Với nhận định đất nước Việt Nam bị chế độ bạo lực « có hậu thuẫn của ngoại bang » thao túng, hàng trăm công dân trong nước và người Việt hải ngoại vừa ra bản tuyên ngôn thành lập Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự.
Bản tuyên bố được công bố trên mạng điện tử ngày 22/09/20213 đưa ra giải pháp từ bỏ độc tài chuyển sang dân chủ một cách ôn hòa : kêu gọi đảng Cộng sản tôn trọng ý dân, tranh luận nghiêm túc và công khai, chủ động dân chủ hóa chế độ chính trị.
Tuyên ngôn của « Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự » nhấn mạnh đến bối cảnh trong thời gian qua xã hội công dân Việt nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ đóng góp ý kiến trên các vấn đề cốt lõi của đất nước : bảo vệ chủ quyền, sữa đổi hiến pháp, khát vọng dân chủ.
Trong danh sách đầu tiên có 130 nhà hoạt động dân chủ, trí thức, văn nhân nghệ sĩ, đảng viên đảng Cộng sản, cựu sĩ quan cũng như công dân bình thường khác.
Từ Huế, nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, một trong 130 người ký tên đầu tiên giải thích vì sao có bản tuyên bố đòi cải cách chính trị :
|
Ông Nguyễn Đắc Xuân : « (bản tuyên bố) sẽ được gởi lên tất cả các đại biểu Quốc hội, các vị trong chính quyền và đã đưa lên internet. Về phần tôi, tôi là một người kháng chiến, và cũng là một phật tử. Trong quan điểm Mác- xít cũng như trong Phật giáo thì có cái sự tiến hóa thay đổi. Không có cái gì tồn tại lâu dài, phải tiến hóa. Cái chính quyền của chúng tôi nó không thay đổi, không bắt kịp thời đại…. »
Từ Hà Nội, nữ kiến trúc sư Trần Thanh Vân kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam đừng coi thường những lời kêu gọi « nho nhỏ này » của xã hội dân sự nếu không muốn bị « sửng sốt » :
|
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân : « Tôi là một trong những người thuộc lớp trí thức đã lớn tuổi sống tại Hà Nội. Tôi thấy những năm qua, tình hình tự do ngôn luận, tự do làm việc và các quyền lợi công dân tối thiểu, đặc biệt của những trí thức yêu nước, cứ mỗi ngày bị sa sút. Cho nên là, khi các anh em bạn hữu gửi văn bản đến hỏi ý kiến tôi, thì tôi tình nguyện ký.
Khi tôi ký, thì tôi không dám nghĩ rằng người ta sẽ nghe theo. Bởi vì thứ nhất, tôi chẳng là cái gì cả, và thứ hai là số người ký cũng không có thể đại diện cho tất cả mọi người, tôi cũng không hy vọng là mình ký xong, thì người ta sẽ suy nghĩ, người ta sẽ chờn, người ta sẽ làm theo ý mình. Nhưng ít ra tôi cũng ký, để thể hiện quan điểm của tôi, là tôi đòi xóa bỏ những chuyện bất công, vô lý đã diễn ra ở xung quanh mình.
Và thực sự lúc này tôi cũng đã lớn tuổi rồi, tôi cũng không hoạt động xã hội, và càng không hoạt động chính trị, nhưng tôi nghĩ, nếu như những con người, những anh em, bạn hữu, những người hiểu biết, có suy nghĩ đúng đắn, có tư cách đứng đắn mà được tham gia hoạt động chính trị, hoạt động xã hội, thì xã hội sẽ ngày một tốt hơn.
Nhưng mà những cái đó hiện nay cũng rất là hạn chế. Những quyền đó tập trung vào một số người, mà chúng tôi thực sự không muốn nhắc đến họ, bởi vì nhắc đến họ mình có thể cảm thấy những lấn cấn đau lòng, không muốn nói.
Cái việc ký nó cũng đơn giản vậy thôi. Nhưng ít ra mình cũng thể hiện được quan điểm của mình.
Và tôi cũng nói rằng, tôi cũng không hy vọng từ đó người ta thay đổi đâu. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng người ta cũng sẽ suy nghĩ là người ta làm mất lòng dân, làm mất lòng tầng lớp trí thức – đại diện cho tiếng nói của dân, thì người ta sẽ còn mất nhiều thứ nữa.
Tôi cũng rất tin là, những cái mà người ta coi thường, thì người ta cũng có lúc sửng sốt, vì người ta đã nhỡ coi thường những tiếng nói nho nhỏ như của chúng tôi ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét