Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái trong tranh chấp biển đảo


BienDong.Net: Ngày 9.9, một máy bay không người lái của Trung Quốc đã xuất hiện trên vùng trời thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải cho máy bay chiến đấu lên ngăn chặn.

Sự kiện ầm ĩ dư luận này có thể là màn dạo đầu của một sách lược mới của Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và thực hiện tham vọng kiểm soát đại dương.

Theo mạng tin tình báo Stratfor, Trung Quốc quyết định ưu tiên chương trình UAV vì hai lý do an ninh và kinh tế. Về kinh tế, với giá thành rẻ hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Mỹ, Trung Quốc hi vọng trở thành nhà cung cấp UAV chủ yếu trên thế giới trong bối cảnh rất nhiều nước với nguồn kinh phí hạn hẹp quan tâm đến sản phẩm này. Richard Fisher, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu 2 mẫu UAV có vũ trang là Yi Long và CH - 3 cho UAE và Pakistan. Chính phủ UAE mua Yi Long, còn mẫu CH - 3 nhỏ hơn đã được bán cho Pakistan. Fisher cho biết ông lo ngại Trung Quốc sẽ bán CH - 4 mới và lớn hơn cho Iran.

"Trung Quốc sẵn sàng bán công nghệ máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) cho các quốc gia có liên hệ với các tổ chức khủng bố có nghĩa rằng bọn khủng bố có thể sớm có một công cụ khác nguy hiểm hơn nhiều để tấn công Hoa Kỳ", chuyên gia này nói.
Về mặt an ninh, UAV đã và đang được sử dụng trong việc tuần tra Biển Đông và Hoa Đông, cho phép TQ duy trì sự hiện diện tại các vùng biển tranh chấp và đóng vai trò trong chiến lược chống đột nhập/tiếp cận của hải quân nước này.
alt
Một máy bay UAV Yi Long của Trung Quốc
Các nguồn tin tình báo cho biết TQ đang phát triển nhiều loại UAV - từ những thiết kế để bay tầm cao trong khoảng thời gian dài giống như Global Hawk của Mỹ, đến những thiết kế nhỏ gọn như Raven. Ngoài ra, TQ đã có các loại UAV tương tự như Predator và Reaper của Mỹ với tên gọi Yilong/Wing Loong và loại cỡ nhỏ như ASN - 15. Các máy bay không người lái của Trung Quốc giờ đây đã có khả năng bay xa hơn, cao hơn với độ ổn định được nâng cao hơn trước rất nhiều. Trung Quốc cũng đang ráo riết xây dựng một mẫu UAV tàng hình có khả năng tấn công (UCAV) và hoạt động gần như một chiếc tiêm kích phản lực. Mẫu UCAV này gần như giống chiếc máy bay hình cánh dơi có tên X - 47B đang được Không quân Mỹ phát triển và thử nghiệm. UCAV của Trung Quốc dự kiến sẽ có phạm vi hoạt động tới đảo Guam của Mỹ, cách bờ biển Trung Quốc 2.900 km, giúp mở rộng tầm hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng có khả năng sử dụng UAV để nhắm mục tiêu và hướng dẫn tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong DF - 21D để tấn công các tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách hơn một ngàn dặm từ bờ biển của Trung Quốc.
Richard Fisher, thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế, cho biết nguyên mẫu UCAV đầu tiên được hoàn thành tại tập đoàn sản xuất máy bay Hongdu Trung Quốc vào giữa tháng 12/2012 và có thể cất cánh từ tàu sân bay. "Điều này có nghĩa rằng các nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế hệ thống “chống tiếp cận từ xa” của PLA như hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF - 21D, có thể sớm bị phá sản bởi một UCAV trên tàu sân bay mới của Trung Quốc", Fisher nói.
Trung Quốc hiện đã có khoảng 25 loại máy bay không người lái các kiểu tự sản xuất, trong đó máy bay tác chiến không người lái hạng nhẹ chủ yếu cung ứng cho Lục quân, sử dụng cho mục đích do thám, máy bay không người lái cỡ lớn hơn một chút được triển khai ở các sân bay Không quân. Căn cứ không quân trang bị máy bay không người lái hiện nay được bố trí ở 3 tỉnh và khu vực. Tháng 8.2013 Cục hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết đến năm 2015, Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động 11 căn cứ UAV tại tất cả các tỉnh duyên hải.
Trong vòng hai chục năm qua, sản lượng máy bay không người lái của Trung Quốc tăng mạnh, hiện có khoảng hơn 280 chiếc. Vài năm gần đây, mức độ gia tăng rất nhanh, chỉ trong vòng hơn 1 năm số lượng UAV đã tăng gấp đôi. Dư luận cảnh báo rằng trong tương lai gần, TQ có thể sử dụng UAV trong tranh chấp biển đảo cũng như trong tác chiến tiêu diệt mục tiêu ở trong lãnh thổ của nước khác.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc triển khai máy bay không người lái trên quy mô lớn cho thấy quân đội nước này ngày càng đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với vị thế thống trị của quân đội Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Trong tương lai, UAV có thể trở thành một trong những lực lượng tấn công chính của Quân đội Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, gia tăng mối đe dọa đối với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, trong đó có Việt Nam, Nhật, Ấn Độ và Philippines.
Tham vọng của Trung Quốc đối với chương trình UAV đang thực sự gây lo ngại cho các nước láng giềng. Hãng tin NHK dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu xem xét một kế hoạch bao gồm cả việc bắn hạ máy bay do thám nước ngoài nếu nó xâm phạm không phận và đe dọa an ninh quốc gia. Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng do cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điều Ngư, truyền thông Nhật Bản nói rằng chính phủ mới ở Tokyo muốn mua các máy bay không người lái thuộc loại tiên tiến của Mỹ có khả năng phát hiện các cuộc tấn công tên lửa từ Triều tiên và Trung Quốc. Các chương trình UAV của Nhật cũng đang được phát triển và dự kiến được triển khai vào năm 2020.
Hiểm họa chương trình UAV của Trung Quốc không chỉ ở chỗ nó đang được sử dụng làm vũ khí trong cuộc tranh đoạt chủ quyền biển đảo. Một báo cáo của Viện Dự án 2049 cho rằng “Với tinh thần “sẵn sàng khiêu khích và đẩy xung đột bùng nổ nhằm dễ bề sử dụng sức mạnh quân sự”, Trung Quốc sẽ sử dụng UAV để khiêu khích các nước láng giềng và chỉ cần 1 chiếc UAV bị tấn công cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn”.
BDN (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: