Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Hoa Kỳ nhắc nhở Trung Quốc về nguyên tắc không gây sự tại Biển Đông

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) vui vẻ bên đồng nhiệm Mỹ
 John Kerry trước cuộc họp song phương tại Bộ Ngoại giao Mỹ
ở Washington ngày 19/09/2013.   
REUTERS/Jonathan Ernst
Trọng Nghĩa
Dù bận rộn vì hồ sơ Syria, ngành ngoại giao Hoa Kỳ vẫn không quên Biển Đông. Vào hôm qua, 26/09/2013 tại New York, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã có một cuộc tiếp xúc trong khoảng một tiếng đồng hồ với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị. Theo một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ, nội dung thảo luận giữa hai bên rất dầy đặc, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Phát biểu với báo giới, Quan chức Ngoại giao Mỹ xin giấu tên đó cho biết là hai ông John Kerry và Vương Nghị đã đề cập đến nhiều hồ sơ quốc tế và khu vực như Syria, Iran, Bắc Triều Tiên, Biển Đông. Hai bên cũng thảo luận về nhân quyền tại Trung Quốc và về các vấn đề liên quan đến công dân Mỹ và lợi ích của Mỹ ở Trung Quốc.
Riêng về Biển Đông, theo viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ, cả hai Ngoại trưởng đều công nhận rằng hồ sơ này sẽ là một chủ đề thảo luận của lãnh đạo các nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp mở ra tại Brunei. Cả hai cũng ghi nhận một số dấu hiệu tiến bộ sau các cuộc họp được tổ chức trong vài tuần lễ qua giữa Trung Quốc và ASEAN.
Tuy nhiên, theo nguồn tin trên, Ngoại trưởng John Kerry đã nhấn mạnh quan điểm của Mỹ theo đó có một điều quan trọng mà tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông phải thực hiện : Làm rõ yêu sách chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế.
Ông John Kerry đã tái khẳng định lập trường của Mỹ là cách ứng xử của các bên trong vùng tranh chấp phải cẩn trọng và không được mang tính chất đe dọa, là Hoa Kỳ tha thiết kêu gọi các nước chỉ nên sử dụng các phương tiện ngoại giao và hòa bình để giải quyết bất đồng.
Cách nay một tuần, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã đón tiếp đồng nhiệm Trung Quốc tại Washington để bàn về hồ sơ Syria. Vào khi ấy, ông đã xác định rằng Mỹ cần tăng cường quan hệ với Trung Quốc, sao cho không bị « rơi vào bẫy nhìn nhau như đối thủ chiến lược…, thảo luận thẳng thắn về các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là khi hai bên bất đồng ý kiến, không để cho hiểu lầm dẫn đến tính toán sai lầm ».

Không có nhận xét nào: