Pages

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Tương Lai - Việt Nam bây giờ phải làm gì?

Việt Nam phải chuẩn thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là dự án thương mại toàn diện do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Thỏa thuận này sẽ cho phép nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn hội nhập với phần còn lại của thế giới công nghiệp, và điều đó sẽ dẫn đến xu hướng dân chủ hóa hơn nữa.

Quan trọng không kém, TPP gồm 12 quốc gia Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc, sẽ điều chỉnh lại các mối quan hệ địa chính trị trong khu vực, giúp ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông – một đóng góp quan trọng cho việc tái cân bằng chiến lược của Hoa Kỳ đối với Châu Á.

Việt Nam có gần 3.500 km bờ biển nhìn ra Biển Đông, một vùng biển quan trọng đối với thương mại quốc tế. Gần một phần ba lượng dầu thô của thế giới và hơn một nửa lượng khí tự nhiên hóa lỏng đi qua đây vào năm 2013. Tuyến đường này cũng là con đường ngắn nhất từ Tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, và một tuyến đường được nhiều lực lượng hải quân ưa chuộng, trong đó có Hoa Kỳ.

Nhưng Việt Nam không thể đóng vai trò địa chính trị quan trọng cho đến khi phát triển kinh tế toàn diện và tự do hóa hơn nữa về chính trị. Và việc áp dụng các điều kiện của TPP – như công đoàn tự do, giảm sự tham gia của nhà nước vào kinh tế, tính minh bạch nhiều hơn – sẽ giúp cho Việt Nam trên lộ trình đó.

Sau nhiều năm cô lập kinh tế, Việt Nam đã đạt được những bước tiến bộ đáng kể từ sau năm 1986, khi bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởn GDP cao nhất thế giới trong thời gian 1990-2010, đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 và kể từ đó đã ký kết nhiều hiệp ước thương mại quan trọng, là nước xuất khẩu gạo và cà phê đứng thứ hai thế giới trong năm 2013. Năm ngoái, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu của ASEAN sang Hoa Kỳ, hơn cả Malaysia và Thái Lan.

Nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu của sự phát triển, chính yếu dựa vào xuất khẩu và các ngành công nghiệp sử dụng sức lao động và giá trị gia tăng thấp. Việt Nam hiện nay có nguy cơ bị mắc kẹt vào mức thu nhập trung bình. Mức độ tăng trưởng GDP đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Việt Nam hiện đứng cuối bảng trong số các ứng viên TPP về phát triển kinh tế, với GDP bình quân đầu người khoảng 1.910 USD, so với Peru khoảng 6.660 USD, là nước có GDP thấp thứ hai.

Hiệp định TPP chỉ ra một con đường cho giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội thứ hai của Việt Nam. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong tháng 2, khi nhắc về TPP và những thỏa thuận thương mại khác: “Các thỏa thuận này đòi hỏi chúng ta phải cởi mở hơn. Vì thế, thị trường của chúng ta phải trở nên năng động và hiệu quả hơn”.

Chẳng hạn như, TPP có nghĩa là sự giảm bớt đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng may mặc Việt Nam vào các nước TPP khác, và điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng may mặc đối với các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Nhưng Điều luật về Xuất xứ của TPP cũng yêu cầu các vật liệu được sử dụng trong hàng thành phẩm xuất khẩu phải được sản xuất tại địa phương. Điều này sẽ buộc Việt Nam phải phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và mở rộng cơ sở sản xuất – cũng như giúp Việt Nam trở nên bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, là nước hiện đang cung cấp nhiều vật liệu sử dụng trong công nghiệp dệt may của Việt Nam.

TPP cũng đòi hỏi các thành viên chấp thuận công đoàn lao động tự do, quyền sở hữu trí tuệ và tính minh bạch trong luật lệ, quy định và hành động. Có lẽ có ý nghĩa nhất đối với Việt Nam là sự mong đợi rằng chính phủ của các nước TPP sẽ không ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước hoặc ngược lại cho phép chúng gây bất bình đẳng thương mại. Điều này có nghĩa là sẽ giảm thiểu đáng kể vai trò của các công ty như vậy ở Việt Nam.

Doanh nghiệp nhà nước độc chiếm phần lớn nền kinh tế – như ngân hàng thương mại, sản xuất năng lượng và giao thông vận tải – có ưu thế rất cao và thường là tham nhũng. Hạn chế ảnh hưởng của chúng rất có thể sẽ khởi động các cuộc đối đầu với một số đảng viên cao cấp có lợi ích tư tưởng và tài chính trong đó. Nhưng chính phủ hiện nay dường như có ý định làm như vậy, một phần là do sự thiếu hiệu quả của các công ty này.

Điều đó có nghĩa là hiện nay có vài trở ngại nội bộ trên con đường gia nhập TPP của Việt Nam. Chính phủ đã đồng ý cho phép sự hình thành các công đoàn lao động độc lập ở cấp nhà máy. Họ đã có những cố gắng mới đây để tuân theo các định mức nhân quyền quốc tế mà họ vẫn coi thường, phóng thích một số nhà hoạt động nổi tiếng và hạn chế việc bắt giữ những nhà bất đồng chính kiến. Họ cũng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, với cảnh sát thường xuyên khám xét các cửa hàng vi phạm luật bản quyền.

Rào cản chính duy nhất là sự ngăn cản từ Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng chống lại sự tái cân bằng chiến lược của Washington ở châu Á – chính sách mang tên xoay trục của chính quyền Obama – bằng cách thúc đẩy khu vực thương mại tự do của riêng họ, mời chào về một giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu thành lập một ngân hàng đầu tư của khu vực và đổ hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Họ cũng gây áp lực rất lớn lên các nhà lãnh đạo Việt Nam không cho tham gia TPP, giống như họ đã làm trước khi Việt Nam ký thỏa thuận WTO và thương mại song phương với Hoa Kỳ. Khi tin tức gần đây có vẻ chắc chắn rằng tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ công du Hoa Kỳ trong tháng 6, Bắc Kinh bất ngờ mời ông sang tham dự các cuộc họp cấp cao tại Trung Quốc trong tuần này.

Do các lý do kinh tế, chính trị và chiến lược khác nhau, Việt Nam không thể không tham gia TPP. Nhưng để tham gia, đòi hỏi các điều chỉnh cơ cấu khó khăn, và áp lực chống lại từ Trung Quốc sẽ gia tăng. Việt Nam cần và đáng nhận được tất cả các hỗ trợ có thể có được từ Hoa Kỳ. Sẽ cần phải có một nỗ lực đồng bộ mới có thể chống lại tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tác giả: Tương Lai

Người dịch: Trần Văn Minh


Ông Tương Lai, tên thật là Nguyễn Phước Tương, là một nhà xã hội học và đã từng là cố vấn hai đời thủ tướng Việt Nam. Bài viết này được Nguyễn Trung Trực dịch từ bản tiếng Việt.

(Theo Ba Sàm)

Không có nhận xét nào: