Các cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An … khiến nhiều người tin rằng phong trào công nhân Việt Nam đã trưởng thành.
Xin đừng quên cuối năm 2005 cũng đã diễn ra nhiều cuộc đình công đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân tại các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư, có cuộc đình công lên đến năm, sáu chục ngàn công nhân tham dự.
Đấu tranh đòi tăng mức lương tối thiểu không khác gì đình công phản đối chính sách bảo hiểm xã hội lần này. Cả 2 đều là chính sách đã được Quốc Hội thông qua và đã thành luật.
Lần trước cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu bằng cách ký chỉ thị tăng mức lương tối thiểu lên 40 phần trăm. Khi được đáp ứng các cuộc đình công chấm dứt, cuộc đấu tranh lặng xuống, các công nhân đứng ra tổ chức bị sa thải, một số người sau đó bị bắt và có người hiện vẫn đang trong tù.
Các cuộc đình công sau năm 2005 thường ở mức độ nhỏ, tự phát và nhanh chóng chấm dứt. Nhiều người khởi xướng sau đó bị sa thải, có người bị an ninh theo dõi. Quyền lợi của công nhân mỗi ngày bị cắt bớt và đời sống của họ ngày trở nên tồi tệ hơn.
Việc công nhân đình công rồi kéo nhau ra đường lộ với những biểu ngữ tự làm tại công ty Pou Yuen cho thấy việc tổ chức khá lỏng lẻo và tự phát. Đương nhiên có người đứng ra khởi xướng nhưng cuộc đình công xảy ra do sự bất mãn cùng cực của công nhân. Các cuộc biểu tình khác là sự đồng thanh đáp ứng, tức nước vỡ bờ.
Lần này, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ kiến nghị lên Quốc Hội sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội nhằm đáp ứng nguyện vọng công nhân các cuộc biểu tình cũng lặng xuống.
Công đoàn độc lập
Bài học năm 2005 cho thấy nếu những người khởi xướng không biết nuôi dưỡng cuộc đấu tranh thì đâu lại vào đó, quyền lợi chính đáng của công nhân lại tiếp tục bị cắt dần và đời sống của công nhân sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn.
Trên thực tế cuộc sống của công nhân đã quá eo hẹp, thực lực đấu tranh hết sức hạn chế, vì thế để đấu tranh cho đến khi đạt được kết quả họ cần giảm thiểu mọi thiệt hại và cần sự hỗ trợ từ trong cũng như ngòai nước.
Về lâu dài, công đoàn là phương tiện để đấu tranh cho quyền lợi thiết thực của công nhân. Công đoàn đại diện cho công nhân đấu tranh đòi giới chủ tôn trọng luật pháp quốc gia, thương lượng với chủ bảo vệ và gia tăng quyền lợi tại mỗi xí nghiệp hay mỗi nghành nghề.
Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay một công đoàn độc lập với nhà nước cũng sẽ là một phương tiện vận động Quốc Hội đề ra các đạo luật có lợi cho công nhân và vận động Quốc Tế để quyền lợi công nhân được bảo đảm.
Công đoàn còn mang một vai trò khác là nâng cao trình độ nhận thức của công nhân về quyền làm người, về quyền công dân và về quyền lợi của người công nhân.
Một công đoàn đúng nghĩa cũng lo cho từng cá nhân công nhân và gia đình khi bị lâm vào những hòan cảnh rủi ro hay phải tranh tụng với giới quản lý hay giới chủ.
Tại các quốc gia dân chủ, công đoàn còn thương lượng với các đảng chính trị để đề ra những chính sách có lợi cho công nhân. Tại Úc, đảng Lao động được nhiều công đoàn ủng hộ cả về tài chánh lẫn nhân lực để đảng Lao Động một mặt bảo vệ quyền lợi của người Lao động mặt khác đưa ra chiến lược và chính sách có lợi cho tầng lớp Lao Động.
Hiện nay tại Việt Nam có hai dạng công đoàn nhưng cả hai đều mang nặng tính chính trị và không thực sự đấu tranh cho quyền lợi của người công nhân.
Công đoàn do đảng Cộng sản lãnh đạo thì có mặt tại hầu hết các xí nghiệp. Nhiệm vụ của họ chỉ nhằm thực hiện những chủ trương và nghị quyết do đảng cộng sản đề ra.
Ngược lại, công đoàn độc lập là một nhóm nhỏ được thành lập nhằm đấu tranh chính trị để đảng Cộng sản trả lại quyền lao động cho người công nhân. Việc làm của họ cần nhưng chưa đủ.
Muốn đấu tranh cho quyền lợi công nhân cần có nhiều công đoàn thực sự phát xuất từ người công nhân, phải do người công nhân lập ra, được người công dân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân.
Những người lãnh đạo công đoàn phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ. Họ phải có khả năng đại diện công nhân thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước. Tại các công đoàn lớn, người lãnh đạo cần có khả năng làm việc với các công đòan, chính phủ và tổ chức quốc tế.
Như thế muốn bảo đảm cho cuộc đấu tranh thực sự vì quyền lợi của người công nhân, những người khởi xướng cần tìm và đào tạo một tầng lớp lãnh đạo công đòan độc lập trong số những người hiện đang đấu tranh.
Mục tiêu trước mắt là các công ty trung bình và lớn cần có các công đòan độc lập. Theo Hiệp Định Đối Tác Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu, Việt Nam phải có những công đòan độc lập với nhà nước cộng sản. Vì thế mục tiêu này khả thi và nên được xem như ưu tiên hàng đầu.
Công nhân cũng cần sự trợ giúp của truyền thông báo chí, của tầng lớp trí thức và nhất cần một số luật sư sẵn sàng đứng ra cố vấn hay bảo vệ cho công nhân và công đòan. Vì thế các cuộc đình công phải thuần khiết vì quyền lợi của người công nhân, tránh bị “chính trị hóa” hay bị các đảng chính trị lèo lái sang các mục tiêu khác.
Hiện Việt Nam là một quốc gia độc đảng, nên chưa có một đảng không cộng sản nào đưa ra một cương lĩnh với một đường lối đấu tranh rõ ràng cho quyền lợi của người công nhân. Việt Nam sẽ có đa đảng vì vậy nhu cầu thành lập đảng chính trị phục vụ cho tầng lớp công nhân là một nhu cầu cần được quan tâm.
Nói tóm lại Việt Nam hiện có 5 triệu công nhân, đóng góp của họ cho xã hội cho đất nước vô cùng to lớn. Con số này càng ngày càng tăng nhưng đến nay tầng lớp công nhân vẫn chưa có được tiếng nói chính thức vì thế đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của họ càng ngày càng suy giảm.
Đấu tranh cho quyền lợi công nhân là cuộc đấu tranh lâu dài luôn tiếp diễn hằng trăm năm nay và trên tòan thế giới. Việc bùng phát các cuộc đình công trong tuần qua cho thấy sự tức nước vỡ bờ, vì thế cần nhận định đúng để quan tâm hơn đến nhu cầu lâu dài và thiết yếu của tầng lớp công nhân.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét