Cụ thể hóa cơ chế cử tri bãi nhiệm Đại biểu khi người đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Sự anh minh chính trị của một quốc gia nằm ở khả năng thiết lập và vận hành cơ chế bầu cử công bằng, chân thực để lựa chọn được người đại diện xứng đáng, phản ánh được chính xác ý chí và nguyện vọng của cử tri. Những ý kiến dưới đây được chia sẻ nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND sửa đổi đang được bàn thảo rộng rãi lấy ý kiến nhân dân, trước khi Quốc hội xem xét lần cuối để thông qua dự thảo luật này vào tháng 6 tới.
Chọn đại biểu theo tiêu chuẩn hay cơ cấu?
Không khó để nhận ra hạn chế của việc bầu cử mà đại biểu được lựa chọn chỉ theo cơ cấu đại biểu định sẵn. Sẽ xuất hiện nhiều trường hợp người đủ tiêu chuẩn thì chưa chắc đã nằm trong cơ cấu và người nằm trong cơ cấu thì chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn. Hoặc có người được giới thiệu nhưng cử tri không bầu, đại biểu có thể được cử tri bầu thì không được giới thiệu hoặc không được công nhận.
Thiết nghĩ, việc thiết kế hệ thống bầu cử trước tiên phải dựa trên tiêu chuẩn định lượng khắt khe, từ đó mới có thể chọn lựa ra được những đại biểu xứng đáng nhất của nhân dân.
Nên chăng cần qui định ngoài những tiêu chuẩn về tư cách đạo đức, năng lực, ứng cử viên phải có chương trình hành động...
Các Luật bầu cử từ trước đến nay đều qui định về cơ chế hiệp thương. Công bằng thì hiệp thương có cả ưu điểm và hạn chế. Ưu điểm là có thể nâng cao chất lượng ứng cử viên; bảo đảm tốt hơn định hướng cơ cấu đại biểu, duy trì sự ổn định chính trị…
Tuy vậy điểm yếu của cơ chế này là có thể làm hạn chế quyền tự ứng cử; hạn chế sự giám sát của nhân dân, dẫn tới biểu hiện hình thức, làm chiếu lệ trong bầu cử. Chúng tôi cho rằng cần tiếp tục suy nghĩ, cân nhắc xem cần đổi mới cơ chế hiệp thương ra sao, có cần thiết nữa không, nếu lấy mục tiêu quan trọng nhất của bầu cử là phải thể hiện ý chí của nhân dân, đem lại cho cử tri một biện pháp gây ảnh hưởng đối với chính quyền và thiết lập các chính sách.
Tự ứng cử
Nếu cử tri ở cơ sở chỉ được bày tỏ tín nhiệm đối với những người đã có sẵn trong danh sách thì việc bầu cử vẫn chưa thể hiện đầy đủ ý chí của cử tri, thậm chí làm hạn chế ý nghĩa tích cực vốn có của việc bầu cử là sự cạnh tranh một cách công bằng. Ngoài việc phải mở rộng cơ cấu đại biểu tự ứng cử, có lẽ việc quan trọng hơn là cần thiết lập danh sách ứng cử viên đủ cả lượng và chất, để cử tri lựa chọn.
Điểm hấp dẫn nhất của bầu cử là “tranh cử” công bằng. Tranh cử công bằng có thể được thiết lập nếu giải quyết tốt bốn vấn đề sau:
1). Tranh cử phải có người cạnh tranh. Để tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, gian lận trong bầu cử thì khâu giám sát bầu cử phải được thực hiện nghiêm túc.
2). Cử tri bỏ phiếu là bỏ phiếu cho “chính sách”, không phải giản đơn cho một con người cụ thể. Vì vậy phải qui định người ra tranh cử phải có cương lĩnh tranh cử cụ thể. Cương lĩnh đó phải khả thi, phải đáp ứng được nhưng mong mỏi người dân và được cử tri giám sát thực hiện. Có như vậy mới tăng cường sự phụ thuộc của người được bầu với cử tri.
3). Các hình thức vận động tranh cử nào được coi là hợp pháp? Thực tế các hình thức vận động tranh cử trên thế giới rất đa dạng. Để xác định hình thức vận động nào là hợp pháp, hình thức nào không cần tổ chức nghiên cứu các dạng thức vận động tranh cử ở các nước trên thế giới, từ đó hoàn thiện các qui định liên quan của Luật bầu cử ở Việt Nam.
4). Kết quả bầu cử phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động giám sát bầu cử. Dự thảo chưa làm rõ ai, thiết chế nào độc lập giám sát trước, trong và sau bầu cử? Khi có tranh chấp xảy ra, cơ chế khởi kiện được tiến hành ra sao, cử tri có được bầu cử bổ sung không?
Hội đồng bầu cử quốc gia có thể là một thiết chế phát huy tác dụng tốt nếu thiết chế này được thiết lập một cách độc lập, đảm bảo tính vô tư, liêm chính, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp và mang tính phục vụ. Muốn vậy, về mặt tổ chức, Hội đồng bầu cử quốc gia cần có văn phòng cố định, nhân viên hoạt động chuyên nghiệp. Về mặt tài chính, ngân sách của Hội đồng bầu cử quốc gia phải do Quốc hội phân bổ.
Bầu cử và hậu bầu cử
Nhiều người quan niệm rằng bầu cử xong là cử tri hết quyền. Thực ra không phải vậy, bầu cử là sự ủy quyền của cử tri, nhưng cử tri không mất quyền. Chế độ trách nhiệm đối với cử tri là linh hồn của bầu cử. Bầu cử xong, cử tri sẽ theo dõi người được bầu có thực hiện tốt cương lĩnh, lời hứa với cử tri hay không. Nếu hiểu bầu cử là sự lựa chọn, thì bất kỳ sự lựa chọn nào cũng có thể đúng hoặc không đúng.
Bởi vậy, thiết kế hệ thống bầu cử cần phải làm rõ chế độ trách nhiệm của Đại biểu đối với cử tri sau bầu cử, bằng cách một mặt đa dạng hóa các cách thức, biện pháp để cử tri giám sát Đại biểu, một mặt kiên quyết xử bãi nhiệm những đại biểu vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, không đại diện hoặc làm ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cụ thể hóa cơ chế cử tri bãi nhiệm Đại biểu khi Đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Tóm lại, bầu cử phải coi trọng các tiêu chuẩn định lượng khắt khe, đặc biệt phải đưa ra được chương trình hành động. Ngoài ra, bầu cử muốn được công bằng, khách quan và trung thực thì khâu giám sát bầu cử phải được qui định chặt chẽ cả trước trong và sau bầu cử. Hơn nữa, bầu cử là bầu cho chính sách do vậy phải làm rõ chế độ trách nhiệm của Đại biểu đối với cử tri sau bầu cử, giám sát chính sách đưa ra và việc thực thi chính sách đó ra sao sau khi được bầu.
Đúng như Điểm 3 Điều 21 Tuyên ngôn thế giới nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Ý chí của cử tri phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”. Qui định này đã cho thấy tầm quan trọng của việc bầu cử công bằng, chân thực trong việc quyết định vận mệnh, tương lai của một đất nước cũng như toàn bộ hoạt động xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét