Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

'TQ vi phạm lãnh hải của VN rõ ràng và trắng trợn nhất'

Phỏng vấn Luật Sư Nguyễn Duy Chiến tại hội thảo An Ninh Biển Ðông

Hà Giang/Người Việt

WASHINGTON (NV) - Với tầm quan trọng của an ninh biển Ðông, từ Hà Nội đã có 3 diễn giả đến dự buổi hội thảo mang tên “An Ninh Hàng Hải Biển Ðông” do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức tại Washington vào hai ngày 20 và 21 tháng 6.

Luật Sư Nguyễn Duy Chiến - Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam thuyết trình tại buổi hội thảo “An Ninh Hàng Hải Biển Ðông” do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức tại Hoa Thịnh Ðốn vào ngày 21 tháng 6. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Ba diễn giả này thay phiên nhau trình bày lập trường của Việt Nam, và đề nghị những giải pháp và hướng đi để giải quyết tranh chấp. Bài diễn văn của Luật Sư Nguyễn Duy Chiến - Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam tạo được nhiều chú ý.

Hà Giang phỏng vấn Luật Sư Nguyễn Duy Chiến để tìm hiểu về hướng giái quyết của Việt Nam trước tranh chấp ngày càng căng thẳng này.

-Hà Giang (NV): Việc tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài đã từ lâu, nhưng đây lần này Việt Nam đã có phản ứng rất mạnh, khác với những lần trước. Luật sư có thể cho biết có phải nguyên do của phản ứng mạnh mẽ này một phần là vì Trung Quốc đã cắt dây cáp của tàu dò khí PetroVietNam cách đây ít lâu?

-LS Nguyễn Duy Chiến: Vâng, lý do là vì lần này Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Việt Nam rõ ràng và trắng trợn nhất, vì sự kiện đã xẩy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, mà cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều là thành viên đã phê chuẩn. Theo công ước đó, các nước ven biển có vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa rộng 200 hải lý tính từ bờ. Thế thì việc cắt cáp đó của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và cũng là vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc với Công ước Luật Biển năm 1982. Việc cắt cáp cũng không chỉ xẩy ra chỉ một lần, mà hai lần liên tiếp, ngay sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối.

-NV: Thưa luật sư, như vậy về mặt pháp lý, những biện pháp mà Việt Nam có thể dùng để đối phó với trường hợp này như thế nào?

-LS Nguyễn Duy Chiến: Theo đúng nguyên tắc pháp luật quốc tế hiện đại, trong đó có Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, thì khi mà có những tranh chấp giữa những quốc gia, thì các quốc gia có nhiệm vụ giải quyết bằng phương pháp hòa bình. Các hiện pháp hòa bình theo đúng hiến chương của Liên Hiệp Quốc thì nó gồm có những biện pháp là: đàm phán, môi giới, trung gian, hòa giải, và thậm chí là đưa ra tòa án quốc tế. Tức là có rất nhiều biện pháp để giải quyết. Việt Nam hiện đang sử dụng những biện pháp hòa bình này để tìm cách giải quyết vấn đề.

-NV: Trong trường hợp những biện pháp mà luật sư vừa nêu không đạt được kết quả, thì Việt Nam sẽ phải xoay xở ra sao thưa luật sư?

-LS Nguyễn Duy Chiến: Việt Nam chắc chắn sẽ bảo vệ quyền lợi của mình theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, và sẽ cố gắng thảo luận thêm với những quốc gia thành viên khác của ASEAN, để tìm giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc theo hướng đa phương. Hy vọng Trung Quốc sẽ nhận ra là những hành động vừa rồi của mình đang gây bất ổn cho Ðông Nam Á và thay đổi thái độ.

-NV: Thưa luật sư đa số các thành viên của ASEAN, trong đó có Việt Nam, muốn giải quyết theo phương pháp đa phương, trong khi Trung Quốc muốn giải pháp những tranh chấp một cách song phương, như vậy thì theo ông khuynh hướng nào sẽ thắng?

-LS Nguyễn Duy Chiến: Nó như thế này: Trong vấn đề biển Ðông thì có nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ khía cạnh duy trì hòa bình và ổn định ở biển Ðông, thì nó liên quan đến nhiều nước, thì rõ ràng phải là con đường đa phương, vì bản thân vấn đề là đa phương rồi. Vì vấn đề duy trì hòa bình và ổn định ở biển Ðông thì liên quan đến không những Việt Nam, Trung Quốc, mà còn của Philippines, Malaysia và của tất cả các nước trong khu vực, do đó rõ ràng nỗ lực chung của nhiều nước là cần thiết. Thế còn vấn đề tuyên bố thực hiện cái quy tắc ứng xử của các bên ở biển Ðông, mà tiếng Anh gọi là DOC (Declaration of Conduct), thì cái này cũng được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, thì bản thân như vậy là 11 nước đã cùng ký, thì văn kiện này là đa phương rồi, cho nên cũng cần sự hợp tác và nỗ lực của tất cả nhiều bên, chứ không phải là song phương giữa hai nước nào cả.

-NV: Theo luật sư thì những điều cam kết với nhau là phải giải quyết theo phương cách đa phương, nhưng trên thực tế, Trung Quốc vẫn cứ muốn giải quyết vấn đề theo phương pháp song phương, thì kết cục sẽ ra sao?

-LS Nguyễn Duy Chiến: Vâng, rõ ràng là tất cả 11 nước cam kết với nhau thì phải là đa phương rồi, và chuyện phải bàn bạc với tất cả các nước là chuyện bình thường rồi. Vấn đề Trường Sa cũng có nhiều nước liên quan, chỉ không thể riêng một nước nào bàn về Trường Sa với một nước khác. Chỉ riêng vấn đề Hoàng Sa, thì tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa thì chỉ liên quan đến hai nước Trung Quốc và Việt Nam là đúng, cho nên trong trường hợp Hoàng Sa thì có thể dùng biện pháp song phương, còn tất cả những tranh chấp khác thì phải chọn giải pháp đa phương. Tại sao Trung Quốc cứ muốn giải pháp mọi chuyện theo lối song phương thì bởi vì họ lớn, và dễ uy hiếp các nước đơn độc đối diện với họ. Như tôi đã giải thích lúc nãy, chính phủ Việt Nam sẽ dùng các biện pháp hòa bình như đàm phán, môi giới, trung gian, hòa giải, và thậm chí là đưa ra tòa án quốc tế nếu cần thiết. Việc Việt Nam tham dự cuộc hội thảo này cũng nằm trong hướng giải quyết hòa bình và đưa sự việc ra dư luận quốc tế đó.

-NV: Cảm ơn luật sư đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn.

Nguồn Người Việt.

Không có nhận xét nào: