Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Thư Cho Con :Trắc Nghiệm Niềm Tin Dã Ngoại Nhân Quyền


Giáo Già 
Ngày 8 tháng 5 năm 2013 
H,
Một thông báo được đăng trên diễn đàn Dân Làm Báo và rất nhiều diễn đàn khác, facebook, email... dồn dập gởi đi mời gọi mọi người tham gia buổi “Dã ngoại để trao đổi về Quyền Con Người”, có nội dung như sau:
Quyền Con Người đã được quy định trong Hiến pháp và đồng thời cũng là những giá trị phổ quát của nhân loại được xác nhận trong hai Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Quyền Con Người mà Nhà nước Việt Nam là thành viên ký kết.
Những quyền này đã được tôn trọng và bảo vệ như thế nào, cụ thể trong đời sống của mỗi người, thân nhân và bạn bè của chúng ta?

Những vi phạm đối với Quyền Con Người đã ảnh hưởng đến đời sống và khát vọng mưu tìm hạnh phúc của cá nhân và thành viên trong gia đình của mình ra sao? Chắc chắn, mỗi cá nhân trong chúng ta đều có những trải nghiệm thực tế khác nhau và đó là điều mà chúng ta cần chia sẻ với nhau.
Từ mỗi góc nhìn, kinh nghiệm, ước muốn của mỗi cá nhân, cũng như khát vọng chung của cả cộng đồng, Quyền Con Người sẽ cần có những cải thiện như thế nào để Việt Nam sớm thực sự trở thành một nước Dân Giàu, Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng, Dân Chủ, Văn Minh? Ðó chắc hẳn sẽ là chủ đề quan tâm của tất cả chúng ta.
Các bạn thân mến!
Trong ước muốn vừa có những sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, vừa tạo được cơ hội để trao đổi với nhau về những điều hữu ích cho việc góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ hưởng ứng buổi Dã Ngoại này.
Chương trình cụ thể:
Các Công Dân Tự Do thân mời quý phụ huynh và các bạn trẻ cùng tham dự những buổi Dã Ngoại lành mạnh, sinh hoạt cùng bạn bè.
Hình thức tham gia:
Mỗi người chúng ta sẽ tự đem theo đồ ăn nhẹ cho mình và gia đình. Ðây là dịp để chúng ta gặp nhau, giải trí, làm quen và cùng nhau trao đổi về vấn đề Quyền Làm Người trong đời sống của chúng ta.
Thời gian và địa điểm: 8h30 sáng ngày 5 tháng 5 năm 2013
- Tại Sài Gòn:
Công viên 30 tháng 4, Ðường Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1.
Liên lạc đăng ký tham gia với bạn Nguyễn Hoàng Vi- ÐT: 01287 123 126
- Tại Nha Trang:
Công viên Bạch Ðằng, Ðường Trần Phú, đối diện Học Viện Hải Quân.
Liên lạc đăng ký tham gia với bạn Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - ÐT: 0905 140 835
- Tại Hà Nội:
Công viên Nghĩa Ðô, Ðường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Liên lạc đăng ký tham gia với bạn Nguyễn Văn Dũng - ÐT: 0974 468 775” 
Trong lúc chờ đợi buổi Dã Ngoại ngày 5/5/2013, theo tin được Nguyễn Hoàng Vi đưa lên Dân Làm Báo, dư luận được biết:
 
Sáng ngày 02/05/2013, blogger Nguyễn Hoàng Vi và Vũ Sỹ Hoàng đã có một cuộc gặp gỡ không chính thức với ông Faubrice Maurice [xem hình] Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM. Cuộc trò chuyện diễn ra khoảng 1 tiếng đồng hồ. Phía Lãnh sự quán đưa ra những vấn đề mà họ quan tâm đặc biệt:
  1. 1.                           Thăm hỏi về cuộc Dã Ngoại trao đổi về Nhân Quyền vào Chủ Nhật ngày 5 tháng 5 này.
  2. 2.                           Suy nghĩ của blogger Việt Nam về vụ án Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, đặc biệt là bản án đối với anh Ðiếu Cày.
  3. 3.                           Thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người biểu tình chống Trung Quốc.
  4. 4.                           Những đàn áp, sách nhiễu từ phía nhà cầm quyền đối với cá nhân Nguyễn Hoàng Vi và các bloggers khác, đặc biệt trong ngày diễn ra phiên tòa xử phúc thẩm các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do.
  5. 5.                           Suy nghĩ của chúng tôi về lãnh đạo đảng CSVN điển hình là về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Faubrice Maurice đã đặc biệt quan tâm là với những đàn áp của nhà cầm quyền, điều gì đã làm cho những Công Dân Tự Do không sợ hãi và công khai tổ chức buổi Dã Ngoại trao đổi về Quyền Con Người vào ngày Chủ Nhật 5/5/2013.
Blogger Nguyễn Hoàng Vi đã trả lời rằng:
Nhân Quyền cần phải được thể hiện công khai và Quyền Con Người sẽ không có nếu nó chỉ được thể hiện trong sự sợ hãi hoặc lén lút.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nộp đơn để xin trở thành thành viên của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì không có lý do gì, hay chính xác hơn là một nghịch lý nếu ngăn cản công dân Việt Nam thảo luận nội dung của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như phân phát tài liệu quan trọng này cho những công dân khác để hiểu rõ những quyền mà nhà nước đang bàn thảo để cho vào trong Hiến pháp mới.
Ông cũng thắc mắc là tại sao Ðiếu Cày với các blogger cách xa về tuổi tác mà mọi người vẫn luôn luôn có cùng chí hướng và ủng hộ anh ấy. Blogger Vũ Sỹ Hoàng đã trả lời rằng:
Anh Ðiếu Cày là biểu tượng của Tự do Ngôn luận, là người tiên phong của phong trào Dân Báo Việt Nam và cũng là người từ những ngày đầu đã lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Do đó, những bạn bè, blogger đàn em phải tiếp nối anh để làm những viên gạch lót đường nhằm góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.
Khi chúng tôi đến quán cafe để gặp mặt Tổng Lãnh Sự Pháp, có một vài an ninh mặc thường phục đi theo đến quán. Chúng tôi có báo cho ông Maurice biết điều đó và hỏi ông có ngại không, ông nói ông biết rằng bên phía an ninh cũng biết là ông đi gặp gỡ những ai... Xét thấy việc gặp gỡ, trao đổi là quyền tự do của công dân và chẳng có gì sai trái mà không dám công khai. Nếu như cuộc Pinnic trao đổi về Quyền Con Người vào ngày 5/5 bị cản trở, phá rối thì mong các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, các Ðại sứ quán và Lãnh sự quán hãy cùng lên tiếng cho chúng tôi! - Nguyễn Hoàng Vi”. 
Ðúng hẹn, 3 buổi “Dã Ngoại” đã được đồng loạt diễn ra tại cả 3 nơi là Hà Nội, Sài Gòn và Nha Trang. Nhưng, tất cả đã bị công an chìm nổi và dân phòng quấy rối, đàn áp và bắt một số người. 
Sau đó, bản tin được Trà Mi đưa lên đài VOA, cập nhựt lúc 11 giờ 48 ngày 6/5/2013, cho biết buổi Dã Ngoại ôn hòa để trao đổi kiến thức về Nhân Quyền đầu tiên tại Việt Nam, sáng 5/5, theo lời kêu gọi của nhóm Công dân Tự do, lan truyền trên mạng internet, bị nhà cầm quyền CSVN cản trở, nhiều người tham gia bị lực lượng an ninh bắt giữ và hành hung. Tin tức trên các trang mạng công dân cho biết tại Hà Nội và Nha Trang, dù không xảy ra căng thẳng, nhưng công an đã dùng nhiều biện pháp để phá rối, ngăn chặn những người tham gia tập trung tại các công viên theo dự định.
 
Riêng tại Sài Gòn, lực lượng an ninh đã dùng vũ lực bắt giữ và đánh đập nhiều người khi họ phân phát Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cho những thành viên tham gia Dã Ngoại. Trong số những người bị hành hung và đưa về đồn công an có blogger Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng, và Vũ Quốc Anh. Ðến chiều 6/5, nhóm bạn trẻ tham gia buổi Dã Ngoại Nhân Quyền này tiếp tục bị đánh đập thô bạo tại trụ sở công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, Sài Gòn, và bị cản trở không cho đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trao đổi với VOA Việt ngữ ngay sau khi vụ hành hung xảy ra, một người trong nhóm, bạn trẻ Châu Văn Thi, tường thuật lại chi tiết:
 
Hôm qua, trong cuộc Dã Ngoại ở công viên 30/4 có mười mấy người bị bắt. Trong đó có những người bị giữ lâu nhất là Vũ Quốc Anh, Vũ Sĩ Hoàng, và Nguyễn Hoàng Vi. Vi và Hoàng bị đánh nặng nhất ngay tại chỗ, trước khi họ đưa lên xe công an. Lúc họ thả Vi ở đồn công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, họ còn cướp đi Ipad của Vi. Hai giờ chiều nay, tụi em lên để lấy lại máy thì họ cho phụ nữ và an ninh thường phục ra đánh tụi em. Chi, em của Vi, bị đánh gãy mấy cái răng, dập mặt, mặt mày giờ te tua hết [xem hình em gái Hoàng Vi là cô Nguyễn Thảo Chi bị công an đánh gãy 3 chiếc răng, máu trào cả ra áo]. Vi, mẹ Vi, bé Nhung, và em cũng bị đánh luôn. Họ đánh vào đầu không. Công an và dân phòng bao vây tụi em lại cho họ đánh, không cho dân vô can. Họ đánh tàn ác rồi kêu xe taxi chở đi cấp cứu. Tới bệnh viện Tân Phú trên đường Âu Cơ, vừa xuống xe, ba người của họ bay vào tới tấp đánh tụi em tiếp. Mẹ của Vi đưa người ra đỡ, họ lấy điếu thuốc châm vào mặt mẹ của Vi [xem hình Bà Nguyễn Thị Cúc (57 tuổi), mẹ ruột Nguyễn Hoàng Vi, bị CA đánh đập dã man. Sau khi đến bệnh viện chữa trị, bà Cúc tiếp tục bị công an đâm điếu thuốc đang cháy vào trán khiến bà ngất xỉu (Ảnh: VRNs - Truyền Thông Chúa Cứu Thế)]. Sau đó, họ cứ đi theo xe để uy hiếp. Bây giờ tụi em chạy lên Dòng Chúa Cứu thế để nhờ mấy cha bảo vệ. Chứ giờ dân thường như tụi em không dám chạy vào đồn công an nữa”.
 
Châu Văn Thi cũng cho biết thêm:
“...Không có sự kháng cự nào cả. Họ dùng số đông áp đảo. Khi họ xông vào, họ la lên rằng tụi em buôn bán ma túy, rạch giỏ xách này kia trong khi tụi em đang ngồi, vừa mới hát xong bài ‘Nối vòng tay lớn’, trên tay đang cầm Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc để chuẩn bị nói chuyện về Quyền Con Người. Họ xông vào đánh, bắt, đưa lên xe, chia mỗi người mỗi đồn. Khi vụ việc xảy ra, họ la lên rằng ‘Bọn này là bọn phản động, chống đối chính quyền, đánh cho nó chết’ trong khi tụi em chỉ nói về Quyền Con Người, về những gì công dân đáng được hưởng. Sinh hoạt của tụi em rất ôn hòa nhưng công an, an ninh rất là sợ người dân biết về những điều đó nên ra tay rất dã man. Tụi em làm việc rất công khai và ôn hòa, không nghĩ là sẽ bị đàn áp và đánh đập dã man như vậy. Trong khi Việt Nam đang ứng cử vào Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà không ngờ họ lại ra tay rất mạnh với những người tham gia Dã Ngoại Nhân Quyền. Không hiểu Việt Nam ứng cử vào Hội Ðồng này để làm gì nữa... Những việc tụi em làm rất công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Không điều gì có thể ngăn cản tụi em tiếp tục nói về Quyền Con Người của chính mình, nếu được làm người. Nếu được, tụi em vẫn tiếp tục làm như vậy”.
Liên quan đến vấn nạn này đài RFA nói rằng: “Thông tin từ trong nước cho biết tại Sài Gòn có trường hợp của blogger Nguyễn Hoàng Vi và bạn Quốc Anh bị tịch thu tài sản cá nhân và bị đánh đập. Tại Sài Gòn, blogger Nguyễn Hoàng Vi (xem hình) [người thứ 5 trong số 7 phu nữ được tổ chức IFEX (International Freedom of Expression Exchange network) có trụ sở tại Canada vinh danh vì đã có những nỗ lực tranh đấu cho quyền tự do phát biểu] bị công an phường Phú Thạnh bắt về đồn và tước đoạt các vật dụng cá nhân mà cô mang theo”.
 
Trả lời đài RFA Hoàng Vi cho biết: “Khi em đi Dã Ngoại về Nhân Quyền thì họ bắt em đưa về đồn công an phường Phú Thạnh, họ giữ ở đó cho tới chiều tối luôn. Họ tự làm biên bản, họ tự làm việc với nhau. Họ giữ đồ của em trong khi em không đồng ý cho họ giữ đồ của em: điện thoại, một cái thẻ nhớ và cái bóp tiền của em. Sau đó họ kêu em đi về, em nói không, tài sản của em ở đâu thì em ở đó chứ em không đi về, họ phải trả lại đồ thì em mới đi về. Họ không chịu trả lại đồ, em không đi về thì họ khiêng em, họ cưỡng chế em về nhà...”
Sau khi về đến nhà, Hoàng Vi cùng mẹ trở lại đồn công an phường Phú Thạnh để đòi tài sản lại thì công an tại đây nói rằng những người bắt cô đã tịch thu đồ của cô, còn tại đồn thì họ không biết ai là người đã lấy tài sản cá nhân của cô. Hoàng Vị nói: “Về đến nhà thì em, mẹ em và cả nhà mới lên đồn công an phường đòi lại tài sản. Lúc đó thì tại đồn công an chỉ có gia đình em với phía công an thôi, cho nên khi đòi thì họ chối phăng đi, họ nói là không có giữ cái gì hết đó. Khi mẹ em nói họ này nọ, bắt đầu họ đánh em và nắm đầu mẹ em lôi làm cho mẹ em rất là mệt...”.
Người thứ hai bị hành hung trong buổi Dã Ngoại này là blogger Vũ Quốc Anh. Sáng ngày 5/5, Quốc Anh ra công viên để nói về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như chia sẽ những điều mình biết với các bạn trẻ thì có nhiều người cầm vòi xịt nước, nói là tưới công viên, nhưng không xịt nước lên cỏ mà xịt vào các bạn tham gia Dã Ngoại [xem hình]. Quốc Anh lên tiếng phản đối và bỏ đi thì thì bị một nhóm người ùa vào bắt lên xe. Khi Quốc Anh chống cự thì bị họ đánh vào mặt, vào cổ và vào đầu. Quốc Anh ngất đi, và bị nhóm người đó khiêng về đồn công an. Sau khi tỉnh dậy tại đồn công an, Quốc Anh không đồng ý hợp tác vì cho rằng công an đã bắt người vô cớ. Quốc Anh kể lại diễn tiến sự việc xảy ra trong đồn công an như sau: “Trong đồn, khi tỉnh lại thì họ bắt đầu làm việc với em. Lúc đầu em không hợp tác với họ vì họ bắt người vô cớ. Tự nhiên đi ngoài công viên chia sẻ tự nhiên bắt vào đồn, không có một văn bản hay giấy mời nào cả thì họ vẫn cứ nói là bọn tao có quyền, chắc chắn mày có cái gì sai nên tụi tao mới bắt vào đây. Họ lên tiếng nạt nộ, thậm chí là chửi thề em, hăm doạ em”. 
Có điều rất đáng lưu ý là buổi tối, trước khi tham dự Dã Ngoại, chị Thúy Nga (Hà Nam) đã cùng 2 con nhỏ (1 bé 4 tuổi, 1 bé còn đang ẵm ngửa) lên Hà Nội thuê khách sạn ở tạm để chuẩn bị tham dự Dã Ngoại vào sáng hôm sau; nhưng chị đã bị 06 an ninh quận Hoàn Kiếm mặc thường phục đuổi ra khỏi khách sạn. Chị phải bế và dắt 2 bé con đi lang thang ngoài đường, để con nằm tạm ở lề đường [xem hình]. Rất may sau đó các anh em No-U Hà Nội được tin đón cả 3 mẹ con về lo chỗ ăn ngủ để sáng hôm sau dự buổi Dã Ngoại. 
Ở Nha Trang, an ninh đã ngăn chận blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang trên đường đến buổi Dã Ngoại với lý do “Xuống đó không ổn. Tụ tập không hay”. ‘Ðó’ tức là địa điểm công viên Bạch Ðằng, nơi mọi người hẹn gặp nhau để trao đổi về Quyền Con Người. Người an ninh này ép buộc Quỳnh và Hải phải ‘đi uống cà phê’ và không giải thích lý do tại sao các công dân cùng nhau Dã Ngoại và trao đổi về Quyền Con Người lại ‘không ổn’. Lúc 8h40 sáng tại Nha Trang Như Quỳnh cho biết điện thoại liên lạc của chị đã bị chặn. Mặt khác, lực lượng an ninh, công an, dân phòng... đã chiếm trọn công viên Bạch Ðằng, Nha Trang... Trả lời RFI Việt ngữ từ Nha Trang chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm cho biết: 
 
Sáng nay ở ngay địa điểm tổ chức Dã Ngoại thì bên phía công an và an ninh họ chặn, cấm tất cả các loại xe đi vào công viên; chỗ đó được dành để sử dụng cho buổi Dã Ngoại của các bạn đoàn viên Ðoàn Thanh niên Cộng sản. Tôi thì bị chặn từ đầu, tức là tôi ra khỏi nhà một đoạn thì đã bị chặn. Nhưng mà tôi không có đồng ý với cái việc mà cản tôi đi đến địa điểm Dã Ngoại. Sau đó thì lực lượng an ninh cũng đồng ý để tôi đến chỗ Dã Ngoại với điều kiện là tôi chỉ được ở đó đến quá giờ bắt đầu một chút, rồi thông báo cho những người đã có mặt ở đó để tham dự, và tôi phải rời khỏi chỗ đó. Thì tôi cũng đến đó và gặp các anh chị em đã có mặt, thông báo là tôi không lại công viên được. Vì tôi không muốn to tiếng và gây ra xô xát với anh em an ninh nên tôi cùng với vài anh chị em nữa đã đi đến một địa điểm khác là một quán cà phê [xem hình] để tiếp tục trao đổi về Quyền Con Người, dưới sự chứng kiến của hai anh an ninh mặc thường phục... Tôi không muốn để cho mọi chuyện căng thẳng lên, nhưng nhìn thái độ của an ninh và công an hôm nay, tôi biết là rất căng thẳng. Vì khi tôi định bước vào công viên thì họ nói là ‘sẽ to chuyện’, và tôi nhìn thấy ở đó có rất nhiều côn đồ mặc thường phục, và tôi nghĩ cũng chẳng phải người lạ gì đâu. Công viên sáng nay không có một người dân nào hết!”
 
Trong khi đó, ở Hải Phòng, do tình trạng bị quản chế nên cô Phạm Thanh Nghiên và mẹ tổ chức Dã Ngoại tại nhà [xem hình]. Diễn đàn Dân Làm Báo cho biết: Có 2 người bạn trẻ ở cách chỗ ở của Phạm Thanh Nghiên 20 km đã đến để cùng tham dự Dã Ngoại. An ninh đã chặn lại. Chị của Thanh Nghiên ra dắt xe giúp cho 2 người bạn này thì bị công an vu tội ‘lái xe không có giấy tờ’. Trước tình trạng hơn 30 an ninh hiện đang bao quanh nhà, Phạm Thanh Nghiên đã đem phân phát tận tay Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến cho từng người và giải thích cho an ninh nghe về Quyền Con Người. Một nữ cán bộ UBND phường đã lên tiếng cấm và cảnh báo Phạm Thanh Nghiên không được ‘tuyên truyền’. Một an ninh tên Ngọc thì nhận bản bản Tuyên Ngôn nhưng sau đó lại vất xuống đường. Riêng cán bộ Phó phường Lưu Văn Thi thì khi Thanh Nghiên chụp hình đã lớn tiếng thô lỗ: ‘Mày không phải chụp’ và sau đó đã xúc phạm mẹ của Nghiên là “Không Biết Dạy Con”. Sáng sớm nay một người bạn của Mẹ của Nghiên tính đến cùng với gia đình Nghiên Dã Ngoại ngoài sân cũng đã bị công an ngăn chận.
Những chuyển biến dồn dập của buổi Dã Ngoại của thanh niên sinh viên học sinh suốt 3 miền đất nước, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Nha Trang và Sài Gòn, cho thấy sự tham gia của tuổi trẻ vào các hoạt động đòi hỏi Nhân Quyền ở Việt Nam rất đáng kể. 
Chưa hết, sáng ngày 8/5/2013, một thông báo của “Công Dân Tự Do” vừa được đưa lên diễn đàn Dân Làm Báo, và một số cơ quan truyền thông khác, nói rằng: “việc công khai phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền sẽ tiếp tục”. Bản thông báo viết:
“Những buổi dã ngoại tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang vào ngày 5 tháng 5, 2013 vừa qua đã chỉ ra thực tế: Nhiều người vẫn “chưa hiểu” thế nào là Quyền Con Người và việc thể hiện Quyền Làm Người tại Việt Nam, dù ở hình thức đơn giản nhất, thông qua một cuộc Dã Ngoại, cũng đã phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, trong đó, có cả máu và nước mắt. Chính vì có sự “không hiểu” thế nào là Quyền Làm Người dẫn đến tình trạng không tuân thủ những yêu cầu và quy ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết tôn trọng khi ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ). Vì thế, nhu cầu HIỂU nội dung văn bản này để từ đó BIẾT TÔN TRỌNG Quyền Làm Người cần phải được tiếp tục đáp ứng... Vì lẽ đó, Chúng Ta, Công Dân Tự Do sẽ:
  • Cùng nhau công khai phổ biến văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến với nhiều người tại những nơi công cộng vào Chủ Nhật ngày 12 tháng 5, năm 2013. 
  • Gửi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến các cơ quan công quyền gồm có các Ðại Biểu Quốc Hội, Bộ Công An và UBND các thành phố lớn. 
  • Mời gọi các bạn trẻ cùng các bác, các cô, chú, anh chị tiếp tay để tất cả Chúng Ta đem những ý tưởng về Quyền Làm Người đến với đồng bào bằng cách lập nên mỗi nhóm 3-5 người cùng phổ biến tài liệu TNQTNQ ở những khu vực đông dân cư nơi mình sinh sống... 
Chúng Ta hẹn nhau vào ngày 12 tháng 5, 2013 để đem ánh sáng của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đến với nhiều người.
  • ở chợ 
  • ở công viên 
  • ở khuôn viên đại học 
  • ở bãi biển 
  • ở bến xe 
  • ở nhà thờ, chùa chiền và ngay cả Văn phòng Quốc Hội... 
  • Và Dã Ngoại, trao đổi, chia sẻ bất kỳ ở đâu...
Có điểm trùng hợp lý thú là trong khi ở quốc nội tuổi trẻ tổ chức Dã Ngoại Nhân Quyền như vậy thì ở hải ngoại “Ngày Nhân Quyền Cho VN” cũng được long trọng tổ chức.
 
Còn nhớ, kể từ khi Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Dự Thảo SJ 168 và chuyển sang Hành Pháp để Tổng thống Bill Clinton ký thành Công Luật, quy định ngày 11 tháng 5 năm 1994 là “Ngày Nhân Quyền Cho VN”. Từ đó, hằng năm, “Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam” được tổ chức đều đặn tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ [xem hình] để ghi nhớ tình trạng nhân quyền vẫn còn bị Nhà nước CSVN vi phạm; đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh Nhân Quyền ở Việt Nam. 
Năm nay, có thêm điều đặc biệt trong “Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam” là một Dự luật thúc đẩy Tự do và Nhân quyền cho Việt Nam được hình thành có tên gọi là ‘Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013’. Nó vừa được công bố hôm nay, 8/5/2013, tại Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật này do Dân biểu Chris Smith chủ xướng với đồng bảo trợ là các nhà lập pháp quan tâm tới tình hình chính trị Việt Nam như ông Ed Royce và Frank Wolf. 
Trả lời riêng đài VOA Việt Ngữ bên lề buổi công bố, ông Dân biểu Smith [xem hình] nói: “Những điểm chính trong dự luật lần này bao gồm việc ngưng các khoản viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam ở mức của năm 2012 cho tới khi nào có các tiến bộ quan trọng và nghiêm túc trong lĩnh vực nhân quyền, gồm có việc thả tù nhân chính trị và tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Ngoài ra, dự luật còn đề cập tới vấn nạn buôn người đang ngày càng xấu đi tại Việt Nam. Chúng tôi cũng kêu gọi Tòa Bạch Ốc liệt Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo”.
 
Ngoài ra, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, trụ sở tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, cũng cho biết: “...Ngày Nhân Quyền Cho VN năm nay được cộng đồng VN vùng Thủ đô Washington, Virginia, Maryland đứng ra tổ chức, với sự tham gia của Hệ thống Truyền hình SBTN cũng như của Tổ chức Quốc tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của tất cả các phái đoàn VN từ những nơi khác ở Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc Châu. Ðặc biệt Ngày Nhân Quyền Cho VN năm nay có sự tham gia của giới trẻ
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân bày tỏ sự tin tưởng ở ý chí của người dân ở quốc nội. Theo ông thì khi dân chúng nổi giận, họ sẽ “quét sạch tất cả”, và không có quyền lực, thứ vũ khí nào có thể chống lại được sức mạnh của quần chúng. Ông tin là hiện các nhà đấu tranh trong nước đã bắt đầu kết hợp, các anh em trẻ trong nước đã bắt đầu nhập cuộc. Ðiều mà mọi người thấy rõ hiện nay là họ không còn sợ nữa; họ đã lên tiếng, dùng đủ mọi hình thức, mà mới đây nhất, thực hiện “Dã Ngoại Nhân Quyền”, một phong trào mới, nhà cầm quyền Cộng sản rất khó dập tắt.
Do vậy, chưa biết cuối tuần này, ngày 12/5/2013, sáng kiến của “Công Dân Tự Do” sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng những hoạt động nói rằng sẽ được thực hiện đó đã như một thứ TRẮC NGHIỆM phản ứng của nhà cầm quyền. Tất cả đã cho thấy, sau các cuộc biểu tình tự phát từ Sài Gòn đến Hà Nội trước đây, tuổi trẻ cũng đã có thêm sáng kiến TRẮC NGHIỆM KHẢ NĂNG CHUYỂN TẢI TIN TỨC qua các mạng lưới điện toán toàn cầu, để khi cần huy động số đông là có thể huy động một cách dễ dàng. Nó cũng cho thấy nỗi sợ bị công an và côn đồ nhà nước CSVN đàn áp, trù dập, không còn bao nhiêu nữa. Sự dấn thân của lớp người trẻ đi trước chẳng những không nao núng mà lớp mới tiến lên ngày càng nhiều hơn. Ðồng thời với sự yểm trợ tích cực của quốc tế yểm trợ Việt Nam tự do, điển hình như Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới [Reporters Without Borders] đã mau lẹ lên án nhà cầm quyền CSVN đã đàn áp các blogger và cư dân mạng tham gia “Những buổi Dã Mgoại để thảo luận về Nhân Quyền” nơi công cộng ở một số thành phố Việt Nam vào ngày 05 tháng 5. 
Tổ chức này nói các blogger và cư dân mạng đã bị tấn công thô bạo bởi công an, nhiều người đã bị giam giữ một thời gian ngắn; và nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên quyết lên án hành động bạo lực có chủ ý này của công an đối với những người cung cấp thông tin và chúng tôi đang rất lo âu khi thấy những hành vi bạo lực không thể chấp nhận như vậy có vẻ như là những phản ứng đương nhiên và có hệ thống từ các cơ quan chức năng đối với những nỗ lực cho tự do ngôn luận... Các nhà chức trách phải có biện pháp kỷ luật cứng rắn, làm gương đối với các nhân viên công an chịu trách nhiệm về vấn đề này.” 
Tuy nhiên, cho dầu thế nào, buổi Dã Ngoại Nhân Quyền được tổ chức cuối tuần qua đã là thứ “Thực Tập” ngoạn mục của tuổi trẻ và thông báo về ngày 12/5/2013 sắp tới đã thật sự chinh phục cõi lòng tưởng như đã mỏi mòn tê cứng của Giáo Già, nhứt là khi Giáo Già nghe “cuộc đối thoại giữa blogger Mẹ Nấm với công an” qua đoạn băng ghi âm trên internet; đồng thời nhìn thấy sự gắn bó của gia đình Nguyễn Hoàng Vi với bà mẹ và đứa em gái trước sự thô bạo của công an, nhìn thấy hai mẹ con cô Phạm Thanh Nghiên trong cuộc Dã Ngoại trước sân nhà, với tấm bảng lớn nói rằng “Không Ai Có Thể Bị Bắt Khi Nói Tôi Là Một Con Người”, như gần đây nhìn thấy sự sát cánh bên con của người mẹ của người nữ tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh còn đang ngồi tù, của bà mẹ Trần Thị Lệ của nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân còn đang bị quản chế, của bà mẹ Nguyễn Thị Nhung của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đang ngồi trong nhà giam chờ ra tòa... Họ đã tiếp sức cùng thế hệ cha anh phác họa những bước tiến cần thiết mang “Mùa Xuân Việt Nam” về với 90 triệu dân Việt đang lầm than vì thảm nạn độc đảng độc tài và đại họa mất nước nơi quê nhà.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già

Không có nhận xét nào: