Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

'Ảnh hưởng của Mao không còn nữa ở VN'

Mao Trạch Đông
Mao Trạch Đông đã có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc và khu vực
Ảnh hưởng của Mao Trạch Đông và học thuyết Mao-ít của ông về cơ bản không còn nữa, ngoại trừ ở một số người được cho là 'ngu muội' ở Việt Nam, theo ý kiến của nhà quan sát từ Hà Nội.

Việt Nam đã có sự tiếp thu và quan sát chọn lọc chủ thuyết Maoist, từ trong chính trị cho tới đường lối văn hóa văn, văn nghệ, các ý kiến cho hay thêm.
Mao được cho là có tầm tư tưởng chủ yếu tác động ở Trung Quốc và khu vực, với nhiều thành tố của chủ nghĩa Mao-ít chịu tác động của mô hình Stalin, vẫn theo các ý kiến đánh giá.

Trước hết, trong trao đổi với BBC hôm 20/12/2013, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc hồi thập niên 1990 nói:
"Mao Trạch Đông bây giờ ảnh hưởng với Trung Quốc rất ít rồi, Trung Quốc còn cần, giương ra những lúc lợi, còn đối với Việt Nam, hầu như không có ảnh hưởng gì nữa, trừ một số rất ít kẻ ngu muội ở Việt Nam."
"Ngay ở trong nội bộ Trung Quốc đối với Mao Trạch Đông còn có ý kiến thế này, thế khác, và nói chung xu thế không thích, không muốn kỷ niệm ông ta to."
"Việt Nam sớm thấy những cái quá khích, khiến nhân dân Trung Quốc chết hàng mấy triệu người"
Ông Dương Danh Dy
Ông Dy cho hay Việt Nam từ sớm đã nhận thấy một số kinh nghiệm của Trung Quốc thời của cố Chủ tịch Mao là 'không phù hợp' để tiếp thu. Ông nói:
"Nhân dân Việt Nam sớm thấy những cái quá khích, quá chớn, không biết dùng từ như thế nào về Mao Trạch Đông, từ cái gọi là 'Nhảy vọt lớn', rồi đến 'Công xã nhân dân', rồi 'Ba năm thiên tai' nhân dân Trung Quốc chết hàng mấy triệu người,

'Giúp đỡ to lớn'

Tuy nhiên, nhà ngoại giao thừa nhận Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc và coi đó là đóng góp của Trung Quốc thời Mao với chính quyền cộng sản Việt Nam:
"Việc chiến đấu của bộ đội Việt Nam, có rất nhiều kinh nghiệm chúng tôi học được từ Trung Quốc, nhưng sau này chúng tôi phát triển lên. Phải nói thẳng Trung Quốc cũng giúp chúng tôi những thứ đó và một số vũ khí của Trung Quốc giúp chúng tôi cũng rất hữu hiệu,
"Chẳng hạn trong chiến dịch diệt xe tăng, thiết xa vận của Mỹ ở miền Nam, các bạn Trung Quốc trang bị cho chúng tôi B40, cái đó chúng tôi không bao giờ quên ơi, chúng tôi không phủ định những sự giúp đỡ thiết thực, to lớn của nhân dân Trung Quốc cho chúng tôi."
Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh
Học thuyết đề cao quyền lực độc tôn vẫn là bài toán khó giải chỉ riêng cho Trung Quốc
Đánh giá về đóng góp trên bình diện tư tưởng của ông Mao Trạch Đông, hôm thứ Sáu, Giáo sư Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy ở Hà Nội nói:
"Mao là khởi đầu một thế hệ gọi là cách mạng dân chủ của Trung Quốc, thực ra trước đó có Tôn Trung Sơn, nhưng phong trào dân chủ mới lấy nông dân làm nòng cốt của Đảng và công - nông,"
"Người ta lấy Mao Trạch Đông làm thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai là Đặng Tiểu Bình, thứ ba là Giang Trạch Dân, thứ tư là Hồ Cẩm Đào và hiện nay là Tập Cận Bình,
"Bây giờ Trung Quốc đang tiếp tục cải cách và hội nhập. Nếu mà nói công bằng, vai trò của ông Mao là người đặt nền móng, là người có công mở ra phong trào dân chủ kiểu mới theo hướng đề cao nông dân."
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng lý luận của ông Mao hạn chế hơn so với Lênin hay Stalin.
Giáo sư Hợp đưa ra so sánh: "Về mặt lý luận mà nói, trước đây thời Liên Xô cũ, người ta đánh giá lý luận là Lênin, Stalin, còn tư tưởng là ông Mao Trạch Đông, Cụ Hồ ngày xưa chỉ được đánh giá là đạo đức Hồ Chí Minh..."
Ông cũng cho rằng Mao chỉ là người có 'tầm tư tưởng' mà không phải là 'nhà lý luận' như Marx hay Lenin, thậm chí Stalin.

'Chỉ tầm khu vực'

Giáo sư Hợp giải thích:
"Cách phân loại đó đề xuất ra nguyên lý, hay nguyên tắc, tầm là tầm cơ sở lý thuyết, còn cái này chỉ là tầm vận dụng cho khu vực, hàm ý là ông Mao chỉ vận dụng cho Trung Quốc hay cùng lắm là cho các nước đang, kém phát triển."
Về di sản của ông Mao với thế giới cộng sản tới ngày nay, Giáo sư Hợp cho rằng ảnh hưởng học thuyết Maoist có những hậu quả không dễ đánh giá.
Ông nói: "Chủ nghĩa Mao chỉ là một biểu hiện của mô hình Xô-Viết, nó phương Đông hóa mô hình Xô-viết, mô hình này có một số đặc trưng, trong đó đặc trưng cơ bản nhất người ta muốn nhấn mạnh là chế độ độc tài,"
Trung Quốc
Trung Quốc sẽ tổ chức 120 năm sinh cho ông Mao nhưng có chừng mực
"Độc tài, nhưng được che đậy, ngụy trang, đó là chỗ khó nhất, vì được che đậy bằng những từ ngữ như 'dân chủ' và kể cả pháp luật, 'dân chủ' nhưng thực chất không phải vậy, cái này khó về mặt lý luận, cũng như về mặt bằng chứng thực tiễn, rất khó khăn, không đơn giản. Cuộc đấu tranh chắc là lâu dài."
Về phần mình, cũng hôm thứ Sáu, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân từ Hà Nội nhìn vào di sản của chủ nghĩa Mao từ góc độ tác động tư tưởng văn hóa, văn nghệ.
Ông nói: "Tư tưởng văn nghệ của ông Mao Trạch Đông, nó cũng giống như Stalin, một trong những người đi trước và ít nhiều là khuôn mẫu của ông ấy,
"Khi giành được chính quyền, thì văn nghệ cũng phải trở thành một bộ phận nằm trong sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và nhà văn phải trở thành gần như là công chức của chế độ và hành động như môt bánh xe, thậm chí, như một nhân tố vận động thuận chiều với bộ máy ấy, chứ không phải là người sáng tạo tự do."
Nhà phê bình nói việc hội nhà văn ở Trung Quốc hiện vẫn còn hoạt động như một thứ 'Tổng cục văn nghệ' hay báo chí tư nhân 'bị hạn chế' vẫn còn là di sản từ thời Mao và di sản này cũng được thấy ở một số quốc gia trong khu vực.

Không có nhận xét nào: