Giới chuyên gia đặt nghi vấn trước chỉ số tăng trưởng GDP trong quý một của Việt Nam, vốn đã khiến một số lãnh đạo ngành ngạc nhiên.
Chỉ số tăng trưởng GDP trong quý một được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố trong phiên họp thường kỳ chính phủ hôm 1/4 là 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm trở lại đây.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được các báo trong nước dẫn lời nói: “Khi nghe tin tăng trưởng kinh tế quý một đạt 6,03%, quả thật là hơi giật mình.”
“Vì vừa hôm trước, chưa có số liệu chính thức, anh em chúng tôi đều hào hứng, phấn khởi, lạc quan nhưng với dự tính có lẽ GDP quý một chỉ 5,6%”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói ông “hơi choáng” khi nghe tin.
Hôm 3/4, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lý giải rằng điều này là do hai khu vực xây dựng và khu vực dịch vụ có mức tăng cao trong quý một.
Ông Lâm cũng nói đã "rà lại rất kỹ" sau khi có con số tăng GDP "khá đẹp" quý vừa rồi.
Nên thay cách tính?
Trả lời BBC ngày 3/4, Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng có thể cần phải thay đổi cách tính để có chỉ số tăng trưởng GDP sát thực tế hơn.
"Tháng Một thì thường người ta đi nghỉ lễ và số lao động quay trở lại các doanh nghiệp không được nhiều", ông cho biết.
"Giá dầu thì thấp, xuất khẩu giảm sút, khách du lịch giảm, mà chỉ số GDP lại tăng rất cao."
"Tổng cục Thống kế lý giải là do có ngành công nghiệp chế tác tăng lên."
"Nhưng tôi cho rằng nếu có thể thì cần phải có tính toán bổ sung độc lập."
"Tổng cục Thống kê họ tính theo số lượng sản xuất, còn nếu tình GDP theo cầu, tức là theo tiêu dùng, xuất khẩu thì sẽ rõ hơn."
"Đó là các vấn đề hy vọng trong thời gian tới các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ thêm."
Ông Doanh cảnh báo cách tính toán GDP không chính xác sẽ dẫn đến sự "ngộ nhận".
"Chính phủ sẽ nghĩ rằng thành tựu kinh tế của mình là lớn và chính sách kinh tế của mình ban hành ra đã có tác dụng tốt", ông nói.
"Điều này sẽ dẫn đến sự méo mó trong chính sách kinh tế, trong đầu tư và những đánh giá không chính xác về thực trạng xã hội và tác động của nó thì vô cùng tai hại".
Chênh lệch địa phương
Hồi tháng Tám năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định cách tính GDP của Việt Nam "không giống ai".
"Cáhc tính GDP của các tỉnh thành hiện nay không xác thực, không đúng thực tế", ông được dẫn lời nói tại một hội nghị về đầu tư tại Đà Nẵng.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết để giải quyết vấn đề này, chính phủ Việt Nam sắp tới sẽ giao cho Tổng cục Thống kê công bố GDP của địa phương.
"Hy vọng điều này sẽ giảm bớt tác động của chính quyền địa phương", ông nói.
"Vì chính quyền địa phương chỉ đạo chi cục thống kê địa phương về mặt nhân sự, về mặt đảng thì họ có khả năng tác động đến thống kê GDP".
"Chỉ số GDP được sử dụng để đánh giá thành tựu hoạt động của đảng bộ đó và nhất là năm nay là năm chuẩn bị đại hội nên người ta rất quan tâm tới chỉ số này".
"Hy vọng sắp tới đây Tổng cục Thống kê có thể tính toán độc lập và xây dựng các chỉ số một cách khách quan hơn."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét