∇ Nghe Bài Này
|
Việc Trung Quốc quyết định rút giàn khoan dầu HD 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước thời hạn đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ đích thực của nước này sau hành động này. Bên cạnh đó là những câu hỏi là liệu phản ứng của Hoa Kỳ có thực sự tạo sức ép lớn lên hành động này của Trung Quốc. Đã có nhiều bài phân tích về hành động này của Trung Quốc. Chuyên gia về châu Á và Trung Quốc thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser, đưa ra những nhận định khác so với những phân tích từng được đưa ra trước kia.
Việt Hà: thưa bà, sau vụ Trung Quốc đặt giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam, nhiều chuyên gia quốc tế nói đến việc Hoa Kỳ phải có những động thái để cho Trung Quốc thấy hậu quả của họ phải gánh chịu nếu có những hành động đáng tiếc. Theo bà, những hậu quả gì mà Hoa Kỳ có thể cân nhắc đối với Trung Quốc trong những trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng trong khu vực?
Bonnie Glaser: Theo tôi đây là một thách thức không chỉ với Mỹ mà còn với các nước khác trong khu vực. Nhưng các bạn cũng biết là đây không phải là việc mà Mỹ có thể tự làm một mình. Đây là một việc đòi hỏi phải có chiến lược trong khu vực. Cho nên tôi nghĩ là các thành viên của ASEAN nên có nhiều hành động hơn với Trung Quốc và nên tạo ra những hậu quả đối với các hành động của Trung Quốc. Ví dụ như khả năng Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế tương tự như Philippines đã làm. Đây là điều mà tôi nghĩ là Hà Nội đang cân nhắc mặc dù chưa có quyết định. Nhưng tôi nghĩ là có nhiều điều mà ASEAN nên cố gắng làm để cho Trung Quốc thấy là những hành động mà họ làm đang gây lo ngại và gây mất ổn định. Cùng lúc đó, theo tôi, cũng còn cần phải có những khuyến khích tích cực mà ASEAN nên thử với Trung Quốc. Mỹ cũng nên tích cực hơn với Trung Quốc.
Tôi nghĩ là các thành viên của ASEAN nên có nhiều hành động hơn với Trung Quốc và nên tạo ra những hậu quả đối với các hành động của Trung Quốc. Ví dụ như khả năng Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế tương tự như Philippines đã làm.<Bonnie Glaser
Thực tế là Hoa Kỳ đã để Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương đang diễn ra, theo tôi, là một khuyến khích tích cực. Nếu TQ có hành động đóng góp vào ổn định và có nỗ lực hợp tác vì an ninh, thì đó là điều tốt. Tuy nhiên tôi không nghĩ là Trung Quốc nên được bao gồm vào các hoạt động này nếu họ làm mất an ninh khu vực…. Trung Quốc đã lo ngại về tiếng tăm quốc tế của họ trong quá khứ, nhưng theo tôi bây giờ họ không lo ngại nhiều như thế nữa. Vì vậy cần phải có những hậu quả thực sự, có thể là một số hậu quả về kinh tế. Chúng ta đã thấy trường hợp của Trung Quốc và Nhật là ví dụ. Đầu tư mới của Nhật vào Trung Quốc trong 6 tháng qua đã giảm xuống còn 50% so với năm ngoái. Có nhiều lý do cho điều này nhưng một trong những lý do là do sự xuống dốc của quan hệ chính trị. Ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Trung Quốc phải chú ý và đó là điều họ không muốn. Cho nên chúng ta cần phải có cách nghĩ sáng tạo là làm cách nào để thu hút sự chú ý của họ và đưa ra những khuyến khích bên cạnh những hậu quả khi Trung Quốc chỉ quan tâm đến quyền lợi của họ mà quên mất của người khác.
Việt Hà: việc Hoa Kỳ rỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam theo một số chuyên gia có thể là một ví dụ mang tính biểu tượng cho Trung quốc thấy hậu quả do hành động của họ. Bà có nhận xét gì về điều này?
Bonnie Glaser: Tôi không biết về khả năng mà Hoa Kỳ sẽ rỡ bỏ lệnh cấm vận này, nhưng tôi không nghĩ là Hoa Kỳ nên làm trừ khi Việt Nam thực sự muốn. Nói theo cách khác điều này không nên chỉ là tính biểu tượng. tôi không biết về thực tâm muốn mua vũ khí của Hà Nội. Nếu Việt Nam thực sự muốn thì tôi nghĩ là Hoa Kỳ nên bỏ lệnh cấm… Với Việt Nam đây cũng là một câu hỏi mang tính chính trị. Tức là liệu họ có muốn phải chịu những hậu quả có thể xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc khi họ mua vũ khí từ Mỹ. Đây là một tranh luận đang diễn ra ở Việt nam liên quan đến khả năng Việt Nam mở rộng quan hệ an ninh với Mỹ.
Việt Hà: nền kinh tế Mỹ cũng có những lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, liệu khi Hoa Kỳ cân nhắc những hậu quả với Trung Quốc thì điều này có ảnh hưởng thế nào tới quyền lợi của Mỹ?
Lý do mà họ dịch chuyển giàn khoan một phần do thời tiết, đó là mùa bão, một phần là vì hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN sắp tới và thực tế là Trung Quốc không muốn phải đối mặt với những chỉ trích từ những người tham gia cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giaoBonnie Glaser
Bonnie Glaser: nó phụ thuộc vào hậu quả nào, cần phải biết cụ thể là gì để có thể phân tích được vấn đề này. Có những vấn đề trong quan hệ song phương khi Mỹ cố gắng áp đặt những hậu quả, ví dụ như trường hợp Trung Quốc dùng tình báo mạng để ăn cắp các bí mật thương mại từ Mỹ. Trên thực tế sự trả đũa từ Trung Quốc có thể là có nhiều ảnh hưởng xấu lên Hoa Kỳ và lợi ích về kinh tế của Mỹ hơn là những cấm vận từ Mỹ áp dụng với các sĩ quan của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Cho nên vấn đề này cần phải được xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận. Cho đến giờ phần lớn hậu quả mà chúng ta thấy là chỉ tên và làm cho mất mặt. ASEAN có một thông báo riêng rẽ nêu quan ngại về ứng xử trên biển Đông nhưng không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng tất cả đều biết đó là Trung Quốc vì nó xảy ra ngay sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu. Những hành động đó có lợi và quan trọng nhưng chưa đủ.
Hợp tác phát triển chung là một ý tưởng tốt nhưng câu hỏi là ở đâu. Tôi nghĩ là Việt Nam không muốn có hợp tác phát triển chung trong vùng 200 hải lý EEZ (đặc quyền kinh tế) của mình. Việt Nam sẽ chỉ muốn hợp tác phát triển chung ở khu vực mà họ nghĩ là đang tranh chấpBonnie Glaser
Việt Hà: theo bà, sức ép của Mỹ có tầm quan trọng thế nào trong việc Trung Quốc rút giàn khoan trước thời hạn?
Bonnie Glaser: tôi không nghĩ là nó có chút ảnh hưởng nào. Tôi nghi ngờ là vấn đề này đã được nêu ra trong cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Cuộc nói chuyện đó chính là về Iran và nó không phải về Việt Nam hay vụ giàn khoan. Nó có một phần về Bắc Triều Tiên. Theo tôi thì sức ép từ Mỹ không có chút quan trọng gì. Tôi nghĩ lý do mà họ dịch chuyển giàn khoan một phần do thời tiết, đó là mùa bão, một phần là vì hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN sắp tới và thực tế là Trung Quốc không muốn phải đối mặt với những chỉ trích từ những người tham gia cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao (ARF), mà họ biết là sắp xảy ra. Thứ ba là Trung Quốc vẫn có thể kéo cái giàn khoan đó lại bất cứ lúc nào. Bằng cách dịch chuyển giàn khoan ra sớm họ gửi cho Việt Nam một tín hiệu là Trung Quốc muốn tham gia vào hoạt động khai thác phát triển chung với Việt Nam. Nếu Việt Nam đồng ý làm vậy thì quan hệ hai nước sẽ tốt hơn. Nếu Việt Nam từ chối thì Trung Quốc có một cây gậy dơ lên trên đầu Việt Nam, họ sẽ vẫn cứ vào khu vực khai thác đơn phương, và họ sẽ tiếp tục làm nghiên cứu và phát triển ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ họ đang dùng cách này để gây sức ép lên Việt Nam.
Việt Hà: bà nhận xét thế nào về khả năng Việt Nam tham gia hợp tác phát triển chung với Trung Quốc?
Bonnie Glaser: Theo tôi thì hợp tác phát triển chung là một ý tưởng tốt nhưng câu hỏi là ở đâu. Tôi nghĩ là Việt Nam không muốn có hợp tác phát triển chung trong vùng 200 hải lý EEZ (đặc quyền kinh tế) của mình. Việt Nam sẽ chỉ muốn hợp tác phát triển chung ở khu vực mà họ nghĩ là đang tranh chấp. Theo tôi khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan chỉ là vùng tranh chấp nếu anh thừa nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Việt Nam không công nhận điều này. Vì vậy vùng nước này vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dù nó là phần kéo dài từ bờ biển hay từ quần đảo Hoàng Sa. Tôi nghĩ ý tưởng về hợp tác phát triển chung là hay nhưng câu hỏi đặt ra là ở đâu. Trung Quốc dường như thích tìm kiếm việc hợp tác phát triển chung trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ bờ biển.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét