Pages

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

LỊCH SỬ ÐÃ SANG TRANG

Cuộc Cách Mạng Hoa Lài phát xuất từ Tunisia như một trận cuồng phong tràn qua các nước Bắc Phi và Trung Ðông; khiến rất nhiều người so sánh cuộc Cách Mạng này với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 đã thay đổi bộ mặt thế giới. Nhưng cuộc Cách Mạng Hoa Lài chỉ có ý nghĩa đích thực khi nó đến Lybia.
Dân chúng Lybia khởi đầu cuộc Cách Mạng chống lại nhà độc tài “cùng hung cực ác” Gaddafi, ban đầu vẫn la cuộc cách mạng ôn hòa bất bạo động, nhưng với Gaddafi kẻ sẵn sàng tiêu diệt dân chúng đến người cuối cùng để bảo vệ quyền lực của mình. Gaddafi lại có quá nhiều tiền để thuê lính đánh thuê, có quá nhiều thế lực hải ngoại có thể binh vực cho ông ta khiến dân chúng phải dùng đến võ lực. Hơn nữa sự trả thù của Gaddafi vô cùng khốc liệt. Nếu không có sự can thiệp của Liên Quân Anh, Pháp Mỹ thì hôm nay Lybia đã và đang có cuộc tắm máu.

Ngày 17 tháng 3 năm 2011, ngày Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị Quyết 1973, cho phép thiết lập vùng cấm bay và nhất là “được phép áp dụng kmọi phương tiện cần thiết để bảo vệ thường dân” tại Libya. Nghị quyết này đã khai sinh một tiền lệ, một sự kiện lịch sử khiến cho cuộc Cách Mạng Hoa Lài được trọn vẹn, khiến cho cuộc Cách Mạng của dân chúng có sự bảo đảm không bị bạo lực của độc tài tiêu diệt. Vì thế, ngày 17.3.2011 là ngày khai tử những tên, những đảng độc tài toàn trị. Chỉ 2 ngày sau đó, Gaddafi đã nhận lãnh những hậu quả của biến cố vĩ đại này: không thể dùng bạo lực để giết thường dân, dù họ dưới quyền cai trị của mình.

Từ trước đến nay, các nước độc tài thường có câu nói ở cửa miệng: “không ai được can dự vào nội bộ các nước khác, không ai được xâm phạm vào chủ quyền của quốc gia khác”. Câu nói này đã được Việt Cộng cũng như các nước độc tài lập đi lập lại mỗi khi chúng vi phạm nhân quyền, bắt giam hoặc thủ tiêu những người lên tiếng binh vực quyền sống của mình. Cũng vì vậy mà “các quốc gia khác đã đứng ngoài nhìn vào sự tàn sát lương dân vô tội của “nhà cầm quyền” mỗi khi dân chúng trong nước vì quá bị bức bách phải đứng lên đấu tranh. Nhìn về quá khứ, hàng chục ngàn thanh niên sinh viên Hoa Lục đã bị tàn sát bởi chính những binh lính cùng một ruột (đồng bào) của họ mà cả thế giới khoanh tay đứng nhìn, cuộc tàn sát dân Miến Ðiện năm 2007, cuộc đàn áp đẫm máu dân Tân Cương của Hoa Lục năm 2009, cũng như dân chúng Uganda đã bị tàn sát dã man mà sau này cựu Tổng Thống Bill Clinton đã ân hận.

Tiến trình của cuộc Cách Mạng vĩ đại này như một sự tiền định mà ít ai nghĩ đến, kể cả những nước thù địch với các cuộc cách mạng mà chúng luôn luôn gọi là “phản động”. Biến cố đặc biệt đầu tiên là sự “bỏ phiếu trắng của Nga và Trung Cộng”, sự kiện thứ 2 là sự đồng thuận của Liên Ðoàn Á Rập, sự tận tình vận động và nhanh chóng can thiệp của Âu Châu, và sự kiện đáng quan tâm nhất là sự quyết định khôn khéo chính xác và đúng lúc của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Nga Sô là nước xuất cảng vũ khí hàng chục tỉ mỹ kim mỗi năm sang Lybia, Trung Cộng là nước nhập cảng dầu nhiều nhất từ Lybia. Hai nước này có truyền thống chống lại những quyết định quan trọng của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, thế mà trong dịp này lại bỏ phiếu trắng. Họ muốn Âu châu và Hoa Kỳ phải lâm vào tình trạng sa lầy như ở Afghanishtan và Iraq. Nếu Hoa Kỳ mà sa lầy ở Lybia nữa thì dân Hoa Kỳ sẽ nỗi loạn, hơn nữa, với sự “khùng điên” của Gaddafi, thế nào cũng tận dụng bạo lực để tiêu diệt những kẻ nổi dậy khiến cho những mầm mống nổi dậy ở Hoa Lục sẽ chết lúc còn trong trứng nước. Tin tưởng như vậy, Nga và Trung Cộng để cho Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 1973, mặc dù nghị quyết đó có ghi rõ những hàng chữ như dao găm “đâm thẳng vào trái tim của Trung Cộng: “những cuộc tấn công lan rộng có hệ thống chống lại thường dân đang diễn ra tại Lybia có thể trở thành tội ác chống nhân loại”. Và với sự sa lầy của Hoa Kỳ, họ sẽ là ngư ông đắc lợi. Nhưng họ đã lầm, hay là đã đến lúc tàn lụi của những chế độ độc tài. Từ nghị quyết 1973 chẳng những Liên Hiệp Quốc cứu được thường dân khỏi bị Gaddafi tắm máu mà còn đẻ ra một tiền lệ: chính quyền nào dùng bạo lực, vũ lực để tàn sát dân chúng sẽ bị trừng trị. Trước mắt là Trung Cộng bị trở ngại vì không nhập cảng được dầu của Lybia, Nga Sô mất mối lợi xuất cảng vũ khí và những quyền lợi khác, vì hiện nay, Liên Quân đã bao vây không cho Gaddafi nhập cảng vũ khí. Trung Cộng đã phải rút mấy ngàn nhân công khai thác dầu hỏa ở Lybia về và chưa biết bao giờ trở lại, chưa biết bao giờ được nhập cảng dầu của Lybia bình thường như trước. Dù bị thiệt thòi như vậy, dù khi dân chúng Lybia thắng lợi, chưa chắc những mối lợi của 2 nước này được “bình thường hóa” hay không, Nga Hoa vẫn phải “đứng về phía dân chúng” mà coi như chấp thuận nghị quyết của LHQ.

Liên Ðoàn Á Rập mà đa số dân chúng theo Hồi Giáo, luôn luôn chống lại sự can thiệp của “Tây Phương” vào đất nước họ, nhưng lần này, chính họ đã yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp, và chính sự đồng thuận của Liên Ðoàn Á Rập khiến cho Hoa Kỳ chấp nhận can dự vào Lybia đưa đến Nghị Quyết của LHQ. Sau này, Nga Sô, Trung Cộng và cả Liên Ðoàn Á Rập đều chỉ trích Quyết Nghị của Liên Hiệp Quốc đã bị thi hành không đúng. Nhưng, những lập luận đưa ra không qua được quyết nghị của LHQ: “lập khu cấm bay và dùng mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ thường dân”.

Những lần trước, mỗi khi Hoa Kỳ phải giải quyết vấn đề gì liên quan đến “quốc tế” các nước Âu Châu, ngay cả Anh và Pháp cũng cố trì hoãn, cố đứng về phía khác để làm khó dễ Hoa Kỳ, nhưng lần này, chính vì quyền lợi của Âu Châu nên chẳng những không làm eo với Hoa Kỳ mà còn tận tình vận động Hoa Kỳ tham gia “trước khi quá muộn”. Ðúng như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Liên, nếu Gaddafi mà “thắng lợi” thì chẳng những dân chúng Lybia, mà cả dân chúng Phi Châu, Á Rập cũng tràn sang Âu Châu tạo cho Âu Châu một gánh nặng quá sức mình, quân khủng bố lại lợi dụng trà trộn vào đoàn người tị nạn này để khủng bố phá hoại Âu Châu. Mới nghĩ đến đã thấy “méo mặt” nói chi đến lúc phải lãnh nhận hậu quả sự thất bại của dân chúng Lybia?

Dĩ nhiên, Hoa Kỳ, dù là “nợ như chúa chổm” vẫn là nước hùng mạnh nhất thế giới và cũng là nước bắt buộc phải can thiệp vào những vấn đề quốc tế. Nhưng lần này, cách hành xử “khó hiểu” của Tổng Thống Obama khiến cho người ta ở bên ngoài phải cho rằng Obama quá chậm, rồi Obama quá nhanh, Obama không hỏi ý kiến của Quốc Hội v.v… nhưng rốt cuộc, mọi người phải chấp nhận cách lãnh đạo của Tổng Thống Obama trong biến cố này thật chính xác, thông minh vừa có lợi cho dân chúng toàn cầu, vừa có lợi cho Hoa Kỳ, nhất là thoát khỏi cái bẫy sập sa lầy của Nga Hoa, tránh được sự phản đối, coi như thù nghịch của Liên Ðoàn Á Rập, và sự “biết ơn” của Liên Âu.

Ban đầu, Tổng Thống Obama đã tuyên bố Gaddafi phải ra đi, như lãnh đạo của Tunisia và Á Rập, nhưng không can thiệp mặc dù Anh và Pháp tận tình vận động. Tổng Thống Obama đợi Liên Ðoàn Á Rập yêu cầu mới ra tay. Tuy nghị quyết dùng những lời lẽ mơ hồ như được quyền dùng “mọi phương tiện” Tổng Thống Obama vẫn vạch ra mấy giới hạn: không đổ bộ binh vào Lybia, không lật đổ Gaddafi bằng quân sự, và nhượng quyền lãnh đạo “biến cố” này cho Liên Âu, nay là NATO. Hoa Kỳ có thể tùy tiện rút lui hay tiến tới.

“Không lật đổ Gaddafi bằng quân sự”, nhưng oanh tạc phá hủy kho chứa vũ khí, xe tăng, súng nặng và máy bay của Gaddafi, lại bao vây các hải cảng không cho Gaddafi nhập cảng vũ khí, đạn dược, chẳng những phong tỏa không cho Gaddafi dùng tiền riêng để mua vũ khí mà còn trích từ tiền của gia đình Gaddafi để giúp dân chúng mua vũ khí, thử hỏi Gaddafi làm sao “sống với thời gian” sắp tới? Thế nhưng Tổng Thống Hoa Kỳ không bao giờ gọi hành động nêu trên là “chiến tranh”, phải chăng một cuộc chiến tranh đúng nghĩa chỉ khi nào có bộ binh của một quốc gia ở trên lãnh thổ một quốc gia khác?

Súng phòng không cũng như máy bay của Gaddafi đã tê liệt, chưa có một phi cơ nào chống Gaddafi bị rơi vì súng phòng không, chưa có phi cơ nào của Gaddafi lên nghinh chiên hay bỏ bom thường dân. Ðạn dược của Gaddafi cạn dần. Tình trạng này sẽ làm cho binh lính trung thành với Gaddafi bỏ ngũ theo về với dân chúng. Gaddafi, một biểu tượng cho độc tài sẽ có 3 con đường, hoặc là lưu vong, hoặc là tự tử như Hitler, hoặc như cha con nhà độc tài Iraq, Saddam Hussein trốn chui trốn nhủi để rồi cũng chết. Thời gian bao lâu? Tính ngày, tính tháng hay tính năm? Chưa biết, Nhưng nếu Gaddafi khôn thì thương lượng để ra đi trước khi quá trễ, tuy nhiên, với tính nết của Gaddafi, khó hy vọng một người điên dễ dàng bình tỉnh trở lại.

Như trên đã nói, Nghị Quyết 1973 khiến cho các nước độc tài, hà khắc với dân chúng sẽ bị trừng trị một khi họ dùng vụ lực sát hại dân chúng. Ðây mới là kết quả đáng mừng cho nhân loại và đáng buồn cho Việt Cộng và Trung Cộng. Một khi dân chúng Hoa Lục nổi lên, sẽ không có nạn tắm máu, xe tăng Trung Cộng không thể cán bừa lên dân chúng. Quân đội và Cảnh sát của độc tài đảng trị sẽ không thể tàn sát dân chúng một khi họ nổi dậy.

Nhìn về Việt Nam, cuộc cách mạng Hoa Lài đang ngày một thành hình ở Hoa Lục và Việt Nam. “Nhà Cách Mạng Lão Thành Phản tỉnh” Tô Hải đem bạo lực của Trung Cộng ra đe dọa dân chúng Việt Nam với câu nói chưa đánh đã hàng: “Nên nhớ Trung quốc không bỏ một phần lãnh thỗ của họ”. “Nhà Cách Mạng Lão Thành” thứ 2, Nguyễn Minh Cần đe dọa sự tàn sát của Quân Ðội và Cảnh sát Việt Cộng “nếu không chuẩn bị chu đáo”, “nhà đặc công kiệt sức” Tú Gàn tức Lữ Giang, tức cựu thẫm phán Nguyễn Cần hăm dọa những ai đứng ra tổ chức cuộc nổi dậy sẽ bị Việt Cộng giết như “ông Năm ở giáo xứ Cồn Dầu”. Nay, với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, những lời hăm he, đe dọa nói trên còn hiệu lực hay không? Hỏi tức là trả lời.

Nếu một khi Trung Cộng vì “không bỏ một phần lãnh thổ của họ” mà can thiệp, nhảy vào cứu Việt Cộng, liệu LHQ có can thiệp hay không trước sức mạnh quân sự của Hoa Lục? Sự sống còn và phát triển của Hoa Lục là ở hải ngoại, nhờ xuất cảng quá múc sang Hoa Kỳ, nhờ nhập cảng nhiều nhiên liệu từ các nước khác, một khi Trung Cộng bị cấm vận, thử hỏi tình trạng Trung Cộng sẽ ra thế nào, có hơn tình trạng của Gaddfi hiện nay hay không? Dân chúng Hoa Lục có lợi dụng cơ hội cấm vận để nổi dậy hay không? Quân Ðội Việt Cộng có “trung với Ðảng” để tiêu diệt dân chúng hay không? Dù có dù không, dân chúng cũng được bảo vệ.

Cuộc Cách Mạng Hoa Lài đã là một luồng gió mạnh thổi bay các nhà độc tài toàn trị, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã bẻ gảy nanh vuốt của các nước độc tài và mở đường cho cuộc Cánh Mạng Hoa Lài toàn cầu phát triển, chấm dứt độc tài áp bức trên thế giới. Lịch sử đã sang trang.

KIÊM ÁI LÊ VĂN ẤN

Không có nhận xét nào: