Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Cuộc bạo động ở Vĩnh Tân: Ai là "kẻ xấu" thực sự?

Liệu những tấm bạt mà nhà máy phủ lên bãi tro xỉ nằm trên ngọn đồi ấy có che được bụi tro tạt vào nhà dân, một khi nó đã phủ tràn đầy con đường, cây cối, đất đai? Chắc chắn là không. Đó chỉ là biện pháp tạm thời. Và thiết bị lỗi thời nhập cảng từ Trung Quốc dùng trong nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có thôi nhả khói gây ô nhiễm? Chắc chắn là không. Liệu mỗi khi mưa xuống, dòng nước đục ngàu từ bãi tro xỉ có thôi không đổ xuống vùng biển ở Vĩnh Tuy? Chắc chắn là không.
 
Người dân đã dùng gạch, đá, bom xăng để chống lại lực lượng công an. Ảnh: Facebook
 
Cali Today News - Cuối cùng, cuộc bạo động của người dân xã Vĩnh Tuy (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã bị dập tắt. Con đường huyết mạch Quốc lộ 1A đã được khai thông. Dòng xe cộ đã có thể qua lại mà không phải chịu sự ngăn chặn nào. Chính quyền đã có vài động tác cho thấy họ muốn xoa dịu cơn giận dữ của người dân đang sinh sống tại khu vực này. Nhưng, liệu việc xử phạt nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vì gây ô nhiễm môi trường, đem bạt che lại bãi tro xỉ khổng lồ nhằm hạn chế bụi xỉ bay vào nhà dân, song song với đó là cho bắt vài người để răn đe có phải là biện pháp hữu hiệu để làm nguôi ngoai cơn giận dữ?
 
Công bằng mà nói, việc người dân tại xã Vĩnh Tuy vì tức giận trước việc nhà máy điện gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của họ bằng cách chặn Quốc lộ không phải là việc làm đáng hoan nghênh. Vì điều này làm ảnh hưởng đến kinh tế của rất nhiều người, mà họ không phải là tác nhân gây nên ô nhiễm ở đây. Nhưng đó lại là biện pháp cuối cùng mà người dân Vĩnh Tuy phải dùng đến. Vì trước đó, qua nhiều tháng trời, người dân ở đây đã kêu ca, gửi đơn đi khắp nơi nhưng chính quyền không tìm ra giải pháp hữu hiệu nào. Dường như chính quyền đã bỏ mặc cho nhà máy tự tung tự tác thích làm gì thì làm. Nhà dân lúc nào cũng phải đóng kín mít cửa để hạn chế bụi bay vào nhà, trẻ con liên tục mắc phải những căn bệnh về đường hô hấp, nguồn nước bị ô nhiễm không thể sử dụng được, bãi biển Vĩnh Tân có màu đục ngàu làm cho người dân không dám tắm...
 
Không thể mãi để cho bụi xỉ bay vào phổi những đứa con, không thể để những thế hệ phải chết dần do môi trường ô nhiễm từ nhà máy thải ra. Người dân đã phải xuống đường. Một khi chính quyền nhân danh "của dân, do dân, vì dân" nhưng lại làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng thì họ phải hành động. Đừng cho rằng người dân ở vùng này không sợ chính quyền. Họ sợ chứ. Song, có những thứ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để cho con cháu được sống trong một môi trường trong sạch như nó đáng phải có. Và kết cục của nó là cuộc bạo động kinh hoàng, xô xát giữa người dân với lực lượng cảnh sát cơ động. Có những lúc, lực lượng cảnh sát đã phải khuất phục trước cơn giận dữ của người dân, phải chạy tán loạn. Nhưng đến khi được tiếp viện từ Bộ công an, lực lượng này đã đẩy lùi được người dân ra khỏi con đường Quốc lộ. Tại khách sạn Vĩnh Hảo, nơi chính quyền thuê ở để làm "đại bản doanh", để đưa ra phương án thương thuyết, trấn áp người dân. Đó cũng là nơi mà công an dùng để bắt giữ những kẻ mà họ bắt được. Và đó cũng là nơi mà chính quyền thấy được thái độ của người dân đối với họ. Trong đêm 15/4, cao điểm của cuộc đụng độ, người dân đã ném bom xăng vào khách sạn, khiến cho lãnh đạo, công an phải chạy tứ tán. Những trận mưa đá trút xuống đầu lực lượng công an làm cho rất nhiều trong số họ phải được chở đi bệnh viện cấp cứu. Thiệt hại khó có thể quy ra tiền, nhưng theo thống kê ban đầu con số có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Mặt tiền khách sạn này tan nát. Phía trong khách sạn, người ta ghi nhận có rất nhiều vết máu của công an do người dân ném đá. Đáng nói hơn, những hành động như ném đá, ném bom xăng, dùng gậy gộc đánh đập, chống lại công an lại được đông đảo người dân đứng hai bên đường hoan hô, ủng hộ.
 
Lực lượng công an đến để trấn áp nhưng cuối cùng lại bị người dân vây khốn. Ảnh: Facebook
 
Bạo động là điều không đáng để hoan nghênh, nhưng trong một quốc gia độc tài Cộng sản những tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng không đến được tai của lãnh đạo thì đó là biện pháp cuối cùng mà người dân có thể truyền đạt nguyện vọng đến tai chính quyền. Cũng cần phải nói thêm, công trình nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do người Trung Quốc xây dựng. Người Trung Quốc đã đưa vào đây thiết bị đốt than công nghệ thấp, nó tạo ra ô nhiễm môi trường, tác hại về sau. Nhưng tại sao những điều đó lại được dễ dàng nhập cảng vào Việt Nam? Trung Quốc làm được điều đó chỉ khi họ được sự nhắm mắt làm ngơ từ chính quyền CSVN. Có một điều rất lạ khiến nhiều người thắc, là vì sao những công trình trọng điểm, nằm ở vị trí trọng yếu lại rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc? Từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) lên Cao nguyên Trung phần với dự án Bauxite, đến nhiệt điện Vĩnh Tân đều có bàn tay của người Trung Quốc. Câu hỏi không khó để tìm ra lời giải, nhưng nhiều người ngại thổ lộ điều đó. Qua cuộc bạo động của người dân Vĩnh Tân người ta thấy được rằng, chỉ cần một tác động nào đó con đường huyết mạch này sẽ bị tắc nghẽn, ngăn cắt sự thông thương, sẽ chia đôi đất nước.
 
Có thể thấy được rằng, cuộc bạo động ở Vĩnh Tân là do người dân không thể nào truyền đạt tiếng nói của mình đến tai chính quyền. Hoặc, lãnh đạo có nghe nhưng không đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân. Chính quyền CSVN chưa bao giờ thực sự là người đại diện để bảo vệ quyền lợi của người dân, theo như cách mà họ vẫn tuyên truyền bấy lâu nay. Cũng như cuộc biểu tình của 90 ngàn công nhân ở PouYuen, phải đợi đến khi người dân trút xuống cơn thịnh nộ của họ, chính quyền mới cho thấy có sự hiện diện của mình.
 
Như đã là một bài phát biểu quen thuộc, khi nói về nguyên dân dẫn đến việc người dân ở Vĩnh Tuy bạo động, chính quyền CSVN lại cho rằng do "kẻ xấu kích động". Vẫn thói quen coi thường nhận thức của người dân, chính quyền chưa bao thực sự thấy rằng họ biết nhận ra lỗi của mình. Kẻ xấu ở đây không phải từ người dân, mà là từ tro xỉ của nhà máy, sự tắc trách, vô trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền, làm ngơ cho nhà máy thoải mái gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến con cái của họ, giết họ dần dần bằng sự ô nhiễm từ nguồn nước. Kẻ xấu chính là những lãnh đạo đã nhận tiền của người Trung Quốc để cho những thiết bị lỗi thời gây ô nhiễm nhập cảng vào Việt Nam. Kẻ xấu chính là việc cho phép nhà máy thoải mái sử dụng bãi đổ tro xỉ rộng đến 64 hecta mà không cần bạt che lại, và nó lại được nằm trên một ngọn đồi, chỉ chờ khi có những cơn gió, bụi xỉ sẽ ào ào trút xuống khu dân cư ở bên dưới. Đó mới chính là kẻ xấu. Một chính quyền thực sự vì dân sẽ không để xảy ra những điều trên. Nhưng, điều đó chỉ có thể trong một chế độ dân chủ, còn ở đây là chế độ độc tài Cộng sản.
 
Liệu những tấm bạt mà nhà máy phủ lên bãi tro xỉ nằm trên ngọn đồi ấy có che được bụi tro tạt vào nhà dân, một khi nó đã phủ tràn đầy con đường, cây cối, đất đai? Chắc chắn là không. Đó chỉ là biện pháp tạm thời. Và thiết bị lỗi thời nhập cảng từ Trung Quốc dùng trong nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có thôi nhả khói gây ô nhiễm? Chắc chắn là không. Liệu mỗi khi mưa xuống, dòng nước đục ngàu từ bãi tro xỉ có thôi không đổ xuống vùng biển ở Vĩnh Tuy? Chắc chắn là không. Và đương nhiên, trẻ con, người dân ở đây vẫn phải chịu những tác hại, vẫn phải là nạn nhân của việc gây ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.
 
Người Quan Sát

Không có nhận xét nào: