Pages

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Sẽ giao dịch vàng miếng ra sao?

Vũ Hoàng- RFA
2011-06-23
Dự thảo nghị định “Quản lý kinh doanh vàng” sau 20 lần chỉnh sửa đã được trình chính phủ xem xét. Theo đó người dân vẫn được mua, bán vàng miếng nhưng phải giao dịch tại các ngân hàng và doanh nghiệp được cấp phép. Việc này có lợi ích gì?

AFP photo
Giao dịch vàng ở Hà Nội- AFP photo


Vẫn kinh doanh nhưng hạn chế
Song song với việc thống nhất chỉ có một phương tiện thanh toán duy nhất trong nền kinh tế là tiền đồng Việt Nam, để ổn định kinh tế vĩ mô, chính phủ Việt Nam cũng áp dụng các biện pháp nhằm chống “đô la hoá” và “vàng hoá”

Ngay từ những ngày đầu, tuy mới chỉ trên giấy tờ, nhưng việc cấm kinh doanh vàng miếng đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho đến người dân. Khi đồng Việt Nam quá yếu, lạm phát cao, thì đương nhiên để bảo toàn tài sản, vàng vẫn là ưu tiên lựa chọn của người dân, mà nhất là văn hoá của người phương Đông vẫn coi trọng việc cất trữ vàng như một biện pháp phòng thân.


So với các dự thảo trước đây, điểm thay đổi rõ nhất lần này là người dân được quyền mua bán vàng miếng tại các ngân hàng và doanh nghiệp được cấp phép, khác với ý niệm trước đây là người dân chỉ được bán chứ không được mua. Tuy nhiên, việc mua vàng miếng của người dân chỉ được dành cho mục đích dự trữ. Sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán sẽ bị coi là hành vi vi phạm.

Cũng theo bản dự thảo, kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động được gọi là “hạn chế kinh doanh”, nghĩa là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Còn hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, dự thảo cũng cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẽ không độc quyền sản xuất vàng miếng, nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện cũng sẽ được sản xuất vàng miếng chứ không bị cấm hoàn toàn.

Ý kiến doanh nghiệp
Hiện tại dự thảo đang được gửi đến các Bộ ngành và các tổ chức có liên quan để lấy ý kiến trước khi trình lên Chính phủ chậm nhất vào cuối tháng sáu này. Chúng tôi liên lạc với Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam, được ông Chánh Văn phòng Trung ương Hiệp hội cho biêt:


"Trước đây Nghị định của Chính phủ không phải là không cho kinh doanh, mà là tạm thời đóng cửa để khi nào hoàn thành hành lang pháp lý thì cho tiếp tục hoạt động thôi. Bởi vì hoạt động của thị trường vàng chưa hoàn chỉnh, chứ không phải cấm đâu. Hoàn chỉnh hành lang pháp lý, tức là có một quy chế, một nghị định ra để hoạt động vàng miếng, hoạt động trên sàn giao dịch vàng, hoạt động vàng trên tài khoản có một hàng lang pháp lý, lúc đó mới hoạt động tiếp. Thời gian vừa qua vẫn tiếp tục giao dịch vàng miếng, chứ có phải dừng hẳn đâu, vẫn ngấm ngầm không công khai thôi"


Do mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến, trước khi trình lên Chính phủ để có Nghị định chính thức, nên tất cả mọi giao dịch vàng miếng cũng như vàng trang sức vẫn diễn ra bình thường. Điều mà nhiều người quan tâm là liệu dự thảo này sẽ đem lại hiệu quả ra sao hay vẫn cứ lặp đi lặp lại mãi chuyện chỉnh sửa mà không có một văn bản chính thức quy định.

Trao đổi với chị Hồ Thị Phúc, Tổng công ty Đá quý và Vàng Hà Nội, chị cho biết về tình hình hoạt động giao dịch vàng miếng vẫn chưa có gì biến động và sau lần cấm bán vàng miếng gần đây, thì cũng chưa thay đổi gì nhiều, chị cho biết:

"Thực ra ở nhà hoạt động vẫn bình thường, hôm qua người ta có nói là muốn hướng về cho các ngân hàng và các công ty tư nhân được phép nhà nước kinh doanh, vẫn mua bình thường, vẫn bán bình thường. Ngày xưa, Chính phủ có dự định là cấm bán vàng miếng, nhưng mà không có văn bản nào hướng dẫn thực hiện cả, nói chung là chưa có gì thay đổi hết, mới chỉ là trên dự định, nhưng chưa thực hiện được, nên vẫn mua bán bình thường. Hướng của mình cũng là giống như đồng đô la, muốn các ngân hàng không bán trôi nổi nữa, nhưng vàng thì chưa làm được điều đó. Thứ hai là không biết có làm được điều đó không nhưng bây giờ thì cũng chưa có Nghị định hướng dẫn để mà ngừng hay là không giao dịch"

Chính sách mới không có lợi
Hiện tại, cả nước có khoảng 10,000 cửa hàng vàng được cấp phép và đang kinh doanh, trong đó có 8 thương hiệu vàng miếng có tên tuổi đang lưu thông trên thị trường. Nếu hoạt động mua bán vàng của người dân cho nhu cầu giao dịch trước đây bị xem là bất hợp pháp và việc cấm đoán diễn ra trong một sớm một chiều, thì hẳn sẽ có nhiều hình thức đối phó và từ đó dễ dàng hình thành “chợ đen”.


“một khi có nhu cầu tồn tại trong xã hội thì việc cấm đoán sẽ không chấm dứt nhu cầu đó mà chỉ đẩy nhu cầu đó vào nền kinh tế bóng tối,
TS Lê Đăng Doanh
Chuyên gia Kinh tế, T.S. Lê Đăng Doanh nhận xét:


"Việc người ta có vàng khi cần thiết muốn bán muốn mua, theo tôi là một nhu cầu mà nếu cấm đoán chỉ làm cho hoạt động có nhu cầu này sẽ đưa vào bóng tối và làm cho tình hình sẽ phức tạp hơn. Bởi một khi có nhu cầu tồn tại trong xã hội thì việc cấm đoán sẽ không chấm dứt nhu cầu đó mà chỉ đẩy nhu cầu đó vào nền kinh tế bóng tối, nền kinh tế ngầm mà thôi. Việc chấm dứt đó thì không thể bằng cách cấm đoán được mà phải làm theo một lộ trình và trên cơ sở là giảm lạm phát và tăng niềm tin của người dân"


T.S Lê Đăng Doanh còn nhận định thêm rằng việc cấm hoàn toàn kinh doanh vàng miếng là không tưởng và việc coi vàng là tội đồ để mà trừng phạt nó sẽ không có lợi ích gì cả.


“Nếu tôi phải đóng thêm tiền này tiền nọ thì có thể tiền sẽ cao hơn và người dân sẽ phải chịu chứ không phải ai chịu.
Chủ tiệm vàng ở Đồng Nai

Theo lời người phụ trách tiệm vàng ở Đồng Nai nếu việc hạn chế giao dịch vàng miếng bị thắt chặt thì người gánh thiệt thòi chính là người mua, vì các tiệm vàng sẽ phải thêm các chi phí khác vào một sản phẩm họ bán ra. Anh cho biết:

"Người thiệt thòi không phải tiệm vàng mà là người dân vì khi cấm, thì chi phí đến tay người dân cao hơn thôi. Ví dụ nếu tôi mua bán dễ dàng, thì một lượng vàng tôi lãi 4,000. Nếu tôi phải đóng thêm tiền này tiền nọ thì có thể tiền sẽ cao hơn và người dân sẽ phải chịu chứ không phải ai chịu"

Với tính cách một phương tiện thanh toán có tính thanh khoản cao, vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân. Vì thế dự thảo nghị định về mua bán vàng miếng chắc hẳn sẽ có những tác động mạnh đến đời sống kinh tế, nhất là khi tập quán tồn trữ và giao dịch vàng vẫn còn ăn sâu trong lối suy nghĩ của mọi người. Từ dự thảo trở thành nghị định còn cần nhiều bước phê duyệt, nhưng thiết nghĩ để nền kinh tế sớm ổn định thì việc nghị định nhanh chóng có hiệu lực là điều mà mọi người rất mong chờ.

Không có nhận xét nào: