Pages

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Từ thuyền nhân VN đến người Rohingya

Thuyền nhân Việt trên tàu Hoa Kỳ tháng 5/1975
Chỉ hơn hai tuần trước, cộng đồng 3 triệu người Việt hải ngoại tưởng niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ, ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam nhưng cũng là ngày khởi đầu của cuộc di tản.
Trong những năm sau đó, hơn một triệu người đã vượt biên bằng thuyền đến các nước láng giềng: Thái Lan, Malaysia, và Indonesia.
Như những gì đang xảy ra ngay hiện tại trên biển Andaman với người thiểu số Rohingya từ Miến Điện.

Họ cũng chạy trốn sự đàn áp và các xung đột sắc tộc để có được tự do chính trị và kinh tế. May mắn thay, đối với họ, Phương Tây, vào thời điểm đó, đã giải cứu bằng cách tái định cư hầu hết những người trong số họ, trong đó có cha tôi.
Nhưng đối với nhóm người Rohingya vô tổ quốc, thật không may hiện không có một giải pháp lâu dài hay phương cách nào khác hơn. Bởi thế ngay tại thời điểm này, họ là những người đang bị bỏ rơi, chẳng ai để tâm, trôi dạt trên đại dương không điểm đến.
Đối với tôi biến cố nhân đạo mới nhất đang diễn ra ở Đông Nam Á có lẽ là một sự lặp lại của lịch sử quá sớm và bất kể đang hình thành một trật tự thế giới mới với sự thịnh vượng chưa từng có, sự nối kết mật thiết bằng hệ thống viễn liên 4G , bất kể phương châm "Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng” của ASEAN, khi liên quan đến sự giúp đỡ xoa dịu nỗi đau, để cứu lấy sự sống còn, chúng ta thật chẳng làm gì!
Malaysia và Indonesia cho đến nay phản ứng bằng cách đẩy ra biển những con tàu cập bến với hàng trăm người Rohingya tuyệt vọng, như những gì họ đã làm đối với người Việt bốn mươi năm trước đó.
Singapore tuyên bố họ không đón chào bất kỳ người tị nạn nào bất kể đến từ đâu. Riêng các quan chức Thái Lan thì rất vui mừng khi đẩy được họ đi, bằng cách cung cấp thức ăn và nước uống cho một số người trước khi giúp cho họ đi xa hơn ra biển cả. Đi đâu thì chẳng một ai muốn biết.
Trong khi đó, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Tị nạn (UNHCR) có nhiệm vụ chăm sóc những người tị nạn và vô tổ quốc trên toàn thế giới chỉ có thể kêu gọi các chính phủ trong vùng cần hành động khẩn cấp để giúp đỡ những người đang mắc nạn trên biển.
Cả thế giới đang nhìn vào ASEAN khi xảy ra thảm trạng Rohingya
Đối với nhiều người, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mã Lai Syed Hamid Albar, vấn đề cần phải được giải quyết tận gốc.
Nhưng đối với Miến Điện, chính phủ không những không công nhận người Rohingya là công dân nước mình mà còn cho họ là ‘người Hồi giáo Bengali vô tổ quốc’.
Thật vậy, tuyên bố chính thức mới nhất từ nhà cầm quyền là chỉ cần nhắc đến chữ ’Rohingya' trong bất kỳ một cuộc họp nào về vấn đề này thì trong tương lai họ sẽ rút lui không tham gia.

Nan đề lặp lại

Bởi thế đây là một nan đề, phức tạp và đa diện, khó xử đến độ ngay cả người đoạt giải Nobel nổi tiếng Aung Sann Suu Kyi của Miến Điện, một quán quân về nhân quyền đã không dám vào cuộc, vì sợ sự căng thẳng và đổ máu sẽ nổ lớn ra.
Trong một bài báo đăng trên tờ Huffington Post năm ngoái, được biết bà đã nói:
"Tôi không im lặng bởi những toan tính chính trị. Tôi im lặng vì, bất cứ tôi đứng bên nào thì cũng sẽ có nhiều đổ máu hơn. Nếu tôi lên tiếng cho nhân quyền, họ (những người Rohingya) sẽ chỉ phải chịu đau khổ. Máu sẽ đổ xuống nhiều hơn."
Thật vậy, với các cuộc bạo loạn vào năm 2012 giữa người Hồi giáo Rohingya và người thiểu số Rakhine theo đạo Phật ở tiểu bang Rakhine miền tây Miến Điện, tình hình vẫn còn rất ảm đạm và dễ bùng nổ.
Nhưng tôi nghĩ sự im lặng không phải là câu trả lời. Bởi rõ là sự im lặng đã không ngăn chặn thảm kịch mới nhất đang xảy ra, ngay trước cửa ASEAN.
Tiếng nói đơn độc của Aung Sann Suu Kyi dĩ nhiên sẽ không đủ.
Nhưng với tầm vóc của bà, chỉ cần kêu gọi một cách đơn thuần đã là một khởi đầu tốt. Bằng cách lên tiếng kêu gọi sự chú ý của thế giới về hoàn cảnh của người Rohingya, những phụ nữ, trẻ em đang chết trong đói khát, các nhà lãnh đạo trong vùng và ở Phương Tây sẽ buộc phải gặp nhau để đưa ra một giải pháp ngay lập tức.
Như những gì họ đã làm được vào năm 1979 tại Hội nghị Geneva để giải quyết vấn đề người tị nạn Đông Dương.
Vào thời điểm đó, nó là một nan đề rất lớn. Có hơn 200.000 người tị nạn Đông Dương bị kẹt trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng như Thái Lan và Philippines.
Và mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người khác đến bằng thuyền hoặc qua đường bộ. Tuy nhiên, một giải pháp lâu dài đã được tìm thấy chỉ trong vòng một tuần lễ và trong 10 năm tiếp theo, gần 2 triệu người tị nạn Việt Nam, Campuchia và Lào đã được làm thủ tục cho phép họ đến tị nạn ở các nước phương Tây.
Đó là một nghĩa cử đáng khen ngợi, do Hoa Kỳ chủ xướng, nhưng đã được tất cả chia sẻ chung, kể cả các quốc gia ít có giao tiếp với Đông Nam Á như Brazil và xa hơn như Israel.
Không có lý do gì để chúng ta không thể làm tương tự cho người Rohingya, một sắc tộc thường được mô tả là một trong những nhóm thiểu số bị đàn áp nhất trên thế giới.
Nếu như lịch sử chứng nhận được một điều gì đó, nó sẽ cho chúng ta thấy rằng nếu được cho một cơ hội, người tị nạn, dù họ đến từ Đông Âu trong thập niên 1950 hay từ Đông Dương trong thập niên 1980, sẽ phát triển và thịnh vượng.
Và không những họ sẽ đóng góp nhiều vào xã hội nơi họ đang nương náu, mà họ còn trả ơn những nghĩa cử nhân từ, trong một thời gian gần nhất, bằng cách giúp lại những ai đang tìm một nơi nương náu như họ đã từng tìm.
Sau cơn thịnh nộ của cơn bão Haiyan, bỏ lại sự tàn phá thảm khốc trên quần đảo Philippines 18 tháng trước đây, chỉ riêng cộng đồng người Việt hải ngoại đã quyên góp trên 2 triệu đô để giúp các nỗ lực tức thời cứu trợ và tái thiết. Cho đến nay, trên một tấm bảng đặt tại một trường học được xây dựng lại và tài trợ bởi các cựu thuyền nhân Việt-Nam vẫn còn hàng chữ:
‘May we shelter you like you have sheltered us in our times of need’
(Cho tôi che chở bạn như bạn đã từng chở che tôi lúc gian nguy).
Ước gì người Rohingya cũng sẽ được cho một cơ hội y như thế.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Trịnh Hội, luật sư người Úc gốc Việt đang làm cho VOICE, tổ chức phi chính phủ ở Manila, Philippines giúp phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào: