Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

NÓI VỀ NHỮNG BẢN ĐỒ CỔ XƯA NHẤT VẼ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA


BienDong.Net: Những bản đồ cổ xưa nhất về Hoàng Sa, Trường Sa phải kể đến “Hồng Đức bản đồ” được vẽ vào năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) dưới triều đại vua Lê Thánh Tông và bộ bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ do Đỗ Bá Công Đạo biên soạn vào năm Chính Hoà thứ 7 (năm 1686), trong đó Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với tên gọi chung là “Bãi Cát Vàng”.
Như vậy, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thể hiện trên các bản đồ Việt Nam cách đây 500 - 600 năm.

Gần 40 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã đưa vương triều nhà Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt như chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, văn hóa. Dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì, Biển Đông và cương vực luôn là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Để duy trì sức chiến đấu và quản lý biển đảo rộng lớn của quốc gia Đại Việt, thủy quân nhà Lê cũng được phát triển mạnh mẽ.
Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho hoàn thành bản đồ toàn quốc gọi là Hồng Đức bản đồ, thể hiện các vùng đất liền và biển đảo thuộc lãnh thổ của nước Đại Việt, gồm 13 xứ thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu....
Tên gọi Biển Đông lần đầu tiên được đánh dấu trên bản đồ thừa tuyên Thuận Hóa và thừa tuyên Quảng Nam. Vùng duyên hải của thừa tuyên Quảng Nam không dừng lại ở Quy Nhơn mà được kéo dài cho đến tận Thạch Bi và giáp giới với địa đầu vương quốc Chămpa của Bô Trì Trì. Phía ngoài khơi được đánh dấu vị trí của “Bãi Cát Vàng” tức Hoàng Sa, Trường Sa vừa khẳng định sự tiếp nối truyền thống khai thác biển đảo của các vương triều trước đây, vừa thể hiện ý chí muốn vươn ra khai chiếm toàn bộ vùng biển đảo quan trọng này.
Trong “Hồng Đức bản đồ” có 3 bản đồ liên quan đến Biển Đông và hải đảo đó là: Bản đồ An Nam quốc vẽ toàn thể lãnh thổ Đại Việt về thời Hồng Đức, bản đồ Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư trong có những bản đồ vẽ đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành, bản đồ Bình Nam Đồ do Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ đường lối đi từ Chiêm Thành đến biên giới Cao Miên.
Những bản đồ trên chưa mô tả đầy đủ bờ biển, Biển Đông và các cửa bể toàn quốc vì đây là những bản đồ thực hiện trong giai đoạn lãnh thổ nước ta đang thời kỳ Nam tiến. Tuy nhiên, đã có những chi tiết xác định chính quyền và nhân dân ta đã khai thác và làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tên tuổi và sự nghiệp của Hoàng đế Lê Thánh Tông gắn với một giai đoạn cường thịnh của nhà nước phong kiến Việt Nam ở nửa sau thế kỷ 15. Dưới triều đại của ông, đất đai, cương vực của đất nước được mở rộng, các vấn đề liên quan đến biển đảo được chú trọng. Với bộ “Hồng Đức bản đồ”, ông chính là người có công lao lớn trong việc đưa Biển Đông nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng vào bản đồ của nhà nước. Sách Việt Nam Sử lược đã từng chép: “Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam... bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”. Như vậy, Hoàng Sa - Trường Sa đã được nhà nước phong kiến Việt Nam đưa vào bản đồ từ cuối thế kỷ XV.
Sang đến thế kỷ 17, các bản đồ vẽ “Bãi Cát Vàng” của Đỗ Bá Công Đạo được thể hiện cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trên bản đồ còn có lời chú thích ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở “Bãi Cát Vàng”. Trong Toản Tập An Nam Lộ của ông, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi, phía ngoài biển có vẽ “Bãi Cát Vàng” và ghi chú rõ: “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển khoảng từ cửa biển Đại Chiêm kéo đến cửa biên Quyết Mông. Gió tây nam thuyền đi vào trong sẽ tắc lại đó, gió tây bắc mà thuyền đi cũng bị tắc lại đó, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại đó. Mỗi năm đến tháng cuối đông chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến Bãi Cát Vàng để lấy vàng bạc…”.
Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư gồm nhiều bản đồ, trong đó có những bản đồ vẽ đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành.
Với tham vọng mang đại quân vào Nam lật đổ chính quyền họ Nguyễn, thu phục đất đai biển đảo phía Nam, bởi vậy Chúa Trịnh rất cần bản đồ địa lý Đàng Trong. Năm Chính Hòa thứ 3 - 1682, nhà sư Hương Hải trốn thoát từ miền Nam ra Thăng Long đã dâng Chúa Trịnh một tấm bản đồ vẽ vùng Thuận Quảng theo trí nhớ, bởi vậy xét về mọi phương diện thì tấm bản đồ này chưa khả dụng cho Chúa Trịnh đưa quân vào Đàng Trong mưu việc lớn.
Khoảng thời Chính Hoà (năm 1680 - 1705), Đỗ Bá Công Đạo giả dạng người đi buôn theo thuyền buôn ra biển, hướng vào Nam ấp ủ dự định vẽ tấm bản đồ cụ thể hơn về đất đai Đàng Trong. Sau nhiều cuộc hành trình trên biển suốt một dải từ miền Trung vào miền Nam, ông đã bí mật khảo sát và vẽ thành bản đồ các xứ từ Thuận Quảng trở vào mang tên Tứ Chí Lộ Đồ - Bản đồ vẽ đường đi 4 phía. Sau khi hoàn thành, Đỗ Bá Công Đạo dâng lên Chúa Trịnh hiến kế Nam chinh.
Tập Tứ Chí Lộ Đồ do Đỗ Bá Công Đạo vẽ có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận - Hoá có 02 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng - Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong tập bản đồ này có rất nhiều thông tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bản đồ quần đảo Hoàng Sa.
Trong Tứ Chí Lộ Đồ có quyển “Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành” có phần vẽ và chú giải bằng chữ Nôm về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa như sau: “Ở khu vực Phủ Thăng Hoa và Phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng”. Bãi Cát Vàng được ông thể hiện trong bộ Lộ đồ phản ánh cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng ra đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông.
Bộ Tứ Chí Lộ Đồ là bộ sách gồm 4 tập, trong mỗi tập lại có những tấm bản đồ với những phần chú giải rất cụ thể. Trong đó có phần ghi chép về “Bãi Cát Vàng” như sau... Giữa biển có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là Bãi cát vàng nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa Tây Nam, các thuyền buôn từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này... Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các chúa Nguyễn đều phái tới đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều tiền bạc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải đi mất một ngày rưỡi mới đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu đi từ Sa Kỳ... ”.
Tuy chỉ được ghi chép trong một đoạn văn ngắn nhưng với 3 chữ “Bãi Cát Vàng” cũng đủ để cho chúng ta thấy rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền kiểm soát và quản lý của người Việt ít nhất cũng phải từ trước những năm 1680 - 1705. Điều đặc biệt là hai quần đảo này được chú thích rõ ràng bằng chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng” thể hiện rõ ngôn ngữ dân gian xứ Đàng Trong. Sau này các Nho sĩ Đàng Ngoài mới dịch sang âm Hán Việt là Hoàng Sa, Hoàng Sa Chử...
Đoạn viết mô tả về “Bãi Cát Vàng” của Đỗ Bá Công Đạo lại được biên soạn trên cơ sở trích từ tập Hồng Đức bản đồ, như vậy cho thấy ít ra người Việt Nam cũng đã khám phá hoặc biết tới quần đảo này từ thế kỷ XV và muộn nhất cũng vào thế kỷ XVII đã là những người đầu tiên chiếm hữu thực sự quần đảo Hoàng Sa và cả quần đảo Trường Sa mà không có bất cứ một sự phản đối nào của các quốc gia khác.
Tứ Chí Lộ Đồ do Đỗ Bá Công Đạo soạn vẽ những năm niên hiệu Chính Hoà (1680 - 1705) theo lệnh chúa Trịnh Can, đương nhiên là một văn kiện quan trọng của Nhà nước, một tài liệu chính thức của quốc gia Việt Nam. Bản đồ “Bãi Cát Vàng” khẳng định cương giới xứ Đàng Trong, từ cuối TK thứ XVI đã được mở rộng ra hai quần đảo Biển Đông, do chúa Nguyễn quản lý. Tên gọi “Bãi Cát Vàng” chuyển sang âm Hán Việt là Hoàng Sa, Hoàng Sa chử, tên gọi này biểu đạt hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Điều cần nói là, tên gọi Hoàng Sa, Hoàng Sa chử vẫn còn nguyên giá trị lịch sử trong các văn kiện của Nhà nước Phong kiến Việt Nam Triều Lê, Triều Nguyễn, trong các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ. Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ là một trong những tài liệu quí giá cổ xưa chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Qua “Bãi Cát Vàng” trong Hồng Đức bản đồ được vẽ dưới thời vua Lê Thánh Tông và trong Tứ Chí Lộ Đồ của Đỗ Bá Công Đạo vẽ dưới thời Lê – Trịnh cho thấy ngay từ thế kỷ 15 - 16 - 17, Hoàng Sa và Trường Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm nghiên cứu và xác lập chủ quyền. Sự hiểu biết về 2 quần đảo này ngày càng kỹ lưỡng và chi tiết hơn thể hiện rõ trên các tấm bản đồ với những lời chú thích rõ ràng về việc nhà nước cử người ra khai phá./.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

của vn nhưng viêt cộng đã chuyễn nhựng cho trung cộng rồi