Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Thư số 19a gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.


 Phạm Bá Hoa
                                          
Tôi là một trong hằng triệu Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo CSVN với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo. Người 5 năm, 10 năm, thậm chí 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy chế độ dân chủ tự do và quân lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi mà quê hương tôi có dân chủ tự do thật sự.

Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân một cách ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền, cũng chỉ là một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Nội dung thư này, tôi mời Các Anh nhìn lại tình hình Nhân Quyền tại Việt NamNhân Quyền hay nhưng quyền của người dân, qui định trong Công Ước quốc tế do Liên Hiệp Quốc ban hành, mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi ký vào Công Ước năm 1982. Vấn đề là lãnh đạo Các Anh chưa bao giờ thực hiện, nên bị các cơ quan theo dõi Nhân Quyền trên thế giới chỉ trích. Qua đó, Các Anh sẽ nhận rõ thêm về tình trạng suy đồi niềm tin của đồng bào đối với lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.   
Thứ nhất. Quốc Hội Châu Âu với nhân quyền Việt Nam.
Ngày 18/4/2013, tại Strasbourg (Pháp) dưới sự chủ tọa của ông Miguel Angel Martinez -đảng viên cộng sản- Quốc Hội Châu Âu đã thảo luận dự thảo Nghị Quyết về nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam do 6 chính đảng đệ trình. Cuộc tranh luận rất sôi nổi. Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, Nghị Quyết được thông qua với đa số các chính đảng mà đại diện là 754 Dân Biểu, thiểu số là nhóm cực tả bỏ phiếu trắng.
Nghị Quyết Quốc Hội Châu Âu. (Tóm lược). 
Căn cứ vào(1) Hiệp Ước đối tác và hợp tác giữa Liên Âu và Việt Nam ký ngày 27/6/2012, và cuộc đối thoại Nhân Quyền giữa Liên Âu với Việt Nam hai lần mỗi năm. (2)Công Ước quốc tế về các Quyền Dân Sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. (3) Cuộc kiểm điểm thường kỳ toàn diện mà Việt Nam tường trình trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc  tháng 4/2009. (4) Phúc trình của báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Đặc Nhiệm thăng tiến và bảo vệ quyền tự do ý kiến và ngôn luận, tại khóa họp lần thứ 14 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) tháng 4/2010. (5) Lời tuyên bố của phát ngôn nhân dại diện tối cao Liên Âu là bà Catherine Ashton trước các án lệnh đối với các bloggers tại Việt Nam ngày 24/9/2012. (6) Nghị Quyết ngày 15/11/2012 về “Chiến lược cho tự do kỹ thuật số” trong chính sách đối ngoại của Liên Âu. (7) Các Nghị Quyết trước đây đối với Việt Nam. (8) Điều 122 trong những quy tắc và thủ tục của Liên Hiệp Châu Âu.
Xét rằng: Theo phúc trình của các tổ chức Nhân Quyền quốc tế, 32 bloggers đã bị kết án tù khắc nghiệt hoặc đang chờ xét xử tại Việt Nam, 14 nhà hoạt động dân chủ lãnh án tù tổng cộng 100 năm vì sử dụng quyền tự do ngôn luận, những án từ 10 năm tù giam lên tới chung thân, một ký giả một tờ báo nhà nước bị sa thải vì đưa lên blog lời phê bình Tổng Bí Thư đảng cộng sản... Các bloggers và các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, thường xuyên sử dụng Internet để nói lên quan điểm  của họ về  tệ nạn tham nhũng, về  tình trạng cưỡng bách chiếm đoạt đất đai của người dân.... Năm 2009, trong cuộc phúc trình nhân quyền của Việt Nam tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị về tự do ngôn luận, kể cả điều “bảo đảm hoàn toàn cho quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi tin tức, ý kiến, phù hợp với điều 19 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị”. Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị đàn áp, và Giáo Hội Thiên Chúa cùng những tôn giáo không được thừa nhận, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Tin Lành và các giáo hội khác hiện đang bị khủng bố trầm trọng... Nhất là ngày 24/9/2012, ba nhà báo nổi danh: Nguyễn Văn Hải -tức Điếu Cày- Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải, bị kết án tù, trong khi Việt Nam đang nhắm chiếc ghế tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Quốc Hội Châu Âu:
Bày tỏ mối quan tâm trước sự kết án và án tù khắc nghiệt cho những nhà báo và bloggers tại Việt Nam, tố cáo sự tiếp diễn những vi phạm nhân quyền, kể cả việc hăm dọa chính trị, sách nhiễu, tấn công, bắt bớ tùy tiện, kết án tù khắc nghiệt và các phiên tòa xử bất minh đối với những nhà hoạt động chính trị, nhà báo, bloggers, nhà bất đồng chính kiến, và nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, cả hai giới ngoài luồng và trực tuyến, vi phạm rõ ràng nghĩa vụ quốc tế đối với nhân quyền của Việt Nam. Yêu cầu nhà cầm quyển tức khắc và vô điều kiện trả tự do cho tất cả các bloggers, ký giả trực tuyến và các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền; kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt mọi hình thức trấn áp chống lại những ai sử dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng và tự do hội họp phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi hay hủy bỏ các luật pháp hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, chuẩn bị cho một diễn đàn đối thoại và thảo luận dân chủ.  
Yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc cưỡng bức trục xuất “nông dân ra khỏi mảnh đất của họ”, để bảo đảm quyền tự do ngôn luận của những ai tố cáo nạn lạm quyền trong vấn đề đất đai, bảo đảm cho những ai bị trục xuất hưởng các quyền khắc phục pháp lý, và được bồi thường theo tiêu chuẩn quốc tế và nghĩa vụ chiếu theo luật nhân quyền quốc tế... Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt việc đàn áp tôn giáo và hủy bỏ các cản trở pháp lý đối với những tổ chức tôn giáo độc lập để họ được tự do sinh hoạt tôn giáo ôn hòa, phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bằng sự công nhận quyền pháp lý cho tất cả các cộng đồng tôn giáo, cho phép tự do sinh hoạt tôn giáo và hoàn trả tất cả tài sản bị nhà nước cưỡng chiếm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Thiên chúa giáo và các cộng đồng tôn giáo khác.
Kêu gọi thêm lần nữa rằng, việc đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu với Việt Nam, phải đưa tới tiến bộ cụ thể trên lĩnh vực nhân quyền và tiến trình dân chủ hóa. Kêu gọi Liên Âu phải luôn luôn nói lên mối quan tâm về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ở cấp cao nhất. .... Cho phép các nhóm hay cá nhân thăng tiến nhân quyền, bày tỏ ý kiến hay bất đồng chính kiến của họ môt cách công khai, từng bước bãi bỏ án tử hình, bãi bỏ hay sửa đổi các điều luật “an ninh quốc gia” đã sử dụng để trừng phạt những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, và trả tự do cho các tù nhân lương tâm....
Chỉ thị cho Chủ Tịch Liên Âu, chuyển Nghị Quyết này đến Phó Chủ Tịch Ủy Hội/Đại diện tối cao của Liên Âu, để trao cho Ủy Ban Đặc Trách Chính Sách Đối Ngoại & An Ninh Liên Âu, Hội Đồng Châu Âu, Ủy Hội Châu Âu, các chính phủ và thành viên quốc gia, chính phủ và quốc hội Việt Nam, các chính phủ thành viên quốc gia ASEAN, Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, và Tổng Thư Ký LHQ. Ngày 27/6/2012, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã ký văn kiện hợp tác, trong đó bao gồm điều khoản cam kết thực thi về Nhân Quyền. Các Nghị Sĩ Liên Hiệp Châu Âu, đề nghị phải sử dụng các quy định trong văn kiện nói trên, để bảo vệ đúng đắn Nhân Quyền và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Giới quan sát tại Châu Âu cho rằng, Nghị Quyết Nhân Quyền vừa được thông qua tại Strasbourg, là một thông điệp mạnh mẽ đối với nhà cầm quyền Hà Nội, và sẽ có ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hà Nội. Văn kiện này cũng được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève quan tâm, nhất là hiện nay, Việt Nam đang có tham vọng trở thành thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp Quốc vào năm 2014, nhưng lập trường của các Nghị Sĩ Châu Âu về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, sẽ ảnh hưởng không thuận lợi cho tham vọng của họ.
Thứ hai. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhân quyền Việt Nam.
Ngày 19/04/2013, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền trên thế giới. Riêng về Việt Nam, bản báo cáo này cho biết các vấn đề nhân quyền đáng kể nhất đó là việc nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ, việc chính quyền gia tăng những biện pháp giới hạn các quyền tự do dân sự và nạn tham nhũng trong bộ máy tư pháp và Công An.
Riêng về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhà nước Việt Nam tiếp tục sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia và vu khống để hạn chế các quyền này, chẳng hạn như điều 88 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, như trường hợp của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, bị bắt tháng 10/2012 chỉ vì mang trên người những truyền đơn chống Trung Cộng. Như trường hợp các bloggers đăng tải những tài liệu, bài viết bị xem là phương hại an ninh quốc gia, làm lộ bí mật nhà nước. Như trường hợp ngày 12/09/2012, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cáo buộc ba trang Blogs Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, và Biển Đông, vào tội tương tự, cộng thêm tội “nói xấu các lãnh đạo đảng”, đồng thời ra lệnh điều tra về ba trang Blogs này. 
Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam nhiều nhà hoạt động sử dụng Internet chỉ trích chính phủ, và đăng các bài viết về nhân quyền và dân chủ đa đảng. Đa số các bloggers bị bắt đã bị truy tố về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” và “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Trong năm 2012, ít nhất đã có 14 nhà hoạt động bị kết án tù, và ít nhất là 20 bloggers và nhà hoạt động khác đang chờ ngày ra tòa, trong khi những nhà hoạt động khác thì bị chính quyền sách nhiễu. Báo cáo cũng nhắc lại ngày 25/09/2012, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, trước sự kiện nhiều phóng viên và bloggers bị kết án tù nặng nề, và ghi nhận xu huớng gia tăng hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, đặc biệt là đối với những chỉ trích chánh phủ trên Internet. 
Báo cáo nhân quyền thế giới 2012 được công bố sau khi Hoa Kỳ với cộng sản Việt Nam mở lại đối thoại Nhân Quyền ngày 12/4/2013 tại Hà Nội. Ngày trước đó, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ra tuyên bố về đối thoại Nhân Quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 17, cho biết hai bên “đã bàn về một số lãnh vực bao gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tù nhân lương tâm, pháp quyền, quyền lao động, và tự do thông tin, liên quan đến các phương tiện truyền thông và trực tuyến. Nhân dịp này, Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền & Lao động, ông Dan Baer đã gặp một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, và tôn giáo, nhưng đã bị Công An Việt Nam ngăn chận  không cho tiếp xúc với luật sư Nguyễn Văn Đài và bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Thứ ba. Tự do báo chí.
Ngày 03/05/2013 là Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, tổ chức “Phóng Viên Không Biên Giới (RSF)”, trụ sở tại Pháp, công bố bản xếp hạng 2013 về tự do báo chí trên thế giới. Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 172 trong tổng số 179 quốc gia trên thế giới, tức là nhóm 10 nước cuối bảng, bóp nghẹt quyền tự do báo chí.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam có mặt trong danh sách “Hung thần của tự do báo chí”. “Phóng Viên Không Biên Giới” chứng minh qua lời phát biểu của ông Trọng: “Báo chí không có vai trò tuyên truyền chống nhà nước. Các nhà báo chỉ đưa các thông tin có thể chấp nhận được, và không được bình luận ủng hộ đa đảng”.  
Ngày 3/5/2013 là Ngày Tự Do Báo Chí Quốc tế, đài VOA có phát đi bài phỏng vấn Blogger Phạm Minh Hoàng liên quan đến tự do báo chí tại Việt Nam. Câu hỏi cuối cùng như sau: “Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới hôm nay, là một ngòi bút tự do, một blogger tại Việt Nam, nếu có điều kiện chia sẻ với những người cầm bút trên khắp thế giới, anh sẽ nói điều gì với họ?
Blogger Phạm Minh Hoàng:
 “Điều tôi muốn nói với mọi người là mọi người đã biết đến Việt Nam như một nước từng đau khổ vì chiến tranh, nhưng đừng quên rằng Việt Nam của chúng tôi hôm nay vẫn đang quằn quại trước sự đe dọa, trước sự thiếu tự do thông tin, tự do ngôn luận, và tự do báo chí. Chúng tôi mong ước rằng tất cả nhà báo trên thế giới, những người đấu tranh cho tự do-dân chủ-nhân quyền trên thế giới hãy lưu tâm đến vấn đề này và hãy tiếp tục hỗ trợ chúng tôi tranh đấu, thúc đẩy các chính phủ trên thế giới lưu tâm để tình trạng tại Việt Nam càng ngày càng được cải thiện hơn. 
Thứ tư. Khi người dân mất niềm tin.
Ngày 24/4/2013, trên New York Times có bài của nhà báo Thomas Fuller, với nội dung nói về người dân Việt Nam đã mất niềm tin vào lãnh đạo của họ. Sau thời gian đến Sài Gòn, tiếp xúc với Giáo sư Nguyễn Phước Tường -tức Giáo sư Tương Lai- cựu cố vấn hai đời Thủ Tướng cộng sản Việt Nam, đã trao đổi  với ông Trương Huy San -tức nhà báo Huy Đức- một cựu cố vấn khác của Thủ Tướng Việt Nam là Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh, và một số nhân vật khác để tìm hiểu về tình hình kinh tế chính trị của Việt Nam hiện nay.
       
       Tại nhà riêng của của Giáo Sư Tương Lai,  trên các kệ sách chất đầy các tuyển tập của Marx, Engels, và Hồ Chí Minh, đã nói lên niềm tin của ông vào đảng cộng sản. Nhưng giờ đây, Giáo sư Tương Lai, 77 tuổi, đang nói lên những tiếng nói phản kháng mạnh mẽ chính quyền Việt Nam, giống như bao nhiêu người khác ở Việt Nam ngày nay: “Tôi không còn tin vào đảng nữa. “Hệ thống của chúng tôi bây giờ là chế độ toàn trị độc đảng. Tôi xuất thân từ bên trong hệ thống ấy, tôi hiểu tất cả những khiếm khuyết, những bất cập, những suy đồi thoái hóa của nó. Hệ thống này không được sửa chữa thì sẽ sụp đổ, đè lên trên chính bản thân nó”  
Ông Peter R. Ryder, Giám Đốc Điều Hành Quỹ Đầu Tư Indochina Capital, nhận định: Nếu chế độ này không sửa đổi, thì tự nó sẽ sụp đổ. Đảng cộng sản Việt Nam đang đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của người dân, về sự trượt dốc của nền kinh tế, và nội bộ đảng đang bị chia rẽ, giữa nhóm bảo thủ với nhóm cấp tiến kêu gọi dân chủ đa nguyên..... Với 21 năm làm việc tài Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy sự bất mãn của trí thức và doanh nhân đối với chánh phủ lên đến mức độ như hiện nay.
“Bài báo dẫn lời của ông Carlyle A. Thayer từ Học Viện Quốc Phòng Austrlia, một trong những học giả ngoại quốc hàng đầu về Việt Nam, cho rằng: ”Giờ đây, sự chỉ trích đảng cộng sản đã bùng nổ trên toàn xã hộicùng lúc nhà nước cũng gia tăng đàn áp. Đây là khác biệt lớn nhất so với các thách thức mà đảng cộng sản Việt Nam đã trải qua, kể từ khi cầm quyền trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1975”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Vẫn theo bài báo của Thomas Fuller trên New York Times, trong diễn đàn Kinh Tế Mùa Xuân do Quốc Hội Việt Nam tổ chức tại Nha Trang ngày 6/4/2013, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: Các diễn giả đã tranh nhau nói trước microNhiều người đã chỉ trích, mặc dầu nền kinh tế cần phải được tái tổ chức sâu rộng, nhưng gần như chẳng ai làm gì cả. Năm nào người ta cũng nghe hứa hẹn là thời gian tới mọi việc sẽ được cải thiện, nhưng thật sự họ không thấy gì cảĐó là sự khủng hoảng niềmtin. Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là trung tâm của cơn bão chính trị hiện nay.
Thứ năm. Buổi dã ngoại vì nhân quyền Việt Nam.
Ngày 5/5/2013, do lời kêu gọi của Nhóm Công Dân Tự Do, buổi sinh hoạt ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn, Nha Trang, và Hà Nội, với mục đích phổ biến và đòi hỏi các quyền căn bản của con người được công nhận trong bản “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” năm 1948, mà chánh phủ Việt Nam đã ký năm 1982. Như vậy, Việt Nam là một thành viên và phải thực hiện, nhưng chưa bao giờ thực hiện.    
Tại  Nha Trang. Tóm lược cô Như Quỳnh trả lời phỏng vấn của đài RFI:  
“Sáng nay, 5/5/2013, tại địa điểm tổ chức dã ngoại bị Công An và an ninh ngăn chận, không cho các xe vào công viên, họ viện dẫn lý do dành cho sinh hoạt của  Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Tôi ra khỏi nhà một đoạn thì bị toán an ninh chận lại. Từ lâu nay, tôi muốn có cơ hội đối thoại với lực lượng an ninh, nhưng vì hôm nay tôi có hẹn với các bạn, nên tôi trả lời dứt khoát là tôi phải đến nơi hẹn. Họ đồng ý, với điều kiện là sau giờ bắt đầu một chút thì tôi phải rời khỏi chỗ đó. Và thực tế thì tôi bị ép phải đi cùng với an ninh khi đến gặp các bạn. Điều này không sao, vì mỗi bên có việc của mình. Sau khi gặp và cho  biết là tôi không được ở lại với các bạn đến cuối. Tôi cùng với vài bạn đến một quán cà phê, tại đây, chúng tôi  cùng trao đổi những gì liên quan về quyền con người, dưới sự chứng kiến của hai người an ninh mặc thường phục. Thật ra thì những trao đổi công khai của chúng tôi trong những buổi dã ngoại, là những cơ hội cho những công dân Việt Nam muốn tìm hiểu về những quyền của con người, để họ hiểu rõ hơn là mình có quyền gì, và mình nên làm gì trong tình huống nào. Việc này đã được công khai hơn hai tuần rồi. Và tôi nghĩ là qua buổidã ngoại hôm nay,  tất cả những người tham gia cũng như những người theo dõi, có thêm sự hiểu biết về quyền tự do của con người, đặc biệt là quyền tự do đi lại”.
Tại Sài Gòn. Tóm lược bạn Châu Văn Thi trả lời phỏng vấn của đài VOA:
“Ngày 5/5/2013, tụi em sinh hoạt dã ngoại tại công viên 30/4, vừa hát xong bài “Nối Vòng Tay Lớn” thì Công An xông vào, miệng la lớn là tuị em buôn bán ma tuý, rồi họ rạch giỏ xách tay của tụi em. Lúc đó tụi em đang cầm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chuẩn bị nói về “Quyền Con Người” thì họ xông vào đánh tụi em mà miệng họ la lớn lên rằng: “Bọn này là phản động, chống đối chánh quyền”, rổi đ6ảy lên xe đưa về đồn Công An phường Phú Thạnh quận Tân Phú. Các bạn bị họ giữ lâu nhất là Vũ Quốc Anh, Vũ Sĩ Hoàng, và Nguyễn Hoàng Vi. Vi và Hoàng bị đánh nặng nhấtLúc họ thả Hoàng Vihọ còn cướp cái Ipad.
Hai giờ chiều cùng ngày, tụi em đếđể lấy lại máy, thì họ cho phụ nữ và an ninh thường phục ra đánh tụi em ngay trước đồn Công AnHoàng Vi, mẹ và chị với em của Hoàng Vi, bị chúng nắm đầu đánh, trong khi Công An với Dân Phòng bao vây tụi em tại chỗ. Khi miọ người bị thương, máu me đầy người, họ kêu xe taxi chở đi cấp cứu. Tới bệnh viện Tân Phú trên đường Âu Cơ, vừa xuống xe, ba người của họ bay vào tới tấp đánh tụi em tiếp. Em của Hoàng Vi là Nguyễn Thảo Chi bị đnáh gãy 3 cái răng.Mẹ của Hoàng Vi đưa người ra đỡ, họ lấy điếu thuốc châm vào mặt bà làm bà ngất xỉu. Sau đó, họ cứ đi theo xe vào trong bệnh viện để uy hiếp. Tụi em sinh hoạt công khai và ôn hòa, vậy mà họ thẳng tay đánh đập rất dã man!. Trong khi Việt Nam đang ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, không hiểu họ ứng cử vào Hội Đồng này để làm gì nữa...
Tại Hà Nội. Tóm lược bài của bà Trần Thị Nga.
Sáng ngày 5/52013, bà Nga và hai con đến công viên Nghĩa Đô tham gia buổi dã ngoại. Rất đông Công An và an ninh tại cổng công viên. Bà vào trong: “Thấy một số các ông bà và nhiều bạn trẻ ngồi cạnh bờ Hồ, có người trên tay cầm tờ giấy A3, A4 với nội dung “Phản đối đàn áp quyền tự do của Công Dân, tự do hội họp là Quyền Của Công Dân... Vài bạn trẻ đang cầm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà Việt Nam đã ký với Liên Hiệp Quốc, được in ra đưa cho những người có mặt trong công viên để họ biết được những quyền căn bản mà con người từ khi sinh ra đã được hưởng là gì. Có lẽ do đây là buổi dã ngoại đầu tiên để thảo luận về quyền con người. .. Nhiều người vừa đọc vừa bàn luận với nhau rất phong phú, đa dạng”. Trong tay bà Nga cũng có tờ giấy A3: Phản đối đàn áp Quyền tự do của công dân.
Quan sát buổi dã ngoại, bà Nga nói: “Tôi thấy số lượng an ninh theo dõi có lẽ đông gấp đôi số người tham gia dã ngoại, người quay phim chụp ảnh, người theo dõi chúng tôi chứ không ra tay bắt bớ, đánh đập tàn ác như trong Sài Gòn, hoặc ngăn chặn như ở Nha Trang. Sau buổi dã ngoại, có người cho là thành công, có người cho là thất bại. Còn câu trả lời cho việc thành công hay thất bạn là tùy vào cách nhìn của từng người, bởi quyền tự do là thế!”  
Nhận định của bạn Nguyễn Trung  Tôn, từ Thanh Hóa. Qua ngày dã ngoại về Nhân Quyền tại Nha Trang, Sài Gòn, và Hà Nội, đã đạt được 3 chiến thắng: (1) Nhiều người dân được hiểu thêm về quyền con người của họ mà lâu nay bị công sản bưng bít. (2) Việc cộng sản đưa Công An đàn áp người tham dự, đã phơi bày bộ mặt  tồi tệ của họ về vi phạm nhân quyên tại Việt nam. Là bằng chứng để Việt Nam không thể đủ tư cách đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong năm tới. (3) Là cơ hội thu hút được nhiều thành viên, thể hiện sự khát khao nóng bỏng của người dân về một đất nước thực sự tự do.”
Kết luận.
Là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ, có Anh 5 năm, 15 năm, 20 năm, thậm chí 25 hay 30 năm cầm súng, có bao giờ Các Anh suy ngẫm về  quảng đời quân ngũ với súng đạn, có người về hưu, người thì thương tật tàn phế, có người đã gục ngã trên chiến trường, và Các Anh đang còn súng đạn trong tay, đã bao lần theo lệnh đảng mà thẳng tay đàn áp đồng bào yêu nước, đàn áp đồng bào quanh năm nghèo khổ với  mảnh đất nhỏ nhoi mà vẫn không yên, thậm chí cũng không còn nhà ở. Tôi xin hỏi: “Có khi  nào Các Anh cảm thấy hối hận, cùng lúc cảm nhận nỗi đau của Nhân Dân bị Quân Đội Nhân Dân với Công An Nhân Dân đàn áp không?
Đây là một đoạn trong bài “Cảm xúc ngày 30 tháng Tư” của Luật sư  Nguyễn Văn Đài -Hội Anh Em Dân Chủ- trên làn sóng đài BBC Luân Đôn ngày 29/4/2013: “Một quốc gia đã giành được độc lập và thống nhất, mà nhân dân không được hưởng các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, thì người dân của quốc gia đó đã hy sinh xương máu chỉ để thay thế sự cai trị của giặc ngoại xâm bằng sự cai trị của giặc nội xâm, chớ không phải hy sinh cho dân tộc. Mà giặc nội xâm thì tham lam và gian ácgấp trăm gấp ngàn lần giặc ngoại xâm.”
Vậy, Các Anh nghĩ gì sau khi đọc đi đọc lại nhận định của những đảng viên từng giữ những chức vụ quan trọng trong đảng lẫn nhà nước?
Nếu điều đang nghĩ chưa rõ nét, Các Anh hãy đọc đoạn dưới đây mà tôi trích trong “Lời Kêu Gọi” của cựu Đại Tá quân đội nhân dân Đào Văn Nghệ viết ngày 23/10/2010. Ông bắt đầu với lời than não nuột: Đất nước lâm nguy! Giang sơn rơi lệ! Dân chúng lầm than!”  Rồi ông mạnh mẽ kêu gọi:
“Hỡi toàn dân Việt Nam ở mọi miền đất nước! Hỡi Quân Đội và Công An Việt Nam, hãy bảo vệ cho người dân Việt Nam, như những chiến sĩ Quân Đội và Công An Nga Sô, Ba Lan, Đông Âu trước kia. Họ đã sớm thức tỉnh, nắm lấy thời cơ, cầm súng đứng về phía Nhân Dân, để ngày nay chính họ, gia đình vợ con họ được dân chủ, ấm no. Họ không còn phải sống trong lo sợ và đói khổ, dưới chế độ cộng sản cũ đầy dối trá và tội lỗi. Chế độ đã bao năm khống chế họ bằng luật rừng, bằng họng súng với nhà tù, cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân họ. Bởi vậy, đây là thời điểm nhân dân và đất nước đang cần những anh hùng đứng lên giúp dân làm nên một trang sử, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên dân chủ, ấm no không còn cộng sản độc tài. Kỷ nguyên Quốc Gia Cộng Hòa…. Quân Đội Nhân Dân còn chờ gì nữa?  Khẩn cấp tiến hành cách mạng lật đổ chế độ cộng sản Hà Nội, kiến lập quốc gia Cộng Hòa Việt Nam…. Tiến hành tổng tuyển cử toàn quốc, để nhân dân được thật sự tự do, ứng cử, bầu cử, tìm những người tài đức lãnh đạo đất nước và có nhiệm kỳ. Thay đổi Hiến Pháp phù hợp với Hiến Pháp chung quốc tế, để bảo vệ quyền con người cho toàn dân. Việt Nam ơi! Thời thế tạo anh hùng. Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ sinh ra những anh hùng”.
Khi Các Anh nhận ra người dân, đảng viên, giới trẻ, giới trí thức, và giới doanh nhân, không còn niềm tin vào lãnh đạo thì Các Anh nghĩ gì? Tôi mong là Các Anh hãy suy nghĩ từ chiều sâu tâm hồn của chính mình, rồi quyết định.... Tôi tin là quyết định đó sẽ giúp Các Anh quyết tâm bước vào hàng ngũ tuổi trẻ, trí thức, đồng bào, bằng bất cứ hình thức nào và vào thời gian nào mà Các Anh cho là thích hợp nhất, để cùng nhau góp phần giành lại quyền làm người cho hơn 90 triệu đồng bào được sống trong một xã hội dân chủ pháp trị, để hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới, và mỗi khi cầm sổ “Thông Hành” (hộ chiếu) ra ngoại quốc mà ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự.
Tôi vững tin rằng, bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người  Cựu Lính Chúng Tôi- vẫn hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào, những thế hệ làm nên lịch sử.  
Hãy nhớ rằng: Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Tự Do không phải là quà tặng,  Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước” (trích trên internet).
                                                                  Texas, tháng 05 năm 2013

Không có nhận xét nào: