bá quan điểm Trung Quốc về Biển Đông.

Quan điểm này đã được trình bày như là một đường lối rất hiếu hòa, trong lúc qua những hành động cụ thể trên « hiện trường », Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp đặt các đòi hỏi đã được họ nêu bật trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn – tức là đường lưỡi bò –đồng thời tìm cách cô lập Việt Nam và Philippines, hai nước đã không ngừng phản đối các yêu sách quá đáng của Trung Quốc về Biển Đông.

Vấn đề là Biển Đông không chính thức nằm trong sáu chủ đề chính sẽ được bàn bạc tại cuộc Đối thoại Shangri-La năm nay, do đó trách nhiệm nặng nề đối với thủ tướng Việt Nam là làm sao trong bài diễn văn đề xuất của mình, nêu bật được những vấn đề thiết yếu của Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông, nhằm phản bác một cách có lý lẽ các lập luận của Trung Quốc.

Trong một nhận định công bố ngày 23/04/2013, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á và Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, đã nêu bật tính chất quan trọng của người được mời đọc bài keynote speech, tức là diễn văn mở đầu cuộc Đối thoại. Ông viết :

« Nếu thủ tướng Việt Nam đưa ra được một bài diễn văn đề xuất thật hay tại bữa tiệc tối khai mạc hội nghị, ông sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc định hình các cuộc thảo luận sau đó. Uy tín Việt Nam sẽ gia tăng vì lẽ Việt Nam sẽ được xem là một quốc gia đóng góp vào nền an ninh khu vực ».

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ

Đó cũng là quan điểm của giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông tại trường Đại học Maine (Hoa Kỳ). Giáo sư Long đã ghi nhận rằng Đối thoại Shangri-La là một cơ may hiếm hoi để Việt Nam nêu bật được các vấn đề cốt lõi liên quan đến Biển Đông mà quốc tế cần quan tâm giải quyết để bảo đảm an ninh cho khu vực.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long xác định: một trong những vấn đề thiết yếu mà thủ tướng Việt Nam cần nói lên, vừa trong bài diễn văn đề xuất của mình, vừa trong các cuộc tiếp xúc bên lề cuộc Đối thoại Shangri-La, là tính chất tai hại đối với an ninh khu vực và thế giới của đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang áp đặt để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trọng Nghĩa

(RFI)

Không có nhận xét nào: