Pages

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

‘Asean cần thống nhất lập trường về COC’


Các tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp
Các nước Đông Nam Á trong khối Asean cần cùng nhau soạn thảo một bản quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) trước khi tiến tới đàm phán với Trung Quốc, theo ý kiến của Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc tại một cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông.
Đây là hội thảo do Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 25 và 26/7 dưới chủ đề ‘Tranh chấp Biển Đông dưới góc nhìn dân sự’ – thu hút sự tham gia của hơn 50 học giả và nhà nghiên cứu từ nhiều nước, theo Thông tấn xã Việt Nam.


‘Sợ Trung Quốc bác’
Trong phần tham luận của mình tại hội thảo, GS Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam và tình hình Biển Đông, đã đề cập nhiều đến việc xây dựng COC.
Ông Thayer cho biết các nước Asean không mặn mà với việc tự soạn COC mà không thảo luận với Trung Quốc do họ lo sợ Bắc Kinh sẽ bác bỏ văn bản mà họ soạn thảo.
Ông đưa ra dẫn chứng là việc Asean đã ‘âm thầm bác bản thảo COC mà Indonesia soạn thảo’.
Theo ý của GS Thayer thì việc Asean ‘cứ chúi mũi vào việc đàm phán với Trung Quốc’ về COC trên Biển Đông’ là ‘một ưu tiên sai’.
“Việc đàm phán giữa Trung Quốc và Asean về COC đã dẫn đến việc Asean chia ra làm hai nhóm: có và không có tranh chấp,” ông phân tích.
“Điều này khiến cho Asean cực kỳ khó đạt được một lập trường chung trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng khác biệt giữa các nước Asean và kéo dài các cuộc đàm phán. Nhờ đó Trung Quốc có thêm thời gian để củng cố sự hiện diện và kiểm soát đối với các vùng biển và thực thể ở Biển Đông,” ông nói thêm.
GS Thayer nói rằng việc Trung Quốc đối đầu với Philippines tại bãi cạn Second Thomas và việc họ kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn tình trạng trên thực địa sẽ thay đổi đến mức các nước không thể làm gì được nữa trước khi đạt được thỏa thuận về COC.
“Asean cần tiến đến đạt sự đồng thuận về một dự thảo COC của chính mình để có một lập trường thống nhất trong các cuộc tham vấn với Trung Quốc,” ông đề xuất.

Các nước Asean thường rất chia rẽ trên các vấn đề về Biển Đông
Chuyên gia từ Học viện Quốc phòng Úc cho rằng các quan chức Asean nên được giao nhiệm vụ chỉnh sửa và cập nhật bản thảo của Indonesia thành bản thảo cuối cùng. Bản thảo này sau đó sẽ được trình lên các quan chức cấp cao rồi các vị bộ trưởng Ngoại giao để được phê chuẩn. Cuối cùng bản thảo sẽ được trình lên lãnh đạo các nước tại hội nghị thượng đỉnh Asean và cho lưu hành đến các nước đối tác của Asean để tìm kiếm sự ủng hộ.

Chung cho Đông Nam Á

Theo đề xuất của GS Thayer thì văn bản mang tính ràng buộc về pháp lý này sẽ là Quy tắc Ứng xử cho những vấn đề chung trên biển của Đông Nam Á chứ không đơn thuần chỉ là COC cho Biển Đông.
“Trước hết, an ninh trên biển ở khu vực Đông Nam Á là như nhau đối với tất cả các nước Asean dù là nước ven biển hay không có biển (như Lào). Một COC như thế sẽ giúp cho tất cả các nước Asean đều có vai trò như nhau. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng phân chia Asean thành hai nhóm có và không có tranh chấp trên Biển Đông,” ông giải thích.
“Thứ hai, luật pháp quốc tế, trong đó có Unclos, áp dụng như nhau đối với các vùng biển ở Đông Nam Á chứ không riêng gì Biển Đông. Viêc thông qua một bản Quy tắc ứng xử cho những vấn đề chung trên biển ở Đông Nam Á sẽ giúp củng cố tư cách pháp lý của Asean và tăng cường khả năng của họ đối phó với các cường quốc bên ngoài.”

GS Carl Thayer vừa tham dự một hội thảo về Biển Đông ở Việt Nam
Sau khi hoàn tất COC, theo GS Thayer, các nước cần bắt đầu đàm phán để giải quyết các tranh chấp tồn tại về vùng lãnh hải chồng lấn hay những tranh chấp chủ quyền với các thực thể trên biển.
“Các nước nên thống nhất một thời hạn để giải quyết để nếu sau thời hạn đó vẫn xử lý không được thì họ sẽ đưa ra trọng tài thuộc Hội đồng Cấp cao Asean hay tòa án được thành lập trong khuôn khổ của Unclos hay các cơ chế khác được cả hai bên đồng ý,” ông nói.
“Trong những trường hợp đặc biệt, các nước liên quan có thể đồng ý gạt qua một bên bất đồng vô thời hạn,” ông nói thêm.
“Bộ Quy tắc ứng xử nên có những điều khoản yêu cầu các nước hợp tác trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học biển, môi trường biển, quản lý ngư nghiệp, tìm kiếm cứu hộ, chống cướp biển.
Vì mục đích an ninh, chẳng hạn như chống cướp biển và tội phạm có vũ trang, lực lượng cảnh sát biển hay tuần duyên có thể phải trú đóng trên những thực thể trên biển. Lúc đó các nước cần đạt được thỏa thuận hợp tác.”

Không có nhận xét nào: