Mathew Lee (Associated Press) Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
Ông Kerry chỉ trích Trung Quốc, công bố trợ giúp của Hoa Kỳ về an ninh hàng hải cho Đông Nam Á, trong tình trạng căng thẳng.
Ông Kerry tuyên bố Việt Nam cần chứng tỏ tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và tự do. Không có những cải tổ như vậy, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ rất có thể chống lại giao ước với Việt Nam, bao gồm cả việc gia nhập của Việt Nam vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và việc thi hành hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự.
Hình (AP): Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại buổi họp báo tại Hà Nội vào ngày 16-12-2013.
Hà Nội, Việt Nam – Nhắm rõ ràng vào sự gây gỗ ngày càng gia tăng trong các cuộc tranh chấp về lãnh thổ của Trung Quốc đối với những quốc gia láng giềng nhỏ bé, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố vào ngày thứ Hai rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường trợ giúp về an ninh hàng hải cho Đông Nam Á trong tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng với Bắc Kinh.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên với tư cách một nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ, Ông Kerry hứa trợ giúp thêm 32.5 triệu Mỹ kim cho những thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á để bảo vệ lãnh hải của những nước này và sự tự do lưu thông trong Biển Hoa Nam, nơi mà bốn quốc gia tranh chấp với Trung Quốc. Bao gồm trong trợ giúp mới này là một ngân khoản lên tới 18 triệu Mỹ kim riêng cho Việt Nam để sở hữu năm chiếc tầu tuần tiểu chạy nhanh dành cho Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải. Ông Kerry nói với sự đóng góp mới, trợ giúp về an ninh hàng hải của Hoa Kỳ dành cho khu vực sẽ vượt quá 156 triệu Mỹ kim trong hai năm tới.
Ông Kerry nói rằng viện trợ mới không phải là một “phản ứng cấp thời đối với bất cứ một biến cố nào ở trong khu vực” nhưng là một trợ giúp “gia tăng dần dần và cân nhắc” nằm trong một quyết định rộng lớn hơn liên quan đến kế hoạch chuyển hướng về Á châu và Thái Bình Dương của chính phủ Obama. Tuy nhiên, Ông Kerry có những lời bình luận này sau khi Washington và Bắc Kinh đã trao đổi những lời lẽ chua cay về việc hai chiến hạm của Hoa Kỳ và Trung Quốc suýt đụng nhau ở Biển Hoa Nam trước đây chỉ có 11 ngày.
Vào cuối tháng 11, Trung Quốc công bố việc thiết lập vùng bảo vệ trên Biển Hoa Đông, khu vực hàng hải giữa Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản. Tất cả những phi cơ bay vào vùng này phải thông báo trước cho giới chức có thẩm quyền, và Trung Quốc sẽ thi hành những biện pháp không nói rõ để chống lại những kẻ không tuân theo. Những quốc gia lân cận và Hoa Kỳ đã nói rằng họ sẽ không công nhận vùng mới – mà mục tiêu là đòi chủ quyền trên vùng tranh chấp – và vùng mới này đã gây ra căng thẳng một cách không cần thiết. Trung Quốc cũng đã xác nhận rằng họ có quyền thiết lập một vùng tương tự trên Biển Hoa Nam, nơi mà Trung Quốc và Phi Luật Tân đang lâm vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài khác.
Ông Kerry nói với những ký giả tại một cuộc họp báo với Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh rằng “Hòa Bình và ổn định trong Biển Hoa Nam là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ và những quốc gia trong vùng. Chúng tôi rất lo ngại và phản đối mạnh mẽ những chiến thuật ép buộc và gây hấn để tiến hành những đòi hỏi lãnh thổ.”
Trong khi nhấn mạnh lập trường trung lập của Hoa Kỳ về những tranh chấp lãnh thổ, Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc và Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) hãy nhanh chóng đồng ý về nguyên tắc ứng xử có tính cách ràng buộc về Biển Hoa Nam và để giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình qua những thương thuyết.
Sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc – bao gồm việc thiết lập vùng phòng không ở Biển Hoa Đông – đã làm nhiều nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á hoảng sợ, gồm Việt Nam và Phi Luật Tân mà Ông Kerry sẽ viếng thăm vào ngày Thứ Ba.
Ngoài ra, Ông Kerry đã minh xác rằng sự viện trợ nhắm giúp những quốc gia Đông Nam Á bảo vệ lãnh hải của họ chống sự xâm phạm. Sau khi công bố như thế, ông đã sự chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc về việc tạo dựng vùng phòng không mới và Trung Quốc có thể làm như thế ở Biển Hoa Nam. Như thế hầu như chắc chắn ông sẽ làm cho Bắc Kinh giận dữ vì cho rằng Hoa Kỳ đã can thiệp vào những lãnh vực liên quan đến những “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc.
Trung Quốc và Việt Nam tham dự trận chiến biên giới đẫm máu vào 1979 và vào năm 1988 một cuộc hải chiến gần những hòn đảo tranh chấp ngoài biển đã làm 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng. Từ đó, những vụ tranh chấp về quyền đánh cá trong vùng đã thỉnh thoảng gây ra những vụ xô xát bạo lực và gia tăng căng thẳng ngoại giao.
Ông Kerry có những lời lẽ gay gắt về khu vực phòng không mới tại Biển Hoa Đông. Ông nói khu vực này “rõ ràng gia tăng rủi ro về một tính toán nhầm lẫn nguy hiểm hay một tai nạn.” Điều này có thể đưa tới cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản về một chuỗi đảo nhỏ mà mỗi nước đều đòi quyền sở hữu.
Ông Kerry tuyên bố Hoa Kỳ “rất lo ngại về những hành động gần đây đã làm sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng và chúng tôi đòi hỏi tăng cường những sự thương lượng và sáng kiến ngoại giao.”
Ông Kerry nói tiếp “Khu vực [phòng không] không nên thực hiện, và Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương tương tự ở nơi khác, đặc biệt trong vùng Biển Hoa Nam.” Ông Kerry nhắc lại rằng những biện pháp như thế không ảnh hưởng đến những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở trong vùng.
Bắc Kinh xem toàn vùng Biển Hoa Nam và những chuỗi đảo trong biển này là của Trung Quốc và giải thích luật quốc tế cho phép Trung Quốc quyền cảnh sát hoạt động của hải quân ngoại quốc ở đây. Hải Quân Trung Quốc hoạt động thường xuyên hơn ở Biển Hoa Nam và quanh Nhật Bản trong chương trình phát triển hải quân cho vùng biển sâu.
Căng thẳng nổi bật lên vào đầu tháng này khi một chiến hạm Trung Quốc gần đụng vào một tuần dương hạm của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Nam. Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói chiến hạm USS Cowpens đang hoạt động trong hải phận quốc tế và đã phải vận hành để tránh đụng hàng không mẫu hạm duy nhất Liaoning của Trung Quốc vào ngày 5/12.
Tuy nhiên, báo Global Times của Trung Quốc tường thuật vào ngày Thứ Hai rằng chiến hạm của Hoa Kỳ trước tiên quẫy nhiễu Liaoning và nhóm tầu hộ tống, đến quá gần cuộc diễn tập của Hải Quân Trung Quốc và xâm nhập vào “vùng phòng thủ” 30 dặm (miles) của hạm đội Trung Quốc.
Song song với việc thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải, Ông Kerry, trong lần viếng thăm Việt Nam thứ 14 kể từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, đã áp lực các viên chức Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị và cải thiện hồ sơ nhân quyền, đặc biệt về tự do tôn giáo và Internet. Ông nói Hoa Kỳ hài lòng về những cải thiện giới hạn nhưng “Việt Nam cần chứng tỏ tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và tự do, bao gồm tự do tôn giáo, tự do phát biểu và tự do hội họp.”
Ông Kerry nói không có những cải tổ như vậy, những thành viên của Quốc Hội sẽ rất có thể chống lại giao ước với Việt Nam, bao gồm cả việc gia nhập của Việt Nam vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và việc thi hành hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự vừa mới được hoàn tất.
Ông Kerry nói thêm rằng ông đã nêu lên những trường hợp tù nhân chính trị cụ thể và đã có một sự trao đổi “rất thẳng thắn và lành mạnh.”
Ngoại Trưởng Minh nói rằng có những khác biệt giữa Hà Nội và Washington về nhân quyền nhưng những khác biệt này sẽ được bàn đến qua đối thoại.
Ông Kerry nói những cải tổ về kinh tế thị trường tự do cũng sẽ quan trọng đối với quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như giúp cho Hà Nội tiếp nhận tất cả những lợi ích của chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang thương thuyết với 11 nước Á châu và Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam.
Ký giả Chris Brummitt của AP đóng góp vài bài tường thuật này.
16-12-2013
Mathew Lee (Associated Press)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét