Pages

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Phạm Chí Dũng - Dấu hiệu về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Việt Nam?

Phạm Chí Dũng

Ngay sau khi nửa đầu năm 2014 vừa trôi qua, thị trường tín dụng Việt Nam đã lộ diện một ứng cử viên rất dồi dào cho triển vọng phá sản: Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (Agribank).


Tất cả đều “quán quân”

Tỷ lệ nợ xấu “siêu khủng” vượt cả vốn điều lệ, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm đến 89% vốn điều lệ, quá nhiều lỗ hổng trong quản trị ngân hàng mà đã dẫn đến hàng loạt sai phạm lớn tại một số chi nhánh,... là những huyệt đạo ung thư còn trên cả ác tính ở Agribank.

Nhưng phải mất đến 7 tháng tính từ cuối kỳ năm 2013, những số liệu về bản chất của Agrinbank mới được cơ quan kiểm toán nhà nước công bố. 

Khách hàng nhận tiền từ một ngân hàng ở Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức 13%. (Hình: Getty Images)

Chỉ tính đến thời điểm cuối năm 2013, nợ có khả năng mất vốn tại Agribank lên tới 23,652 tỷ đồng, chiếm đến 59.23% tổng dư nợ xấu và bằng đến 89% vốn điều lệ. So với vốn điều lệ là 29,605 tỷ đồng, tổng nợ xấu của Agribank lên tới xấp xỉ 40,000 tỷ đồng, tức cao hơn vốn điều lệ của ngân hàng này đến hơn 10,000 tỷ đồng.

Kết quả của cơ quan kiểm toán nhà nước cũng lần đầu tiên “tiết lộ” tỷ lệ nợ xấu của Agribank vào cuối năm 2013 là 8.16%, tăng đến 34.43% so với cùng kỳ năm 2011. Có thể xem đây là tỷ lệ quán quân nếu so với tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 7.8%.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng được cơ quan kiểm toán công bố mới chỉ dựa chủ yếu vào số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó và với tất cả những gì mà giới ngân hàng đã mặc nhiên thao túng dữ dội từ nhiều năm qua, ngay cả một số chuyên gia nhà nước cũng phải thốt lên “Không thể tin được!” khi chứng kiến số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại.


Không thể tin được!

Khác biệt rất nhiều báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, một con số của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vào tháng 2, 2014 đã cho biết tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam lên tới 13%.

Ngay từ giữa năm 2001, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín khác trên thế giới là Fitch Ratings cũng đã công bố tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam là 13%.

Trong khi đó, số liệu công bố về tỷ lệ nợ xấu của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam luôn thấp hơn rất nhiều - dao động trung bình chỉ khoảng 5-6%. Cũng từ năm 2011 đến nay, Ngân Hàng Nhà Nước đã ít nhất 8 lần thông tin về tỷ lệ nợ xấu với vũ điệu nhảy múa của các số liệu là hết sức bất nhất, hoàn toàn thiếu căn cứ thuyết minh và quá kém độ tin cậy.

Gần đây nhất, Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình - người mà vào năm 2011 bị Global Finance, một tạp chí tài chính quốc tế có uy tín, xếp hạng là một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành kém nhất thế giới - vừa công bố tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Việt Nam “đã bất ngờ vượt hơn 4%.”

Nhưng với rất nhiều chuyên gia tài chính, hiện tượng tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến lại hầu như không bất ngờ. Thực trạng không thể phủ nhận là cho đến nay, đã gần như chưa có bất kỳ khoản nợ xấu nào được xử lý trọn vẹn. Trong khi công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) chỉ mới mua được khoảng 10% số nợ xấu của cá ngân hàng thương mại nhưng lại chưa biết bán lại cho ai, nợ xấu cộng lãi vẫn đều đặn tăng tiến.

Hơn 70% nợ xấu thuộc về thị trường bất động sản. Thị trường này lại không chỉ thuộc về con nợ doanh nghiệp nhà đất mà còn đang ngày đêm siết bóp buồng tim các ngân hàng ôm nợ. Hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp và một tỷ lệ lớn phân khúc căn hộ trung cấp đang tồn đọng chưa có lối thoát ở Hà Nội, Sài Gòn và Ðà Nẵng vẫn là cơn ác mộng “một buổi sáng thức giấc không nợ nần” của nhiều đại gia.

Mới đây, một đại gia bất động sản có tiếng ở Ðà Nẵng đã phải tự bắn vào đầu mình để chấm dứt kiếp nạn nợ nần và phá sản.


“Rất rủi ro”

Agribank lại là cái tên không thể thiếu trong danh sách những ngân hàng ôm nợ xấu bất động sản. Từ giữa năm 2011, ngân hàng này đã lộ dần dấu hiệu nợ xấu bất động sản dâng cao vời vợi. Cũng từ đó và khó có thể xem là mối trùng hợp ngẫu nhiên, hàng loạt vụ bê bối tài chính đã xảy ra ở Agribank. Cho đến nay, ngân hàng này đã đương nhiên chiếm giải quán quân trong hệ thống ngân hàng về số quan chức bị bắt và bị truy tố.

Vào tháng 1 năm 2013, ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank, đã bị bắt với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại 3,900 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Ðúng một năm sau, cơ quan công an lại bắt giam Kiều Trọng Tuyến, nguyên phó tổng giám đốc Agribank, với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền lên tới 3,900 tỷ đồng.

Cũng còn những vụ đại án liên quan đến Agribank đưa ra xét xử là sai phạm tại công ty cho thuê tài chính II, khi có đến 11 bị cáo trong vụ án này bị truy tố. Hoặc vụ án với 11 bị can bị đề nghị truy tố liên quan đến vụ thất thoát hơn 1,000 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh 6 TP. HCM...

Với mọi “giải quán quân” mà Agribank cầm chắc trong tay, bài toán tài chính quốc gia đang lộ diện: vấn đề và hậu quả của Agribank sẽ ra sao, ứng với quy mô tài sản trên 600,000 tỷ đồng và quy mô tín dụng trên 500,000 tỷ đồng - đứng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Cho đến lúc này, giới chuyên gia ngân hàng đã hầu như đoan chắc: nếu Agribank có “mệnh hệ” gì, số phận của nó sẽ tác động lớn, thậm chí là ghê gớm đến thị trường tín dụng.

“Riêng Agribank nếu không rốt ráo cơ cấu lại thì rất rủi ro” - Kiểm toán trưởng của cơ quan kiểm toán nhà nước Phạm Thanh Sơn thừa nhận.

Ðã đến lúc giới điều hành tín dụng của chính phủ không thể ém nhẹm được vụ việc và có thể sẽ là “vụ án” Agribank. Vượt hơn nhiều so với nhiều ngân hàng “bạn,” ngân hàng này sở hữu mối quan hệ sở hữu chéo được coi là chồng lấn và khủng khiếp. Sẽ không ngạc nhiên nếu Agribank sụp đổ, hiệu ứng domino của nó sẽ lan rộng ra rất nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng.


Ai sẽ mất ngủ?

Còn điều được coi là “trách nhiệm điều hành tín dụng” của Ngân Hàng Nhà Nước và cá nhân Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình?

Nếu vào năm 2012 ông Bình rất tự tin “sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ”, còn báo chí gần như bị cấm không được đề cập đến những dấu hiệu đổ vỡ của ngân hàng, thì từ đầu năm 2014, hiện tượng có vẻ khá lạ lùng là từ “đổ vỡ” còn được chính Ngân Hàng Nhà Nước nhắc đến. Và cũng không phải vô cớ mà Quốc Hội Việt Nam đã mau chóng thông qua Luật Phá Sản sửa đổi, trong đó dành hẳn một chương cho việc tiễn biệt các tổ chức tín dụng ngắc ngoải.

Nếu vào năm 2012, tất cả những gì mà Ngân Hàng Nhà Nước muốn làm chỉ là “tái cấu trúc hệ thống ngân hàng,” thì dường như cơ quan này đã “buông” vào năm 2014 với “quyết tâm”: chỉ cần duy trì 15-17 ngân hàng trong tổng số hơn 30 ngân hàng hoạt động hiện thời.

Thế nhưng, vẫn chưa có bất kỳ đường hướng hay kể cả chiến thuật xử lý nào cho cơn băng hoại đang lan ra với gia tốc ngày càng mạnh mẽ. Không một ngân hàng lớn nào muốn “ôm” nợ xấu của các ngân hàng nhỏ, trong khi nếu không ghép được ngân hàng “yếu kém” vào ngân hàng “lành mạnh” thì sẽ chẳng còn gì là biện pháp hữu hiệu nữa.

Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu chính Agribank - nằm trong nhóm ngân hàng lớn nhất và được coi là nhóm lợi ích có mối liên can sâu đậm nhất với một số chính khách nào đó - trở nên vô phương cứu chữa. Khi đó, không chỉ các ngân hàng lớn buộc phải “cứu” Agribank, mà chắc chắn Ngân Hàng Nhà Nước và có thể cả Bộ Chính Trị sẽ phải mất ngủ với ca bệnh quá nan giải này. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 6, 2014, Ngân Hàng Nhà Nước đã có một cuộc “thay máu” gần như toàn diện dàn lãnh đạo cấp cao của Agribank.


Cuối năm khủng hoảng ngân hàng?

Vào nửa đầu năm 2007, Nouriel Roubini - người được biệt danh là “tiến sĩ tận thế” - bắt đầu nói thẳng thừng về mối nguy lớn đối với ngân hàng khổng lồ Lehman Brothers của nước Mỹ. Tuy nhiên chẳng mấy người tin vào dự báo của ông. Nhưng đến tháng 10, 2007, Lehman Brothes bất chợt sụp đổ ngay trước mũi chính phủ Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng tài chính nước Mỹ lập tức khởi sự và lan ra một phần lớn các quốc gia phát triển.

Không thể coi Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt vào thời gian này và trong bối cảnh được xem là hết sức “nhạy cảm” hiện nay. Người ta đang chờ đợi những dấu hiệu tan vỡ đầu tiên của một ngân hàng đầu tiên, để từ đó dự đoán hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với kịch bản khủng hoảng như thế nào, có thể xảy ra vào ngay cuối năm nay và cho cả những năm tới.

Agribank là cái tên ưu tiên hàng đầu cho những dấu hiệu đầu tiên đó. Nhưng có vẻ không chỉ là dấu hiệu, mọi sự đã trở nên nguy hiểm và cấp tính. Kịch bản cần nêu ra lúc này là nếu không chỉ Agribank mà còn vài ba cái tên khác bị trôi vào danh sách “tử thần,” ngay cả Ngân Hàng Nhà Nước cũng phải bó tay, còn nền kinh tế Việt Nam, vốn đã tuột chân xuống hố suy thoái, sẽ điêu đứng đến mức nào.

Phạm Chí Dũng

( Người Việt )

Không có nhận xét nào: