Sức hấp dẫn của việc đưa ra các dự đoán về Trung Quốc có lẽ là không thể cưỡng lại, do Trung Quốc được cho là trường hợp đương đại quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế. Do đó, một số nhà quan sát phương Tây đã liều lĩnh đánh cược danh tiếng nghề nghiệp của bản thân để làm những nhà tiên tri. Có lẽ trường hợp nổi tiếng (hoặc tai tiếng) nhất là Gordon Chang, người đã xuất bản cuốn sách The Coming Collapse of China (Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) hồi năm 2001. “Hồi kết của nhà nước Trung Quốc hiện đại đang đến gần,” ông khẳng định. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ còn tồn tại được năm năm, hoặc có thể là mười năm, trước khi nó sụp đổ.”
Như chúng ta đều biết, Trung Quốc đã không sụp đổ. “Vâng, như vậy, dự đoán của tôi đã sai,” Chang đã thừa nhận trong một bài báo (“The Coming Collapse of China: 2012 Edition”). Nhưng ông vẫn tin chắc về sự diệt vong hoàn toàn sắp xảy đến với Trung Quốc và đưa ra một mốc thời gian mới: “Thay vì năm 2011, Đảng Cộng sản hùng mạnh của Trung Quốc sẽ sụp đổ trong năm 2012. Tôi dám cược điều đó.”
Có thể loại trừ Gordon Chang như một kẻ cơ hội cố kiếm một vận may – về chính trị và/hoặc về kinh tế – bằng những lời cường điệu giật gân về Trung Quốc. Nhưng điều đó không đúng với trường hợp của David Shambaugh, một học giả về Trung Quốc có uy tín tại Đại học George Washington, người xưa nay luôn khá thận trọng trong việc nhận định về Trung Quốc. Trong một bài báo trên Wall Street Journal hôm mùng 6 tháng 3, Shambaug miêu tả nhà nước Trung Hoa đơn đảng như đang chiến đấu để giành giật hơi thở cuối cùng. “Tôi tin giai đoạn cuối cùng của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu và nó đã đi xa hơn so với suy nghĩ của nhiều người,” ông viết. “Chúng ta không thể dự đoán được khi nào chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ, nhưng không khó để kết luận rằng chúng ta đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của nó.”
Bài báo của Shambaugh không khác gì một quả bom tấn xuất hiện bất ngờ trong giới nghiên cứu về Trung Quốc, đặc biệt là khi nhìn nhận thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình dường như đang tự hồi sinh qua một loạt các biện pháp quan trọng. Và những biện pháp này – đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng cũng như sự thúc đẩy pháp quyền – có vẻ đã cải thiện đáng kể sự ủng hộ của nhân dân đối với giới lãnh đạo mới. Trên thực tế, năm 2008, Shambaugh đã xuất bản một cuốn sách đưa ra một nhận định khá được tán thành về khả năng thích ứng với những thách thức mới của nhà nước Trung Hoa đơn đảng trong thập niên đầu của thế kỷ 21.
Không rõ điều gì đã khiến Shambaugh đột ngột thay đổi quan điểm. Một số người suy đoán rằng ông chỉ đơn thuần là đang cố đạt được một vị trí hoạch định chính sách đối ngoại trong chính quyền hậu Barack Obama. Một số khác cho rằng ông là phiên bản Trung Quốc của một người theo tư tưởng tự do bị “dồn ép” phải chuyển sang tư tưởng bảo thủ, rằng Shambough rất khó chịu trước sự không khoan nhượng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những cải cách cơ bản.
Dù động cơ đằng sau của Shambough là gì thì cũng không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng khó khăn. Trung Quốc đang mắc bệnh – nhưng mọi quốc gia khác trên thế giới cũng vậy, dù mỗi quốc gia có những triệu chứng khác nhau, vì những nguyên nhân khác nhau, và ở những mức độ khác nhau. Hãy lấy Mỹ làm ví dụ. Nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới cũng có thể khiến bất kỳ ai có cảm giác rằng nó đang mắc bệnh nan y: tình trạng bất bình đẳng kinh khủng, cơ sở hạ tầng đổ nát, giáo dục công giảm sút, thâm hụt ngân sách khủng lồ, thái độ thờ ơ với chính trị gia tăng, và một chính phủ có vẻ như không thể hoàn thành được bất kỳ việc gì.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, Political Order and Political Decay (Trật tự chính trị và mục ruỗng chính trị), Francis Fukuyama đã mô tả cơ chế chính trị của Mỹ như đang bị tái thân tộc hóa (repatrimonialised), bị cai trị bởi tòa án và các đảng phái chính trị, cũng như bị tắc nghẽn bởi quá nhiều quan điểm phủ quyết. Bên kia Đại Tây Dương, nhiều nền dân chủ châu Âu cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, đặc biệt là về khả năng thanh toán tài chính. Nhưng chưa một ai tuyên bố về sự sụp đổ sắp tới của nền dân chủ Mỹ hay các nền dân chủ châu Âu. Tại sao?
Điều này là do nhiều nhà phân tích phương Tây (sớm nhất là Seymour Martin Lipset) có cùng quan điểm rằng miễn là các thể chế chính trị được coi là chính danh thì một cuộc khủng hoảng về tính hiệu quả (ví dụ như hiệu quả kinh tế) sẽ không đặt ra mối đe dọa chí tử cho một chế độ. Do đó, theo quan điểm này, các thể chế dân chủ của Mỹ vẫn không bị đe dọa ngay cả trong những ngày đen tối nhất của cuộc Đại Suy thoái. Ngược lại, nếu một chế độ đã không đủ tính chính danh chính trị thì một cuộc khủng hoảng về tính hiệu quả (như kinh tế suy thoái, bất bình đẳng gia tăng, hoặc tham nhũng tràn lan) sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về tính chính danh đó. Nhiều người tin rằng Trung Quốc là trường hợp điển hình đúng với lập luận này.
Trung Quốc có thể đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính hiệu quả, nhưng liệu nó có đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính chính danh hay không mới là điều đáng tranh luận. Đẹp hay không là tùy mắt người nhìn, và tính chính danh cũng vậy. Nếu đất nước Trung Hoa đơn đảng có thể sống sót qua nhiều năm hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa cũng như cuộc khủng hoảng mang tính tồn vong năm 1989 (tức Sự kiện Thiên An Môn – NHĐ) thì tại sao nó không thể vượt qua thêm một cuộc khủng hoảng khác? Trên thực tế, câu hỏi quan trọng hơn đối với các nhà quan sát phương Tây là tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể duy trì được quyền lực lâu đến như vậy và lập nên một kỷ lục ấn tượng không thể tranh cãi về sự phát triển kinh tế?
Năm 2003, Andrew Nathan tại Đại học Columbia đã đưa ra một giả thuyết về sự dẻo dai của chế độ chuyên chế để giải thích tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không đi theo vết xe đổ của Liên Xô trước đây. Trong một bài báo hồi tháng 1 năm 2015, ông cho rằng thay vì bộc lộ những dấu hiệu của một chế độ đang bị vây khốn, Bắc Kinh đang thực sự đi trên con đường phục hưng chế độ chuyên chế, ủng hộ các chế độ tương tự, và tìm cách đảo ngược những thay đổi dân chủ cả ở trong và ngoài nước. Một trong những thông điệp trọng tâm của ông là sự phục hồi của chủ nghĩa chuyên chế phản ánh sự suy giảm của chế độ dân chủ. “Do sự hấp dẫn của chủ nghĩa chuyên chế tăng lên khi uy tín của nền dân chủ giảm sút,” ông viết, “câu trả lời quan trọng nhất đối với thách thức của Trung Quốc là các các nền dân chủ phải làm tốt việc quản lý chính bản thân họ hơn những gì họ đang làm ngày nay.”
“Mọi xã hội, chuyên chế hay dân chủ, đều suy tàn theo thời gian,” Francis Fukuyama viết. “Vấn đề thực sự là khả năng thích ứng và cuối cùng là thay đổi chính mình.” Nhà nước độc đảng Trung Quốc chắc chắc đang trải qua sự sa sút về đường lối chính sách – cũng giống như hầu hết các nền dân chủ phương Tây – nhưng còn quá sớm để chuẩn đoán rằng bệnh nhân Trung Quốc đang mắc căn bệnh nan y.
Nguồn: Xie Tao, “Why Do People Keep Predicting China’s Collapse,” The Diplomat, 20/3/2015.
Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Xie Tao (Tạ Thao) là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Ông là tác giả cuốn U.S.-China Relations: China Policy on Capitol Hill (Routledge: 2009).
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét