Pages

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

VN tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng việc phát hành trái phiếu sẽ cho phép VAMC có phương tiện mới để hoạt động
Chính phủ Việt Nam vừa tăng vốn điều lệ của Công ty Quản lý Nợ xấu (VAMC) lên gấp bốn lần, trong lúc giới chuyên gia đặt nghi vấn về tính hiệu quả của việc này.
Ngoài việc tăng vốn từ 500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng, VAMC cũng được bổ sung một số quyền khác, báo điện tử VnExpress đưa tin.

Theo đó, công ty này sẽ được hưởng một phần tiền theo tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thu hồi nợ xấu.
Bên cạnh đó, VAMC cũng có thể phát hành trái phiểu để mua nợ theo giá trị thị trường.
Theo số liệu mới nhất từ chính phủ Việt Nam, tính từ tháng 7/2013 đến nay, VAMC đã mua lại khoảng 123.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trả lời BBC ngày 8/4, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng VAMC sẽ vẫn gặp khó khăn dù có được tăng vốn điều lệ hay không.
"VAMC thì trước giờ có một số vốn điều lệ rất thấp trong khi trách nhiệm rất lớn", ông nói.
"Nhưng dù có tăng lên thì hoạt động cũng vẫn sẽ khó khăn, vì làm sao vốn điều lệ bằng hai ba trăm nghìn tỷ nợ xấu được."
"Việc tăng vốn điều lệ là một động thái để tạo điều kiện cho VAMC có thêm phương tiện và cho phép VAMC phát hành trái phiếu huy động vốn để giải quyết nợ xấu."
"Có thêm vốn thì tốt nhưng đó không phải là vấn đề mấu chốt để giải quyết vấn đề nợ xấu của Việt Nam."
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng việc phát hành trái phiếu có thể giúp VAMC có phương tiện mới.
"Hiện nay VAMC được quyền có trái phiếu đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước cấp cho trong thời hạn 5 năm và có thể trả trái phiếu đó cho các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC với lãi suất 0%", ông cho biết.
"Đó là một nguồn mà VAMC đã có sẵn trong tay, nhưng đó không phải tiền thật mà là tiền trái phiếu các ngân hàng có thể đem đến ngân hàng nhà nước để vay 70% trong giá trị đó."
"Đây cũng là một nguồn vốn cho VAMC làm việc."
"Giờ đây nếu VAMC phát hành trái phiếu và trả lãi suất trên trái phiếu, trả tiền tươi cho các ngân hàng để mua nợ xấu thì sẽ tạo ra hoàn cảnh mới, phương tiện mới cho VAMC làm việc."

'Chưa có tiền lệ'

Quy định mới trong Nghị định 34 sửa đổi cũng cho phép VAMC bán đấu giá tài sản đảm bảo các khản nợ xấu mà VAMC đã mua nếu không có thỏa thuận.
Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng việc bán đấu giá các tài sản đảm bảo này là "rất phức tạp".
"Nợ xấu bán đấu giá thì ai mua, dưới điều kiện nào? Các nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản mà luật đất đai của Việt Nam rất phức tạp, không phải ai cũng mua được, nhất là người nước ngoài", ông nói.
"Cái nợ xấu bán cho ai, bán như thế nào, điều kiện bán cho ai, mặt hàng nợ xấu đó chưa định rõ nội dung là gì, chất lượng ra sao, có thật sự mua bán được hay không?"
Cũng theo ông, VAMC hiện nay vẫn chưa có vai trò lớn trong việc giải quyết khối nợ xấu của Việt Nam.
"Vai trò của VAMC hiện nay chỉ mới là dọn nhà dùm các ngân hàng thương mại để các ngân hàng làm sạch báo cáo tài chính chứ chưa giải quyết được vấn đề gì cả."
"VAMC chỉ cần mua, các ngân hàng có trách nhiệm giải quyết nợ xấu trong thời hạn 5 năm bằng cách trích dự phòng mỗi năm 20%. Sau 5 năm mà VAMC không bán được nợ xấu thì sẽ trả lại ngân hàng và các ngân hàng tự giải quyết lấy."
"Cách giải quyết này độc đáo, chưa có tiền lệ và chưa biết kết quả thế nào".

Không có nhận xét nào: