Trong phiên tòa 5 ngày tại tỉnh Phú Yên, miền Trung Việt Nam, từ mùng 29 tháng 1 đến mùng 4 tháng 2 năm 2013, 22 người thuộc tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” bị kết án từ 10 năm tù đến chung thân với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Sáng lập viên là ông Phan Văn Thu tức Trần Công, sinh năm 1948, một cựu tù nhân cải tạo bởi quá khứ Việt Nam Cộng Hòa, lãnh án cao nhất – chung thân. Ông là người lập ra giáo phái này, theo đạo lý nhà Phật, ở vùng Tuy Hòa, Phú Yên từ năm 1969.
“Đại Đạo Ân Đàn Bửu Tự Kim Linh Thân Việt Nam”, gọi tắt là “Ân Đàn Đại Đạo”, pha trộn tín ngưỡng Tịnh Độ tông và niềm tin vào sấm lý Bạch vân thi tập của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – cùng thời với Nostradamus – được viết vào năm 1552 có tính tiên tri về các biến cố chính trị của dân tộc Việt Nam trong khoảng 500 năm (từ 1509 đến 2019).
21 người còn lại, phần đông đã ngoài tuổi 60, bị lãnh án từ 10 đến 17 năm tù : Lê Duy Lộc và Vương Tấn Sơn : 17 năm – Võ Thành Lê, Đoàn Đình Nam, Võ Ngọc Cư, Tạ Khu, Nguyễn Kỳ Lạc, Từ Thiện Lương và Võ Tiết : 16 năm – Lê Phúc : 15 năm – Phan Thành Ý, Nguyễn Dinh và Đoàn Văn Cư : 14 năm – Trần Phi Dũng và Đỗ Thị Hồng : 13 năm – Trần Quân, Nguyễn Thái Bình, Lê Trọng Cư, Lê Đức Động và Lương Nhật Quang : 12 năm – Phan Thành Tường : 10 năm. Họ bị bắt từ ngày 5 tháng 2 năm 2012 và đều phải chịu quản thúc tại địa phương 5 năm sau khi mãn tù.
Theo tin giờ chót, vào ngày 18 tháng 7 năm 2014, Tòa án Phú Yên xét xử thêm 3 người, nâng tổng số tù nhân cùng vụ thành 25 người : Nguyễn Văn Hữu 4 năm tù, Trần Nhân và Nguyễn Văn Minh 3 năm tù.
Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân được ký vào ngày 28 tháng 9 năm 2012, những người trong vụ án này bắt đầu hoạt động từ năm 2003 đến lúc bị bắt, tại Khu du lịch sinh thái Đá Bia, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Tổ chức được cho là có gần 300 thành viên rải rác ở các tỉnh miền Trung và khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long bị cáo buộc “núp bóng doanh nghiệp du lịch để thực hiện ngấm ngầm chiến dịch diễn biến hòa bình, chống phá Cách mạng, âm mưu lật đổ chế độ và thành lập quốc gia mới”.
Báo chí trong nước không cung cấp nhiều thông tin về tổ chức mà chính quyền quy là “phản động” trong khi các nguồn tin khác cho thấy đây chỉ là một nhóm hoạt động tôn giáo.
Trong thực tế, như được nêu trong “Đơn Xin Minh Xét” của tù nhân và gia đình vào ngày 9 tháng 10 năm 2012, những bị cáo thuần túy là những người tu học đã góp phần xây dựng Khu Du Lịch Sinh Thái Đá Bia thành cơ sở tôn giáo.
Giáo lý đạo Phật là căn bản để họ tu tập về đạo lý làm người, chuyển hóa thân tâm, góp phần ổn định gia đình, xã hội an lành, hạnh phúc. Những “tài liệu xuyên tạc” tịch thu được trong lúc khám xét mà cơ quan an ninh sử dụng để buộc tội họ là Sấm Trạng Trình và các bài thuyết giảng đạo lý.
Cũng như quốc gia mới “Đại Nam Kinh Châu” là được đọc trong Sấm, nói đến một nước Việt Nam sau này tốt đẹp hơn.
Chủ thuyết Công bản của ông Trần Công được hiểu Công là chung, Bản là gốc, gốc của cái chung tức là sự công bằng cho cái chung.
Vì những chứng cớ đưa ra không có sức thuyết phục, dư luận đi đến kết luận rằng đây chỉ là một vụ án hình sự trá hình, mục tiêu ẩn là tước đoạt tài sản của Bia Sơn. Và nhân đó, nhà cầm quyền răn đe làm gương cho những ai có ý lập hội ngoài đảng hay kinh doanh thành công mà không thông qua thủ tục hối lộ.
Được biết, địa điểm này được các đồng đạo góp công, góp của trong gần 20 năm để khai phá và xây dựng thành một khu du lịch sinh thái gần 50 ha, với trên 60 công trình kiến trúc được xây dựng rải rác trên các triền núi, thu hút nhiều du khách, trị giá nhiều triệu Mỹ kim. Vì được cho là căn cứ địa của một tổ chức phản động, sau khi các thành viên điều hành và nhân viên bị bắt, khu du lịch đã bị phong tỏa và từ nay thuộc về quyền quản lý của Nhà nước.
Theo đài VOA cho biết, vào ngày 12 tháng 11 năm 2012, Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang đã ra lệnh khen thưởng Công an tỉnh Phú Yên 50 triệu đồng về thành tích “triệt phá tổ chức âm mưu phản động” này.
30 tháng 7 năm 2014
Vietnam Human Rights News
vietnamhumanrightsnews@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét